Khám thai định kỳ là gì?
I. Khám thai định kỳ là gì? Tại sao nên khám thai định kỳ?
Kể từ khi biết tin vui, chắc hẳn người mẹ nào cũng mong ngóng từng ngày đứa con bé bỏng của mình chào đời khỏe mạnh. Vì thế, các mẹ thường theo dõi sự phát triển của con thông qua việc khám thai định kỳ. Ngoài ra, khi khám thai sẽ cho biết thêm tình trạng sức khỏe của mẹ, đồng thời giúp phát hiện các bất thường trong thai kỳ để tìm biện pháp xử lý kịp thời.
Ý nghĩa của khám thai định kỳ:
– Theo dõi từng bước phát triển của thai nhi.
– Được xét nghiệm chính xác trong một khoảng thời gian xác định.
– Nhận lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và điều cần tránh khi mang thai.
– Một số nghiên cứu về mối liên quan giữa tỷ lệ thai nhi tử vong và lịch khám thai định kỳ cho thấy: tỷ lệ này thấp hơn 5 lần khi các bà bầu tuân thủ đúng lịch.
– Một kết quả nghiên cứu khác cũng chỉ ra trọng lượng của trẻ khi mẹ khám thai thường xuyên cao hơn mẹ không khám thai.
Như vậy, khám thai định kỳ rất cần thiết. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên bà bầu nên nắm chắc những mốc khám thai quan trọng để cho kết quả chính xác và an toàn cho em bé trong bụng mẹ.
II. Lịch khám thai định kỳ chuẩn
1. Khám thai lần đầu (5 – 8 tuần): Bạn đã thực sự có thai?
Khi chị em trễ kinh nguyệt từ 2 – 4 tuần, kèm theo các biểu hiện như buồn nôn, mệt mỏi và thử que lên 2 vạch thì nên đi khám thai sớm nhất có thể. Lần khám này giúp kiểm tra có đúng bạn đã mang thai hay không? Thai có làm tổ đúng vị trí chưa?
Khám thai lần đầu sau khi thử que 2 vạch
Bác sĩ sản phụ khoa sẽ tiến hành kiểm tra:
– Siêu âm thai để xác định vị trí, tuổi thai, phát hiện bất thường, dự kiến ngày sinh.
– Sức khỏe tổng quát của người mẹ.
– Xét nghiệm máu để xác định nhóm máu, tình trạng thiếu máu, hệ thống miễn dịch, tiểu đường, các bệnh có thể lây nhiễm qua đường từ mẹ sang con (HIV, viêm gan B, giang mai, Rubella, …).
– Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Đo chiều cao, huyết áp, cân nặng.
– Khám cổ tử cung để sàng lọc ung thư.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ khai thác thêm một số thông tin như:
– Bạn có đang uống thuốc gì không?
– Bạn có uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích gần đây không?
– Bạn đã từng sinh thường hay sinh mổ?
Sau khi kiểm tra tất cả các thông tin trên, bác sĩ sẽ kết luận chính xác tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi và thai phụ ra sao. Sau đó, đưa ra lời khuyên về chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, vận động, bổ sung dưỡng chất trong thời kỳ thai nghén. Đồng thời, tư vấn sàng lọc trước sinh, các bệnh liên quan (tiểu đường, tăng huyết áp, sinh non, tiền sản giật, …).
Bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt cho bà bầu
2. Khám thai lần thứ hai (11 tuần – 13 tuần 6 ngày): Đo độ mờ da gáy
Lần khám thai thứ hai rất quan trọng, vì đây là thời điểm vàng để đo độ mờ da gáy, nhằm dự đoán một số bất thường trong bộ gen của trẻ. Những dị tật xuất hiện trong bộ gen sẽ gây ra các bệnh bẩm sinh như: hội chứng Down, hội chứng Turner, hội chứng Patau, …
Siêu âm độ mờ da gáy lần khám thai thứ hai
Bên cạnh đó, siêu âm thai trong thời gian này sẽ xác định được tim thai và phát hiện một số dị tật khác mà lần khám đầu chưa thể xác định chính xác được.
Một kiểm tra cần thiết mà các bà mẹ cần quan tâm trong giai đoạn này là Double test (sàng lọc trước sinh để phát hiện dị tật bẩm sinh). Hiện nay, Bộ Y tế đã khuyến cáo mọi bà bầu đều nên thực hiện, đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 35, đã từng sảy thai, từng sinh con mắc dị tật, có tiền sử gia đình, …
3. Khám thai lần thứ ba (16 – 22 tuần): Phát hiện thai suy dinh dưỡng
Trong lần khám này, bác sĩ sẽ đánh giá sự tăng cân của mẹ, đo bụng, sờ nắn bụng để kiểm tra sự tăng trưởng của thai. Đồng thời kết hợp với siêu âm, tiến hành một số xét nghiệm máu và nước tiểu để phát hiện suy dinh dưỡng của thai nhi trong tử cung. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bà bầu về chế độ dinh dưỡng và các chăm sóc đặc biệt.
Đánh giá sự tăng cân của mẹ bầu
4. Khám thai lần thứ tư (22 -28 tuần): Kiểm soát dị tật bất thường
Đây được coi là mốc khám thai chuẩn và rất quan trọng, bởi các dị dạng về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, … đều có thể phát hiện thông qua siêu âm. Phát hiện được những bất thường này càng sớm thì bác sĩ sẽ có hướng can thiệp phù hợp nhất cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, đối với các bà bầu bị hở eo tử cung, có khối u buồng trứng, hay muốn thực hiện các phẫu thuật sản phụ khoa thì đều có thể thực hiện vào thời điểm lý tưởng này.
5. Khám thai lần thứ năm (28 – 32 tuần): Chẩn đoán ngôi thai
Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán ngôi thai trong giai đoạn từ tuần thứ 31 -32, đồng thời kiểm tra độ cân đối giữa cân nặng thai nhi và khung chậu của mẹ, độ lọt của đầu em bé, … Từ đó, đưa ra dự đoán về khả năng sinh, nguy cơ có thể xảy ra và tư vấn cho gia đình về việc nhập viện sớm so với ngày dự sinh để bác sĩ tiện theo dõi.
Ngoài ra, thai phụ sẽ được siêu âm để phát hiện các bất thường xảy ra muộn ở tim, động mạch, não, …
Đặc biệt, trong lần khám thai này, bà bầu được tiêm phòng ho gà, uốn ván lần 2 và xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ tiểu cầu trong máu.
Bà bầu tiêm phòng lần khám thai thứ năm
6. Khám thai lần thứ sáu (32 -34 tuần): Kiểm tra sự phát triển của em bé
Lần khám thứ sáu, bác sĩ chuyên khoa tiến hành kiểm tra cơ bản như huyết áp, nhịp tim của mẹ; sự phát triển và chuyển động của con. Ngoài ra, bà bầu cũng cần chú ý theo dõi những dấu hiệu đau bụng, số lần cử động thai trong một giờ, hiện tượng ra máu âm đạo để thông báo với bác sĩ.
Theo dõi số lần cử động thai trong một giờ
7. Khám thai lần thứ bảy (34 -36 tuần): Dự đoán thời gian sinh
Theo dõi sự phát triển của em bé ở những tuần cuối cùng, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm màu để kiểm tra Doppler động mạch, nước ối và dây rốn. Bác sĩ cũng đưa ra dự báo về trọng lượng thai, nếu thai không đạt tiêu chuẩn cân nặng sẽ tư vấn thêm về dinh dưỡng cho người mẹ.
8. Những lần khám thai cuối cùng (36 tuần tuổi đến lúc sinh)
Sau lần khám thứ bảy, bác sĩ sẽ có chỉ định riêng cho bà bầu về những lần khám thai cuối cùng, có thể 2 lần/tuần hoặc 1 lần/tuần. Giai đoạn này, bác sĩ chỉ kiểm tra các thông số cơ bản như nhịp tim, huyết áp, nước ối, thử nước tiểu, … Cùng với đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm về các bài tập trước sinh để cuộc vượt cạn thành công, thuận lợi.
III. Mốc khám thai quan trọng là khi nào?
Khám thai định kỳ là việc mà mẹ bầu nào cũng nên thực hiện. Tuân thủ đúng lịch khám theo chỉ định của bác sĩ sẽ đảm bảo tính chính xác, an toàn cho sức khỏe mẹ và bé. Trong các mốc khám thai, thời điểm nào cũng quan trọng như nhau. Tuy nhiên, bà bầu nên đặc biệt chú ý đến lịch khám thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, bởi đây là những giai đoạn nhạy cảm trong quá trình phát triển của thai nhi.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ về lịch khám thai định kỳ mà người phụ nữ nào, không riêng bà bầu đểu phải biết. Nắm vững những thông tin này sẽ giúp các mẹ đón những thiên thần bé nhỏ của mình an toàn và khỏe mạnh.