Vi khuẩn Salmonella – vi khuẩn gây bệnh thương hàn
1. Vi khuẩn Salmonella là gì?
Vi khuẩn Salmonella là vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày – ruột. Thông thường những bệnh do vi khuẩn Salmonella sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên cũng có những trường hợp nặng hơn thậm chí xuất hiện những biến chứng và cần điều trị đặc biệt. Bệnh phổ biến nhất do vi khuẩn này gây ra là bệnh thương hàn nên vi khuẩn này còn được gọi là vi khuẩn thương hàn.
Vi khuẩn Salmonella có trên 2500 chủng, tuy nhiên chỉ có hai chủng thường gây bệnh ở người gồm S.typhi (gây bệnh sốt thương hàn) và S.paratyphi (gây bệnh sốt phó thương hàn).
2. Vi khuẩn Salmonella nhiễm vào cơ thể bằng cách nào?
Vi khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều động vật như gà, chó, mèo,… Vì vậy nó có thể nhiễm vào nhiều thực phẩm như thịt, trứng, sữa,… Nếu các thực phẩm này được nấu chín trước khi sử dụng thì đa số vi khuẩn sẽ bị chết. Tuy nhiên nếu sử dụng sống hoặc chế biến chưa đúng cách chúng có thể xâm nhập vào cơ thể.
Sử dụng thức ăn chưa chín có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể
Chó mèo cũng là tác nhân gây truyền nhiễm. Nếu chó, mèo mang vi khuẩn mà bạn tiếp xúc với chúng, sau đó lại đưa tay lên miệng thì vi khuẩn có thể theo đường tiêu hóa xuống dạ dày và gây ra bệnh thương hàn. Ngoài ra, những người mang bệnh cũng là nguyên nhân lây bệnh nếu không vệ sinh đúng cách.
Vi khuẩn có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi và đa số đều có thể tự khỏi, tuy nhiên những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc hơn và cũng có khả năng cao gặp những triệu chứng nghiêm trọng:
– Trẻ em.
– Người cao tuổi.
– Người suy giảm miễn dịch.
– Người có bệnh mạn tính về ống tiêu hóa.
Cần tạo thói quen ăn chín, uống sôi, hạn chế tiếp xúc các yếu tố gây bệnh để phòng bệnh hiệu quả.
3. Triệu chứng khi cơ thể nhiễm khuẩn Salmonella
Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ 12 – 72 giờ, bệnh nhân thường có những biểu hiện như:
– Tiêu chảy: Đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, màu vàng nâu, mùi rất khắm, trong phân đôi khi có nhầy máu.
– Sốt cao trên 39 độ C và sốt liên tục.
– Đau bụng, co thắt dạ dày.
– Nhiễm độc thần kinh (đau đầu, nói ngọng, mất ngủ,…).
Tiêu chảy là dấu hiệu cảnh báo nhiễm vi khuẩn Salmonella
Tiêu chảy kéo dài còn gây ra tình trạng mất nước. Nếu gặp tình trạng này hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác bệnh và nhận được sự giúp đỡ của các nhân viên y tế. Biểu hiện của tình trạng mất nước thường gồm:
– Trẻ em:
+ Tiểu ít.
+ Khô miệng, lưỡi, môi.
+ Tinh thần uể oải, mệt mỏi.
+ Nặng hơn có thể dẫn tới: Chân tay lạnh, thở nhanh, sâu, da nhợt nhạt.
– Người lớn:
+ Môi, miệng, lưỡi khô.
+ Nhịp tim nhanh.
+ Mất năng lượng, tinh thần uể oải.
+ Tiểu rất ít.
+ Trong một vài trường hợp nặng bệnh nhân có thể dẫn tới hôn mê.
