Suy tim – Cẩm nang những điều cần biết

Suy tim là bệnh gì?

Suy tim là bệnh gì?

Suy tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm hiện nay với tỷ lệ mắc cao. Hiện nay có khoảng 26 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với bệnh. Không chỉ gây hạn chế trong sinh hoạt thường ngày, suy tim còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

I. Khái quát về bệnh suy tim

1. Suy tim là bệnh gì?

Theo định nghĩa bệnh học: ‘’Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.’’ 

Tim bị suy yếu dẫn đến rối loạn chức năng trong việc tiếp nhận máu về tim (suy tim tâm trương) và bơm máu đi nuôi cơ thể (suy tim tâm thu). Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn, phải gắng sức nhiều hơn khi thực hiện các hoạt động thường ngày như đi bộ, leo cầu thang,..

Suy tim thường là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, dị tật bẩm sinh trên tim… 

Suy tim khiến tim bị yếu và giảm thực hiện chức năng 

Suy tim khiến tim bị yếu và giảm thực hiện chức năng 

2. Phân loại các cấp độ suy tim

Có nhiều cách để phân loại mức độ của suy tim nhưng trên lâm sàng thường áp dụng cách phân loại suy tim theo Hội tim mạch học New York (NYHA) dựa trên triệu chứng và mức độ hoạt động thể lực của bệnh nhân. Cụ thể là:

– Suy tim độ I: Bệnh nhân chưa biểu hiện triệu chứng cơ năng nào. Thực hiện các động tác sinh hoạt gần như bình thường, không cần phải gắng sức.

– Suy tim độ II: Bệnh nhân sẽ biểu hiện các triệu chứng như cảm thấy mệt, hồi hộp, khó thở…khi phải gắng sức nhiều để thực hiện các động tác. Các hoạt động về thể lực bị giảm nhẹ.

– Suy tim độ III: Các triệu chứng xuất hiện ngay cả khi gắng sức ít, hạn chế nhiều các hoạt động về thể lực.

– Suy tim độ IV: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện thường xuyên hơn ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi, không hoạt động gì. Bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động thể lực mạnh.

II. Các triệu chứng của suy tim

Tùy thuộc bệnh nhân bị suy tim trái, suy tim phải hoặc suy tim toàn bộ mà các dấu hiệu nhận biết khác nhau. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển âm thầm trong thời gian dài khiến bệnh nhân khó nhận ra. 

Triệu chứng của bệnh suy tim

Triệu chứng của bệnh suy tim

Các triệu chứng phổ biến bệnh nhân thường gặp là:

– Khó thở: 

+ Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của suy tim. Bệnh nhân cảm thấy khó thở khi hoạt động gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi (với suy tim độ IV). Khó thở thường hay xuất hiện về đêm khiến bệnh nhân phải ngồi dậy để thở. 

+ Trong trường hợp suy tim trái sẽ hay xuất hiện các cơn kịch phát khiến người bệnh khó thở dữ dội, thở nhanh, gấp, co kéo các cơ hô hấp…

– Mệt mỏi: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, choáng váng do giảm cung lượng tim, cảm giác yếu sức tăng dần khi suy tim nặng hơn.

– Ho: Xuất hiện tình trạng ho khan hoặc ho có đờm lẫn máu dai dẳng, nặng hơn về đêm. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh bị ho và bắt buộc phải ngồi dậy mới dễ chịu.

– Phù: Bệnh nhân có phù mềm. Lúc đầu chỉ khư trú ở 2 chi dưới nhưng khi suy tim nặng có thể thấy phù toàn thân. 

– Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực.

– Trong suy tim phải bệnh nhân có cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải, sờ được các tính mạch cổ nổi to, tím tái da và niêm mạc.

– Các dấu hiệu khác như: đầy hơi, chướng bụng, tiểu ít…

III. Nguyên nhân dẫn đến suy tim

Như đã nêu ở trên suy tim là hậu quả của các bệnh lý trên tim mạch khiến cho tim bị tổn thương và suy yếu. Các nguyên nhân dẫn đến suy tim có thể kể đến là:

1. Suy tim trái

Tăng huyết áp động mạch là nguyên nhân thường gặp nhất. Trong thời gian dài tim phải gắng sức co bóp để bơm máu thắng được sức cản của động mạch, lâu dần khiến tim bị suy yếu.

