Đau bụng kinh mỗi khi đèn đỏ
Đau bụng kinh luôn là nỗi lo lắng, thậm chí là khiếp sợ đối với các chị em mỗi khi bước vào kỳ kinh nguyệt. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tác động không nhỏ đến tâm trạng, cảm xúc,…trong những ngày đèn đỏ. Hãy đọc bài viết dưới đây để biết cách làm giảm đau bụng trong kỳ kinh nhé!
I. Thế nào là đau bụng kinh?
Trong kỳ kinh nguyệt, cơ trơn cổ tử cung có nhiệm vụ co thắt mạnh để tống máu kinh ra ngoài và đây chính là nguyên nhân gây nên đau bụng kinh. Hiện tượng này thường xuất hiện trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Thường gặp đau bụng dưới, có thể lan xuống vùng bẹn. Một số trường hợp đau âm ỉ, chỉ có cảm giác hơi khó chịu nhưng cũng có những trường hợp đau dữ dội, thậm chí có thể ngất đi vì đau.
Tử cung co thắt gây đau bụng kinh
II. Phân loại các trường hợp đau bụng kinh
1. Đau bụng kinh nguyên phát
Đau bụng kinh nguyên phát hay còn gọi là đau bụng kinh sinh lý. Tức là, cảm giác đau trong trường hợp này do các cơn co bóp tử cung gây nên. Trong suốt kỳ kinh nguyệt, tử cung có nhiệm vụ co bóp để đẩy các lớp niêm mạc đã bị bong tróc, hoại tử ra khỏi cơ thể, từ đó tạo nên máu kinh.
Khi co bóp, lượng máu và oxy đến các mạch máu ở tử cung bị hạn chế. Điều này đã kích thích cơ thể sản sinh ra các chất trung gian hóa học gây đau.
Đau bụng kinh sinh lý thường sẽ giảm nhẹ ở phụ nữ có tuổi, đặc biệt là sau khi có con.
2. Đau bụng kinh thứ phát
Đau bụng kinh thứ phát thường ít gặp hơn. Nguyên nhân là do bệnh lý gây nên, bao gồm:
– Lạc nội mạc tử cung: Nội mạc tử cung thường nằm bên trong tử cung nhưng khi có bất thường lại phát hiện ở những vị trí khác như buồng trứng, vòi trứng…
– Dính nội mạc tử cung.
– Lạc tuyến nội mạc tử cung: Các tế bào vốn thuộc lớp nội mạc tử cung nay lại phát hiện thấy ở lớp cơ tử cung, gây ra đau bụng kinh thứ phát.
– U xơ tử cung.
– Ung thư tử cung.
– Viêm vùng chậu gây tổn thương đến các cơ quan như tử cung, buồng trứng,…
– Dụng cụ phòng tránh thai.
III. Các cách làm giảm đau bụng kinh
Tình trạng và mức độ đau bụng kinh ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào thể trạng và cơ địa của họ. Để giảm thiểu các cơn đau bụng một cách hiệu quả, cần xác định chính xác loại đau bụng cũng như tình trạng bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp.
1. Đau bụng kinh nguyên phát
Chườm ấm hoặc tắm nước nóng
Giảm đau bằng cách sử dụng túi chườm, chai nước nóng hoặc dán cao, bôi dầu nóng. Điều này giúp điều hòa sự co thắt của tử cung, khí huyết lưu thông dễ dàng. Từ đó góp phần giảm cơn đau bụng.
Ngoài ra, tắm nước nóng cũng là một phương pháp giảm đau hiệu quả trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, bởi nó giúp cơ thể thư giãn, khoan khoái, có tác dụng như một liều thuốc giảm đau. Tuy nhiên các chị em không nên dùng nước quá nóng, vì có thể gây bỏng da.
Chườm ấm là phương pháp giảm đau bụng hiệu quả
Uống nước ấm
Phương pháp này khá đơn giản nhưng rất hiệu quả và không phải ai cũng biết. Việc uống nước ấm sẽ giúp thư giãn các cơ, giảm sự co bóp tử cung và cũng góp phần lưu thông máu đến các cơ quan dễ dàng hơn.
Massage, xoa bụng nhẹ nhàng
Thư giãn cơ bụng bằng cách massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới theo chuyển động tròn hoặc theo chiều kim đồng hồ. Đặc biệt, massage kết hợp với tinh dầu sẽ cho hiệu quả giảm đau rõ rệt.
Giảm đau bằng gừng tươi
Gừng từ lâu đã được coi là thần dược trong các trường hợp đau bụng, đặc biệt là đau bụng kinh. Do có tính ấm nên khi vào cơ thể sẽ giúp xoa dịu nhanh chóng cảm giác đau bụng.
Cách dùng: Giã nhỏ củ gừng, sau đó đắp thành lớp mỏng lên vùng bụng, khoảng 5-7 phút. Ngoài ra, uống trà gừng cũng đem lại hiệu quả rất tốt.
Gừng tươi là phương pháp giảm đau bụng kinh hiệu quả
Vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý
Một vài người cho rằng, khi đau bụng nên ngồi yên một chỗ, tránh vận động, đi lại vì sẽ làm tăng thêm cảm giác đau. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Việc vận động bằng cách thể dục, đi lại, đạp xe hoặc tập yoga nhẹ nhàng sẽ giúp cho cơ thể tăng tiết hormon Endorphin, mang lại các cảm xúc tích cực, giúp cải thiện đáng kể tâm trạng cũng như cảm giác đau.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp loại bỏ cơn đau hiệu quả. Bạn nên ăn những thức ăn giàu chất xơ và hạn chế dầu mỡ như trái cây, rau xanh, hạt ngũ cốc, socola đen, vitamin E, magie,…
Tránh ăn đồ ăn cay như hạt tiêu, ớt,… đồ ăn mặn, đồ uống có gas, cồn hoặc các chất kích thích như Cafein. Tránh đồ ăn có tính hàn hoặc đồ đông lạnh, nước lạnh,… Vì những loại thực phẩm này đều khiến cơ thể nhạy cảm với cơn đau hơn.
Vệ sinh vùng kín thường xuyên
Một trong các phương pháp quan trọng nhất trong những ngày đèn đỏ phải kể đến vệ sinh vùng kín. Vùng kín được vệ sinh sạch sẽ và thay băng vệ sinh thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa viêm nhiễm hoặc các bệnh phụ khoa do vi khuẩn gây nên.
Một điều cần lưu ý là không nên quan hệ tình dục trong những ngày kinh nguyệt vì có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hoặc mắc bệnh tình dục.
Tư thế nằm giảm đau
Một tư thế nằm phù hợp cũng khiến cơn đau được cải thiện đáng kể. Các tư thế nằm được các chuyên gia cho là khá hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh như tư thế bào thai, nằm ngửa kết hợp với xoa bụng,…
Tư thế nằm thích hợp giúp giảm đau bụng hiệu quả
Dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc tránh thai hàng ngày
Nếu cơn đau quá mức chịu đựng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt thì thuốc giảm đau hoặc thuốc tránh thai được coi là phương pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ đủ chuyên môn để có hiệu quả tốt nhất và tránh được tối đa các tác dụng phụ.
Dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc tránh thai hàng ngày giúp giảm đau bụng hiệu quả
2. Đau bụng kinh thứ phát
Với các trường hợp này, bạn cần đến cơ sở y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa để xác định được chính xác nguyên nhân gây đau bụng. Từ đó, có phương pháp điều trị thích hợp bởi bác sĩ.
Trên đây là toàn bộ các cách giảm đau bụng hữu hiệu nhất mà chị em có thể áp dụng cho những ngày đèn đỏ để cơ thể cảm giác dễ chịu, thoải mái hơn. Hy vọng với các biện phap trên, cơn đau không còn là ác mộng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.