4. Một vài biến chứng có thể xảy ra khi nhiễm khuẩn Salmonella
Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và để lại một vài biến chứng nguy hiểm như:
– Mất cân bằng nước và điện giải: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. Nếu bệnh nhân đi ngoài hoặc nôn mửa quá nhiều mà không được bù nước và điện giải, có thể xảy ra tình trạng tụt huyết áp. Ngoài ra việc giảm thể tích tuần hoàn cũng làm giảm lượng nước qua thận dẫn đến tổn thương thận. Tình trạng này đặc biệt hay gặp ở người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
– Lan rộng nhiễm trùng đến những phần khác của cơ thể gây nên những biến chứng như viêm cơ tim, viêm não,… có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, cũng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh ra người xung quanh.
– Ngoài ra nếu để tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn tới thủng dạ dày – ruột, xuất huyết tiêu hóa.
Tiêu chảy nhiều có thể khiến cơ thể mất nước và điện giải
5. Khi nào thì nên tới gặp bác sĩ
Hầu hết bệnh nhân nhiễm khuẩn đều có thể tự hồi phục sau khoảng 4 – 7 ngày. Tuy nhiên nếu bệnh tình có những chuyển biến xấu bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị. Cụ thể như:
– Tiêu chảy, nôn mửa kéo dài và nghi ngờ mất dịch.
– Sốt cao, sốt liên tục trong thời gian dài.
– Cơ thể lờ đờ, có những cử chỉ, lời nói không minh mẫn.
– Đi ngoài, nôn ra máu.
– Đau bụng dữ dội mà không có chiều hướng thuyên giảm.
– Các triệu chứng ở mức nhẹ tuy nhiên kéo dài ngày mà không khỏi (> 7 ngày).
– Phụ nữ đang mang thai, người đang bị suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ < 1 tuổi.
6. Điều trị nhiễm khuẩn Salmonella
Hầu hết trường hợp nhiễm Salmonella đều có thể tự khỏi. Tuy nhiên những trường hợp nặng hoặc có biến chứng cần được đưa tới bệnh viện để có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Chủ yếu là trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai.
– Bù dịch để tránh mất nước: Nên khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước khi bị nôn và tiêu chảy nhiều. Tuy nhiên nên tránh sử dụng nước ngọt có ga hoặc nước trái cây đậm đặc vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
– Cố gắng ăn uống bình thường dù có xảy ra tình trạng nôn: Việc nôn và tiêu chảy khiến cơ thể bị mất năng lượng. Hãy động viên bệnh nhân cố gắng ăn nhiều bữa ăn nhẹ để cơ thể không bị quá kiệt quệ.
– Thuốc: Thuốc không được sử dụng nhiều trong các trường hợp bệnh, tuy nhiên trong một vài trường hợp tiêu chảy nặng bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân Loperamid để hạn chế tình trạng đi ngoài. Tuy nhiên tránh lạm dụng sử dụng thuốc vì nó có thể dẫn đến tình trạng táo bón sau khi khỏi bệnh.
Loperamide giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy, tuy nhiên lạm dụng sẽ gây ra táo bón
7. Phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn bạn cần:
– Thực hiện “ăn chín uống sôi”, tránh sử dụng những thực phẩm chưa được qua nấu chín như trứng, thịt. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể từ chế độ ăn.
– Vệ sinh cho động vật nuôi thường xuyên, tránh việc tiếp xúc với động vật nuôi sau đó đưa tay lên miệng.
– Rửa tay cẩn thận sau khi đi vệ sinh.
– Không sử dụng chung quần áo, khăn tắm với người khác.
– Tẩy rửa nhà vệ sinh thường xuyên, khi tẩy rửa cần đeo găng tay và nên sử dụng chất tẩy rửa, nước nóng để tẩy rửa.
Thực hiện ăn chín uống sôi giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella
Tóm lại tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella không quá nghiêm trọng, chủ yếu đều có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần mà không cần điều trị. Với những tình trạng nặng nên báo cho bác sĩ, các chuyên gia y tế hoặc tới cơ sở y tế để được điều trị. Chú ý thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, vệ sinh cơ thể, nhà cửa sạch sẽ để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Chúng tôi mong rằng qua bài viết trên, mọi người có thêm thông tin về bệnh để phòng và điều trị bệnh thương hàn hiệu quả, tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella.