Sốt là gì? Có nguy hiểm không? Lúc nào cần uống thuốc? Hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi qua bài viết dưới đây để biết thêm về sốt cũng như các cách giúp hạ sốt ngay tại nhà bằng phương pháp dân gian trước khi phải dùng đến thuốc nhưng vẫn đảm bảo an toàn hiệu quả.
1. Sốt là gì?
Sốt là trạng thái cơ thể chủ động tăng thân nhiệt lên cao bất thường để đáp ứng lại với các chất gây sốt. Sốt thường gặp trong các bệnh truyền nhiễm, chấn thương vật lý diện rộng, ung thư hoặc tổn thương thần kinh trung ương, hoại tử mô, hủy hoại bạch cầu…, hoặc có thể do rối loạn hoạt động của bản thân não (sốt trong u não) làm tăng sinh nhiệt và giảm thải nhiệt.
Sốt là gì, nguyên nhân đến từ đâu?
Các chất gây sốt được gọi là pyrogen bao gồm protein ngoại lai, virus, vi khuẩn, và chất hóa học được giải phóng trong quá trình viêm. Các chất hóa học gây viêm được gọi là pyrogens nội sinh. Các pyrogen ảnh hưởng lên vùng dưới đồi, là trung tâm của điều nhiệt. Vùng dưới đồi sẽ kích thích phản ứng của cơ thể để tăng nhiệt độ cơ thể lên trên mức thiết lập này.
Chất gây sốt có thể đến từ các vi sinh vật như vi khuẩn, virus
Vì vậy, có thể thấy sốt giống như một tín hiệu cảnh báo cho biết rằng, cơ thể chúng ta hiện đang gặp một bất thường nào đó và yêu cầu cần được đi kiểm tra ngay. Từ góc độ này, sốt lại có vai trò có lợi là phản ứng toàn thân có tác dụng bảo vệ cơ thể, tuy nhiên nếu sốt quá cao và trên một đối tượng có thể trạng yếu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nguy hiểm.
2. Sốt có nguy hiểm không?
– Sốt sẽ trở nên rất đáng lo ngại nếu tình trạng sốt kéo dài với nhiệt độ cao, cực kỳ nguy hiểm trên các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người có thể trạng yếu,…
– Khi sốt cao kéo dài dễ gây ra rối loạn chuyển hóa, gây giảm chất dự trữ làm cơ thể suy kiệt, nhiễm độc thần kinh và co giật ở trẻ nhỏ.
– Sốt cao khiến cơ thể bị mất nhiều nước gây rối loạn điện giải, dẫn đến nguy cơ co giật, cực kỳ nguy hiểm nếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
– Tổn thương thần kinh, hậu quả có thể thấy là mê sảng, lú lẫn, cơ thể mệt mỏi (có thể là rất mệt mỏi kèm đau nhức cơ thể nếu sốt cao).
Sốt có nguy hiểm không?
3. Cách hạ sốt tại nhà nhanh, an toàn và hiệu quả
Sốt được xem là dấu hiệu, triệu chứng đi kèm của một bệnh lý nào đó, nên việc đưa ra quyết định điều trị tại nhà hay đến bệnh viện còn phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của các yếu tố khác. Phần lớn thì chúng ta sẽ tự điều trị tại nhà trước và nếu tình trạng sốt không thuyên giảm mới cần đến sự thăm khám của bác sĩ. Tuy nhiên thì cách hạ sốt như thế nào còn tùy thuộc vào đối tượng bị sốt là ai. Vậy hãy cùng tìm hiểu những cách hạ sốt an toàn, hiệu quả và có thể thực hiện tại nhà nhé.
3.1. Cách hạ sốt ở người lớn
Cách hạ sốt không dùng thuốc
– Chườm khăn hạ sốt:
+ Đây là một cách đơn giản, an toàn nhưng lại cực kỳ hiệu quả bởi vì trong hạ sốt thì nguyên tắc vật lý đó là làm sao truyền được nhiệt ra ngoài cơ thể càng nhanh càng tốt. Việc đắp một chiếc khăn lạnh lên trán kết hợp với bỏ bớt lớp áo quần, giữ độ thoáng cho da sẽ tạo điều kiện để thải nhiệt qua da, từ đó sẽ giảm thân nhiệt.
Chườm khăn giúp hạ sốt cho người lớn
+ Lưu ý: Không dùng túi đá hay khăn ngâm nước đá lạnh để chườm vì sẽ gây co mạch và không thoát được nhiệt ra ngoài qua lỗ chân lông. Hơn thế việc chườm đá lạnh còn có thể gây bỏng lạnh.
– Ngâm chân hạ sốt:
+ Chuẩn bị 2 chậu nước để ngâm chân, một chậu nước lạnh và một chậu nước ấm khoảng 39-40 độ C. Ngâm vào chậu nước nóng khoảng 20 phút sau đó chuyển sang chậu nước lạnh thêm 1 phút.
+ Lau khô chân rồi dùng tay mát xa cho 2 lòng bàn chân nóng lên, sau đó nằm đắp kín chăn cho vã mồ hôi ra, thân nhiệt sẽ từ từ hạ xuống. Chú ý sau khi nhiệt độ giảm thì lau hết mồ hôi và thay quần áo khác (nếu cần) và cần đảm bảo rằng trong suốt quá trình trên thì cơ thể không được tiếp xúc với gió lạnh.
+ Lưu ý không áp dụng cách trên cho đối tượng bị sốt do sởi, thủy đậu hoặc sốt xuất huyết.
Ngâm chân giúp hạ sốt
+ Có thể xoa bóp nhẹ hai chân để thông thoáng lỗ chân lông, giúp nhanh chóng hạ sốt.
– Uống nhiều nước vừa để phòng nguy cơ mất nước do sốt và cũng để tăng lượng nước tiểu từ đó tăng thải nhiệt qua đường tiết niệu. Ngoài ra có thể sử dụng thêm oresol nếu mức độ nặng và bổ sung thêm các nước trái cây.
Cách hạ sốt dùng thuốc
– Thuốc hạ sốt hiệu quả:
+ Paracetamol vẫn là thuốc được lựa chọn ưu tiên hàng đầu vì hiệu quả hạ sốt tốt và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần lưu ý trong việc lựa chọn dạng bào chế bởi vì muốn hạ sốt nhanh thì nên chọn dạng giải phóng hoạt chất nhanh nhất là dạng sủi.
+ Nếu bệnh nhân có dị ứng với Paracetamol có thể chuyển sang sử dụng Ibuprofen, một thuốc nhóm NSAID ít tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
– Liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn:
Liều đối với Paracetamol ở người lớn trong hạ sốt là 500-1000mg trong 4-6 giờ. Chú ý cần điều chỉnh giảm liều trên bệnh nhân suy gan vì có thể gây ngộ độc gan.
2.2. Cách hạ sốt ở trẻ em
Cách điều trị sốt ở trẻ sơ sinh
– Trẻ từ 0-3 tháng tuổi: Cần thiết ngay có sự thăm khám của bác sĩ ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường nào.
– Trẻ từ 3-6 tháng tuổi: Cho trẻ nghỉ ngơi nơi thoáng mát và uống nhiều nước. Không tự ý cho bé uống thuốc, nếu trẻ có dấu hiệu lờ đờ, uể oải, cáu gắt,…nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Khi nhiệt độ đo được ở trực tràng ≥ 38,9℃ cần đưa trẻ đi khám để được xử lý kịp thời.
– Trẻ từ 6-24 tháng (nhiệt độ đo được ở trực tràng ≥ 38,9℃): Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đưa trẻ đi khám nếu triệu chứng không giảm hoặc kéo dài sau 1 ngày.
Cách điều trị sốt cho trẻ sơ sinh
Kinh nghiệm hạ sốt cho trẻ
– Khi tiến hành hạ sốt cho trẻ thì thứ tự ưu tiên là các biện pháp không dùng thuốc được áp dụng trước, sau đó mới dùng thuốc nếu không được nhiệt độ cơ thể bé.
– Có thể dùng khăn ấm để lau người cho trẻ (chú ý kín gió). Đây là biện pháp vật lý để dẫn nhiệt ra ngoài cho trẻ do làm giãn các mạch máu tạo điều kiện cho việc thoát nhiệt, ngoài ra cách này còn giúp các bé cảm thấy thoải mái hơn, tinh thần dễ chịu hơn.
– Cho trẻ mặc những bộ quần áo rộng, thoáng, tránh việc mặc quá nhiều lớp quần áo do lo ngại bé bị sốt run lạnh.
– Cho trẻ uống thêm nước và nếu là trẻ lớn thì nên cố gắng cho trẻ chơi nhiều hơn trong một không gian rộng rãi, thoáng mát.
– Nếu phải dùng đến thuốc để hạ sốt thì các bậc phụ huynh nên lựa chọn các sản phẩm tiện lợi như miếng dán hạ sốt đối với trẻ sốt vừa và nhẹ vẫn có thể chơi. Còn đối với trẻ sốt cao hơn, không muốn chơi có thể dùng viên đặt hậu môn dùng khi trẻ ngủ để tránh gây khó chịu cho bé.
Cho trẻ uống thêm nước khi sốt
Cách hạ sốt cho trẻ sau tiêm phòng
– Trẻ sau khi tiêm phòng có thể bị sốt nhẹ là phản ứng bình thường của cơ thể đáp ứng lại với tác nhân lạ được đưa vào trong người.
