Sơ cứu đuối nước đúng cách
Hàng năm tai nạn đuối nước thương tâm vẫn xảy ra nhiều dù đã có nhiều tuyên truyền về đảm bảo an toàn và các cảnh báo về phòng chống đuối nước. Trẻ em là đối tượng hay gặp đuối nước do thường tụ tập đi tắm sông, tắm hồ trong dịp nghỉ hè. Người bị đuối nước sau khi được cứu đưa lên bờ cần thực hiện các sơ cứu tại chỗ kịp thời để giữ lại mạng sống. Tuy nhiên việc sơ cứu cần đúng kỹ thuật để tránh những sai lầm đáng tiếc để lại di chứng tổn thương hoặc thậm chí gây tử vong.
1. Thời điểm vàng sơ cứu người bị đuối nước
Đuối nước là một tai nạn xảy ra khi nước bị hít vào phổi gây ngạt, tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi bị ngạt nước sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, ngừng thở khiến cơ thể thiếu oxy, tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Nếu ngừng thở kéo dài trong 20 giây đến 2-5 phút, vượt ngưỡng chịu đựng thì cơ thể bắt buộc có nhịp thở lần 2 và các nhịp thở sau đó. Như vậy càng khiến nước tràn vào nhiều hơn, thanh quản càng co thắt, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2. Lúc này nhịp tim sẽ chậm dần, ngừng tim và nạn nhân sẽ tử vong.
Cần đưa nạn nhân đuối nước lên bờ nhanh nhất có thể
Do đó để có thể cứu sống người bị đuối nước thì trong 1-4 phút đầu tiên sau khi bị chìm cần đưa bệnh nhân lên bờ và thực hiện các bước sơ cứu đúng kỹ thuật, đồng thời xử trí được các chấn thương kèm theo.
2. Các bước sơ cứu đuối nước đúng cách
Khi gặp người bị đuối nước cần nhanh chóng đưa lên bờ. Nếu còn tỉnh có thể ném phao hay các dụng cụ để kéo nạn nhân vào. Trong trường hợp nạn nhân đang bị chìm dần thì chỉ những người biết bơi và biết cách cứu mới được nhảy xuống và cứu nạn nhân. Khi đã vớt được người lên cần thực hiện các sơ cứu theo nguyên tắc tại chỗ, nhanh chóng, đúng kỹ thuật nhằm mục đích giải phóng đường thở và đem lại oxy cho nạn nhân. Các xử trí tại chỗ lúc này rất quan trọng, nếu chậm trễ thì tình trạng thiếu oxy quá lâu gây chết não, nạn nhân tăng nguy cơ tử vong.
Khi đã cứu được nạn nhân lên bờ, cần đặt người nằm trên mặt phẳng cứng, tại nơi thoáng khí, khô ráo. đánh giá nhanh tình trạng để có các biện pháp sơ cứu phù hợp:
Nếu bệnh nhân còn tỉnh
– Nhanh chóng thay quần áo ướt, lau khô và ủ ấm cho bệnh nhân.
– Trấn tĩnh tinh thần khỏi trạng thái hoảng loạn. Nên cho bệnh nhân uống nước đường ấm đề phòng hạ đường huyết.
– Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, đánh giá tình trạng.
Trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh sẽ được đánh theo quy trình sau:
-
Tình trạng đường thở.
-
Tình trạng hô hấp (có còn thở không?)
-
Kiểm tra tuần hoàn
-
Đánh giá nhanh các tổn thương thần kinh
-
Kiểm tra toàn thân, các tổn thương khác.
Khi người đuối nước bất tỉnh hãy quan sát lồng ngực để quan sát xem họ còn thở hay không.
Các bước sơ cứu đuối nước
Nếu bệnh nhân hôn mê, còn thở
– Đặt người bị nạn ở tư thế nằm nghiêng để nếu có nôn, ói thì chất nôn sẽ thoát ra ngoài và không trào ngược lại.
– Khai thông đường thở cho nạn nhân:
+ Một tay đặt lên trán đẩy nạn nhân ra sau, một tay nâng cằm để nạn nhân ưỡn cổ tối đa. Nếu nghi ngờ có chấn thương vùng cột sống cổ chỉ nâng hàm dưới.
+ Sử dụng gạc hay khăn để loại bỏ các dị vật, bùn đất, đờm dãi ra khỏi miệng nạn nhân để thông thoáng đường thở.
– Cởi bỏ dần quần áo ướt và làm ấm cơ thể người bị nạn. Sau đó nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.
– Chú ý cần kiểm tra xem bệnh nhân có chấn thương vùng cột sống cổ, các vết bầm tím vùng cổ, gáy.
Nếu bệnh nhân mất ý thức, ngừng thở, mất mạch
Trong trường hợp nạn nhân da tím tái, không còn đáp ứng với sự lay gọi, kích thích đau, lồng ngực bất động cùng với mất mạch cảnh + mạch bẹn sẽ được đánh giá trong tình trạng ngưng tuần hoàn – hô hấp. Khi đó cần phải tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức với 2 kỹ thuật thổi ngạt và ép tim.
– Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực
+ Đặt tay chính giữa xương ức, ⅓ phía dưới. Khuỷu tay cần thẳng và dùng sức nặng ½ thân trên của người cứu hộ để ép vào lồng ngực nạn nhân với tốc độ 100-120 nhịp/phút.
