Hoàn bổ trung ích khí – Dược điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
hoan-bo-trung-ich-khi

Công thức

Hoàng kỳ (Radix Astragali membranacei)                      100 g
Đẳng sâm (Radix Codonopsis pilosulae)                           30 g
Cam thảo (Radix Glycyrrhizae)                                         30 g
Bạch truật (Radix Atractylodis macrocephalae)                30 g
Đương quy (Radix Angelicae sinensis)                              20 g
Thăng ma (Rhizoma Cimicifugae)                                     30 g
Sài hồ (Radix Bupleuri)                                                     30 g
Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne)               30 g
Gừng tươi (Rhizoma Zingiberis)                                       12 g
Đại táo (Fructus Ziziphi jujubae)                                    102 g
Mật ong vừa đủ (Mel q.s)                                              1000 g

Bào chế

Hoàng kỳ chế mật, Cam thảo chích mật, Bạch truật tẩm hoàng thổ sao vàng. Đẳng sâm tẩm nước cốt gừng sao khô. Trần bì thái sợi và vi sao theo chuyên luận riêng. Sấy khô các vị thuốc trên và Đương quy. Thăng ma, Sài hồ nghiền thành bột mịn, trộn đều thành bột kép, rây qua rây số 180. Đại táo cùng với Gừng tươi còn lại cắt nhỏ, cho vào nấu 2 lần cho đến khi nhừ hết và tiết hết chất ngọt, lọc bỏ bã, cô đặc. Trộn bột kép với dịch cô đặc và mật luyện sôi cho nhuyễn. Cứ 100 g bột kép dùng 100 g đến 120 g mật luyện. Làm viên hoàn mềm 9 g.

Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc hoàn” (Phụ lục 1.11) vả các yêu cầu sau:

Tính chất

Hoàn hình cầu màu đen, mùi thơm, vị ngọt sau hơi đắng, cay.

Xem thêm: Hoàn bát trân – Dược điển Việt Nam 5

Định tính hoàn bổ trung ích khí

A. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều loại sợi khác nhau, riêng lẻ hay tập trung thành bó, một số sợi mang tinh thể calci oxalat hình khối. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim riêng lẻ hay tập trung thành đám. Tế bào cứng thành dày thấy rõ lỗ trao đổi. Mảnh mô mềm nhiều khi mang hạt tinh bột. Hạt tinh bột hình dạng khác nhau riêng lẻ hay tập trung thành khối. Mảnh vỏ qua ngoài gồm các tế bào hình dạng khác nhau, thành hơi dày. Mảnh bần, các mảnh mạch xoắn, mạch điểm, mạch vạch. Các hạt phấn hoa có hình dạng, kích thước khác nhau.

B. Định tính Cam thảo

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel GF254.

Dung môi khai triển: Cloroform – aceton (7:3).

Dung dịch thử: Lấy 10 g chế phẩm, nghiền hoặc cắt nhỏ, thêm 20 ml methanol (TT), dùng đũa thủy tinh dần nhuyễn, gạn, lọc. Bã được chiết như trên 2 lần nữa. Tập trung các dịch lọc, cô trên cách thủy tới còn khoảng 5 ml.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g Cam thảo (mẫu chuẩn) đã cắt nhỏ, thêm 20 ml methanol (TT), đun sôi trên cách thủy 20 min, lọc, bã được chiết như trên 2 lần. Tập trung các dịch lọc, cô trên cách thủy còn khoảng 5 ml.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng rồi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại có bước sóng 254 nm và 366 nm, hoặc phun dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 100 °C đến khi hiện rõ các vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết chính cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

C. Định tính Đương quy

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel GF254

Dung môi khai triển: n-Hexan – ethyl acetat (95 : 5).

Dung dịch thử: Dùng dịch chiết trong methanol của phần định tính Cam thảo.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Đương quy (mẫu chuẩn), thêm 5 ml methanol (TT), lắc kỹ 10 min, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy tới cắn. Hòa cắn trong 1 ml methanol (TT).

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bàn mỏng 20 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng rồi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại có bước sóng 366 nm, hoặc phun dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 100oC đến khi hiện rõ các vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết chính cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 15,0% (Phụ lục 12.13).

Xem thêm: Hoàn bát vị – Dược điển Việt Nam 5

Bảo quản

Để nơi khô, trong bao bì kín.

Công năng, chủ trị

Công năng: Bổ khí thăng đề.

Chủ trị: Tỳ vị khí hư, biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, trướng bụng: thiếu khí hạ hãm biểu hiện ở phân lỏng, ỉa chảy lâu ngày, thoát giang hay sa trực tràng, sa dạ con.

Cách dùng, liều lượng hoàn bổ trung ích khí

Mỗi lần 1 hoàn, ngày 2 lần đến 3 lần, uống trước bữa ăn 2 h.

Kiêng kỵ

Nhiệt lỵ mới phát, đạo hãn, đau đầu, mất ngủ do huyết áp, thổ huyết, nục huyết, khí nghịch, suyễn thổ cấp. Kiêng ăn các thứ sống, lạnh khi đang dùng thuốc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *