Chế độ ăn uống cho các mẹ sau sinh
Sau khi sinh, cơ thể người mẹ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe cũng như đảm bảo nguồn sữa tốt nhất cho bé. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu chế độ dinh dưỡng sau sinh cho mẹ bầu qua bài viết sau đây.
1. Tại sao các bà mẹ sau sinh cần chú ý đến chế độ ăn uống?
Đối với con
Các tổ chức y tế thế giới khuyên rằng: “Nên cho trẻ bú ngay khoảng 1 giờ sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu. Sau đó kết hợp ăn dặm và tiếp tục cho trẻ bú sữa đến ít nhất 1 năm”. Vì vậy dinh dưỡng cho mẹ sau sinh cũng chính là dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nên điều này đặc biệt cần chú ý.
Chế độ ăn giàu Protein dành cho mẹ sau sinh
Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp mẹ tạo ra được nhiều sữa với chất lượng sữa tốt, nhờ đó con bú sữa mẹ sẽ được phát triển khỏe mạnh.
Đặc biệt, trong sữa mẹ có chứa lượng lớn kháng thể có thể truyền trực tiếp cho con nhờ bú sữa, giúp tăng cường hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ. Những trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ tròn 6 tháng đầu có trí tuệ và thể chất toàn diện hơn và có sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng hơn so với trẻ phải dùng thêm các sữa bột dinh dưỡng.
Đối với mẹ
Sau quá trình mang thai và sinh đẻ, người phụ nữ cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, do đó cần được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục thể trạng cũng như tránh các biến chứng sau sinh.
2. Nhu cầu dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh?
Khẩu phần ăn dành cho mẹ sau sinh
Nhu cầu dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh rất cao vì mất nhiều năng lượng và máu sau quá trình chuyển dạ sinh con và cần để sản xuất sữa cho con.
Năng lượng
Cần bổ sung thêm 550-625 kcal/ngày so với nhu cầu trung bình của người trưởng thành.
Chất đạm
Trong 6 tháng sau sinh, người mẹ cần chế độ dinh dưỡng cung cấp lượng đạm khoảng 79g/ngày. 6 tháng tiếp theo, lượng đạm cần cung cấp khoảng 73g/ngày.
Lượng đạm cung cấp nên có tỷ trọng khoảng 30% từ động vật.
Chất béo
Nhu cầu chất béo (Lipid) cần cung cấp cho bà mẹ sau sinh khoảng 20-25%/ tổng năng lượng và tối đa là 30%. Các chất béo cần bổ sung như EPD, DHA,…được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng vì chúng rất cần cho sự phát triển của trí não và thị lực của trẻ.
Vitamin và khoáng chất
Vitamin B2, C, A, folate là những vitamin cần bổ sung cho phụ nữ sau sinh. Nguồn cung cấp nên lấy từ tự nhiên, có nhiều trong hoa quả. Mỗi ngày, mẹ cần ăn khoảng hơn 400g trái cây, rau củ để đảm bảo lượng vitamin cần thiết và chất xơ để tránh táo bón.
Nước
Thành phần chính của sữa mẹ là nước, nên mẹ cũng cần uống nước nhiều hơn so với nhu cầu người bình thường, trung bình khoảng 2-2,5 lít/ngày.
3. Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ sau sinh
Vì những lí do quan trọng như vậy nên việc chăm sóc dinh dưỡng cho bà bầu sau sinh là vô cùng cần quan tâm. Nhưng chăm sóc như thế nào, lựa chọn thực phẩm ra sao,… thì không phải ai cũng nắm rõ.
Chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ sau sinh
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày
Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ sau sinh lớn hơn người bình thường, nên cần có chế độ ăn hợp lý để hấp thu được tối đa chất dinh dưỡng nhất có thể. Việc chia nhỏ bữa ăn thành 3-6 bữa/ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Đa dạng các món ăn và các nhóm thực phẩm
Phụ nữ sau sinh thường hay trong tình trạng mệt mỏi do suy nhược cơ thể, suy nhược tinh thần lo lắng về việc chăm sóc con cái (đặc biệt với những người lần đầu tiên làm mẹ), mất ngủ vì con quấy khóc nên không thèm hay muốn ăn thứ gì. Việc đa dạng các món ăn và thay đổi món ăn hàng ngày sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng và mẹ ăn ngon miệng hơn. Chế độ ăn uống cho phụ nữ sau sinh cần đảm bảo đủ 6 nhóm sau đây:
– Tinh bột: Cơm, bánh mì, khoai tây, các loại ngũ cốc,…
– Sữa: Sữa tươi, sữa dinh dưỡng, phô mai,…
– Chất béo: Dầu cá, các loại hạt,…
– Protein: Thịt, trứng, hạt mè, đậu, cá,…
– Vitamin và khoáng chất: Từ tự nhiên rau củ quả, trái cây nên ưu tiên hơn các chế phẩm tổng hợp có sẵn,…
– Nước: Uống đủ 12-15 cốc nước mỗi ngày.
Nên luân phiên giữa các món trong bữa để không gây cảm giác chán ăn.
Các loại thực phẩm nên ăn
Cá hồi
Trong cá hồi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo đặc biệt cá hồi giúp bổ sung một lượng lớn DHA quan trọng trong sự phát triển trí não của bé và cải thiện tâm trạng, ngăn ngừa trầm cảm sau sinh.
Thịt bò nạc
Trong thịt bò nạc chứa lượng lớn Protein và vi lượng sắt, ăn thịt bò sau sinh giúp mẹ bù đắp lại lượng sắt bị mất do việc mất máu trong khi sinh đẻ và còn giúp cung cấp đủ sắt cho bé.
Trứng
Trứng là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào, trong trứng có nhiều protein hầu hết là các acid amin mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Ngoài ra trong trứng còn có hàm lượng Choline khá cao cần thiết cho cả mẹ và bé.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh chứa Calci, vitamin C và sắt tốt cho cơ thể, ngoài ra còn có cả chất chống oxy hóa tốt cho tim mạch và ít calo.
Trái cây giàu vitamin C như cam, chanh
Vitamin C cần bổ sung trong bữa ăn hàng ngày để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho mẹ và bé.
Phụ nữ sau sinh nên ăn gì?
Thức ăn nên tránh
Khi cho con bú, cần tránh một số loại thực phẩm vì có thể tiết qua sữa mẹ và gây hại cho con như:
– Rượu bia: Có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tiêu hóa còn non yếu của trẻ dù chỉ là một lượng rất nhỏ. Không những thế, rượu bia còn làm giảm tiết sữa của mẹ, nên cần tránh uống rượu bia khi đang nuôi con bằng sữa mẹ.
– Trà, cafe: Các chất kích thích sẽ khiến bé bứt rứt, khó chịu, khiến trẻ khó ngủ.
– Các loại cá chứa thủy ngân: Thủy ngân là một chất độc có thể truyền qua sữa mẹ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh còn non nớt của trẻ. Vì vậy cần tránh ăn các loại cá như cá kiếm, cá mập, cá ngừ,… vì những loại này có chứa nhiều thủy ngân.
– Đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, bị ôi thiu.
– Đồng thời, mẹ cũng nên chú ý đến những thực phẩm mà mình ăn uống có thể gây dị ứng cho bé gây biểu hiện như bú kém, tiêu chảy, nổi ban, mẩn đỏ, sưng môi,… mà lập nên một danh sách để người trong gia đình đều biết và tránh cho vào trong món ăn.
Như vậy, có thể thấy, việc chăm sóc chế độ ăn cho phụ nữ sau sinh là vô cùng quan trọng không chỉ đối với mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên em bé. Vì vậy cần lập nên một chế độ ăn uống, khoa học và đảm bảo dinh dưỡng.