– Thường thì triệu chứng sốt sẽ nhẹ và hết sau 1-2 ngày nên bố mẹ bé không cần quá lo lắng, chỉ cần chú ý một số điểm sau để trẻ cảm thấy thoải mái hơn:
+ Cho trẻ mặc đồ rộng, thoáng mát.
+ Tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng hằng ngày, cần cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn và bổ sung thêm nước cho bé.
+ Nếu trẻ sốt cao ≥ 38,5℃ và quấy khóc có thể cho trẻ dùng các thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Ibuprofen với liều tùy theo cân nặng của bé.
Điều trị cho trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng
Thuốc hạ sốt cho trẻ
– Paracetamol hoặc Ibuprofen được khuyến cáo nên sử dụng để hạ sốt cho trẻ do an toàn, ít tác dụng phụ và vẫn đảm bảo hiệu quả.
– Chú ý không dùng Aspirin hay lấy thuốc hạ sốt của người lớn rồi tùy ý giảm liều gây nguy hại cho trẻ.
4. Những lưu ý khi bị sốt
4.1. Ăn gì để hạ sốt?
– Ăn thêm nhiều rau xanh: Các loại rau như mồng tơi, rau muống, cải xoăn, rau cải,…được luộc hoặc nấu canh hay cũng có thể ăn tươi sẽ giúp hạ nhiệt và cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
– Hoa quả hoặc nước ép chứa nhiều Vitamin C ví dụ như cam, quýt, cà chua,…
– Thức ăn lỏng: Bởi vì khi bị sốt cơ thể thực sự rất mệt, kéo theo đó là cảm giác chán ăn, khó nuốt nên việc lựa chọn các đồ lỏng như cháo sẽ phù hợp hơn.
– Thức ăn giàu Protein: sốt là phản ứng cho thấy cơ thể đang chống lại các yếu tố gây hại nên việc bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn giúp cơ thể nhanh chóng kháng lại bệnh tật, góp phần giúp hạ sốt.
Ăn gì để hạ sốt?
Ngoài ra, có thể sử dụng gừng, rau diếp, tinh dầu bạc hà, tỏi, dứa… giúp giảm đau, hạ sốt nhanh chóng.
4.2. Sốt có nên đắp chăn không?
Sốt thường kèm các cơn rét run nên người bệnh muốn đắp kín chăn để làm ấm cơ thể. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên làm do cơ thể chủ yếu là thoát nhiệt qua da, vì vậy cần có sự thông thoáng của không khí xung quanh thì mới có sự thoát nhiệt được. Do đó nếu cứ đắp kín chăn thì rất khó để hạ sốt, dẫn đến nguy cơ biến chứng ảnh hưởng thần kinh do sốt như co giật.
Sốt có nên đắp kín chăn không?
4.3. Hạ sốt cho bà bầu
Đối với bà bầu, việc dùng thuốc cực kỳ hạn chế dù chỉ là những thuốc hạ sốt đơn thuần.
Hạ sốt cho bà bầu
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, khi mẹ bầu bị sốt, cần thực hiện ngay các biện pháp hạ sốt bởi vì có lo ngại trên một số nghiên cứu rằng việc sốt có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Mẹ bầu bị sốt gây ảnh hưởng đến thai nhi
Trước tiên, áp dụng các biện pháp hạ sốt không dùng thuốc:
– Tắm hoặc lau người bằng nước ấm trong điều kiện kín gió.
– Chườm khăn lên trán.
– Uống nhiều nước.
– Nghỉ ngơi nhiều hơn.
– Mặc đồ thoáng mát.
– Ăn bổ sung các thực phẩm giàu vitamin đặc biệt là vitamin C.
– Dùng thuốc hạ sốt.
+ Paracetamol được phân loại mức an toàn cho các bà bầu, tuy nhiên cần tránh các thực phẩm, đồ uống chứa cafein trong quá trình dùng thuốc.
+ Ibuprofen cũng là một thuốc phổ biến được nhiều người sử dụng ngay cả trên đối tượng bệnh nhi, tuy nhiên ở đối tượng phụ nữ có thai thì lại được cảnh báo không dùng vì nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy cần chú ý thông tin này để tránh thói quen vẫn hay dùng Ibuprofen khi bị sốt.
Tuy sốt là phản ứng mà tự cơ thể bảo vệ mình nhưng nếu để sốt quá cao hoặc kéo dài sẽ gây ra rất nhiều rủi ro nguy hiểm. Các phương pháp hạ sốt tại nhà không dùng thuốc nên được ưu tiên thực hiện trước, bởi lẽ sốt là triệu chứng đi kèm của bệnh nên muốn hết sốt thì điều trị bệnh là biện pháp gốc rễ. Việc phải dùng nhiều thuốc sẽ gia tăng nguy cơ tương tác dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.