+ Với người lớn và trẻ em trên 8 tuổi: Dùng 2 tay chồng lên nhau, ấn thẳng xuống với biên độ 5-6cm.
+ Trẻ em từ 1-8 tuổi: Dùng 1 tay ấn sâu 3-4cm (⅓ độ dày lồng ngực).
+ Trẻ 0-12 tháng tuổi: Dùng 2 ngón tay ấn xuống 1-2cm.
Ép tim ngoài lồng ngực
– Kỹ thuật thổi ngạt
+ Để nạn nhân nằm với tư thế cổ ngửa. Nếu có chấn thương cột sống cổ thì đặt đầu vị trí trung gian.
+ Người cứu hộ dùng 2 ngón tay bịt chặt mũi nạn nhân, ngửa mặt lấy một hơi dài, áp miệng vào miệng nạn nhân và thổi vào trong khoảng 2 giây. Lặp lại thêm một lần nữa.
Kỹ thuật thổi ngạt
– Nếu chỉ có 1 người sơ cứu thì thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần, tiếp tục lại ép tim 30 lần và thổi ngạt 2 lần. Nếu có 2 người thì một người ép tim ngoài lồng ngực đồng thời người kia hà hơi thổi ngạt theo tỷ lệ 15:2. Sau 2 phút kiểm tra lại xem người bệnh đã lấy lại nhịp thở và mạch đập lại chưa. Nêu chưa cần kiên trì lặp lại chu kỳ trên đến khi bệnh nhân hồi tỉnh lại hoặc cho đến khi bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để có các biện pháp xử trí chuyên sâu hơn. Nếu sau 2-3 giờ sơ cứu tích cực mà bệnh nhân không hồi tỉnh, tim ngừng đập, đồng tử giãn to thì có lẽ đã hết hy vọng.
3. Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu đuối nước
Việc sơ cứu cho người bị đuối nước cần nhanh chóng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật. Để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc cần tránh các sai lầm sau:
– Dốc ngược bệnh nhân để đẩy nước ra ngoài: Đây là việc làm không cần thiết vì lượng nước vào phổi bệnh nhân rất ít. Khi bệnh nhân có thể tự thở lại sẽ tự động đẩy nước ra ngoài. Hơn nữa việc xốc nước làm chậm thời gian sơ cứu thổi ngạt khiến bệnh nhân bị sặc nặng hơn.
– Lăn lu, hơ lửa: Ở nhiều nơi vẫn còn để trẻ nằm sấp trên lu, đốt cháy rơm trong lu để làm ấm người. Điều đó rất nguy hiểm vì nguy cơ gây bỏng cho trẻ.
– Không hô hấp nhân tạo và ấn tim ngoài lồng ngực trên đường đưa đi cấp cứu: Điều này rất nguy hiểm vì sẽ gây thiếu oxy nặng nề toàn cơ thể đặc biệt là não, để lại di chứng não dù sau đó bệnh nhân co hồi tỉnh hay không.
Khi sơ cứu cho người đuối nước cũng cần lưu ý một số điểm sau:
– Khi thực hiện động tác ép tim ngoài lòng ngực cần chú ý lực tác động để tránh làm gãy xương.
– Chỉ được phép vận chuyển nạn nhân bị đuối nước đến cơ sở y tế khi nạn nhân đã tự thở và có mạch trở lại.
– Nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ (bệnh nhân than đau vùng cổ, vết bầm vị trí cổ …) cần được cố định cổ trong quá trình vận chuyển.
– Khi bệnh nhân đã tỉnh lại vẫn cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra để kiểm tra xem bệnh nhân có bị các chấn thương khác không. Trong đó cần lưu ý đến trường hợp phù phổi cấp sau đuối nước hay còn gọi là đuối nước trên cạn. Nếu không phát hiện kịp thời bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
4. Phòng chống đuối nước
Tham gia các khóa học bơi, học kỹ năng sơ cứu đuối nước
Công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước rất cần thiết để mọi người xây dựng ý thức cho bản thân và gia đình tránh xảy ra các tình huống thương tâm do thiếu hiểu biết.
– Mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ nên tham gia các lớp học bơi để được học bơi đúng kỹ thuật cũng như biết cách xử trí các tình huống bất ngờ dưới nước, cách cấp cứu cũng như sơ cứu khi gặp người đuối nước.
– Chỉ nên đi bơi tại các bể bơi, khu vực an toàn có nhân viên cứu hộ. Tránh tự ý bơi ở sông, hồ, ao, nơi có vùng nước xoáy.
– Khi di chuyển bằng các phương tiện đường thủy cần mặc áo phao bảo hộ, các tàu thuyền không được chở quá số người quy định, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường sông nước.
– Cha mẹ nên giám sát trẻ, tránh để trẻ chơi gần ao, hồ, các vật dụng chứa nước trong nhà cần có nắp đậy, xung quanh ao, giếng, hồ cần có rào chắn.
– Phối hợp giữa các cấp, giữa nhà trường và gia đình để nâng cao ý thức của người dân trong phòng tránh đuối nước.
Việc cấp sơ cứu cho người bị đuối nước cần thực hiện nhanh chóng và đúng kỹ thuật vì đó quyết định đến sự sống còn của bệnh nhân. Vì vậy nắm được nguyên tắc sơ cứu người bị đuối nước rất quan trọng. Đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền phòng ngừa đuối nước cần thực hiện tích cực để hạn chế các tai nạn thương tâm xảy ra.