Huyết áp thấp là căn bệnh khá phổ biến, tỉ lệ người mắc bệnh này ngày càng tăng. Đây là một căn bệnh diễn ra khá thầm lặng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người. Để duy trì được huyết áp ở mức bình thường phải có một chế độ sinh hoạt khoa học. Hiện nay, tình trạng huyết áp thấp vẫn gặp ở rất nhiều đối tượng. Cùng tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về bệnh để có biện pháp chữa trị và phòng bệnh hiệu quả.
1. Thế nào là huyết áp thấp?
Huyết áp thấp được hiểu là tình trạng huyết áp giảm xuống đột ngột, dưới ngưỡng 90/60 mmHg. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người, nhất là người cao tuổi.
Như chúng ta đã biết, huyết áp được biểu diễn bằng 2 chỉ số đó là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong đó, huyết áp tâm thu là chỉ số lớn hơn.
– Số đầu tiên là huyết áp tâm thu – áp lực trong lòng động mạch cao nhất, khi tim co bóp và đầy máu.
– Huyết áp tâm trương – áp lực trong lòng động mạch thấp nhất, khi tim nghỉ giữa hai lần bóp.
Do đó, gọi là huyết áp thấp khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg.
2. Nguyên nhân dẫn đến huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
2.1 Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc sau khi uống bên cạnh tác dụng điều trị có thể gây ra tác dụng phụ làm hạ huyết áp như:
– Thuốc gây tê hoặc gây mê.
– Thuốc lợi tiểu.
– Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
– Thuốc chẹn kênh calci.
– Thuốc điều trị Parkinson.
– Thuốc chẹn Alpha.
– Thuốc chẹn Beta.
– Thuốc điều trị rối loạn chức năng cương dương.
Tác dụng phụ của thuốc gây hạ huyết áp
2.2 Thay đổi tư thế đột ngột
Khi thay đổi tư thế đột ngột, chẳng hạn như đang ngồi hoặc nằm mà đứng dậy thì có thể dẫn đến chóng mặt, hạ huyết áp. Trường hợp này còn được gọi là hạ huyết áp thể đứng.
Ở người bình thường, khi đứng trọng lực dồn máu đến chân. Sau đó, bằng cơ chế tăng nhịp tim và co thắt mạch máu sẽ đảm bảo lượng máu cung cấp cho não. Tuy nhiên, với những người huyết áp thấp thì cơ chế cân bằng này kém, máu khó trở lại tim dẫn đến tình trạng hạ huyết áp, choáng váng, hoa mắt.
Theo thống kê, có khoảng 20% người cao tuổi mắc tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng.
2.3 Mất nước
Đây cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến hạ huyết áp. Khi bị mất quá nhiều nước khiến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc mất nước như:
– Tiêu chảy cấp.
– Bỏng.
– Vận động nặng làm đổ mồ hôi quá nhiều.
– Mất máu do chấn thương hay phẫu thuật, chảy máu do nhiễm trùng cấp tính suy tim, rối loạn nhịp tim,…
– Mất máu do xung huyết.
2.4 Do tổn thương hệ thần kinh
Hội chứng Shy – Drager gây tổn thương hệ thống thần kinh tự chủ. Dẫn đến việc không kiểm soát được huyết áp, nhịp tim, hô hấp và tiêu hóa.
2.5 Thiếu dinh dưỡng
Khi chế độ ăn không cung cấp đủ Vitamin B12 hay Folate dẫn đến cơ thể bị thiếu máu, lượng máu chứa Oxy không đủ để cung cấp cho hoạt động của tim. Đây chính là nguyên nhân gây hạ huyết áp.
2.6 Một số nguyên nhân khác
– Mang thai: Thông thường, huyết áp trong thời gian thai kỳ sẽ thấp hơn người bình thường. Trong đó, huyết áp tâm thu thấp hơn 5 – 10mmHg và huyết áp tâm trương giảm 10 – 15mmHg so với bình thường. Tuy nhiên, bà bầu không nên lo ngại về vấn đề này.
– Mắc bệnh tiểu đường.
– Tuyến giáp không hoạt động bình thường dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố, làm giảm khả năng điều hòa chức năng của cơ thể. Vì vậy, gây hạ huyết áp.
– Bệnh về thần kinh ngoại biên.
– Hạ huyết áp sau bữa ăn.
– Não bị tổn thương.
– Phì đại hoặc các mạch máu bị giãn.
3. Triệu chứng của huyết áp thấp
Huyết áp thấp dẫn đến áp lực máu giảm. Do đó, lượng máu di chuyển đến các cơ quan không đảm bảo cho hoạt động được diễn ra bình thường, thậm chí có thể gây tổn thương hoặc ngừng hoạt động. Chẳng hạn, nếu não không được cung cấp đủ máu, các tế bào sẽ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể mất thăng bằng, chóng mặt.
Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp ở người bị huyết áp thấp:
– Chóng mặt, hoa mắt khi thay đổi tư thế đột ngột. Khi ngồi hoặc nằm quá lâu trong nhiều giờ liền sau đó đứng bật dậy.
– Buồn nôn, lợm giọng.
– Mệt mỏi: Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng, chân tay tê buồn rã rời, toàn thân cảm thấy uể oải, không có sức sống.
– Ngất xỉu, mất ý thức đột ngột.
– Tim đập nhanh: Huyết áp xuống quá thấp, lượng oxy bị thiếu hụt nghiêm trọng, lúc này tim và phổi phải tăng tần suất hoạt động. Vì vậy, khiến tim đập nhanh, hơi thở gấp hoặc khó thở.
– Nhìn mờ: Thị lực bị giảm làm mờ mắt. Tốt nhất nên ngồi nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy cơ thể thăng bằng, mắt nhìn rõ.
– Đau đầu: Đa số các bệnh nhân huyết áp thấp thường đau váng vùng đỉnh đầu, mức độ đau sẽ tăng dần khi căng thẳng hoặc lao động nặng.
– Một số trường hợp nặng có thể gặp các triệu chứng như chân tay lạnh toát, mặt nhợt nhạt, mạch yếu, thở gấp,…
– Mất tập trung: Hạ huyết áp dẫn đến lượng oxy và dinh dưỡng không đủ để cung cấp cho các tế bào não, dẫn đến não không hoạt động bình thường..
4. Chẩn đoán huyết áp thấp
Có rất nhiều cách để chẩn đoán huyết áp thấp. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định một số các xét nghiệm sau:
– Đo huyết áp: Là cách thông dụng nhất, đo huyết áp trên cánh tay. Nếu huyết áp dưới 90/60 mmHg thì sơ bộ kết luận là huyết áp thấp. Tuy nhiên độ chính xác không cao do phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
– Xét nghiệm máu: giúp cung cấp đầy đủ các thông tin về sức khỏe. Thông qua việc đọc các chỉ số như số lượng hồng cầu, đường máu,… có thể xác định được tình trạng huyết áp.
– Điện tâm đồ: Sẽ phát hiện ra những bất thường về nhịp tim, chức năng của tim. Các thay đổi này xuất phát từ việc cung cấp máu và oxy cho tim.
– Thử nghiệm gắng sức: Kết hợp cùng với theo dõi huyết áp, điện tim để thấy được những thay đổi của huyết áp trong trạng thái gắng sức.
– Siêu âm tim: Giúp tìm ra những bất thường trên tim và nguyên nhân dẫn đến huyết áp thấp.
Đo huyết áp – cách chẩn đoán huyết áp thấp
5. Huyết áp thấp có nguy hiểm không?
Đa số, mọi người vẫn xem thường căn bệnh này, cho rằng huyết áp thấp không nguy hiểm như cao huyết áp. Đây là tư tưởng hoàn toàn sai lầm. Huyết áp thấp nếu không kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Một số hậu quả nghiêm trọng không thể xem thường của huyết áp thấp:
– Khó tập trung vào công việc, giảm năng suất làm việc.
– Cơ thể mất thăng bằng, luôn trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, choáng váng, thậm chí bị ngất.
– Suy nhược cơ thể.
– Ngất xỉu, dẫn đến mất ý thức tạm thời.
– Tai biến mạch máu não.
– Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, dẫn đến chức năng thần kinh bị suy giảm.
– Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến đau thắt ngực, suy tim, nhồi máu cơ tim,… thậm chí là tử vong.
– Nếu tụt huyết áp cấp trong lúc đang điều khiển phương tiện hay ở trên cao có thể nguy hiểm đến tính mạng.
6. Yếu tố nguy cơ
Huyết áp thấp có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Tuổi: Đa số huyết áp thấp tư thế đứng hoặc sau khi ăn thường xảy ra với trên 65 tuổi.
– Mắc bệnh về tim mạch.
– Thường xuyên sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc chẹn alpha.
– Người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, Parkinson.
– Phụ nữ mang thai.
– Thiếu dinh dưỡng, căng thẳng, áp lực với công việc.
– Bệnh nhân phẫu thuật mất nhiều máu, bỏng, chấn thương.
7. Phương pháp điều trị
Trong trường hợp, nguyên nhân của huyết áp thấp là do suy giảm hoạt động của tuyến giáp hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và có phương pháp chữa bệnh đúng đắn nhất.
Các trường hợp còn lại có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh:
– Ăn đủ các bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng.
– Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bị huyết áp thấp.
– Một số chuyên gia khuyên rằng, nên bổ sung thêm muối vào các bữa ăn. Điều này có thể làm tăng huyết áp, do vậy cần phải đi khám để bác sĩ có lời khuyên chính xác về việc cần thêm bao nhiêu muối vào bữa ăn hằng ngày.
– Nên uống các loại nước ép hoa quả sẽ giúp cho hệ tim mạch khỏe mạnh, máu lưu thông dễ dàng.
– Uống nhiều nước hơn làm tăng thể tích máu, ngăn ngừa mất nước. Việc này rất có ý nghĩa trong điều trị hạ huyết áp.
– Luyện tập thể dục thường xuyên, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi. Nên tập các bộ môn như đạp xe, yoga,… Thời gian luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, việc tập luyện này giúp duy trì sự dẻo dai cho cơ thể và tinh thần được thoải mái, thư giãn.
– Làm việc phù hợp với sức khỏe, không nên gắng sức. Nên dành thời gian nghỉ ngơi, không được căng thẳng, stress quá mức.
– Sử dụng các loại trà để hỗ trợ nâng cao huyết áp như trà gừng hoặc các sản phẩm từ Đinh lăng giúp tăng tuần hoàn não rất tốt.
– Mang tất nén: Các loại tất đàn hồi dùng để giảm đau và sưng tĩnh mạch, làm giảm được lượng máu đọng ở chân.
– Đồng thời, có thể sử dụng một số thuốc để điều trị huyết áp thấp: Thuốc tác động lên chuyển hóa muối nước như Fludrocortisone. Tuy nhiên, cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Để có phương pháp điều trị phù hợp tốt nhất nên đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được lời khuyên từ bác sĩ.
Các bài tập thể dục tốt cho người huyết áp thấp
8. Người huyết áp thấp nên và không nên ăn gì?
8.1 Những thực phẩm nên ăn
Người mắc bệnh huyết áp thấp nên bổ sung một số thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày để phòng tránh nguy cơ tụt huyết áp tái phát:
– Các loại thịt đỏ: Như chúng ta đã biết, trong loại thịt này có chứa hàm lượng Vitamin B12 rất cao nên tốt cho người bị huyết áp thấp. Khi cơ thể không được cung cấp đủ Vitamin B12 sẽ làm giảm khả năng tạo hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Đó chính là lý do hạ huyết áp.
– Các loại ngũ cốc: Giúp cung cấp dinh dưỡng và các loại Vitamin cho cơ thể.
– Uống đủ nước mỗi ngày có tác dụng duy trì thể tích máu của cơ thể, phòng ngừa tình trạng thiếu nước.
– Gan động vật: Đây là loại thực phẩm rất tốt cho người huyết áp thấp. Trong gan, có chứa sắt và Folate – thành phần quan trọng đối với việc tổng hợp hồng cầu và tái tạo máu. Tuy nhiên, cần sử dụng một lượng vừa phải.
– Hạnh nhân: Có chứa nhiều sắt và các loại Vitamin giúp bổ máu và tăng cường sản sinh hồng cầu. Việc sử dụng các loại sữa, hạt hạnh nhân có tác dụng bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể và có ý nghĩa trong điều trị huyết áp thấp.
– Bơ: chứa các Vitamin nhóm B và Folate rất có lợi cho máu. Ngoài ra, bơ còn có các chất béo tự nhiên tốt cho cơ thể, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
– Chuối: Hàm lượng Kali, Magie cùng với các loại Vitamin, Folate có trong chuối giúp điều hòa huyết áp, bảo vệ mạch máu khỏi bị tổn thương và rất tốt cho tim mạch. Đây thật sự là loại thực phẩm lý tưởng dành cho người huyết áp thấp.
– Nho khô: Theo các nghiên cứu, loại thực phẩm này có tác dụng cung cấp các khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu và hỗ trợ hoạt động tuyến thượng thận. Có thể sử dụng nho khô ngâm với nước để qua đêm và ăn vào các buổi sáng.
Thực phẩm tốt cho người huyết áp thấp
8.2 Những loại thực phẩm cần phải kiêng
– Rượu, bia: Khiến cơ thể bị mất nước và không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân huyết áp thấp.
– Cà rốt: Việc sử dụng nhiều cà rốt có thể dẫn đến việc quá dư thừa Kali dẫn đến hạ huyết áp.
– Thực phẩm giàu Carbohydrate như gạo trắng, khoai tây,… vì chúng được tiêu hóa rất ít, do vậy không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết trong thời gian dài.
– Cần tây, dưa hấu,… có tác dụng giãn mạch, lợi tiểu do đó làm hạ huyết áp.
– Sữa ong chúa: Nó có chứa Insulin có tác dụng làm hạ đường huyết và hạ huyết áp rất nhanh.
– Táo mèo: Đây là thực phẩm dành cho người huyết áp cao và không phù hợp với bệnh nhân huyết áp thấp.
Hi vọng những thông tin trên đây phần nào để giải đáp được thắc mắc của bạn đọc về bệnh huyết áp thấp. Nếu có các triệu chứng của huyết áp thấp hãy đi khám bác sĩ để có lời khuyên đúng nhất.