Đôi mắt đẹp là cửa sổ của tâm hồn
Chắp mắt, lẹo mắt thường xuất hiện ở bờ mi mắt khiến đau nhức, phù nề và hạn chế tầm nhìn. Tuy nhiên, mọi người còn nhầm lẫn giữa hai bệnh lý này. Vậy chúng khác nhau như thế nào? Cách chữa chắp và lẹo mắt có gì khác nhau? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho mọi người cách điều trị cũng như phòng bệnh hiệu quả.
I. Tìm hiểu về chắp mắt và lẹo mắt
1. Lẹo mắt là gì? Triệu chứng?
Lẹo mắt là một dạng u màu đỏ, giống như mụn nhọt, phổ biến ở bờ mí mắt trên. Nó thực chất là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra.
Khi bị lẹo mắt bệnh nhân sẽ xuất hiện sưng, đỏ, đau ở mí mắt và nước mắt tiết ra nhiều hơn. Ngoài ra, người bệnh còn làm cho mắt nhạy cảm với ánh sáng, khó chịu khi chớp mắt và cảm giác như có bụi trong mắt.
Lẹo mắt gây sưng và đau
2. Chắp mắt là gì? Triệu chứng? Có nguy hiểm không?
Chắp mắt là hiện tượng có một khối u nhỏ xuất hiện trong mí mắt, gây sưng, đỏ, đau, có mủ. Nếu không được điều trị đúng cách khối u có thể vỡ làm loét, có thể để lại sẹo trên mí mắt. Bệnh gây ra ở cả hai mí trên và mí dưới nhưng chắp mí trên thường phổ biến hơn.
Nguyên nhân dẫn đến chắp mắt là do tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mí mắt khiến chất bã ứ đọng xâm nhập vào mô xung quanh gây viêm hạt mạn tính.
3. Cách phân biệt chắp và lẹo mắt
Để phân biệt chắp mắt và lẹo mắt ta sẽ xét đến vị trí cũng như thời gian biểu hiện triệu chứng.
– Lẹo thường mọc ngay bờ mi và dính chặt vào da. Tuy nhiên, chắp xuất hiện ở xa bờ mi hơn so với lẹo, thường ở mặt trong của mi mắt.
– Khi mới mọc, chắp và lẹo mắt đều sưng, đỏ, ngứa và đau. Đối với lẹo, sau khoảng 3 – 4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ. Lẹo rất hay tái phát. Còn đối với chắp, sau vài ngày, khối u xẹp xuống thành khối tròn không đau, sau đó lại lớn dần trong mi mắt, hình thành dưới kết mạc một khối màu xám đỏ. Đó cũng là một trong những khác biệt của chắp và lẹo, chắp thường to hơn nhưng ít đau hơn hoặc không gây đau.
– Lẹo nó tự mất sau vài ngày đến vài tuần còn chắp có thể kéo dài 2 – 8 tuần. Lẹo có thể biến thành chắp khi lẹo trong được thoát lưu hoặc điều trị không dứt điểm gây chèn vào các tuyến ở mắt.
Sự khác nhau giữa lẹo mắt và chắp mắt
II. Cần làm gì khi bị chắp mắt, lẹo mắt
1. Cách chữa bệnh lẹo mắt
Thông thường lẹo mắt sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần tác động vào. Khi mủ vỡ ra thì các triệu chứng cũng dần dần mất đi sau 4 – 6 ngày. Tuy nhiên, để hết nhanh các triệu chứng có thể chăm sóc mắt bằng một số cách sau đây:
Sử dụng khăn hoặc miếng bông ấm
Có thể dùng khăn hoặc bông gòn ấm đặt lên vùng bị lẹo trong 10 – 15 phút, mỗi ngày 3 – 5 lần cho đến khi hết lẹo. Cách này đem lại hiệu quả do nó giúp đẩy mủ lên bề mặt, đồng thời giúp hết đỏ và sưng, làm sạch các chất tiết ra tại mi mắt, cải thiện tình trạng bệnh khá nhanh.
Chườm khăn ấm giúp giảm đau, tiêu sưng lẹo và chắp
Làm sạch mí mắt với xà phòng nhẹ và nước
Nên lựa chọn xà phòng nhẹ để rửa mắt hoặc có thể sử dụng nước ấm. Sau đó lau khô mắt bằng khăn sạch. Ngoài ra, có thể rửa mí mắt với nước muối sinh lý ấm để sát khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sử dụng túi trà ấm
Nếu không sử dụng khăn ấm và bông gòn, người bệnh cũng có thể dùng một túi trà ấm để di chuyển nhẹ nhàng ở vùng lẹo mắt. Nó giúp kháng khuẩn, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm và giúp giảm đau, tiêu sưng.
Để điều trị hiệu quả, mỗi túi trà chỉ nên sử dụng 1 lần. Các bước như sau: cho túi trà vào nước sôi trong vòng 1 phút, sau đó đợi cho túi trà có nhiệt độ thích hợp, đặt lên mắt và massage trong vòng 5 – 10 phút. Lưu ý không để túi trà quá nóng.
Hạn chế trang điểm và đeo kính áp tròng
Hạn chế tối đa các hoạt động có thể gây kích ứng cho mắt như trang điểm và đeo kính áp tròng. Không nên thực hiện những hoạt động này trong khoảng thời gian bị bệnh và sau khi khỏi bệnh ít nhất 2 tuần.
Dùng thuốc kháng sinh
Khi bị lẹo nhiễm trùng có thể sử dụng kháng sinh dưới dạng thuốc mỡ, thuốc nhỏ mắt như Polymyxin hoặc kháng sinh toàn thân theo hướng dẫn chỉ định của thầy thuốc.
Trước khi tra thuốc vào mắt luôn phải rửa tay, hạn chế để thuốc dính ra ngoài. Tuyệt đối không được tự ý nặn mủ.
Tiểu phẫu lẹo mắt
Nếu sau một tuần hoặc mụn lẹo quá to gây khó chịu, ảnh hưởng đến tầm nhìn và đau đớn, có thể thực hiện phẫu thuật nhỏ để chích rạch mụn, lấy mủ ra ngoài.
2. Cách chữa chắp mắt
Chắp mắt không do vi khuẩn gây ra, vì vậy việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Nếu muốn nhanh hết chắp mắt có thể sử dụng các phương pháp giống với lẹo mắt như sau:
– Chườm nóng giúp giảm đau.
– Khi chắp quá to khiến mắt nhìn mờ, lâu ngày không đỡ phải dùng thuốc corticoid theo chỉ định của bác sĩ.
– Chắp mắt ở sâu trong sụn có thể phải áp dụng tiểu phẫu chích nạo sạch để hạn chế tái phát.
– Nếu chắp vẫn tiếp tục tái phát phải lấy khối chắp để làm xét nghiệm, chúng có thể là một trong các dấu hiệu của ung thư mắt.
III. Phòng ngừa chắp mắt, lẹo mắt
Để giữ cho mắt không bị chắp và lẹo, cần thực hiện một số biện pháp bảo vệ mắt như:
– Nên đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm môi trường khi đi ra đường hoặc trong lúc lau dọn nhà cửa.
– Sửa các thói quen sinh hoạt xấu: Khi tay bẩn không được đưa lên mắt để dụi hoặc chà, vì có thể gây nhiễm khuẩn và kích ứng cho mắt.
– Phụ nữ thường xuyên trang điểm cho mắt cần tẩy trang sạch sẽ mỗi ngày, trước khi đi ngủ. Những đồ trang điểm mắt cần sử dụng cho từng cá nhân, tránh lây bệnh từ người khác.
– Khi chăm sóc người bị chắp, lẹo nên rửa tay thường xuyên, tránh lây nhiễm cho bản thân.
– Sau khi đi ra ngoài nên rửa mắt bằng các dung dịch nhỏ mắt như nước muối sinh lý NaCl 0,9%…
Rửa mắt bằng dung dịch nhỏ mắt thích hợp
Hãy bảo vệ đôi mắt luôn sáng khỏe bằng cách trang bị những kiến thức về phòng ngừa và điều trị các bệnh về mắt. Hy vọng bài viết trên đây cung cấp được những thông tin hữu ích và giúp bạn trả lời câu hỏi : Làm gì khi bị chắp mắt và lẹo mắt?