Cảm cúm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

cảm cúm là gì?

Cảm cúm là gì?

Bệnh cảm cúm là căn bệnh phổ biến ở nước ta, chắc hẳn ai cũng từng mắc ít nhất một lần trong đời. Thông thường bệnh sẽ khỏi trong khoảng 1 tuần và có thể tự điều trị tại nhà. Vậy triệu chứng của bệnh như thế nào? Cách điều trị ra sao? Hãy cùng chúng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu qua bài viết sau đây:

I. Bệnh cảm cúm là gì?

Cảm cúm là một bệnh lây truyền qua được hô hấp do virus gây ra. Bệnh có thể xuất hiện với những triệu chứng từ nhẹ đến nặng.

Nhiều người trong chúng ta thường nhầm lẫn cảm cúm và cảm lạnh thông thường do các triệu chứng gần giống nhau. Có thể khó phân biệt giữa 2 bệnh. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh cúm thường nặng hơn và kéo dài hơn so với cảm lạnh.

Có 3 loại virus gây bệnh cúm và các con virus này thường lây lan ở người. Chúng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch cúm theo mùa mỗi năm.

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus, nhưng một số người có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn như trẻ em dưới 5 tuổi và người từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra những người có hệ miễn dịch bị suy giảm hoặc mắc bệnh mạn tính cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, như:

– Bệnh thận.

– Bệnh tim.

– Bệnh tiểu đường loại 1 hoặc 2.

– HIV/AIDS.

II. Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm

1. Có bao nhiêu loại virus cúm gây bệnh?

Virus gây bệnh cúm là loại gì?

Virus gây bệnh cúm là loại gì?

Có 3 loại virus cúm khác nhau ảnh hưởng tới con người: Loại A, loại B và loại C. (Có loại thứ tư, loại D nhưng không tác động đến con người).

– Động vật và con người có thể mắc cúm A, và virus này có thể truyền từ động vật sang người, đồng thời có khả năng lây lan cao giữa người sang người. Nó là virus cúm duy nhất gây ra đại dịch cúm trên toàn cầu. Hiện nay, những chủng cúm A thường xuất hiện ở người là H1N1, H3N2, H5N1…

– Cúm B có thể bùng phát theo mùa trong những tháng của mùa đông. Tuy nhiên loại này thường ít nghiêm trọng hơn loại A, triệu chứng cũng nhẹ hơn. Thỉnh thoảng trong một số trường hợp, bệnh mới phát triển thành biến chứng nghiêm trọng. Cúm B chỉ truyền từ người sang người. Một số loại điển hình là cúm B victoria, cúm B yamagata…

– Cúm C thường nhẹ và không gây ra dịch cúm ở người.

2. Bệnh cúm lây lan như thế nào?

Để bảo vệ bản thân khỏi bệnh cúm, bạn nên hiểu cách thức lây lan của virus. Bệnh có thể lây lan từ người bệnh sang người lành khi họ ho, hắt xì hoặc nói chuyện. Lúc này, các giọt nước sẽ bay vào không khí. Nếu chúng tiếp xúc trực tiếp với mũi hoặc miệng thì có thể bị bệnh.

Ngoài ra, có thể bị nhiễm cúm do bắt tay, ôm, chạm vào bề mặt hoặc những đồ vật có nhiễm virus. Đó là lý do tại sao không nên sử dụng chung đồ dùng, ly uống nước với người khác, đặc biệt với người bị bệnh.

Đặc biệt virus có thể lây cho người khác ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào (trong giai đoạn ủ bệnh) và sau 5 – 7 ngày khi đã xuất hiện các triệu chứng. Như vậy trong suốt thời gian nhiễm virus đều có thể lây cho người khác.

Virus cúm liên tục thay đổi, tiến hóa thành các chủng mới, nguy hiểm hơn. Nếu như bạn đã từng bị cúm, cơ thể sẽ có thể chống lại loại virus đó. Nhưng khi nhiễm những chủng phát triển hơn, cơ thể không thể ngăn ngừa được chủng đó nữa. Chính vì vậy, trong cuộc đời có thể mắc bệnh cúm nhiều lần.

Cách lây bệnh từ người sang người

Cách lây bệnh từ người sang người

III. Triệu chứng cảm cúm

triệu chứng của cảm cúm

1. Triệu chứng có thể điều trị tại nhà

Thời gian từ khi một người tiếp xúc và bị nhiễm virus cúm đến khi khởi phát các triệu chứng đầu tiên thông thường trong khoảng 2 ngày, trường hợp đặc biệt có thể sớm hơn là 1 ngày hoặc muộn hơn là 4 ngày. Ban đầu, bệnh cúm có thể giống với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên cảm lạnh xuất hiện triệu chứng thường từ từ còn cảm cúm thì đột ngột hơn, bao gồm:

– Sổ mũi.

