Insulin là một loại hormone đóng vai trò quan trọng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Thiếu insulin hoặc không có khả năng đáp ứng đầy đủ với insulin đều có thể dẫn đến sự phát triển các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Ngoài vai trò kiểm soát lượng đường trong máu, insulin còn tham gia vào quá trình tích trữ chất béo.
1. Insulin là gì? Nguồn gốc của insulin
Insulin là một loại hormone được tạo ra trong trong các tế bào beta của tuyến tụy, là một tuyến nằm phía sau dạ dày. Nó cho phép cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Tế bào beta chiếm khoảng 75% tế bào hormon tuyến tụy. Khi ăn, thức ăn sẽ đi đến dạ dày và ruột non, ở đó nó được phân hủy thành các chất dinh dưỡng bao gồm glucose. Các chất dinh dưỡng được hấp thụ và phân phối trong máu. Tuyến tụy có vai trò tạo ra các enzyme giúp phân hủy lipid, tinh bột và đường có trong thực phẩm.
Hormon insulin
2. Vai trò của insulin với cơ thể con người
Insulin đóng vai trò như thế nào với sức khỏe. Dưới đây là một số công dụng chính của nó:
2.1. Insulin tạo ra và phân phối năng lượng trong cơ thể
Chức năng của insulin là hỗ trợ chuyển hóa glucose thành năng lượng và phân bố nó khắp cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch. Không có insulin, các tế bào bị thiếu năng lượng và phải tìm kiếm một nguồn thay thế. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.
2.2. Giúp gan dự trữ glucose
Insulin giúp gan hấp thụ lượng glucose dư thừa từ máu của cơ thể. Nếu cơ thể có đủ năng lượng, gan sẽ lưu trữ lượng glucose không dùng đến để nó có thể được sử dụng cho năng lượng cần thiết sau này. Đồng thời, gan tự sản xuất ít glucose hơn. Điều này giúp giữ cho mức đường huyết trong cơ thể luôn trong tầm kiểm soát. Gan giải phóng một lượng nhỏ glucose vào máu giữa các bữa ăn để giữ lượng đường trong máu ở phạm vi cho phép.
2.3. Lưu trữ cơ và chất béo
Insulin giúp cơ bắp và tế bào mỡ dự trữ glucose để nó không đi vào máu. Nó báo hiệu cho các tế bào cơ và mô mỡ trong cơ thể ngừng phân hủy glucose để duy trì lượng đường trong máu được ổn định. Sau đó, các tế bào bắt đầu tạo ra glycogen, dạng dự trữ của glucose.
Glycogen cung cấp năng lượng cho cơ thể khi lượng đường trong máu giảm xuống. Khi gan không thể lưu trữ glycogen nữa, insulin sẽ kích hoạt các tế bào mỡ trong cơ thể để hấp thụ glucose. Nó được lưu trữ dưới dạng chất béo trung tính, một loại chất béo trong máu, có thể được sử dụng để tạo năng lượng sau này.
2.4. Cân bằng lượng đường trong máu
Đường trong máu, hay glucose, được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng. Khi ăn, nó được tạo ra bởi nhiều carbohydrate mà cơ thể đang tiêu thụ. Glucose được sử dụng ngay lập tức, nếu không sẽ được lưu trữ trong tế bào.
Insulin giúp giữ lượng glucose trong máu ở mức bình thường. Nó thực hiện điều này bằng cách đưa glucose ra khỏi máu và di chuyển đến các tế bào trong khắp cơ thể. Sau đó, các tế bào sử dụng glucose để tạo ra năng lượng và lưu trữ trong gan, cơ và mô mỡ.
Quá nhiều hoặc quá ít glucose trong máu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Sự tích tụ của glucose trong máu (tăng đường huyết) có thể gây ra các biến chứng như tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh), tổn thương thận và các vấn đề về mắt. Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm khát nước quá mức và đi tiểu thường xuyên. Quá ít glucose trong máu (hạ đường huyết) có thể khiến bản thân cảm thấy cáu kỉnh, mệt mỏi hoặc bối rối. Lượng đường trong máu thấp có thể dẫn đến mất ý thức.
Insulin điều hòa lượng đường trong máu
2.5. Insulin và tế bào
Các tế bào trong cơ thể cần năng lượng để hoạt động và duy trì sức khỏe. Insulin cung cấp glucose cho tế bào sử dụng để tạo ra năng lượng. Nếu không có insulin, glucose vẫn tồn tại trong máu, vì vậy có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng đường huyết.
Cùng với glucose, insulin giúp các acid amin đi vào tế bào của cơ thể, giúp hình thành khối lượng cơ. Insulin cũng hỗ trợ cho các tế bào hấp thụ chất điện giải, giữ cho lượng chất lỏng trong cơ thể ở mức bình thường.
2.6 . Insulin giúp kiểm soát ceton
Insulin giúp tế bào sử dụng glucose để tạo năng lượng. Khi các tế bào không còn khả năng sử dụng thêm glucose, chúng bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình này tạo ra sự tích tụ nguy hiểm của các chất được gọi là ceton. Khi cơ thể cố gắng loại bỏ ceton qua nước tiểu nhưng đôi khi không thể đáp ứng kịp. Điều này dẫn đến một tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA). Các triệu chứng bao gồm hơi thở có mùi hôi, khô miệng, buồn nôn và nôn.
3. Những lưu ý khi sử dụng chế phẩm insulin
3.1. Các loại insulin
Tất cả các loại insulin ngoại sinh đều tạo ra tác dụng như nhau. Chúng bắt chước sự tăng và giảm tự nhiên của mức insulin trong cơ thể trong ngày. Cấu tạo của các loại insulin khác nhau ảnh hưởng đến tốc độ và thời gian hoạt động của chúng.
– Insulin tác dụng nhanh: Bắt đầu hoạt động khoảng 15 phút sau khi tiêm. Tác dụng của nó có thể kéo dài từ ba đến bốn giờ. Nó thường được dùng trước bữa ăn.
– Insulin tác dụng ngắn: Tiêm trước bữa ăn. Nó bắt đầu hoạt động từ 30 đến 60 phút sau khi tiêm và kéo dài từ 5 đến 8 giờ.
– Insulin tác dụng trung gian: Loại insulin này bắt đầu hoạt động trong một đến hai giờ sau khi tiêm và tác dụng kéo dài từ 14 đến 16 giờ.
– Insulin tác dụng kéo dài: Insulin này có thể không bắt đầu hoạt động cho đến khoảng hai giờ sau khi tiêm. Tác dụng của nó có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc lâu hơn.
Có 4 loại insulin dùng để điều trị
3.2. Những lưu ý cần phải chú ý khi sử dụng insulin
– Insulin là một loại thuốc hạ glucose máu mạnh nhất.
– Thường không có giới hạn về liều cho insulin.
– Insulin chỉ được chỉ định tiêm dưới da, những vị trí tiêm thường ở bụng, bắp tay, đùi hoặc mông.
– Các vị trí tiêm phải thường xuyên được thay đổi xung quanh một khoảng chung.
– Insulin thường được dùng kết hợp với thuốc viên.
– Trong trường hợp thiếu insulin nặng, người bệnh có thể được chỉ định chỉ điều trị bằng insulin.
– Đối với từng bệnh nhân có tình trạng bệnh khác nhau thì có thể điều chỉnh liều insulin 3 – 4 lần/ngày.
Insulin được chỉ định tiêm dưới da vùng bụng, mông, đùi hoặc bắp tay
3.3. Phản ứng insulin
Hạ đường huyết hoặc mức đường huyết quá thấp đôi khi có thể xảy ra khi bệnh nhân dùng insulin. Đây được gọi là phản ứng insulin. Nếu tập thể dục quá nhiều hoặc không ăn uống đủ, lượng glucose trong cơ thể có thể giảm xuống quá thấp và kích hoạt phản ứng insulin. Khi đó cơ thể cần cân bằng lượng insulin cung cấp với thức ăn hoặc calo. Các triệu chứng của phản ứng insulin bao gồm:
– Mệt mỏi.
– Mất khả năng nói.
– Đổ mồ hôi vật vã.
– Lú lẫn.
– Mất ý thức.
– Co giật.
– Co giật cơ bắp.
– Da nhợt nhạt.
Mệt mỏi, run rẩy, đổ mồ hôi là những biểu hiện hạ đường huyết
Insulin là một hormon vô cùng quan trọng trong cơ thể chúng ta. Nó không chỉ đóng vai trò điều hòa đường huyết mà còn ảnh hưởng đến các mô, tạng khác trong cơ thể. Các rối loạn liên quan đến insulin có thể gây ra những bệnh lý như tiểu đường, bệnh liên quan đến thần kinh, cơ… Do đó, việc tìm hiểu về insulin sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn và có những hiểu biết nhất định liên quan đến sức khỏe của cơ thể.