Viêm đường tiết niệu – Cẩm nang những điều cần biết

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Nhiễm trùng đường tiết niệu - UTI

Nhiễm trùng đường tiết niệu – UTI

Viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến trên thế giới. Bệnh có thể gây nhiễm khuẩn ở bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu và nguy hiểm hơn khi gây tổn thương thận. Hiện nay cách điều trị đặc hiệu nhất là dùng kháng sinh và can thiệp phẫu thuật nếu không thể kiểm soát được tình trạng viêm nhiễm. Tuy vậy vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bệnh tái phát trở lại với những biến chứng nặng hơn. Do đó tìm hiểu về nguyên nhân, cách phòng tránh bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe và giảm tỷ lệ mắc bệnh.  

I. Viêm đường tiết niệu là bệnh gì? Các dạng của viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu còn được gọi là bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu – Urinary tract infection (UTI) với nguyên nhân chính do vi khuẩn gây nên. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi trên cả nam giới và nữ giới nhưng ở nữ bệnh có tỷ lệ cao hơn.  

Để phân loại viêm đường tiết niệu có nhiều cách khác nhau, thông dụng nhất là phân loại theo vị trí nhiễm khuẩn và theo mức độ nặng.

Phân loại theo mức độ gồm có:

– Viêm đường tiết niệu không biến chứng: Thường nhẹ, dễ điều trị và tỷ lệ tái phát nhỏ.

– Viêm đường tiết niệu có biến chứng: Nhiễm trùng nặng hơn gây đau đớn, hay tái phát, gặp nhiều ở bệnh nhân có các bất thường về đường niệu, có can thiệp đặt các dụng cụ đường niệu, có bệnh mắc kèm…

Phân loại theo vị trí nhiễm khuẩn:

Đường tiết niệu từ trên xuống dưới lần lượt là thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Theo đường đi của nước tiểu, vi khuẩn xuất hiện ở vị trí nào, gây tình trạng viêm ở bộ phận đó thì đều được gọi là viêm đường tiết niệu. Thường gặp hơn là viêm đường tiết niệu dưới với 2 dạng là viêm niệu quản với viêm bàng quang. Nhiễm trùng ở đường tiết niệu trên như viêm bể thận, viêm niệu quản…sẽ ít gặp hơn nhưng mức độ lại nặng hơn.  

Phân loại viêm đường tiết niệu theo vị trí

Phân loại viêm đường tiết niệu theo vị trí

II. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường niệu chủ yếu do vi khuẩn gây ra (chiếm 90%), một tỷ lệ nhỏ là do nhiễm nấm hoặc virus. Vi khuẩn Gram âm đường ruột gây bệnh phổ biến hơn, trong đó E.Coli là nguyên nhân hay gặp nhất (60-70%), sau đó là do Klebsiella, P. mirabilis, Enterobacter…Vi khuẩn Gram dương ít gây nhiễm trùng đường niệu và chủ yếu do Staphylococcus hay Enterococcus.

Trong điều kiện sinh lý bình thường, đường dẫn nước tiểu từ thận đến lỗ sáo để thải ra ngoài ở trạng thái vô trùng, đề kháng vi khuẩn nhờ nhiều cơ chế bảo vệ khác nhau. Nhiễm khuẩn tiết niệu có nguyên nhân từ vi khuẩn trong nước tiểu ngược dòng đi từ niệu đạo lên bàng quang (chiếm 95%) và vi khuẩn từ máu (5%) tấn công thì gây ra các ổ nhiễm khuẩn ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiết niệu và gây ra nhiễm trùng đường niệu. E.Coli thường gây ra viêm bàng quang trong khi đó viêm niệu đạo thường do ChlamydiaMycoplasma gây nên hơn. 

E.Coli là nguyên nhân phổ biến gây viêm đường tiết niệu

E.Coli là nguyên nhân phổ biến gây viêm đường tiết niệu

III. Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường niệu có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên tỷ lệ mắc sẽ cao hơn nếu có các yếu tố rủi ro như:

– Tuổi tác: Người cao tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn người trẻ, tỷ lệ tăng khi bệnh nhân trên 50 tuổi.

– Có bất thường trong cấu trúc đường tiết niệu bẩm sinh hoặc do gặp các chấn thương sau này.

– Có các yếu tố gây tắc làm ứ đọng nước tiểu như sỏi thận, sỏi bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư…

– Nằm bất động trên giường nhiều, điều trị tại viện lâu dài hay các trường hợp bị liệt.

– Có đặt các dụng cụ như ống thông, catheter đường tiểu làm vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang dễ hơn. Thực hiện các phẫu thuật đường niệu trong điều kiện không vô trùng. 

– Hệ thống miễn dịch suy yếu.

– Mắc bệnh đái tháo đường, mắc bệnh thần kinh không tự chủ được việc đi tiểu.

– Vệ sinh đường tiết niệu kém. 

– Phụ nữ trong thời kỳ mang thai. 

Người đặt ống thông nước tiểu dễ bị viêm đường tiết niệu

Người đặt ống thông nước tiểu dễ bị viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu gặp ở cả nam và nữ nhưng tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn, có thể lý giải với các lý do như:

– Cấu tạo đường niệu: Ở phụ nữ niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể – ở gần âm đạo và hậu môn hơn so với nam giới. Do đó vi khuẩn ở hậu môn, âm đạo dễ dàng tiếp cận niệu đạo và gây bệnh. Bên cạnh đó niệu đạo của phụ nữ cũng ngắn hơn nên rút ngắn khoảng cách vi khuẩn di chuyển từ niệu đạo đến bàng quang và lan ra các bộ phận khác.

– Hoạt động tình dục: Áp lực nén khi quan hệ cũng khiến phụ nữ dễ mắc viêm đường tiết niệu hơn nam giới. 

– Sử dụng các biện pháp tránh thai: 

+ Bao cao su không bôi trơn làm tăng ma sát lên niêm mạc gây kích ứng, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

+ Thuốc diệt tinh trùng có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn sẵn có trong âm đạo.

+ Màng chắn tránh thai có thể tăng áp lực lên niệu đạo, tăng thời gian đào thải nước tiểu.

– Thời kỳ mãn kinh: Sau khi mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu, tăng nguy cơ dễ bị nhiễm trùng.

Còn đối với nam giới yếu tố nguy cơ tăng lên nếu có phì đại tiền liệt tuyến và phải can thiệp ngoại khoa. 

IV. Các triệu chứng khi mắc viêm đường tiết niệu

Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể triệu chứng không biểu hiện mà chỉ vô tình biết mình mắc bệnh khi đi khám các bệnh khác. Nhưng thông thường bệnh có những triệu chứng đặc trưng phụ thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu trên hay dưới.

– Viêm niệu đạo: 

+ Tiểu buốt.

+ Nước tiểu có mủ, dịch trắng hay dịch nhầy. 

– Viêm bàng quang:

+ Cảm giác buốt, nóng rát khi đi tiểu.

+ Tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu rắt. Có cảm giác muốn đi tiểu mặc dù vừa mới đi cách đấy không lâu.   

+ Nước tiểu có mùi nặng, có thể có bọt. 

+ Nước tiểu đục, có thể xuất hiện đái ra máu.

+ Đau phần trên xương mu và đau thắt lưng. 

Ngoài ra nhiễm trùng đường niệu dưới ở nam giới thường kèm với đau trực tràng va ở phụ nữ có thêm đau vùng chậu. 

 Triệu chứng viêm bàng quang

Triệu chứng viêm bàng quang

– Viêm thận bể thận:

+ Có thể gặp triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nước tiểu có máu, mủ nếu như tình trạng viêm bắt đầu từ đường niệu dưới lan đến thận. Tuy nhiên khi nếu nhiễm khuẩn ở thận lan vào máu thì các biểu hiện nhiễm khuẩn toàn thân sẽ xuất hiện trước và rầm rộ hơn, bao gồm: sốt, rét run, ớn lạnh, buồn nôn, nôn và đau ở vùng hông lưng.  

+ Nếu là nhiễm trùng trên trẻ nhỏ thường không sốt, gây khó khăn trong chẩn đoán. 

V. Các biến chứng của viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu nếu được phát hiện sớm và điều trị triệt để có thể sẽ tái phát nhiều lần và gây nguy hiểm với các biến chứng như:

– Vi khuẩn phá hủy nhu mô thận, gây tắc nghẽn và suy giảm chức năng thận. Nếu nặng có thể gây suy thận vĩnh viễn và phải cắt bỏ thận.

– Vi khuẩn có thể lan vào máu gây hạ huyết áp, sốc nhiễm khuẩn và gây tử vong.

– Ở nam giới viêm niệu đạo tái phát gây chít hẹp, áp xe lên tuyến tiền liệt, viêm mào tinh, tắc ống dẫn tinh…có thể dẫn đến vô sinh.

– Nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi, sinh non, con sinh ra bị nhẹ cân…

VI. Chẩn đoán viêm đường tiết niệu

Khi có nghi ngờ mình bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bạn hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời. 

– Bên cạnh dựa vào các triệu chứng khai thác từ bệnh nhân, bác sĩ sẽ cần làm thêm xét nghiệm nước tiểu. Khi xét nghiệm mẫu bác sĩ sẽ đếm số lượng bạch cầu có trong mẫu nước tiểu để chắc chắn về việc nhiễm trùng. Có thể tiến hành thêm việc nuôi cấy vi khuẩn để xác định nguyên nhân phục vụ cho việc điều trị. Nếu nguyên nhân là virus hay nấm thì sẽ có các xét nghiệm đặc biệt hơn. 

– Khi nghi ngờ về viêm đường tiết niệu trên bệnh nhân sẽ làm thêm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu CBC và cấy máu.

– Trường hợp nhiễm trùng tái phát nhiều lần thì sẽ cần bổ sung các xét nghiệm như là siêu âm, chụp X-quang bụng, chụp CT, MRI, nội soi bàng quang…

Xét nghiệm nước tiểu trong chẩn đoán viêm đường tiết niệu

Xét nghiệm nước tiểu trong chẩn đoán viêm đường tiết niệu

VII. Điều trị viêm đường tiết niệu

Hiện nay phương pháp điều trị chính của viêm đường tiết niệu là sử dụng kháng sinh. Với mỗi nguyên nhân, vị trí, mức độ nhiễm khuẩn thì phác đồ điều trị cũng được điều chỉnh để đạt hiệu quả, tránh tái phát cũng như xảy ra kháng kháng sinh. Ngoài ra bệnh nhân còn được sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng và phẫu thuật.

1. Sử dụng thuốc kháng sinh

Điều kiện lý tưởng nhất để sử dụng kháng sinh là theo kháng sinh đồ khi đã phân lập được vi khuẩn từ mẫu xét nghiệm. Khi đã đánh giá được mức độ nhạy cảm của vi khuẩn thì việc lựa chọn thuốc, liều dùng cũng sẽ cho hiệu quả điều trị cao hơn, hạn chế tác dụng phụ và kháng thuốc. 

Các nhóm kháng sinh được chỉ định gồm có:

– Kháng sinh nhóm beta lactam như penicillin, amoxicillin, cephalosporin…cho hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu. Các kháng sinh nhóm này khá an toàn và ít tác dụng phụ nên sử dụng rộng rãi trên nhiều nhóm đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai….Nhưng vi khuẩn cũng sinh đề kháng nhiều nên hiệu quả kém hơn.

– Kháng sinh nhóm quinolon như Ciprofloxacin, Levofloxacin, Ofloxacin…sẽ được ưu tiên hơn trong điều trị viêm thận bể thận.Ưu điểm là cho tác dụng nhanh nhưng hạn chế sử dụng trên phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi do lo ngại về tác dụng phụ gây tổn thương sụn khớp.

– Kháng sinh Trimethoprim / Sulfamethoxazole thường được chỉ định với các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ. Nhưng trimethoprim nên tránh dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ,và sulfamethoxazole nên tránh dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ

Sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm đường tiết niệu

Sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm đường tiết niệu

Với trường hợp viêm đường tiết niệu dưới thường sẽ được chỉ định dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ. Tuy nhiên trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng như viêm thận bể thận cấp tính, đợt cấp của viêm bể thận mạn, viêm đường tiết niệu tái phát thì cần dùng thêm kháng sinh theo đường tĩnh mạch kết hợp kháng sinh đường uống. 

Thời gian dợt điều trị kháng sinh cũng phụ thuộc vào từng dạng nhiễm trùng, mức độ bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh nhân.Thông thường mỗi đợt điều trị sẽ là 7 ngày nhưng nếu trong tình trạng nặng hơn có thể là 14 ngày hoặc kéo dài hơn. Ngoài ra với trường hợp phụ nữ có thai dự phòng tái phát nhiễm trùng cấp thì dùng kháng sinh sẽ kéo dài suốt thai kỳ và sau khi sinh. 

2. Các điều trị khác

Ngoài việc sử dụng kháng sinh để điều trị nguyên nhân gây nhiễm trùng thì bệnh nhân còn được sử dụng các biện pháp khác trong phác đồ điều trị như:

– Tăng cường sức khỏe.

– Sử dụng các thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng tiểu buốt khó chịu, ví dụ như phenazopyridine có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cho đến khi kháng sinh phát huy tác dụng.

– Điều trị các bệnh lý mắc kèm, các biến chứng như suy thận, thiếu máu, tăng huyết áp…

– Thực hiện phẫu thuật khi bị tắc nghẽn đường niệu do sỏi hay một nguyên nhân khác, bất thường về giải phẫu…Khi giải quyết được tình trạng tắc nghẽn sẽ cải thiện nhanh chóng tình trạng nhiễm khuẩn và giảm nguy cơ tái phát nhiều lần. Đôi khi nhiễm trùng gây nên các ổ áp xe không thể kiểm soát bằng thuốc cũng cần phẫu thuật để loại bỏ các tổn thương.    

Phẫu thuật lấy sỏi để giảm tắc nghẽn đường niệu 

Phẫu thuật lấy sỏi để giảm tắc nghẽn đường niệu 

VIII. Phòng ngừa viêm đường tiết niệu

Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu có thể xảy ra thì mọi người nên thực hiện các lưu ý sau:

– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày với nước và các dung dịch vệ sinh phù hợp.

– Không nhịn tiểu, đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Sau khi đi tiểu nên dùng giấy để lau.

– Uống nhiều nước từ 1,5-2l mỗi ngày theo khuyến cáo.

– Tránh sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, đồ uống nhiều caffein, hút thuốc lá…

– Lựa chọn đồ lót mềm mại, vải thoáng khí và thấm hút tốt. Không nên mặc đồ bó sát. 

– Nâng cao sức đề kháng với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tập luyện khoa học.

– Quan hệ tình dục an toàn. 

Không nhịn tiểu để phòng viêm đường tiết niệu

Không nhịn tiểu để phòng viêm đường tiết niệu

Trên đây là thông tin cơ bản về bệnh viêm đường tiết niệu. Tuy là một tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhưng nếu được chẩn đoán và tuân thủ điều trị thì bệnh rất dễ dàng được chữa khỏi. Và tốt hơn nếu như mọi người có lối sống khoa học, sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *