Rối loạn tiêu hóa thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu chủ quan trong điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, polyp đại tràng, thậm chí là ung thư. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ, chuyên gia sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Sau đây là những biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa tại nhà mà chúng ta có thể áp dụng ngay để cải thiện các triệu chứng của bệnh.
1.Thiết lập thói quen sinh hoạt điều độ, khoa học
Người mắc rối loạn tiêu hóa cần thiết lập chế độ sinh hoạt hợp lý, khoa học, thay đổi các thói quen không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe:
– Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tốt nhất là ngủ trước 23 giờ để hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi.
– Không nên nhịn đi vệ sinh làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, đầy bụng, có thể dẫn đến nhiều tác động xấu khác.
– Tập luyện thể dục thể thao vừa sức, hạn chế vận động mạnh, tránh lao động nặng, quá sức.
– Không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít, không nằm ngay sau khi ăn.
– Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
2. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất
Chế độ ăn uống khoa học góp phần hỗ trợ cải thiện hiệu quả rối loạn tiêu hóa. Cần chú ý xây dựng chế độ ăn đảm bảo một số yếu tố như:
– Bổ sung đủ nước và chất điện giải mỗi ngày, có thể uống thêm nước khoáng, nước trái cây…
– Ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp cung cấp vitamin, chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng của bệnh, làm lành nhanh vết loét.
– Bổ sung đủ Protein cho cơ thể, ưu tiên nguồn đạm từ thực vật, các loại thịt trắng, giảm bớt bổ sung Protein từ các loại thịt đỏ.
– Hạn chế các món cay nóng, nhiều dầu mỡ.
– Tránh các loại thực phẩm có vị “tanh” như tôm, cua, cá… làm nặng thêm các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa.
– Ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống
3. Sử dụng các thuốc Tây y
Khi bị rối loạn tiêu hóa, sử dụng thuốc Tây là giải pháp điều trị được nhiều người nghĩ đến bởi tác dụng nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao, có thể chấm dứt ngay tình trạng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, không được tự ý sử dụng thuốc. Việc tự ý dùng thuốc có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm hoặc gây kháng thuốc, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Một số loại thuốc Tây y thường được sử dụng cho bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa như thuốc trị tiêu chảy, thuốc giảm đau, thuốc trị đầy bụng, khó tiêu, thuốc kháng sinh khi có nghi ngờ nhiễm khuẩn…
4. Chữa rối loạn tiêu hóa bằng các phương pháp dân gian
Tỏi
Tỏi có chứa Allicin, giúp tiêu diệt vi khuẩn trong đường tiêu hóa gây ra chứng đầy hơi. Ngoài ra, các vitamin, khoáng chất trong tỏi cũng giúp cải thiện tiêu hóa, giúp dạ dày, đường ruột làm việc tốt hơn.
Chỉ cần bổ sung thêm tỏi vào các món ăn hàng ngày hoặc uống nước ép tỏi, ăn tỏi sống sẽ giúp cải thiện tình trạng khó tiêu nhanh chóng.
Tuy nhiên, với những trường hợp mẫn cảm với tỏi có thể gây ra đầy hơi hoặc kích ứng. Ngoài ra, chỉ nên ăn với liều lượng vừa đủ. Không nên ăn quá nhiều có thể dẫn đến tác dụng ngược lại.
Tỏi có công dụng chữa rối loạn tiêu hóa
Gừng
Gừng có công dụng làm giảm lượng acid trong dạ dày, cải thiện các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng của rối loạn tiêu hóa. Chỉ cần uống một tách trà gừng mỗi ngày, uống một chút rượu gừng, ngậm gừng tươi, kẹo gừng cũng giúp các biểu hiện rối loạn tiêu hóa sẽ được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, gừng có tính nóng, nếu sử dụng quá nhiều mỗi ngày (trên 4g/ngày) có thể gây ra chứng ợ nóng, thậm chí là bỏng cổ họng.
Lá mơ
Một số nghiên cứu cho thấy, trong lá mơ có chứa các hoạt chất giúp chống khuẩn, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, khó tiêu.
Ăn trực tiếp lá mơ, đun nước uống hoặc kết hợp lá mơ với trứng để chế biến thành các món ăn như trứng hấp lá mơ, trứng cuộn lá mơ… vừa dễ ăn lại giúp điều trị rối loạn tiêu hóa chỉ sau 3 – 4 ngày thực hiện.
Tuy nhiên, trên bề mặt lá mơ có lớp lông nhỏ, là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Do đó, cần rửa thật sạch, ngâm với nước muối để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn bám trên bề mặt lá.
Trà bạc hà
Nghiên cứu cho thấy, trong bạc hà có chứa hoạt chất L-menthol, có công dụng chống co thắt trên đường tiêu hóa, cải thiện rõ rệt hội chứng ruột kích thích, làm giảm các triệu chứng như buồn nôn, đầy bụng, đau bụng, khó tiêu.
Chưa có liều lượng khuyến cáo cụ thể về liệu lượng bạc hà hay tinh dầu bạc hà khi sử dụng, có thể sử dụng nhiều ít bạc hà tùy vào mục đích sử dụng. Có thể uống trà bạc hà, ngậm kẹo bạc hà hoặc ăn trực tiếp một vài lá bạc hà để giúp điều trị nhanh chóng các vấn đề về tiêu hóa.
Bạc hà có thể giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên do tác dụng làm giãn các cơ thắt ngực, cơ giữ dạ dày và thực quản nó có thể khiến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trở nên nghiêm trọng hơn, cần thận trọng trong sử dụng.
Bạc hà làm giảm co thắt dạ dày, buồn nôn, khó tiêu
Trà hoa cúc
Hoa cúc có chứa các hợp chất tác dụng chống co thắt dạ dày, làm dịu căng thẳng, mệt mỏi. Uống trà hoa cúc giúp làm giảm cơ trơn trong ruột, cải thiện nhu động ruột, hỗ trợ điều trị táo bón, đầy hơi chướng bụng và các rối loạn tiêu hóa khác.
Trà hoa cúc là biện pháp hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả, tuy nhiên, việc uống quá nhiều trà lại có thể dẫn đến buồn nôn, nôn. Do đó, chỉ nên uống tối đa 4 tách trà hoa cúc mỗi ngày để tránh các tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia, hoa cúc có gây tương tác với các thuốc an thần, thuốc tránh thai, chống nấm… Các đối tượng đang sử dụng những loại thuốc này thì không nên uống trà hoa cúc.
Lá ổi non
Lá ổi từ xưa đã được sử dụng chữa tiêu chảy vô cùng hiệu quả, an toàn. Theo các nghiên cứu khoa học, lá ổi có chứa các hoạt chất như Quercetin, Avicularin, Leucocyanidin, Tanin làm săn niêm mạc ruột, giúp làm giảm tình trạng đi ngoài phân lỏng.
Chỉ cần lấy một ít lá ổi non đun nước uống trong vài ngày sẽ giúp cải thiện nhanh tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, lá ổi không có tác dụng điều trị trường hợp tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy do vi khuẩn, virus, nấm… gây ra. Nếu sau vài ngày sử dụng, tình trạng tiêu chảy không cải thiện, cần báo ngay cho bác sĩ.
Lá ổi non có công dụng điều trị tiêu chảy
Sữa chua
Sữa chua có chứa nhiều dưỡng chất và hàng triệu lợi khuẩn rất tốt cho hệ tiêu hóa. Các lợi khuẩn giúp kích thích tiêu hóa, cải thiện tình trạng tiêu chảy, khắc phục chứng táo bón, tăng nhu động ruột, làm giảm lượng khí thừa có trong dạ dày.
Nên ăn sữa chua sau bữa ăn chính khoảng 1 giờ, không nên ăn sữa chua khi đang đói. Chỉ nên ăn tối đa 2 hộp sữa chua mỗi ngày, tránh nguy cơ thừa dưỡng chất. Không nên ăn sữa chua với kem, đun nóng sữa chua để ăn. Nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng có thể tiêu diệt hết các lợi khuẩn trong sữa chua.
Trên đây là một số phương pháp chữa rối loạn tiêu hóa tại nhà được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt nhất, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ giải pháp nào, giúp bệnh nhanh khỏi.