Hắt hơi sổ mũi là một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Vì thế để chăm sóc tốt nhất cho bé, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ về nguyên nhân cũng như triệu chứng để có các biện pháp chữa hiệu quả và phòng ngừa tốt nhất.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị hắt hơi sổ mũi
Hắt hơi sổ mũi ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cần xem xét những biểu hiện, triệu chứng đi kèm để xác định chính xác. Có một số nguyên nhân đáng chú ý và cách phòng ngừa chúng như sau:
1.1 Nguyên nhân do lạnh
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, thường gây nên các triệu chứng ở trẻ như: chảy nước mũi kèm theo hắt hơi, đau họng, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, có thể kèm sốt hoặc không,…
Trẻ bị hắt hơi sổ mũi do lạnh
Theo Đông y, ở trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, nhạy cảm với những thay đổi thất thường của thời tiết. Do đó, trẻ nhỏ dễ bị cảm lạnh hơn so với người trưởng thành. Khi bị lạnh trong thời gian dài, có thể dẫn đến ho nặng, gây suy yếu tạng phế ở trẻ.
Điều quan trọng nhất trong trường hợp này là giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cho trẻ uống nhiều nước, sữa ấm góp phần tăng cường miễn dịch, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
1.2 Nguyên nhân do cảm cúm
Cảm cúm thường gây ra chảy nước mũi kèm theo sốt cao (có thể trên 38oC), trẻ còn tiêu chảy, nôn trớ, chán ăn. Trong trường hợp này, cần chú ý ngăn cản các tác nhân virus từ môi trường bên ngoài cùng với tăng cường nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ cũng cần được giữ yên tĩnh, nghỉ ngơi nhiều hơn.
Trẻ sổ mũi hắt hơi do cảm cúm
1.3 Nguyên nhân do dị ứng
Bé thường hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nước mắt, có thể kèm ho, ngứa mũi, ngứa mắt,… Các yếu tố gây dị ứng bắt nguồn từ môi trường ngoài, xâm nhập gây hại cho cơ thể trẻ thông qua các cơ quan nhạy cảm (mắt, mũi). Bởi lẽ trẻ chưa được hoàn thiện về hệ thống miễn dịch, sức đề kháng như ở người lớn.
Trẻ hắt hơi sổ mũi do dị ứng
1.4 Nguyên nhân do viêm xoang
Viêm xoang gây ra trạng thái ho nhiều, liên tục cả ngày lẫn đêm, kèm sổ mũi, đau một bên mũi hoặc cả đau xương gò má, sốt nhẹ. Cách tốt nhất để phòng ngừa là vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên, hàng ngày. Đây tuy là một việc làm đơn giản nhưng rất hữu ích trong việc loại bỏ các nguy cơ gây bệnh tai, mũi, họng.
Trẻ sổ mũi hắt hơi do viêm xoang
2. Chữa hắt hơi sổ mũi cho trẻ tại nhà như thế nào?
Hiện tượng chảy nước mũi quá nhiều khiến bé cảm thấy khó chịu, tùy từng tình trạng mà gây giảm đáng kể lưu lượng khí lưu thông trong đường hô hấp. Vì thế ngay khi xuất hiện các triệu chứng sổ mũi hắt hơi, trẻ cần được can thiệp để chữa khỏi kịp thời, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
2.1 Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ
Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho trẻ
Khi nước mũi trẻ trắng trong, các bậc cha mẹ có thể tự mình chữa cho trẻ tại nhà bằng cách dùng nước muối sinh lý 0,9%. Tiến hành tuần tự các bước sau để đạt được hiệu quả tốt nhất:
– Trước tiên, ngâm cả lọ nước muối vào nước đã được làm ấm. Chú ý dùng tay cảm nhận, không nên ngâm nước quá nóng.
– Đặt bé nằm ngửa trên bàn tay, sao cho đầu thấp hơn phần thân dưới.
– Nhỏ nước muối sinh lý đã chuẩn bị ở trên vào mũi trẻ theo từng giọt. Ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, chỉ nên dùng lượng khoảng 2-3 giọt. Trẻ lớn hơn có thể tăng lên 4-5 giọt.
– Để yên khoảng 30 giây, nước muối thấm dần vào giúp làm loãng chất nhầy đặc bám trong hốc mũi.
– Làm sạch hốc mũi:
+ Các bé đã lớn, có thể tự xì mũi thì cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách xì mũi vầ vệ sinh mũi sau đó.
+ Trường hợp trẻ nhỏ không xì mũi được, phụ huynh hãy dùng bóng hút để hút đờm loãng, nhớt từ hốc mũi ra ngoài. Tiến hành dùng tay bóp xẹp bóng hút rồi giữ như thế đưa đầu hút vào trong cửa mũi. Lấy tay còn lại bịt lỗ mũi bên kia rồi đột ngột buông bóng phình ra. Khi đó, nhờ áp lực từ bóng, đờm nhớt trong hốc mũi sẽ được hút vào.
Bóng hút mũi cho trẻ
– Rửa bóng hút mũi: Bóp mạnh đờm trong bóng xì vào 1 khăn sạch. Tiếp tục thực hiện với hốc mũi còn lại. Sau khi xong, tiến hành hút xả bóng hút nhiều lần dưới vòi nước sạch và cất giữ cẩn thận đảm bảo không nhiễm bụi bẩn.
– Nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ như thế mỗi ngày từ 4-5 lần hoặc hơn cho tới khi trẻ không còn nghẹt mũi, sổ mũi.
Cần lưu ý đặc biệt khi thực hiện thao tác này: Nếu cha mẹ dùng tay bịt 2 bên mũi để xì mũi cho trẻ thì sẽ làm tăng đột ngột áp lực vào mũi, có thể gây tổn thương đến niêm mạc mũi và các bộ phận liên quan khác. Đồng thời, giấy hoặc khăn sử dụng để xì mũi phải là mềm và sạch.
2.2 Một số biện pháp khác
Khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi kèm theo sốt cao, cần sử dụng thêm các loại thuốc có tác dụng hạ sốt để giảm nhanh triệu chứng. Ngoài ra, có thể áp dụng đồng thời thêm các phương pháp sau đây để nâng cao hiệu quả chữa trị cho trẻ:
– Nên cho trẻ uống nhiều nước, sữa, súp, nước trái cây, hoặc các loại thức ăn dạng lỏng để cung cấp nước, giúp dịch mũi lỏng hơn và dễ làm sạch hơn. Nếu trẻ đang bú mẹ, cần lưu ý chế độ ăn của người mẹ tránh nhiều dầu mỡ, chất béo.
Cho trẻ uống nhiều nước, sữa
– Tắm và kết hợp xông hơi cho trẻ bằng nước gừng ấm cũng góp phần làm lỏng dịch mũi nhờ hơi của nước gừng bay lên.
– Day huyệt nghinh hương (huyệt xung dương): huyệt này có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong nhiệt, thanh hỏa khí,… Nhờ thế, thông huyệt giúp trị sổ mũi, ngạt mũi hiệu quả. Vị trí huyệt nằm ngay 2 bên cánh mũi, cách cánh mũi khoảng 1cm, trên rãnh mũi má.
– Phụ huynh nên dùng đầu ngón tay day bấm huyệt của trẻ trong vòng 1 – 2 phút. Chú ý không nên dùng lực quá mạnh, mỗi ngày thực hiện 5 – 7 lần tùy theo mức độ biểu hiện của bé.
– Thoa chút dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp rồi massage vài phút ở vị trí lòng bàn chân, lưng và ngực của bé có tác dụng làm ấm rõ rệt.
– Mang tất chân cho bé khi đi ngủ để giữ ấm.
– Cho bé nằm cao đầu để nước mũi chảy ra ngoài, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn và ngủ ngon hơn. Ngăn không cho nước mũi chảy ngược vào gây ngạt, tắc mũi.
– Sử dụng các bài thuốc dân gian trị hắt hơi sổ mũi như bạc hà, chanh, tỏi, lá hẹ, tía tô, húng quế, mật ong…
3. Cần đưa trẻ đi khám và điều trị hắt hơi sổ mũi khi nào?
Ở trẻ, do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên cần có thời gian để hoàn thiện. Trong trường hợp trẻ bị hắt hơi sổ mũi mà không có dấu hiệu nặng hơn, các triệu chứng giảm dần khi thực hiện các biện pháp trên thì bệnh sẽ dứt điểm sau 10 – 14 ngày.
Trẻ bị sổ mũi cần đưa khám bác sĩ khi nào?
Nếu trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, tình trạng sổ mũi vẫn kéo dài không dứt, thậm chí tăng lên thì có thể trẻ đang mắc phải các bệnh nghiêm trọng khác. Lúc này cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, các triệu chứng nguy hiểm cần chú ý bao gồm:
– Trẻ kèm theo tình trạng bỏ ăn, bỏ bú.
– Ho nhiều ngày gây nôn hoặc thay đổi màu da, ho kèm đờm đặc.
– Biểu hiện khó thở ở trẻ, tím tái vùng môi và đầu ngón tay.
– Bé có biểu hiện đau tai, cảm thấy khó chịu trong người.
– Nước mũi trẻ có màu vàng xanh nhiều ngày.
– Mắt đỏ, tiết dịch mắt.
Không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm để tự điều trị bệnh cho trẻ. Trường hợp bệnh trở nặng cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Từ những thông tin trong bài viết, Dược Điển Việt Nam mong rằng, bố mẹ có thêm những thông tin hữu ích để phòng ngừa cho trẻ khỏi bị hắt hơi, sổ mũi. Đồng thời có giải pháp xử trí ngay tại nhà và đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi cần thiết.