Cho trẻ ăn dặm
Ăn dặm là bước đầu tiên để trẻ phát triển toàn diện và thích nghi với chế độ ăn uống sau này. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ có con lần đầu tiên còn nhiều lo lắng khi không biết cho bé bắt đầu từ thời điểm nào, thực đơn như thế nào, bắt đầu với thức ăn gì,… Để giải đáp thắc mắc giúp các bố mẹ có hiểu biết và kiến thức thức đúng đắn về ăn dặm, bài viết dưới đây sẽ có hướng dẫn đầy đủ và chi tiết nhất.
1. Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là một giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ. Lúc này trẻ dần dần được ăn các loại thức ăn khác trong khi vẫn tiếp tục bú sữa mẹ, bao gồm rau, thịt, sữa, cá, trứng, hoa quả,… Ăn dặm không thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ do trong sữa chứa nhiều kháng thể và các yếu tố miễn dịch khác giúp trẻ ngăn ngừa và chống lại bệnh tật và tăng sức đề kháng.
2. Bao nhiêu tháng cho trẻ ăn dặm?
Rất nhiều bà mẹ thắc mắc: Cho trẻ ăn dặm khi nào thì hợp lý? Các dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm cùng với sữa mẹ, bao gồm:
– Trẻ có thể ngồi dậy mà không cần hỗ trợ từ người nhà, biết di chuyển người về phía trước và kiểm soát tốt cơ cổ.
– Trẻ giữ thức ăn trong miệng mà không dùng lưỡi để đẩy nó ra ngoài.
– Trẻ bắt đầu biết phối hợp mắt, tay và miệng để nhìn, tự gắp và đưa thức ăn vào miệng.
– Mở miệng khi thấy thức ăn được đưa tới.
Trẻ có thể ngồi dậy mà không cần hỗ trợ là bé đã sẵn sàng để ăn dặm
Tuy nhiên không phải tất cả trẻ đều như nhau, có một số bé sẵn sàng trước hoặc muộn hơn. Cùng với đó, rất nhiều bà mẹ thường nhầm lẫn những hành vi sau đây là dấu hiệu để nhận biết, dẫn đến thời điểm ăn dặm cho trẻ không đúng, như:
– Trẻ thức dậy vào ban đêm nhiều hơn bình thường.
– Muốn bú thêm sữa mẹ.
– Nhai hoặc mút tay.
Thông thường, thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ ăn dặm là từ tháng thứ 6. Do những nguyên nhân chủ yếu sau:
– Mỗi ngày sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal, trong khi giai đoạn này trẻ cần đến 700 kcal mỗi ngày. Do vậy, lượng thức ăn có thể bù được năng lượng bị thiếu, đồng nghĩa với việc khi trẻ lớn lên lượng thức ăn cho trẻ phải tăng theo. Lúc này, bé có thể di chuyển được thức ăn quanh miệng, nhai và nuốt tốt hơn. Từ đó giúp trẻ có thể ăn được thức ăn rắn mà không cần xay thành bột mịn.
– Cho đến 6 tháng tuổi, hầu như lượng sắt dự trữ trong cơ thể trẻ không còn mà sữa mẹ không thể cung cấp đủ. Nếu không cung cấp đủ, trẻ có nguy cơ mắc thiếu máu. Chính vì vậy, ăn dặm là nguồn cung cấp sắt cho trẻ.
– Cơ thể trẻ chưa đủ enzym amylase cho đến khi 4 tháng tuổi. Vì vậy, nếu ăn dặm trong khoảng thời gian này khiến trẻ ít bú mẹ, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, giảm sức đề kháng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
– Còn nếu cho trẻ ăn muộn hơn 6 tháng, trẻ bị đứng cân và tăng trưởng chậm.
3. Tác hại khi cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Có những bậc cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá muộn hoặc quá sớm dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ như:
– Hệ thống tiêu hóa của trẻ còn yếu, chưa đáp ứng được một số loại thức ăn nhất định. Do đó khi thức ăn không đảm bảo, khiến trẻ khó tiêu hóa, tiêu chảy và táo bón.
– Giúp tăng khả năng mang thai khi trẻ giảm số lần bú sữa mẹ.
– Đồng thời những chất dinh dưỡng được cung cấp nhờ sữa mẹ có thể bị thiếu hụt dẫn đến suy giảm sức đề kháng ở trẻ.
Do đó, lựa chọn để bắt đầu ăn dặm là vô cùng cần thiết, đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện và có một sức khỏe tốt.
4. Ăn dặm đúng cách
4.1 Dụng cụ chuẩn bị cho trẻ ăn dặm
– Trước khi ăn dặm, có thể chuẩn bị cho trẻ một số sản phẩm ăn dặm có sẵn trên thị trường như bánh ăn dặm Hàn Quốc, Nhật,…
– Ghế ăn dặm: khi đã kiểm soát tốt cơ cổ trẻ có thể sử dụng ghế ăn dặm. Có nhiều loại khác để phù hợp với từng đối tượng như ghế gỗ, nhựa, chân cao,… Đây là dụng cụ không thể thiếu để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ăn dặm.
Ghế ăn dặm cho bé
– Bát ăn và thìa: Trẻ lúc này rất nghịch đồ ăn do đó khiến tung tóe khắp nơi, vì vậy bố mẹ nên chuẩn bị cho con bát bằng nhựa để tránh vỡ, đảm bảo an toàn cho bé.
– Yếm ăn: Một bãi chiến trường sau mỗi bữa ăn là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ. Nó có thể vương vãi khắp nơi từ sàn nhà, tường và đặc biệt quần áo.
4.2 Nguyên tắc ăn dặm đúng cách
– Cho trẻ tập ăn dặm với thức ăn giống sữa mẹ: Để trẻ quen dần dần với những thức ăn lạ cần bắt đầu ăn dặm với những thức ăn gần với sữa mẹ hoặc tương tự với sữa công thức.
– Từ ít đến nhiều: Ban đầu có thể 1 bữa/ngày sau đó tăng dần lên 2 bữa một ngày cộng với những bữa phụ như sữa chua, hoa quả,… Mỗi bữa có thể ít rồi tăng dần để đạt được 10g rau xanh, 10g tinh bột, 10g thịt, dầu ăn hoặc mỡ động vật khoảng 5ml giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng và giúp trẻ dễ tiêu hóa.
– Từ lỏng đến đặc: ban đầu cần cho trẻ ăn thức ăn loãng trong 2-3 ngày, sau đó tăng dần độ đặc. Thử các loại thức ăn có mùi vị và kết cấu khác nhau để giúp bé xử lý tốt với đa dạng thức ăn.
– Đảm bảo mỗi bữa có đủ 4 nhóm thức ăn cần thiệt.
– Không bao giờ được bỏ mặc trẻ trong khi ăn. Bất cứ lúc nào trẻ cũng có thể bị nghẹn.
– Không ép trẻ ăn: Không được lừa hoặc dỗ trẻ ăn nhiều hơn bằng các chơi trò chơi, rong dạo. Khi trẻ ăn theo dấu hiệu đói của mình sẽ giảm nguy cơ ăn quá mức sau này.
Sau buổi ăn dặm đầu tiên, trẻ háo hức và vui vẻ nhận đồ ăn có nghĩa là đã sẵn sàng để ăn dặm. Ngược lại bé ngoảnh mặt đi, nhăn nhó thì mẹ không nên ép con, lúc này bé có thể chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, lần đầu tiên lúc nào cũng có khó khăn, do đó mẹ cần phải kiên trì trong giai đoạn đầu.
4.3 Thực đơn ăn dặm cho bé
Có nhiều cách để bắt đầu cho bé ăn dặm, chúng thường thay đổi theo từng gia đình và nền văn hóa. Bắt đầu với những thực phẩm có chứa sắt như thịt và các sản phẩm khác như đậu, trứng, thịt gà, đậu nghiền, đậu Hà lan, ngũ cốc. Những thực phẩm mà gia đình thường ăn là lựa chọn tốt nhất cho trẻ.
Trẻ từ 6-12 tháng
– Từ 6-8 tháng tuổi: Ở giai đoạn này trẻ bắt đầu tập ăn, do đó nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa. Đồng thời cần phải cho ăn từng chút một, sau mỗi tuần sẽ tăng một lượng nhỏ thức ăn, độ đặc của cháo để trẻ quen dần. Đầu tiên nên ăn mỗi ngày một bữa, sau đó tăng lên 2 bữa.
– Từ 9- 11 tháng: Tăng dần độ đặc của thực ăn và lên 3-4 bữa mỗi ngày. Chú ý vẫn duy trì cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức hàng ngày.
– Sản phẩm ngũ cốc giúp tăng cường chất sắt cho trẻ.
– Rau: gồm các loại rau củ nấu chín mềm, nghiền.
– Trái cây: những loại trái cây khi chín mềm, bỏ vỏ, hạt và cắt nhỏ.
– Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,…
Trẻ từ 12 – 23 tháng
Khi trẻ được 1 tuổi, có thể sử dụng đa dạng các loại thức ăn khác nhau và ăn 4 bữa một ngày. Đảm bảo trong mỗi bữa ăn chứa đầy đủ tinh bột, protein (thịt hoặc trứng) và lipid (dầu mỡ, bơ) và chất xơ (rau, củ quả).
Không nên uống quá 750 ml sữa mỗi ngày để trẻ vẫn cảm thấy đói và muốn ăn thêm thức ăn.
Trẻ từ 24 – 36 tháng
Trong giai đoạn này trẻ có thể bắt đầu ăn cơm cùng với thức ăn của gia đình. Tuy nhiên nên hạn chế thức ăn quá dai và cứng vì dễ gây hóc hoặc nghẹn.
Từ 2 tuổi trở nên nhiều trẻ đã cai sữa, do đó mỗi bữa ăn cần đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.
Tập cho trẻ thói quen ngồi ăn cùng với gia đình để trẻ học cách gắp, xúc và nhai thức ăn.
5. Lưu ý khi cho bé ăn dặm
– Không nên cho trẻ ăn thức ăn chứa nhiều đường như kẹo, nước ngọt,…
– Không nên sử dụng mật ong: nó có thể chứa bào tử vô hại với người lớn nhưng có thể gây ngộ độc cho trẻ.
Không nên sử dụng mật ong để ăn dặm
– Trẻ nhỏ chưa thể nghiền thức ăn thành miếng nhỏ do đó nguy cơ dẫn đến nghẹt thở cao. Với những thức ăn dạng nhỏ, tròn hoặc hình trụ như xúc xích, nho,… cần giám sát bé khi ăn, ngồi đúng tư thế, cắt nhỏ chúng.
– Trong thời gian 6 tháng đầu, đối với những trẻ chỉ bú mẹ hoàn toàn, không cần phải bổ sung thêm nước. Khi bé bắt đầu ăn thức ăn khác, có thể bắt đầu uống nước trong cốc. Nhiều loại nước trái cây có thể gây tiêu chảy hoặc đầy dạ dày làm giảm sự thèm ăn của bé.
– Lau nướu cho trẻ bằng khăn mềm, ẩm mỗi ngày 2 lần để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
6. Những chú ý khi chế biến món ăn dặm cho bé
– Luôn rửa tay trước khi nấu thức ăn cho trẻ và trước khi ăn cần phải rửa tay cho trẻ. Nguyên liệu cần đảm bảo an toàn, không chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại. Đối với một số thức ăn cần chế biến đặc biệt như tôm cần phải được bóc vỏ, thịt phải gỡ hết xương, xay hoặc băm nhuyễn. Đồng thời, những dụng cụ trong bếp cần được rửa và giữ cho sạch.
– Nên thêm một chút dầu ăn khi chế biến giúp trẻ dễ tiêu hóa và cung cấp năng lượng. Đồng thời giúp tăng khả năng hòa tan các chất khác từ đó hệ tiêu hóa hấp thu dễ dàng hơn, đặc biệt là vitamin D và canxi.
– Khi bé chưa đủ 12 tháng tuổi không nên thêm gia vị như nước mắm, bột canh,… Vì dưới độ tuổi này thận của trẻ còn yếu dẫn đến thận hoạt động quá mức. Từ 1 tuổi trở nên có thể nêm nhạt cùng với một chút muối hoặc nước mắm. Tuy nhiên để giữ cho trẻ có sức khỏe tốt nhất nên tập cho trẻ ăn nhạt từ nhỏ.
7. Một số phương pháp ăn dặm được nhiều bà mẹ áp dụng
– Phương pháp truyền thống như ăn nhiều chất đạm, nấu chung nhiều loại thực phẩm với nhau, thức ăn được xay nhuyễn,…
– Phương pháp BLW (ăn dặm tự chỉ huy) được áp dụng phổ biến ở những nước châu Âu, trong đó các bé được tự tập và số lượng nhiều hay ít do bé tự quyết định. Thức ăn được chia nhỏ vừa miếng, giúp trẻ có thể tự cầm và lựa chọn mình thích ăn gì.
– Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật: tập cho bé ăn những thức ăn thô giúp các bé tự lập trong việc ăn uống. Có thể phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau để bé được ăn ngon miệng và phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ.
Một số gợi ý về thực đơn ăn dặm dành tặng cho mẹ và bé
Hãy áp dụng một chế độ ăn dặm khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và bắt mắt để tăng thêm sự hứng thú cho trẻ khi bắt đầu ăn dặm, giúp quá trình thực hành ăn dặm của bé được nhanh hơn.
Trên đây là một số kiến thức quan trọng giúp mẹ xây dựng cho trẻ một chế độ ăn dặm hợp lý. Chúng tôi mong rằng, mẹ và bé sẽ có giai đoạn ăn dặm thành công, cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ có một sức khỏe tốt.