– Hắt xì.

– Đau họng.

– Đau cơ, sốt, đổ mồ hôi.

– Cơ thể cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi, sức lực yếu.

– Ho khan, nghẹt mũi, đau đầu.

– Một số trường hợp ở người lớn còn thấy nôn mửa, tiêu chảy, mặc dù triệu chứng này phổ biến ở trẻ em hơn.

Các triệu chứng trên thường nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà mà không cần đến cơ sở y tế.

triệu chứng cảm cúm

Các triệu chứng của cảm cúm

2. Khi nào cần đi đến bệnh viện

Những trường hợp nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, những người gặp phải dấu hiệu này nên đi khám cảm cúm ở cơ sở y tế ngay để tránh kéo dài bệnh nguy hiểm đến sức khỏe:

Trẻ em

– Khó thở hoặc thở gấp.

– Da, môi hoặc móng tay chuyển màu nhợt nhạt, xám.

– Đau ngực, tức ngực.

– Đau cơ nghiêm trọng ( thấy trẻ không chịu đi).

– Mất nước: trẻ bị khô miệng, không tiểu trong 8 giờ, không có nước mắt khi khóc.

– Không tỉnh táo, mê sảng.

– Co giật, sốt cao trên 40 độ.

– Sốt, ho giảm đi nhưng sau đó quay lại hoặc nghiêm trọng hơn.

– Bệnh mạn tính xấu đi.

– Riêng với trẻ dưới 12 tuần tuổi, đến bệnh viện khi có bất kỳ cơn sốt nào.

Người lớn

– Khó thở hoặc thở nhanh.

– Đau tức ngực, bụng.

– Lú lẫn, chóng mặt, sức lực yếu và suy nhược nặng.

– Co giật.

– Đau cơ nghiêm trọng.

– Không đi tiểu.

– Bệnh mạn tính xấu đi.

– Sốt, ho giảm nhưng sau đó quay trở lại hoặc nghiêm trọng hơn.

Những danh sách này không bao gồm tất cả. Do đó nếu thấy bất cứ triệu chứng nghiêm trọng hoặc đáng lo ngại nào khác, cần đến cơ sử y tế gần nhất để thăm khám.

3. Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh

Cần phải phân biệt cảm cúm và cảm lạnh để có các điều trị tốt nhất.

Một số cách để phân biệt cảm cúm và cảm lạnh.

Cảm lạnh Cảm cúm
Khởi phát triệu chứng từ từ Khởi phát đột ngột.
Hiếm gặp sốt Có sốt và kéo dài khoảng 3-4 ngày
Thường ít nhức mỏi cơ Đau nhức cơ có thể nghiêm trọng
Không phổ biến triệu chứng ớn lạnh Triệu chứng ớn lạnh khá phổ biến
Có ho khan, khó thở nhẹ đến vừa Có ho khan, khó thở có thể nghiêm trọng
Thường nghẹt mũi, đau họng Đau đầu, đôi khi mới có nghẹt mũi, đau họng

IV. Các biến chứng của bệnh cúm

Hầu hết mọi người đều khỏi bệnh cúm mà không để lại biến chứng nào. Nhưng đôi khi nhiễm trùng thứ phát có thể tiến triển thành các bệnh nguy hiểm như:

– Viêm phổi.

– Viêm phế quản.

– Nhiễm trùng tai.

Khi các triệu chứng suy giảm nhưng xuất hiện lại sau vài ngày biến mất, có thể bạn bị nhiễm trùng thứ phát. Khi đó, nếu không được điều trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.

V. Chẩn đoán nhiễm virus cúm

Bác sĩ tiến hành thăm hỏi các dấu hiệu và triệu chứng cảm cúm hoặc yêu cầu xét nghiệm nếu cần thiết. Nếu trong giai đoạn có dịch cúm, thì không cần xét nghiệm.

Một số xét nghiệm khác nhau giúp xác định virus cúm:

– Xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh RIDT. Kết quả có thể cung cấp trong khoảng 15 phút nhưng không hoàn toàn chính xác bằng các xét nghiệm khác.

– “Xét nghiệm phân tử nhanh” cho kết quả sau 15-20 phút và chính xác hơn RIDT.

– Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đang trở nên phổ biến hơn, và độ chính xác hơn.

VI. Cách điều trị cảm cúm

1. Thuốc điều trị cảm cúm

Thuốc kháng virus:

+ Tamiflu (oseltamivir phosphate), relenza (zanamivir) được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh cúm.

+ Thuốc giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh. Đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng của bệnh (như viêm phổi).

+ Nên bắt đầu điều trị trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

Tamiflu là thuốc kháng virus điều trị cảm cúm

Tamiflu là thuốc kháng virus điều trị cảm cúm

– Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen phổ biến nhất và khá an toàn để hạ sốt từ mức độ nhẹ đến vừa, giảm đau nhức cơ bắp, đau đầu. Mỗi lần cần uống cách nhau ít nhất 4-6 giờ. Nếu lạm dụng có thể gây tổn thương gan.

– Thuốc giảm triệu chứng ngạt mũi: Xylometazolin, Naphazolin,… giúp co động mạch nhỏ, mao mạch ở mũi, từ đó giảm tình trạng nghẹt mũi giúp thông thoáng đường thở.

– Thuốc giảm ho: Nếu người bệnh ho nhẹ, họ ít thì không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Nếu ho nhiều, gây đau rát họng, cảm giác khó chịu nên uống Dextromethorphan, Decolgen,… giúp giảm ho và chứng sổ mũi, ngạt mũi. Nếu ho có đờm thì uống Ambroxol, Bromhexin, Acetylcystein,… giúp tiêu đờm và long đờm khiến nó dễ dàng khạc ra ngoài, giúp cơ thể dễ chịu hơn.

Ngoài ra có thể sử dụng những sản phẩm từ thiên như như mật ong và chanh để giảm ho và đau họng.

Thuốc giảm ho - điều trị triệu chứng

Thuốc giảm ho – điều trị triệu chứng

Các thuốc trên thị trường có nhiều hoạt chất giống nhau, không được tự ý sử dụng do dễ dẫn đến tình trạng quá liều. Sử dụng các thuốc không cần thiết có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Tốt nhất nên tuân theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì.

2. Biện pháp không dùng thuốc

– Uống nhiều nước, kể cả nước, súp, sinh tố trái cây. Đồ uống ấm như trà có thêm lợi ích giảm đau do viêm họng.

– Chế độ dinh dưỡng phù hợp (Tham khảo chi tiết tại Cảm cúm nên ăn gì và không nên ăn gì?)

– Cơ thể đang phải chiến đấu để chống lại virus, do đó cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, luôn giữ ấm cơ thể.

Đa số mọi người đều chữa bệnh tại nhà, việc này có thể lây sang những người thân trong gia đình. Do đó cần thực hiện một số nguyên tắc sau:

– Rửa tay để tránh lây lan virus sang các bề mặt khác.

– Che miệng, mũi khi bị ho và hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó vứt ngay vào thùng rác.

– Đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tuy nhiên nên hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt.

Hầu hết mọi người sẽ khỏi cúm trong vòng 1 tuần nếu sử dụng đúng các thuốc điều trị và chế độ sinh hoạt hợp lý.

Uống nhiều nước trong khi bị cảm cúm

Uống nhiều nước trong khi bị cảm cúm

Đối với trẻ sơ sinh, tham khảo thêm bài viết: 7 Cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh NHANH CHÓNG, AN TOÀN

VII. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh cúm?

Virus cúm có thể lây từ động vật sang người hoặc từ người sang người, do đó quan trọng là bảo vệ bản thân và gia đình khỏi virus. Tại Việt Nam cúm thường xuất hiện vào tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm. Lúc này cần đặc biệt thực hiện những biện pháp sau:

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc chất khử trùng có cồn.

– Tránh chạm vào mũi hoặc miệng khi tay chưa được rửa sạch.

– Sử dụng khăn lau khử trùng hoặc xịt lên các bề mặt thường chạm tay vào ở trong nhà và nơi làm việc.

– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

– Tiêm phòng cúm hàng năm được khuyến cáo cho tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi. Mặc dù vacxin không hiệu quả 100% nhưng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm đến 40-60%.

Những người có nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý, bao gồm:

– Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên.

– Người có hệ thống miễn dịch suy giảm như các đối tượng đang điều trị ung thư, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, HIV/AIDS, uống thuốc chống thải ghép… Những người này dễ dàng mắc bệnh cúm hơn và tăng nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.

– Đang mắc bệnh lý mạn tính như viêm phổi, tiểu đường, bệnh tim,…

– Người thừa cân có chỉ số khối cơ thể BMI trên 40.

– Người trẻ có sử dụng aspirin trong thời gian dài.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong giai đoạn 6 tháng cuối thai kỳ cần đặc biệt chú ý để không ảnh hưởng tới thai nhi.

Bệnh cảm cúm là một bệnh phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên cần phân biệt nó với bệnh cảm lạnh để sử dụng thuốc kháng virus hiệu quả. Dược Điển Việt Nam mong rằng với các kiến thức ở trên có thể giúp bạn điều trị bệnh hiệu quả hơn và tránh lây lan cho người khác.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *