Nấc cụt là một hiện tượng thường xuyên xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, gây khó chịu cho trẻ. Nấc cụt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như thế nào? Bài viết sau đây sẽ mách bạn cách làm sao để hết ngay nấc cụt, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích này nhé!
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị nấc cụt
Nấc cụt (hay còn gọi là nấc) là một hiện tượng thường xuyên xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Nấc cụt xảy ra khi cơ hoành và cơ liên sườn bị co thắt không liên tục, đồng thời nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột, tạo ra âm thanh đặc trưng. Tình trạng này lặp lại nhiều lần và không liên tục.
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Nấc cụt thường gây ra khó chịu ở người lớn, tuy nhiên, tình trạng này gần như không ảnh hưởng nhiều tới trẻ sơ sinh, do đó không cần quá lo ngại. Khi bị nấc, trẻ vẫn có thể ngủ và không bị quấy rầy, chúng hiếm khi cản trở tới chức năng hô hấp của trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới nấc cụt ở trẻ như sau:
– Em bé ăn quá no, nuốt nhiều khí khi ăn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ bú bình. Bú bình không đúng cách, trẻ sẽ nuốt một lượng lớn không khí vào dạ dày, khi đạt tới một ngưỡng xác định, nó sẽ kích thích cơ hoành co thắt và gây ra tiếng nấc.
– Trẻ bú mẹ quá nhanh, khi trẻ vừa quấy vừa khóc, mẹ cho trẻ bú ngay cũng dễ bị nấc.
– Trào ngược dạ dày: Nấc cụt có thể xảy ra khi acid đi ngược vào thực quản. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, do cơ quan tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày chưa được hoàn thiện.
– Thay đổi nhiệt độ: Khi trời trở lạnh đột ngột mà bé không được giữ ấm đúng cách, không khí lạnh sẽ đi vào phổi và dẫn đến nấc cụt ở trẻ.
– Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng gây ra hiện tượng nấc ở trẻ như: trẻ bị hen suyễn, trẻ bị dị ứng, trẻ nhiễm phải không khí ô nhiễm,… Khi đó, các bậc cha mẹ cần chú ý đến mang trẻ đến bệnh viện, các trung tâm tâm y tế để được xác định nguyên nhân, từ đó có biện pháp chữa bệnh phù hợp. Không tự ý dùng thuốc để tránh làm bệnh nặng hơn.
2. Cách xử trí khi trẻ bị nấc cụt
Nấc cụt là hiện tượng sinh lý thường thấy ở trẻ sơ sinh, khi bị nấc thường không phải điều trị gì. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nấc nhiều và mạnh gây ra tình trạng nôn trớ và quấy. Mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để can thiệp kịp thời.
Với nấc cụt đơn giản, mẹ có thể tham khảo một số mẹo dân gian để xử trí như sau:
– Nghỉ ngơi và ợ hơi: Khi trẻ đang bú mà bị nấc, mẹ cho nên cho bé nghỉ bú tạm thời. Thao tác xoa hoặc vỗ nhẹ vào lưng bé để giúp bé ợ hơi.
Xoa nhẹ lưng để giúp bé ợ hơi
– Dùng tay bịt lỗ tai hoặc hai cánh mũi của bé: Mẹ có thể dùng 2 ngón tay bịt lỗ tai của bé trong khoảng 30 giây. Sau đó bóp nhẹ 2 cánh mũi đồng thời giữ miệng trẻ khép lại trong 2 đến 3 giây, lặp đi lặp lại động tác này khoảng 10 đến 15 lần. Cách làm này giúp cơ hoành bị căng cứng, không bị kích thích làm ngừng nấc cụt.
– Thay đổi tư thế bú ở trẻ: Mẹ nên thay đổi tư thế bú, đổi tay để bé không bị nuốt nhiều không khí vào bụng khi bú.
– Uống nước: Cho bé uống từng ngụm nước nhỏ (khoảng 2,5ml) liên tục và nhiều lần.
– Ăn đường: Với những trẻ đang ở tuổi ăn dặm, mẹ có thể cho một chút đường vào miệng trẻ. Vị ngọt của đường góp phần làm giảm co thắt cơ hoành.
– Mật ong: Chỉ vài giọt mật ong cũng có thể giúp bé hết nấc. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi thường hay dị ứng với mật ong, cha mẹ cần chú ý khi sử dụng mật ong để chữa nấc cho bé.
– Sử dụng núm vú giả có kích thước phù hợp với bé để hạn chế tình trạng nuốt phải nhiều không khí khi bú sữa, làm giảm tình trạng nấc cụt.
Sử dụng núm vú có kích thước phù hợp để hạn chế tình trạng nấc ở trẻ
3. Biện pháp phòng ngừa tình trạng nấc cụt ở trẻ
Ngoài các phương pháp chữa nấc cho trẻ, cha mẹ nên tìm hiểu thêm các biện pháp phòng ngừa tình trạng nấc ở trẻ. Tuy nhiên, không thể ngăn ngừa nấc hoàn toàn, vì các nguyên nhân gây nấc không phải luôn rõ ràng. Cha mẹ có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
– Giữ nhiệt độ trong phòng ở mức ổn định, không để trẻ bị lạnh. Mẹ nên choàng thêm khăn mỏng vào cổ để giữ ấm cho trẻ, đồng thời không nên mở quá nhiều cửa sổ để tránh gió thổi trực tiếp vào người trẻ.
– Khi tắm cho trẻ, chú ý không để nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ phòng. Vào mùa đông, phải bật đèn sưởi cho trẻ, nếu cần thiết.
Sử dụng đèn sưởi để giữ ấm cho bé
– Bôi một chút dầu gió vào vùng cổ tay, gáy và vùng dái tai cho bé.
– Mẹ không nên để bé quá đói mới cho bú hay để bé bú quá no, nên để bé ăn ở mức vừa phải và nhiều bữa. Với những trẻ bú bình, không để bé bú quá nhanh và cần nâng cao đầu khi bé ăn xong. Với những trẻ bú sữa mẹ, cho bé ợ hơi trước khi chuyển sang vú bên kia, nên cho bé ngậm vào quầng vú chứ không phải đầu ti.
– Cha mẹ không cần quá lo lắng khi trẻ bị nấc, bởi đây là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ. Đặc biệt, khi bị nấc, không nên cho trẻ uống nước lạnh, không bế rung lắc. Vì khi đó trẻ có thể bị hoảng sợ, và tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
– Tuy nhiên, nếu trẻ bị nấc nhiều lần và liên tục trong khoảng thời gian dài, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sỹ sớm, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo liên quan đến đường tiêu hóa.
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, cha mẹ không nên bỏ qua nó, cần tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp khắc phục để bé yêu luôn ở trong tình trạng thoải mái nhất.