Rôm sảy là hiện tượng bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người lớn khi thời tiết chuyển sang mùa hè nóng bức. Từ thời xưa, các bà các mẹ đã áp dụng rất nhiều mẹo dân gian khác nhau để trị rôm sảy. Ngày nay, nhiều chị em vẫn thường sử dụng cách chữa rôm theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những lưu ý quan trọng khi áp dụng các phương pháp này. Hãy cùng tham khảo thêm thông tin qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những biện pháp thông dụng, bổ sung thêm vào cẩm nang chăm sóc con trẻ.
1. Rôm sảy là gì?
Rôm sảy là một bệnh lý da liễu thường gặp vào mùa hè. Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tiết mồ hôi nhiều là phản ứng bình thường để làm mát cơ thể và cân bằng nhiệt giữa trong – ngoài môi trường. Tuy nhiên, khi lỗ chân lông giãn nở để thoát mồ hôi đã tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập vào cơ thể. Hậu quả gây bít tắc và phát sinh các nốt đỏ mẩn ngứa trên da.
Biểu hiện rôm sảy là nổi mụn gây ngứa
Rôm sảy thường có 4 dạng:
– Rôm sảy kết tinh: Loại này là dạng nhẹ nhất, bởi trên da chỉ xuất hiện mụn hoặc mụn nước mà không gây ngứa và đau.
– Rôm sảy đỏ: Loại này là dạng phổ biến nhất ở trẻ em. Các nốt mụn ửng đỏ và gây ngứa, tạo cảm giác khó chịu cho trẻ. Khi ngứa trẻ có thói quen dùng tay gãi, làm cho da bị trầy xước, có nguy cơ nhiễm trùng.
– Rôm sảy mủ: Biểu hiện là các nốt mụn đỏ hoặc có lông ở giữa, bên trong chứa mủ. Khi mụn vỡ sẽ gây đau, ngứa ngáy và có tỷ lệ nhiễm trùng cao.
– Rôm sảy sâu: Đây là trường hợp nặng, nguyên nhân do tổn thương lớp hạ bì – là lớp sâu nhất của da, dẫn đến mồ hôi không thoát được ra ngoài, gây ứ đọng và nhiễm trùng. Rôm sảy sâu có dấu hiệu là da đỏ ửng như da gà nhưng ít ngứa hoặc đau.
Rôm sảy đỏ ở trẻ nhỏ
2. Nguyên nhân bị rôm sảy
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh rôm sảy như:
– Đối với trẻ nhỏ, do hệ thống tuyến mồ hôi chưa trưởng thành nên mồ hôi không thoát được ra ngoài. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, theo sinh lý cơ thể đổ nhiều mồ hôi hơn. Vì thế tình trạng mồ hôi ứ đọng, gây bít tắc sinh ra bệnh rôm sảy là điều không thể tránh khỏi.
– Khi trẻ mặc nhiều quần áo kèm chất liệu có khả năng thấm hút mồ hôi kém thì cũng khiến mồ hôi ứ đọng trên da, gây ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng này diễn ra lâu sẽ sinh rôm sảy.
– Khói bụi hay bụi bẩn là tác nhân sinh mụn nếu xâm nhập qua lỗ chân lông, gây bít tắc các tuyến mồ hôi. Ngoài ra, không gian sống nóng bức, chật chội cũng khiến trẻ nhỏ dễ bị rôm sảy.
– Vệ sinh cá nhân hằng ngày không sạch sẽ, nhất là mùa nóng nực cũng dễ gây ra rôm sảy. Đối với chị em phụ nữ thường xuyên trang điểm, khi tẩy trang không sạch sẽ sinh mụn hoặc rôm sảy.
– Riêng với da trẻ em rất dễ nhạy cảm với các thành phần dược – mỹ phẩm như sữa tắm, kem dưỡng, thuốc,… Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị rôm sảy.
– Khi cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc của gan và thận. Do đó, dễ sinh rôm sảy. Cần bổ sung nước đầy đủ cho trẻ vào những ngày hè oi bức.
– Ngoài các yếu tố về môi trường kể trên, yếu tố di truyền cũng quyết định đến khả năng bị rôm sảy. Bởi theo nghiên cứu, nếu trẻ nhỏ có người thân trong gia đình bị dị ứng thì có tỷ lệ bị rôm sảy cao.
Một số nguyên nhân bị rôm sảy ở trẻ nhỏ
3. Chữa rôm sảy tại nhà như thế nào?
Rôm sảy là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ, không gây nguy hiểm nếu điều trị đúng cách. Từ bao đời nay, các bà các mẹ thường áp dụng một số biện pháp chữa rôm sảy tại nhà bằng các thảo dược dân gian và đã đem lại tác dụng vô cùng hiệu quả, an toàn.
3.1 Trị rôm sảy bằng lá khế
Khế là một trái cây có vị chua. Theo dân gian, lá khế có tác dụng kháng khuẩn, tán nhiệt, giải độc, phù hợp để chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay, rôm sảy ở trẻ nhỏ.
Các mẹ thường tắm nước lá khế cho con. Cách làm như sau:
– Chuẩn bị lá khế đã tước phần gân, rửa sạch.
– Đun sôi lá khế, thêm một ít muối.
– Đem nước đun sôi pha cùng nước lạnh để tắm cho bé.
Hoặc có cách làm khác, đó là giã nát lá khế đã chuẩn bị, lọc/vắt lấy phần nước, sau đó pha cùng nước ấm để tắm.
Dùng lá khế trị rôm sảy
3.2 Trị rôm sảy bằng chè xanh
Trà xanh được biết đến với nhiều công dụng khác nhau, trong đó, đây là sự lựa chọn hữu hiệu của các bà mẹ khi con bị rôm sảy. Theo đông y, chè xanh có công dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, dùng điều trị mụn nhọt, mẩn ngứa. Theo y học hiện đại, bởi trong lá chè xanh chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống viêm, chống Oxy hóa mạnh như Flavonoid, EGCG, Quercetin,… Vì thế, tắm nước chè xanh sẽ giúp làm sạch da, diệt khuẩn gây hại trên da.
Lá chè xanh đun sôi lấy nước và tắm cho trẻ. Cách làm tương tự như tắm lá khế. Lưu ý, không dùng chè khô mà phải dùng lá chè xanh tươi để nấu lấy nước.
Trị rôm sảy bằng cách tắm lá chè xanh
3.3 Trị rôm sảy bằng lá tía tô, lá kinh giới
Lá tía tô và lá kinh giới là hai vị thuốc cổ truyền, được áp dụng chữa nhiều bệnh khác nhau như giải cảm mạo phong hàn, chữa ho, giảm đau nhức do Gout gây ra… Ngoài ra, lá tía tô và lá kinh giới còn được dùng để chữa rôm sảy ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Bởi trong hai loại lá này có chứa tinh dầu và các chất chống viêm – dị ứng (như Acid Linoelic, Acid Rosmarinic, Perilla, Quercetin,…).
Cách dùng lá tía tô và kinh giới để chữa rôm sảy như sau:
– Chuẩn bị lá tía tô/kinh giới, rửa sạch.
– Giã nát và chắt lấy nước cốt.
– Đun sốt nước cốt này với nước và tắm cho trẻ.
– Hoặc để nguyên lá và nấu nước tắm.
Tắm lá tía tô và lá kinh giới trị rôm sảy
3.4 Trị rôm sảy bằng sài đất
Sài đất là một dược liệu được dùng để chữa các bệnh ngoài da như mẩn ngứa, viêm da. Trong dân gian, mọi người thường dùng cây sài đất nấu nước và tắm cho trẻ nhỏ bị rôm sảy. Bởi sài đất có tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc, trị được mụn nhọt. Đồng thời chứa các thành phần như Saponin, Flavonoid có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm ngoài da.
Sài đất thường được thu hái ở quanh bờ ruộng, sau đó rửa sạch và nấu nước tắm cho trẻ.
Tắm sài đất trị rôm sảy
3.5 Trị rôm sảy bằng lá trầu không
Lá trầu không là một lựa chọn khác của các bà mẹ bỉm sữa khi con bị rôm sảy. Lá trầu không cũng có tính mát và chứa các hoạt chất kháng khuẩn, chống ngứa, tăng sức đề kháng cho da.
Cách sử dụng cũng tương tự như các phương pháp trên. Lá trầu không được rửa sạch và nấu nước sôi, pha loãng và tắm cho trẻ. Có thể thực hiện từ 3 – 4 lần/tuần.
Trị rôm sảy bằng cách tắm lá trầu không
3.6 Trị rôm sảy bằng lá dâu tằm
Lá dâu tằm được sử dụng để chữa rôm sảy vì nó có tác dụng tán nhiệt, làm mát cơ thể. Lá dâu thu hái được đem rửa sạch, ngâm nước muối để loại sạch bụi bẩn. Sau đó, đun sôi lấy nước để tắm. Ngoài ra, một cách dùng khác cũng rất thú vị. Lá dâu non có thể nấu canh tôm, tép hoặc làm bánh để chữa ra mồ hôi trộm ở trẻ em.
Trị rôm sảy bằng lá dâu tằm
Ngoài ra, có thể dùng các loại thảo dược khác như mướp đắng, gừng, cỏ mần trầu… để trị rôm sảy hiệu quả.
4. Lưu ý chữa rôm sảy bằng phương pháp dân gian
Mặc dù các bài thuốc dân gian trị rôm sảy đã đem lại hiệu quả và được đúc kết thành kinh nghiệm. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần chú ý khi sử dụng các phương pháp điều trị này, nếu lạm dụng cũng có thể gây ra một số vấn đề sau:
– Lá tía tô và lá kinh giới có tính ấm, vị cay. Khi dùng cho người có cơ địa nóng trong, trẻ có mồ hôi trộm thì càng kích thích đổ mồ hôi nhiều hơn. Nếu sử dụng kéo dài có thể làm nặng hơn bệnh rôm sảy. Vì vậy, không tắm lá tía tô/kinh giới cho trẻ hàng ngày, chỉ nên dùng với tần suất ít (1 – 2 lần/tuần).
– Dùng các phương pháp dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị những trường hợp nhẹ. Một khi bệnh đã nặng, diện tích da mọc rôm sảy rộng thì khả năng khỏi hoàn toàn thấp. Lúc này cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Có thể sử dụng kem bôi có Corticoid hoặc kháng sinh chống nhiễm khuẩn.
– Khi dùng nguyên liệu là các loại lá cây như trên thì cần phải tiệt trùng để loại bụi bẩn, vi khuẩn, nếu không sẽ lại gây nhiễm khuẩn cho da nặng hơn.
– Nếu thêm nhiều muối hay chanh vào nước tắm của trẻ, sẽ gây sót và kích ứng da hơn.
– Nước tắm quá đặc, làm đọng bột lá trên da sẽ làm bít tắc lỗ chân lông và gây viêm nhiễm.
– Khi chà xát mạnh lên da bằng lá đã nấu sẽ làm trầy xước, bỏng rát.
– Ngoài việc sử dụng thảo dược, các mẹ có thể sử dụng thêm cả phấn rôm để điều trị cho trẻ.
Tóm lại, cần thận trọng khi sử dụng các phương pháp dân gian trong điều trị rôm sảy.
5. Một số biện pháp phòng ngừa rôm sảy cho trẻ trong mùa hè
Nguyên tắc chung để phòng bệnh rôm sảy trong mùa hè nóng bức là làm mát cơ thể và chống viêm nhiễm:
– Mặc quần áo thoáng khí, thấm hút mồ hôi. Thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ nếu ra nhiều mồ hôi ban đêm.
– Tạo môi trường thoáng mát, trong lành, tránh nơi ngột ngạt, chật chội. Có thể dùng quạt và máy lạnh để giúp điều hòa nhiệt độ trong phòng, tránh tiết mồ hôi.
– Tắm rửa sạch sẽ hằng ngày bằng sữa tắm chuyên dùng cho trẻ nhỏ.
– Bổ sung nhiều nước, nhiều thức ăn tươi mát, có tính thanh nhiệt như nước rau má, chè đỗ đen, nước dừa, bột sắn dây…
– Đưa trẻ đi khám bác sỹ để có lời khuyên hữu ích nhất nếu bệnh diễn biến nặng hơn, tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng.
Phòng rôm sảy cho trẻ trong mùa hè
Trên đây là toàn bộ chia sẻ về những lưu ý quan trọng khi dùng phương pháp dân gian trị rôm sảy. Chúng tôi mong rằng, qua bài viết này, cha mẹ có thể có được biện pháp chữa trị hiệu quả, nhằm nhanh chóng cải thiện bệnh cho trẻ. Mọi thắc mắc có thể liên hệ qua số Hotline để được tư vấn về các thuốc chữa rôm sảy hiệu quả, đơn giản mà không cần sử dụng phương pháp dân gian.