Định nghĩa
Dung dịch thuốc là những chế phẩm lỏng trong suốt chứa một hoặc nhiều dược chất hòa tan trong một dung môi hay hỗn hợp dung môi thích hợp.
Tính chất : Do các phân tử trong dung dịch phân tán đồng nhất, nên các dung dịch thuốc đảm bảo sự phân liều đồng nhất khi sử dụng và độ chính xác cao khi pha loãng hoặc khi trộn các dung dịch với nhau.
Các dược chất trong dung dịch thường ít ổn định về mặt hóa học so với dạng rắn.
Các dung dịch thuốc thường cần bao bì lớn và có dung tích lớn hơn so với dạng thuốc rắn.
Phân loại: Có thể phân loại dung dịch thuốc theo hai cách sau đây.
Phân loại theo đường sử dụng như:
Dung dịch thuốc uống: Các dạng thuốc dùng được uống, bao gồm cả sirô thuốc (qui định tại Phụ lục 1.4).
Dung dịch thuốc dùng tại chỗ: Thuốc dùng ngoài da, thuốc nhỏ mắt (qui định tại Phụ lục 1.14), thuốc nhỏ mũi (qui định tại Phụ lục 1.15), thuốc nhỏ tai (qui định tại Phụ lục 1.16).
Dung dịch thuốc tiêm được qui định riêng trong chuyên luận Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền (Phụ lục 1.19).
Dung dịch thuốc khí dung qui định tại Phụ lục 1.18; dung dịch thuốc hít qui định tại Phụ lục 1.17.
Phân loại theo hệ dung môi và chất tan, ví dụ: Rượu thuốc (qui định tại Phụ lục 1.22), cồn thuốc (qui định tại Phụ lục 1.2), cồn ngọt, nước thơm.
Phương pháp điều chế
Dung dịch thuốc thường được điều chế bằng cách hòa tan dược chất vào trong dung môi.
Với một số dung dịch thuốc uống có thể điều chế bằng cách pha loãng dung dịch đậm đặc hoặc hòa tan bột hoặc cốm thuốc, thuốc viên vào dung môi thích hợp.
Dung môi dùng để pha chế dung dịch thuốc được lựa chọn dựa trên tính chất của dược chất và đường dùng đồng thời phải mang lại tính chất cảm quan phù hợp với yêu cầu của chế phẩm.
Có thể cho thêm các chất bảo quản kháng vi khuẩn, nấm mốc, chất chống oxy hóa và các tá dược khác như chất làm tăng độ tan, chất làm ngọt hay tạo mùi vị, tạo màu…
Yêu cầu chất lượng
Tính chất: Khi quan sát bằng mắt thường, dung dịch phải trong, có thể có màu hoặc không màu.
Yêu cầu về pH, định tính, định lượng, sai số thể tích và các yêu cầu kỹ thuật khác: Phải đạt yêu cầu kỹ thuật chung của từng loại thuốc và theo chuyên luận riêng.
Bảo quản
Các dung dịch, đặc biệt là các dung dịch chứa dung môi dễ bay hơi, phải bảo quản trong bao bì kín, để nơi mát. Cần xem xét để sử dụng các bao bì tránh ánh sáng khi sự biến đổi hóa học do ánh sáng có thể ảnh hưởng đến độ ổn định của thuốc.