– Các tổn thương cơ tim: 

+ Nhồi máu cơ tim: khi động mạch vành cung cấp máu nuôi dưỡng cho cơ tim có một chỗ bị tắc gây nhồi máu, một số vùng cơ tim chết đi, thành sẹo làm giảm khả năng co bóp của tim.

+ Bệnh cơ tim.

+ Viêm cơ tim do nhiễm độc, nhiễm khuẩn, bị thấp tim…

– Bệnh van tim: 

+ Hở van 2 lá.

+ Hở hoặc hẹp van động mạch chủ.

– Bệnh tim bẩm sinh: Hẹp eo động mạch chủ, còn ống động mạch…

– Rối loạn nhịp tim: Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, block nhĩ thất…

Tăng huyết áp động mạch là nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim trái

Tăng huyết áp động mạch là nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim trái

2. Suy tim phải

– Hẹp van 2 lá là nguyên nhân thường gặp nhất.

– Bệnh phổi mãn tính: Viêm phế quản mạn, hen phế quản, giãn phế nang, giãn phế quản, xơ phổi.

– Nhồi máu phổi, tăng áp lực động mạch phổi.

– Gù vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực.

– Bệnh tim bẩm sinh: Hẹp động mạch phổi, thông liên nhĩ, thông liên thất.

– Bệnh van 3 lá và van động mạch phổi.

Hẹp van 2 lá dẫn đến suy tim phải

Hẹp van 2 lá dẫn đến suy tim phải

3. Suy tim toàn bộ

– Thường sẽ do suy tim trái tiến triển thành suy tim toàn bộ.

– Viêm tim toàn bộ do thấp tim, viêm cơ tim.

– Bệnh cơ tim giãn.

– Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: Bệnh cường giáp, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng…

IV. Các biện pháp chẩn đoán suy tim

Để đưa ra kết luận về chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ kết hợp kết quả dựa trên việc hỏi về bệnh sử, các triệu chứng cơ năng và thực thể, cùng với kết từ các xét nghiệm cận lâm sàng.

Một số xét nghiệm thăm dò được sử dụng để chẩn đoán suy tim là: 

– Điện tâm đồ ECG: Giúp nhận thấy các rối loạn nhịp tim, bất thường trong cấu tạo tim, rung nhĩ, i, sóng Q hoại tử cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim…

– Chẩn đoán hình ảnh: Chụp tim phổi thẳng, chụp buồng tim đánh giá chức năng thất trái, chụp xạ hình tim, chụp MRI để phát hiện bất thường cấu trúc tim, chụp ĐMV tìm tổn thương hẹp ĐMV.

– Siêu âm tim. 

– Định lượng peptid lợi niệu trong máu (NPs).

– Thăm dò huyết động.

– Thăm dò khả năng gắng sức.

– Sắc ký giấc ngủ.

– Xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu.

Quy trình chẩn đoán suy tim

Quy trình chẩn đoán suy tim

V. Các phương pháp điều trị suy tim

Để điều trị suy tim hiệu quả cần thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt, điều trị các nguyên nhân kết hợp dùng thuốc. Một số phương pháp điều trị suy tim như sau:

– Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho bệnh nhân.
– Điều trị nguyên nhân gây suy tim như tăng huyết áp, tiểu đường,…

– Dùng thuốc điều trị, bao gồm các thuốc như thuốc ức chế men chuyển ACE, thuốc ức chế thụ thể AT1, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc làm tăng sức co bóp cơ tim…

– Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể dùng thiết bị hỗ trợ là máy phá rung ICD hoặc máy tạo nhịp đồng bộ cơ tim CRT.

– Phẫu thuật ghép tim.

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp mọi người tìm hiểu về bệnh suy tim. Khi có các dấu hiệu người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời và cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ cua bác sĩ để đạt hiệu quả tốt. Bên cạnh đó biết được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp mọi người chủ động hơn, có các biện pháp phòng ngừa cần thiết như nâng cao sức khỏe bản thân, thiết lập chế độ sinh dưỡng cũng như sinh hoạt lành mạnh.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *