Điều trị rối loạn nhịp tim

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch xảy ra khi tim đập với tần số bất thường, không nằm trong mức giới hạn cho phép. Việc điều trị rối loạn nhịp tim cần thiết giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, phòng ngừa các biến chứng dẫn đến suy tim, đột quỵ hoặc tử vong. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ có chỉ định các phương pháp khác nhau với mục đích là phục hồi nhịp xoang và dẫn truyền bình thường; ngăn ngừa loạn nhịp trầm trọng ảnh hưởng tới tính mạng. 

I. Rối loạn nhịp tim điều trị như thế nào? 

Rối loạn nhịp tim có nhiều mức độ. Các bác sĩ dựa vào các xét nghiệm chẩn đoán để có phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.

– Với bệnh nhân có rối loạn nhịp không triệu chứng và không có nguy cơ cao thì có thể không cần áp dụng các biện pháp điều trị đặc hiệu như thuốc, máy hỗ trợ hay can thiệp tim mạch. Trong trường hợp này bệnh nhân được khuyến cáo là điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, xây dựng chế độ ăn uống khoa học cùng với tập luyện thể dục, thể thao điều độ để kiểm soát được nhịp tim ổn định.

– Khi bệnh nhân mắc rối loạn nhịp tim có triệu chứng và nguy cơ gây các biến chứng nguy hiểm hơn như gây rối loạn huyết động (khó thở, đau tức ngực, tụt huyết áp…), gây các rối loạn nhịp trầm trọng hơn, gây tắc mạch (trong rung nhĩ mạn tính)…thì cần chỉ định một hoặc nhiều các biện pháp xử trí, dùng thuốc hoặc hỗ trợ đặc biệt. Đồng thời vẫn áp dụng song song với điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.

Bệnh nhân rối loạn nhịp tim nhẹ và vừa điều trị bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh

Bệnh nhân rối loạn nhịp tim nhẹ và vừa điều trị bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh

Các phương pháp điều trị đặc hiệu cho rối loạn nhịp tim gồm có sử dụng thuốc, các thủ thuật cấy ghép máy hỗ trợ và phẫu thuật.

– Khi điều trị nhịp tim nhanh thường sử dụng các phương pháp:

+ Điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp

+ Điều trị bằng cắt đốt điện (catheter ablation).

+ Sốc chuyển nhịp.

+ Cấy máy khử rung tự động. 

+ Kết hợp dùng thuốc chống loạn nhịp cùng các thủ thuật rối loạn nhịp.

– Khi điều trị nhịp tim chậm sẽ được chỉ định dùng thuốc để tăng nhịp tim. Trong các cấp độ của nhịp tim chậm thì block nhĩ thất cấp độ 3 sẽ là cấp cứu y khoa do gây biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, xoắn đỉnh, ngừng tim cần cấp cứu bằng cách truyền isuprel, noradrenalin… để tạo nhịp tạm thời.  Nếu chỉ dùng thuốc không thể kiểm soát tình trạng bệnh thì người bệnh sẽ được chỉ định cấy máy tạo nhịp tim dưới ngực để hỗ trợ và khôi phục tần số tim. 

Khi các biện pháp nội khoa không hiệu quả thì bệnh nhân được chỉ định làm phẫu thuật.

II. Tìm hiểu về các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

1. Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Việc lựa chọn thuốc điều trị chống loạn nhịp cho bệnh nhân cần dựa trên các tiêu chí:

– Cơ chế gây rối loạn nhịp.

– Mức độ nguy hiểm của rối loạn nhịp tim.

– Các tình trạng bệnh lý tim mạch bệnh nhân: có bệnh tim thực thể, chức năng co bóp của tim…

– Tình trạng bệnh nhân: bệnh mắc kèm, tuổi tác.

Trên lâm sàng, qua các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chính các thuốc điều trị loạn nhịp cũng có tác dụng phụ gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy các bác sĩ cần nắm rõ cơ chế tác dụng, độc tính của thuốc cũng như tình trạng bệnh nhân để lựa chọn thuốc, chỉ định liều dùng cho phù hợp.

Các thuốc điều trị loạn nhịp tim hoạt động chủ yếu theo các cơ chế điều trị rối loạn tạo xung và rối loạn dẫn xung:

– Giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền các xung điện trong tim.

– Tăng ngưỡng điện thế màng tế bào, kéo dài thời gian trơ để hồi phục cơ tim.

– Chặn khả năng tự động phát nhịp bất thường của tim.

Một số thuốc điều trị loạn nhịp tim

Một số thuốc điều trị loạn nhịp tim

Hiện nay có nhiều cách để phân loại thuốc điều trị loạn nhịp tim trong đó phân loại theo Vaughan Williams được áp dụng phổ biến nhất.

Thuốc chống loạn nhịp nhóm I: Quinidine, Procainamide, Propafenone, Phenytoin…

– Là các thuốc tác dụng lên kênh Natri có tác dụng ngăn dòng Natri đi vào trong tế bào, tăng tính trơ của tế bào cơ tim, giảm tính dẫn truyền các mô có kênh Natri như mô cơ nhĩ, mô cơ thất, hệ His-Purkinje.

+ Các thuốc nhóm IA chủ yếu điều trị nhịp nhanh thất và nhịp nhanh trên thất.

+ Các thuốc nhóm IB thường được chỉ định cho điều trị rối loạn nhịp thất. 

+ Các thuốc nhóm IC có nhiều tác dụng chống loạn nhịp hơn là nhóm IA và nhóm IB, được chỉ định trong ngoại tâm thu nhĩ hoặc thất, rung nhĩ, cuồng nhĩ, rung thất, và điều trị nhịp nhanh thất, nhịp nhanh trên thất.

– Tác dụng phụ cần lưu ý của các thuốc nhóm I là gây rối loạn nhịp tim do thuốc và gây giảm sức co bóp cơ tim. Nên không dùng cho bệnh nhân có bệnh tim thực tổn.

Thuốc chống loạn nhịp nhóm IA - Procaiamide

Thuốc chống loạn nhịp nhóm IA – Procaiamide

Thuốc chống loạn nhịp nhóm II: Propranolol, Atenolol,…

– Là nhóm thuốc ức chế beta giao cảm với tác dụng:

+ Tăng thời gian dẫn truyền qua nút nhĩ thất, làm chậm hồi phục tế bào, chậm dẫn truyền và tính tự động.

+ Kéo dài thời gian trơ ở nút nhĩ thất hữu ích trong cắt cơn loạn nhịp vòng vào lại.

+ Giảm tần số tim, giảm dòng Ca và ức chế tự động sau tái cực muộn.

– Thuốc được chỉ định chủ yếu trong điều trị nhịp nhanh trên thất (chủ yếu), loạn nhịp do gắng sức, ngăn ngừa tái nhồi máu cơ tim và đột tử ở bệnh nhân suy tim, nhồi máu cơ tim…

– Hầu hết các thuốc chẹn beta đều dung nạp tốt, chỉ có một số tác dụng phụ nhỏ như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ…

Thuốc chống loạn nhịp nhóm III: Amiodaron, Sotarol…

– Là các thuốc giúp ổn định màng do cơ chế chẹn kênh kali làm kéo dài thời gian điện thế hoạt động nên giảm khả năng phát xung động tần số cao và  giảm tính tự động của mô cơ tim.

– Thuốc thường chỉ định cho nhịp nhanh thất và nhịp nhanh trên thất.

– Cần lưu ý với các thuốc chẹn kênh kali có thể gây rối loạn nhịp thất đặc biệt gây ra xoắn đỉnh rất nguy hiểm.

Thuốc chống loạn nhịp nhóm III - Amiodarone

Thuốc chống loạn nhịp nhóm III – Amiodarone

Thuốc chống loạn nhịp nhóm IV:

– Là các thuốc chẹn kênh canxi nhóm nondihydropyridine tiêu biểu là Diltiazem, Verapamil. Có tác dụng ức chế dòng canxi của tim giúp làm chậm dẫn truyền và tăng thời gian trơ. 

– Thường chỉ định điều trị nhịp nhanh trên thất. Ngoài ra còn làm chậm rung nhĩ và cuồng nhĩ nhanh.

Ngoài ra còn một số nhóm thuốc khác cũng có chỉ định điều trị rối loạn nhịp tim như:

– Adenosin: Ngăn chặn và làm chậm dẫn truyền qua nút nhĩ thất.

– Digoxin: Kéo dài thời gian trơ của nút nhĩ thất và thời gian dẫn truyền của thuốc nhĩ thất.

Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim bệnh nhân cần lưu ý cac tác dụng không mong muốn như:

– Làm tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn.

– Bí tiểu, khô miệng, nhìn mờ, tăng nhãn áp, tạo bón, tiêu chảy..

– Giảm sức co bóp cơ tim, co thắt phế quản (khi dùng chẹn beta)…

– Ảnh hưởng hệ thần kinh.

2. Máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện được cấy vào cơ thể bệnh nhân, cảm nhận hoạt động của tim và từ đó phát ra các xung điện theo nhu cầu để điều hòa nhịp tim với chức năng:

– Tạo nhịp tim trong rối loạn nhịp tim chậm.

– Ức chế nhịp nhanh trong rối loạn nhịp nhanh.

– Tạo nhịp trong điều trị suy tim.

Có 2 hình thức là máy tạo nhịp tim vĩnh viễn và tạo nhịp tim tạm thời. Ứng với tình trạng thì việc chỉ định sử dụng máy tạo nhịp khác nhau.

– Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn

+ Sẽ được dùng qua đường tĩnh mạch hoặc cấy trực tiếp vào ngực. 

+ Chỉ định cho các trường hợp: suy nút xoang, block nhĩ thất, rối loạn nhịp nhanh, sau nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim phì đại, tim bẩm sinh, phẫu thuật ghép tim…

– Máy tạo nhịp tạm thời:

+ Ngoài qua đường tĩnh mạch có thể tạo nhịp qua da.

+ Chỉ định trong các trường hợp cấp cứu; nhịp tim chậm ảnh hưởng đến huyết động; phòng ngừa các nguy cơ gây nhịp tim chậm, block nhĩ thất như trước, sau phẫu thuật, thủ thuật thăm dò nhịp tim, nhịp tim chậm do dùng thuốc hay sốc điện…

Máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim

Hiện nay máy tạo nhịp VVI và DDD đang là 2 loại máy được sử dụng phổ biến nhất mang lợi ích sống còn tương đương cho bệnh nhân. Tuy nhiên khi sử dụng máy tạo nhịp bệnh nhân vẫn có thể gặp một số biến chứng do máy bị rối loạn chức năng như tạo nhịp bất thường, không tạo nhịp, nhận cảm quá kém/tăng nhận cảm…Bệnh nhân sử dụng máy tạo nhịp cũng không nên tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại di động, các thiết bị an ninh điện tử vì có thể gây tương tác điện từ với máy.

3. Sốc điện chuyển nhịp

Đây là phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn nhịp tim nhanh do cơ chế vòng lặp lại. Sốc điện gây ra sự khử cực đối với các tế bào cơ tim đang bị kích thích nhằm tái đồng bộ lại điện học của tế bào cơ tim tạo điều kiện cho nút xoang hoạt động phát nhịp trở lại. 

Chỉ định của sốc điện chuyển nhịp:

– Thường trên cấp cứu nhịp nhanh kèm các triệu chứng tụt huyết áp, đau ngực, khó thở, mất tri giác….

– Sốc điện không cấp cứu để điều trị rung nhĩ, cuồng nhĩ, rối loạn nhịp nguồn gốc trên thất.

Khi sử dụng sốc điện chuyển nhịp cũng cần đề phòng một số biến chứng như ngoại tâm thu nhĩ/thất, rung thất, thuyên tắc, phỏng da, đau cơ chỗ đặt bản cực…    

Sốc điện chuyển nhịp

Sốc điện chuyển nhịp

4. Cắt đốt loạn nhịp qua ống thông

Phương pháp này sử dụng năng lượng sóng có tần số radio hoặc triệt đốt áp lạnh qua đường ống thông để loại bỏ định khu các cấu trúc tim mạch cần thiết cho việc tạo và duy trì các rối loạn nhịp tim.

Các chỉ định của phương pháp cắt đốt áp dụng cho:

– Các cơn nhịp nhanh trên thất với cơ chế vào lại, nhịp nhanh nhĩ một ổ khởi phát, cuồng nhĩ, rung nhĩ…

– Tim nhanh thất vô căn, tim nhanh thất với bệnh tim thực tổn: Điều trị thuốc không hiệu quả, bệnh nhân đã cấy máy phá rung tự động ICD nhằm giảm số lần sốc điện.

Biến chứng nặng của việc cắt đốt loạn nhịp bệnh nhân có thể gặp là:

– Tổn thương van tim, viêm ngoài màng tim, thủng tim gây tràn máu màng tim, block nhĩ thất mức độ cao, tắc động mạch vành…

– Tắc mạch do cục máu đông hoặc do khí, tụ máu, tụt huyết áp, hẹp tĩnh mạch phổi…

Phương pháp đốt loạn nhịp qua ống thông

Phương pháp đốt loạn nhịp qua ống thông

5. Phẫu thuật điều trị rối loạn nhịp tim

Chỉ định phẫu thuật loại bỏ phần mô, cơ chất gây loạn nhịp hiện nay chỉ được chỉ định khi các biện pháp can thiệp khác thất bại hoặc khi bệnh nhân có tổn thương tim khác cần phẫu thuật. Thường gặp nhất là:

– Phẫu thuật bắc cầu mạch vành hoặc loại bỏ phần cơ tim tổn thương gây rối loạn nhịp khi bệnh nhân có bệnh van tim kèm rung nhĩ hoặc nhịp nhanh thất do nhồi máu cơ tim.

– Phẫu thuật Maze: Điều trị cho bệnh nhân rung nhĩ bằng cách tạo những mô sẹo cản trở đường đi của xung điện gây rung tâm nhĩ.

Phẫu thuật điều trị loạn nhịp tim

Phẫu thuật điều trị loạn nhịp tim

Hy vọng qua bài viết trên người đọc có thêm các thông tin bổ ích về việc điều trị bệnh rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân cần tuân thủ việc dùng thuốc đúng theo chỉ định, chế độ sinh hoạt phù hợp nâng cao sức khỏe bản thân và tái khám định kỳ đúng quy định để giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.  

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *