Chảy máu chân răng CÓ NGUY HIỂM không?

Chảy máu chân răng không thể chủ quan

Chảy máu chân răng không thể chủ quan

Chảy máu chân răng là một tình trạng gặp ở nhiều người. Có thể do cách chăm sóc răng miệng chưa đúng hoặc đó là một biểu hiện sớm của các bệnh viêm nha chu, nếu không khắc phục sớm sẽ dẫn đến nguy cơ thoái hóa xương gây mất răng. Ngoài ra chảy máu chân răng còn cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng này hiệu quả nhất qua bài viết dưới đây.   

I. Chảy máu chân răng là gì?

Chảy máu chân răng là hiện tượng chảy máu ở phần nướu, lợi, chân răng, gây khó chịu cho người bệnh. Chảy máu chân răng thường xuất hiện khi nướu bị tổn thương do việc vệ sinh răng miệng không đúng cách, dùng bàn chải, tăm chỉ nha khoa quá mạnh…Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đây là dấu hiệu bạn đang gặp một vấn đề nha khoa hay một bệnh lý nghiêm trọng nào khác. 

II. Chảy máu chân răng có nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu chân răng do thói quen chăm sóc răng miệng, do các bệnh lý trên nha khoa hoặc do vấn đề sức khỏe toàn cơ thể. Ta cùng điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến chảy máu chân răng sau:

1. Do chăm sóc răng miệng không đúng cách

Nướu, lợi rất dễ bị tổn thương nên nếu bạn chưa vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ rất dễ gây chảy máu chân răng. 

– Việc chải răng quá mạnh quá mạnh hay dùng bàn chải có lông cứng rất dễ làm tổn thương nướu. 

– Thói quen từ xưa dùng tăm để xỉa răng sau mỗi bữa ăn, đầu nhọn của tăm khá to sẽ chọc vào lợi cũng gây chảy máu nướu, hơn nữa còn khiến chân răng thưa ra khiến thức ăn dễ mắc vào hơn. Trong trường hợp khi chuyển sang dùng chỉ nha khoa nhưng chưa quen, dùng lực quá mạnh để lấy thức ăn thừa ra khỏi kẽ răng cũng rất dễ làm xước lợi gây chảy máu chân răng. 

Chải răng quá mạnh gây chảy máu chân răng

Chải răng quá mạnh gây chảy máu chân răng

2. Do bệnh viêm nướu

Viêm nướu (lợi) là tình trạng phổ biến trong các vấn đề nha khoa chủ yếu do các mảng bám quanh chân răng gây nên khiến nướu bị đẩy xa răng hơn, tạo khoảng trống nhiều vi khuẩn trú ngụ, gây viêm nướu.

Nguyên nhân là do lơ là trong việc chăm sóc răng miệng, không chải răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần đánh răng đều vội vã, không có thói quen sử dụng chỉ nha khoa thì sẽ khiến khó có thể loại bỏ thức ăn thừa triệt để dẫn đến việc hình thành cao răng. Khi bị viêm ta sẽ thấy nướu, lợi bị sưng đỏ, có thể thấy răng hơi bị lung lay, rất dễ bị chảy máu chân răng dù chỉ chạm nhẹ và đi kèm với tình trạng hôi miệng.

Viêm nướu gây chảy máu chân răng

Viêm nướu gây chảy máu chân răng

3. Do bệnh viêm nha chu

Nếu tình trạng viêm lợi không được chữa trị lâu dài sẽ tiến triển thành viêm nha chu, thường gặp ở tuổi trung niên. Nha chu là tổ chức nâng đỡ xung quanh răng giúp răng đứng vững ở trong hàm. Khi ở giai đoạn nặng vôi đóng xung quanh chân răng và khiến răng bị lung lay nhiều, do đó nếu bị viêm nha chu rất dễ gây nên hiện tượng mất răng. Chảy máu chân răng là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng này. Tuy nhiên do tiến triển thầm lặng nên người bệnh thường bỏ qua biểu hiện này dẫn đến khi phát hiện thì cấu trúc răng bị ảnh hưởng rất nhiều. 

Viêm nha chu gây chảy máu chân răng

Viêm nha chu gây chảy máu chân răng

4. Áp xe chân răng

Một tình trạng bệnh lý răng miệng khác cũng gây chảy máu chân răng khác là áp xe chân răng với nguyên nhân do nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn. Khi răng bị thủng, vỡ hay các tình trạng viêm hốc răng không điều trị tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ, tấn công tạo các ổ mủ quanh chân răng gây đau nhức, chân răng bị chảy máu… Người bệnh có thể lên cơn sốt cao và sưng ở vùng mặt khi áp xe ngày càng nặng lên.

Áp xe chân răng

Áp xe chân răng

5. Do răng mọc lệch

Khi răng mọc lệch, không đúng khớp cắn khiến cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn hơn, dễ gây tổn thương cho phần nướu dẫn đến viêm lợi và thường xuyên bị chảy máu chân răng hơn.

