Tìm hiểu về hoạt động của tim
Tim là một cơ quan đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp đưa máu và oxy đến nuôi dưỡng các cơ quan. Tim hoạt động cả ngày đêm như vậy có “mệt” không? Cùng tìm hiểu cấu trúc, chức năng, chu kỳ và hoạt động của tim để biết thêm chi tiết!
I. Vị trí và hình dạng của tim
1. Vị trí của tim
Tim nằm trong lồng ngực ở trung thất giữa, hơi chếch về bên trái, phía trên cơ hoành, ở giữa hai phổi, phía sau xương ức, trước sụn sườn và các thành phần khác của trung thất sau.
Vị trí của tim
2. Hình dạng của tim
Tim có 3 mặt, hình tháp, bao gồm một đáy và một đỉnh.
– Mặt ức sườn (còn được gọi là mặt trước): Có rãnh vành chạy ngang, ngăn cách tâm thất và tâm nhĩ.
– Mặt hoành (mặt dưới): Đè lên cơ hoành và có liên quan với thuỳ trái của gan và đáy vị.
– Mặt phổi (mặt trái): Hẹp, liên quan với phổi và màng phổi trái, dây thần kinh hoành trái.
– Ðáy tim: Tương ứng với mặt sau hai tâm nhĩ, giữa có rãnh gian nhĩ. Ðáy ở trên, quay ra sau và hơi sang phải.
– Ðỉnh tim (còn gọi là mỏm tim): Nằm chếch trái, sau thành ngực, tương ứng khoảng gian sườn V trên đường giữa xương đòn trái.
II. Cấu tạo và chức năng chính của tim
1. Cấu tạo giải phẫu của tim
Tim là cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn của động vật, kích thước gần bằng nắm tay, nặng khoảng 260 – 270 gam. Về giải phẫu:
– Tim thực chất là một khối cơ, do rất nhiều sợi cơ hợp thành.
– Trên bề mặt có nhiều mạch máu, là các động mạch, tĩnh mạch vành. Chúng có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến cơ tim.
– Các động mạch, tĩnh mạch này nếu bị tắc có thể gây hoại tử một vùng cơ tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Cấu tạo ngoài của tim
Tim người được chia thành 4 phần, bao gồm 2 tâm thất ở phía dưới và 2 tâm nhĩ ở phía trên được ngăn bởi các van tim:
– Các tâm nhĩ nhận máu từ tĩnh mạch. Mỗi tâm nhĩ thông với một tiểu nhĩ và tâm thất cùng bên. Máu từ tĩnh mạch chủ trên, chủ dưới và xoang vành đi vào tâm nhĩ phải, còn các tĩnh mạch phổi vận chuyển máu đến tâm nhĩ trái.
– Các tâm thất có thành dày hơn tâm nhĩ, chúng nối với tâm nhĩ cùng bên và bơm máu ra các động mạch lớn.
– Tâm thất phải: có lỗ nhĩ thất phải thông giữa tâm nhĩ phải với tâm thất phải, được đậy kín bằng van nhĩ thất phải hay van ba lá.
– Lỗ thân động mạch phổi ở phía trước trên lỗ nhĩ thất phải, được đậy kín nhờ van thân động mạch phổi, bao gồm ba van nhỏ.
– Tâm thất trái: hình nón dẹt, có hai thành, thông với nhĩ trái qua lỗ nhĩ thất trái. Van hai lá đậy ở lỗ này ngăn cản máu từ thất trái chảy ngược về nhĩ trái. Ngoài ra, lỗ động mạch chủ có van động mạch chủ (tương tự như van thân động mạch phổi) đậy kín.
Cấu tạo trong của tim
2. Chức năng của tim
– Hệ thống van tim bao gồm các van nhĩ – thất, van động mạch chủ và van Pulmonic, là những lá mỏng, mềm dẻo, được bao quanh bởi nội tâm mạc, giúp xác định hướng chảy của máu.
– Tim được cấu thành từ 3 loại cơ: cơ nhĩ, thất và những sợi cơ có khả năng kích thích, dẫn truyền đặc biệt. Cơ nhĩ, thất có hoạt động co rút như cơ vân. Loại còn lại tác dụng co rút yếu hơn, tuy nhiên, chúng có tính nhịp điệu, dẫn truyền nhanh các xung động.
– Hệ thống dẫn truyền gồm các tế bào có khả năng phát nhịp cho toàn bộ tim, giúp dẫn truyền điện thế qua cơ tim, đảm bảo cho các buồng tim co rút đồng bộ.
III. Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là một phương tiện quan trọng giúp chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch. Để đọc ECG một cách chính xác và đầy đủ cần phải có cách tiếp cận thích hợp.
Điện tâm đồ của tim
Xét nghiệm điện tâm đồ giúp phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, viêm màng ngoài tim cấp,… Nhiều bệnh lý tim mạch được phát hiện qua điện tâm đồ mặc dù bệnh nhân không có các triệu chứng điển hình như đau ngực, hồi hộp, khó thở,…
IV. Hoạt động của tim như thế nào?
Tim hoạt động như một cái bơm: Hút máu từ tĩnh mạch về hai tâm nhĩ, đẩy máu từ tâm thất vào động mạch chủ và động mạch phổi. Vận chuyển máu đến các tế bào để cung cấp các chất dinh dưỡng cần cho sự hoạt động của chúng, đồng thời nhận chất thừa đào thải ra ngoài.
Hoạt động của tim giúp bơm máu đi khắp các cơ quan
Hoạt động của tim được biểu hiện bằng sự co bóp tự động, mỗi lần co bóp như vậy là một chu kỳ tim. Mỗi chu kỳ tim có ba 3 giai đoạn:
1. Thì tâm nhĩ thu
Thì tâm nhĩ thu là thời gian hai tâm nhĩ co bóp. Lúc này, áp lực trong hai tâm nhĩ tăng lên, do đó máu chảy mạnh xuống hai tâm thất. Thì tâm nhĩ thu kéo dài khoảng 0,1 giây sau đó hai tâm nhĩ giãn nghỉ 0,7 giây để hút máu các tĩnh mạch trở về tim.
2. Thì tâm thất thu
Thì hai tâm thất co bóp tiếp sau thì tâm nhĩ thu. Áp lực trong hai tâm nhĩ tăng lên, nút nhĩ thất đóng lại, ngăn cản máu chảy ngược về hai tâm nhĩ. Đồng thời, van tổ chim mở ra, máu bị đẩy vào động mạch chủ và động mạch phổi. Thì tâm thất thu kéo dài khoảng 0,3 giây sau đó hai tâm thất giãn nghỉ 0,5 giây để hút máu.
3. Thì tâm trương toàn bộ
Thì tâm trương toàn bộ là thời gian cơ tim giãn nghỉ toàn bộ. Lúc này, áp lực trong tâm thất giảm xuống thấp hơn áp lực trong động mạch, máu ở động mạch chảy ngược về tâm thất tác động lên các van tổ chim, khiến chúng đóng lại. Đồng thời các van nhĩ thất mở ra để hút máu từ hai tâm nhĩ xuống tâm thất.
Thì tâm trương kéo dài khoảng 0,4 giây. Như vậy, một chu kỳ tim kéo dài khoảng 0,8 giây, trong đó tim làm việc một nửa và nghỉ nửa thời gian. Ở người khỏe mạnh, trong một phút có khoảng 75 – 80 chu kỳ tim và có thể thay đổi theo giới, lứa tuổi, tập luyện, bệnh lý.
V. Chu trình bơm máu của tim trong cơ thể – Đường đi của máu
Con người có 3 loại mạch máu chính giúp lưu thông, tuần hoàn máu di khắp cơ thể, bao gồm:
– Động mạch: Mang máu giàu Oxy từ tim tới khắp các mô, cơ quan trong cơ thể. Càng xa tim, các động mạch càng nhỏ và phân nhánh.
– Mao mạch: Bao gồm những mạch nhỏ, mỏng, nối liền động mạch với tĩnh mạch, giúp các chất dinh dưỡng, Oxy, CO2 và các chất thải khác dễ dàng di chuyển qua các tế bào của cơ thể.
– Tĩnh mạch: Đưa máu có hàm lượng Oxy thấp về tim và các chất thải ra khỏi cơ thể. Càng gần tim, các tĩnh mạch sẽ càng lớn.
Đường đi của máu
Tim bơm máu đi khắp các cơ quan trong cơ thể theo chu kỳ:
– Máu trong vòng tuần hoàn nhỏ được bắt đầu từ tâm thất phải, qua động mạch phổi, vào mao mạch phổi, qua tĩnh mạch phổi rồi trở về tâm nhĩ trái.
– Máu trong vòng tuần hoàn lớn được bắt đầu từ tâm thất trái, qua động mạch chủ, tới các mao mạch rồi trở về tâm nhĩ phải.
VI. Một số bệnh lý của tim
Nếu như hoạt động của tim không được tiến hành theo đúng chức năng của tim thì cơ thể sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh trên hệ tim mạch như:
– Bệnh mạch vành: do các mảng xơ vữa bám lên thành mạch máu ở vành tim, làm máu bị tắc nghẽn, không lưu thông được. Điều này dẫn đến cơ tim bị thiếu dưỡng khí, gây ra các cơn đau thắt ngực. Nếu tần suất cơn đau ngày càng tăng, càng nặng sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim hay các tổn thương vĩnh viễn ở tim.
– Thiếu máu cơ tim (còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim): xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, làm cho tim không nhận đủ Oxy cần cho hoạt động co bóp tống máu. Căn bệnh này làm giảm khả năng bơm máu, tổn thương cơ tim, có thể dẫn đến loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
– Rối loạn nhịp tim: bệnh tim mạch đặc trưng, nguyên nhân do tần số hoặc nhịp tim bất thường. Đây là một nguyên nhân phổ biến, chiếm khoảng 80% trường hợp đột tử do các bệnh lý tim mạch.
Các bệnh lý tim mạch thường gặp
– Bệnh động mạch ngoại biên:
+ Động mạch ngoại vi là hệ thống các động mạch vừa và nhỏ, có chức năng đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể.
+ Nguyên nhân gây bệnh là do mảng bám tích tụ trong các động mạch vận chuyển máu đến não, các chi và cơ quan. Theo thời gian, mảng bám cứng lại, thu hẹp động mạch và cản trở dòng chảy của máu đến các cơ quan của cơ thể.
+ Bệnh gây cảm giác đau mỏi, yếu ở chân, xuất hiện vết loét, hoại tử ở tứ chi.
– Suy tim: tình trạng tim không đủ khả năng bơm máu, đảm bảo cho nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể. Căn bệnh này là con đường chung cuối cùng của hầu hết các bệnh lý về tim mạch, có nguy cơ tử vong cao do rối loạn nhịp hoặc các đợt suy tim mất bù. Người bệnh suy tim sẽ suy giảm khả năng hoạt động, sinh hoạt và tùy từng mức độ của bệnh, sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau.
VII. Làm thế nào để có một trái tim khỏe
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, nên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với luyện tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể lực.
Các biện pháp bảo vệ tim mạch
– Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim. Nên ăn trái cây, rau xanh, ngũ cốc, cá nhiều hơn thịt. Thay đổi thực đơn bằng các loại rau quả 2 – 3 lần/tuần. Không nên ăn quá mặn.
– Kiêng rượu, bia, các chất kích thích: Uống một ít rượu có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng áp lực ở động mạch, tăng huyết áp.
– Thường xuyên vận động: Đi xe đạp, đi bộ, chạy bộ,… giúp tim hoạt động tốt hơn, cải thiện sự dẻo dai của cơ thể. Ngoài ra, vận động còn giúp giảm cân, điều hòa huyết áp và phòng ngừa tiểu đường.
Tim là bộ phận quan trọng của cơ thể. Hoạt động của tim tốt giúp cơ thể vận hành trơn tru, nhịp nhàng. Bệnh tim mạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, bởi tỷ lệ tử vong ở bệnh này rất cao. Do vậy, cần phải có một chế độ ăn khoa học, kết hợp rèn luyện thể dục thường xuyên để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh, phòng tránh bệnh lý tim mạch hiệu quả.