Tháng đầu đời là tháng quan trọng nhất của trẻ
Sau khi ra khỏi bụng mẹ, các bé phải đối mặt với thế giới rộng lớn bên ngoài thay vì không gian chật hẹp phía trong bụng mẹ. Tuy nhiên cơ thể các bé còn hết sức yếu ớt vì vậy các bố mẹ cần hết sức lưu ý trong khoảng thời gian này để trẻ có được sức khỏe tốt nhất.
1. Chăm sóc trẻ 7 ngày đầu sau sinh
Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng mà các bố mẹ cần lưu ý, nếu không được chăm sóc một cách hợp lý rất có thể sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, thậm chí có thể là tử vong.
Ở giai đoạn này hầu hết thời gian trẻ đều ngủ. Trẻ chỉ thức dậy khi đói hoặc tã bị ướt. Bố mẹ nên chú ý để cho trẻ ăn hoặc thay tã cho trẻ.
Khi ở trong bụng mẹ, hầu hết dinh dưỡng của trẻ đều được truyền từ mẹ qua nhau thai. Vì vậy sau khi sinh, trẻ rất dễ bị đói nên hãy cho bé ăn bất cứ khi nào bé cần. Vậy nên cho bé ăn gì?
Sữa non được coi như là “món quà quý giá” đầu tiên mà mẹ dành cho trẻ. Sữa non bắt đầu xuất hiện vào cuối thai kỳ cho tới 72 giờ sau sinh. Đây được coi như nguồn dinh dưỡng vàng. Trong sữa non có chứa rất nhiều thành phần quan trọng cho bé như: IgA, các enzym tiêu hóa, các khoáng chất, kháng thể và vô số thành phần có lợi khác. Trẻ sử dụng sữa non trong 7 ngày đầu sau sinh cũng tránh được việc tiêu chảy, kích ứng. Ngoài ra nó còn giúp trẻ ngăn ngừa vàng da và trở nên khỏe mạnh.
Sữa non là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong 7 ngày đầu sau sinh
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này rất cần quan tâm tới nhiệt độ cơ thể của trẻ. Trẻ rất dễ bị hạ thân nhiệt vì vậy tốt nhất nên để trẻ nằm chung với mẹ để nhận được hơi ấm từ mẹ. Mặt khác còn thuận tiện trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ.
Với bất cứ các dấu hiệu bất thường nào từ trẻ, hãy báo ngay cho bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ. Và nếu phải nhập viện, tuyệt đối không tự ý đưa trẻ về nhà trước khi có sự đồng ý của bác sĩ.
2. Chăm sóc trẻ từ sau tuần đầu tới hết 1 tháng tuổi
2.1 Cho trẻ bú mẹ
Khoa học đã chứng minh sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Vì vậy nếu có thể hãy cho con bú hoàn toàn trong thời gian này mà không cần bất cứ một loại thực phẩm gì bổ sung. Vậy cho trẻ bú thế nào để trẻ bú được nhiều nhất và mẹ cũng thoải mái nhất. Dưới đây là một vài tư thế bạn có thể tham khảo để lựa chọn tư thế phù hợp nhất với bản thân.
Cho trẻ bú đúng cách giúp trẻ ăn được no và mẹ thoải mái.
Sau khi bú xong các mẹ nên vỗ ợ hơi để loại bỏ khí trong dạ dày giúp bé được dễ chịu. Hãy bế bé áp bụng bé vào ngực mình rồi vỗ nhè nhẹ vào lưng khoảng 15 phút. Chú ý cẩn thận đỡ cả phần cổ trẻ vì ở trẻ sơ sinh vùng này còn rất yếu.
2.2 Chăm sóc vệ sinh cho trẻ
Tắm cho trẻ: Trước khi tắm cho trẻ nên chuẩn bị đầy đủ khăn, áo quần, tã, bao tay, bao chân… để ngay sau khi tắm có thể giữ ấm luôn cho trẻ. Dùng nước ấm để tắm cho trẻ, lấy nước sôi pha với nước lạnh để được nước khoảng 37 độ C, tránh quá nóng hoặc quá lạnh. Ngoài ra người tắm cho trẻ cần cắt móng tay, loại bỏ trang sức để tránh làm trẻ bị thương. Nên tắm trong phòng kín gió, vào mùa đông có thể chuẩn bị một cái máy sưởi để trẻ tắm ấm áp hơn.
Vệ sinh rốn: Đây như là một vết thương hở, vì vậy rất dễ nhiễm trùng nếu không được vệ sinh một cách cẩn thận. Chỉ vệ sinh rốn bằng nước muối sinh lý và lau khô bằng bông, trước khi rửa cho trẻ cũng cần sát khuẩn tay sạch sẽ. Tuyệt đối không dùng bất cứ hóa chất nào khác. Nếu nhận thấy dấu hiệu của viêm nhiễm như chảy mủ trắng, sưng, đỏ,… hãy báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.
2.3 Thay tã, quần áo, đội mũ cho trẻ
Trẻ sơ sinh cần được giữ ấm cơ thể tuy nhiên không vì thế mà các bố mẹ đem mặc thật nhiều quần áo, tã rồi đội mũ kín mít cho trẻ bất kể thời tiết nóng hay lạnh.
Cơ thể trẻ chưa thể tự điều hòa thân nhiệt nên việc mặc quần áo quá nhiều hoặc quấn tã quá chặt có thể khiến thân nhiệt trẻ tăng và làm trẻ bị sốt. Cùng với đó, việc tiết nhiều mồ hôi có thể khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu. Thậm chí việc quấn tã quá chặt còn có thể làm ảnh hưởng tới khớp háng của trẻ.
2.4 Chăm sóc da, mắt, lưỡi, mũi
Việc chăm sóc cho trẻ cần tuân thủ các nguyên tắc:
– Không để da trẻ tiếp xúc với các hóa chất kích thích như xà phòng, mỹ phẩm,…
– Chăm sóc lưỡi, mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
– Giữ cho da trẻ ở độ ẩm thích hợp.
– Thay tã cho trẻ khi tã bị ướt, bẩn để tránh làm kích ứng da trẻ.
– Sử dụng khăn riêng cho trẻ.
Chăm sóc đúng cách cho trẻ sơ sinh giúp trẻ phát triển tốt
Tóm lại, tháng đầu đời là tháng hết sức quan trọng của trẻ. Nếu không chăm sóc tốt cho trẻ trong tháng đầu đời sẽ rất dễ ảnh hưởng tới sự phát của trẻ sau này.