6. Các tình trạng bệnh lý khác của cơ thể

Bên cạnh các bệnh nha khoa, do vệ sinh răng miệng không cẩn thận thì chảy máu chân răng có thể là cảnh báo của các tình trạng bệnh lý của cơ thể hoặc một số nguyên do khác như: 

Sử dụng thuốc làm chảy máu chân răng: Nếu như bệnh nhân có nhiều bệnh lý mắc kèm mà đặc biệt phải dùng các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu…thì sẽ làm máu khó đông hơn và dễ gây chảy máu chân răng.

Thay đổi hormon ở nữ giới: Ở nữ giới khi nội tiết tố thay đổi sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra hiện tượng chảy máu chân răng. Thường gặp khi các bé gái bước vào tuổi dậy thì hay phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và gặp nhiều trong giai đoạn thai kỳ. Bởi vì khi mang thai, progesteron ở nồng độ cao làm tăng lưu lượng máu, làm nướu nhạy cảm hơn và gây chảy máu chân răng. 

Bệnh lý ở gan: Gan là cơ quan giúp sản sinh các yếu tố đông máu. Do đó nếu có các bệnh lý thì gan không thể thực hiện tốt chức năng và có thể dẫn đến việc chảy máu lợi. 

Bệnh lý ở gan có thể dẫn đến chảy máu chân răng

Bệnh lý ở gan có thể dẫn đến chảy máu chân răng

Ung thư miệng: Chảy máu chân răng cũng là một dấu hiệu để nghĩ đến ung thư miệng. Bên cạnh đó còn nhiều triệu chứng khác thường khác như miệng có mùi, có nổi hạch, viêm loét ở niêm mạc miệng…

Mắc bệnh sốt xuất huyết: Đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết khi bệnh tiến triển là người bệnh bị sốt, virus làm vỡ hồng cầu gây ra c tình trạng xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, các đốm nhỏ xuất huyết trên da…Nếu không chữa trị kịp thời bệnh gây xuất huyết não, tiêu hóa…và khiến người bệnh tử vong do mất máu quá nhiều. 

Thiếu chất dinh dưỡng: Hiện tượng chảy máu chân răng có thể bắt nguồn từ việc cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là Vitamin C và Vitamin K.

– Vitamin K có vai trò trong cơ chế đông máu cả cơ thể. Thiếu vitamin K khiến cơ thể dễ bị chảy máu trong đó có chảy máu chân răng.

– Vitamin C có nhiều lợi ích đối với cơ thể. Khi thiếu vitamin C thường xuất hiện triệu chứng xuất huyết dưới da, viêm lợi răng dẫn đến chảy máu chân răng, dễ bị bầm tím…Nếu nặng hơn sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, dễ nhiễm khuẩn và gặp các vấn đề về rối loạn cơ xương…

Hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá cùng các chất độc hại trong thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh lý về tim mạch, hô hấp, nha khoa cho cơ thể…Hút thuốc lá nhiều gây ố vàng răng và còn tăng tỉ lệ mắc các bệnh như viêm nướu lợi, viêm nha chu…và xuất hiện tình trạng hay chảy máu chân răng.

Thiếu Vitamin C gây chảy máu chân răng

Thiếu Vitamin C gây chảy máu chân răng

Ngoài những nguyên nhân nêu trên chảy máu chân răng còn do nhiều nguyên nhân khác như các rối loạn về hệ tạo máu, thiếu máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết tiểu cầu, nhiễm khuẩn, biến chứng của bệnh tiểu đường, cơ thể hay bị căng thẳng…

III. Cách khắc phục chảy máu chân răng hiệu quả nhất

Tuy chảy máu chân răng không gây đau đớn nhưng cũng không thể chủ quan. Khi thấy hiện tượng này xảy cần tìm ra cách điều trị nhanh chóng để không tiến triển thành các biến chứng trầm trọng hơn. Một số biện pháp dưới đây bạn nên áp dụng để khắc phục cũng như phòng ngừa tình trạng chảy máu chân răng hiệu quả nhất.

1. Điều trị các bệnh lý gây chảy máu chân răng

Có thể việc chảy máu chân răng đang là dấu hiệu của việc sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề như các bệnh lý trên gan, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bệnh liên quan đến hệ tạo máu… Do đó việc đi khám để tìm ra nguyên nhân bệnh lý và điều trị tích cực là việc làm cần thiết để điều trị tình trạng chảy máu chân răng.   

2. Chăm sóc răng miệng đúng cách

Thực hiện vệ sinh răng miệng đúng quy trình, kỹ thuật giúp răng chắc khỏe và hạn chế tối nhiều bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu lợi, viêm nha chu…

– Nên chải răng ít nhất 2 lần/ngày khi ngủ dậy và sau ăn với thời gian mỗi lần khoảng 2-3 phút.

– Đánh răng đúng theo các bước và đúng kỹ thuật để việc vệ sinh tốt nhất, loại bỏ được nhiều thức ăn thừa bám vào răng. Lựa chọn bàn chải có lông mềm và chải với lực vừa phải để không làm tổn thương nướu. Có thể cân nhắc dùng bàn chải điện thay thế cho bàn chải thông thường. 

Quy trình chải răng đúng cách

Quy trình chải răng đúng cách

– Sử dụng thêm nước súc miệng sau mỗi lần đánh răng giúp nướu khỏe hơn, cầm máu chân răng và cho hơi thở thơm mát. 

– Không nên dùng tăm xỉa răng mà hãy thay bằng chỉ nha khoa để lấy thức ăn thừa và giảm hình thành cao răng. Hiện nay có thể sử dụng máy tăm nước để vệ sinh răng sau ăn sẽ cho hiệu quả làm sạch tốt hơn và tránh tổn thương nướu. 

– Định kỳ mỗi 6 tháng bạn nên đến nha sĩ để lấy cao răng cũng như kiểm tra toàn diện sức khỏe răng miệng của mình.

3. Thay đổi thói quen không tốt

– Bỏ hút thuốc lá: Như đã đề cập ở trên hút thuốc lá gây tổn hại cho sức khỏe,  trong đó gây nhiều bệnh trên răng miệng. Hút thuốc lá làm giảm sức đề kháng, cơ thể dễ bị vi khuẩn tấn công, mạch máu cũng bị suy yếu nên dễ gây các bệnh trên nướu răng. Bỏ hút thuốc lá không chỉ giúp giảm chảy máu chân răng mà còn cải thiện tình trạng răng miệng, hơi thở thơm tho hơn, phòng tránh nhiều bệnh trên tim mạch, đột quỵ, ung thư đường hô hấp…

– Tránh để cơ thể căng thẳng: Khi bị stress cũng khiến tình trạng chảy máu chân răng kéo dài. Do đó nên giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, lối sống tích cực,cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi.

Bỏ hút thuốc lá

Bỏ hút thuốc lá

4.  Bổ sung chất dinh dưỡng 

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các nhóm chất giúp nâng cao sức khỏe toàn cơ thể, tránh việc thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến chảy máu chân răng.

– Chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất đặc biệt là vitamin C và K đề phòng tình trạng rối loạn cơ chế đông máu. Các loại quả họ cam, quýt, bưởi, ổi…rất giàu vitamin C, trong khi vitamin K bạn có thể tìm thấy trong các loại rau cải, măng tây, chuối…Các khoáng chất như Magie, Canxi… tham gia vào cơ chế chống viêm tự nhiên của cơ thể giúp tăng cường bảo vệ nướu lợi và giúp răng chắc khỏe hơn.

– Nên ăn nhiều rau, hoa quả vi chứa nhiều chất xơ hoạt động như một chất làm sạch cơ học giảm các mảng bám trong răng. Ngược lại không nên ăn nhiều tinh bột vì thành phần carbohydrate làm tăng các mảng bám và là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động gây sâu răng hay các bệnh nha khoa khác. 

Bổ sung Vitamin K phòng chảy máu chân răng

Bổ sung Vitamin K phòng chảy máu chân răng

5. Điều trị bằng thuốc

Nếu tình trạng chảy máu chân răng của bạn nặng nề hơn như viêm nha chu thì bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số nhóm thuốc để điều trị như kháng sinh, chống viêm, thuốc làm bền mạch máu để cải thiện tình trạng nhiễm trùng, sưng tấy và giảm chảy máu chân răng. Kết hợp với dùng thuốc bác sĩ cần thực hiện các thủ thuật khôi phục nướu, lấy vôi răng để điều trị và ngăn ngừa bệnh nặng hơn.

6. Một số mẹo chữa chảy máu chân răng đơn giản tại nhà

– Chườm lạnh: Nếu chảy máu chân răng do va đập làm tổn thương nướu thì chườm lạnh có thể giúp giảm sưng và hạn chế chảy máu hiệu quả. Bạn có thể sử dụng đá hoặc miếng dán lạnh chườm lên nướu khoảng 20 phút để giảm chảy máu.

– Uống nước trà xanh thường ngày: Trong trà xanh có nhiều thành phần tự nhiên chống oxy hóa như catechin giúp giảm phản ứng viêm do vi khuẩn gây ra trong khoang miệng. Do đó nếu sử dụng trà xanh thường xuyên khoảng 3-4 tách hàng ngày giúp cầm máu ở nướu răng và giảm bệnh viêm lợi, viêm nha chu. Có thể thêm một chút mật ong vào ly trà và sử dụng. Mật ong cũng có tính kháng khuẩn nên càng giúp cho răng nướu thêm chắc khỏe hơn.

– Sử dụng nước muối súc miệng: Thường xuyên sử dụng dung dịch nước muối súc miệng giúp bạn vệ sinh răng miệng sạch sẽ hơn, loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa cũng như ngăn ngừa các vi khuẩn gây nhiễm trùng các tổn thương trên nướu lợi, làm chảy máu chân răng.

Uống trà xanh hàng ngày giảm chảy máu chân răng

Uống trà xanh hàng ngày giảm chảy máu chân răng

Có thể nhiều người bỏ qua việc chảy máu chân răng và nghĩ rằng hiện tượng này không nguy hiểm. Tuy nhiên với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể đều là điều đáng lưu tâm. Cần khắc phục tình trạng chảy máu chân răng một cách triệt để tránh dẫn đến nhiều biến chứng, làm các bệnh nha khoa trầm trọng hơn.  

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *