Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp và lây lan nhanh
Theo thống kê, Việt Nam có đến 34 tỉnh thành xuất hiện loại dịch này và dịch trở nên phổ biến ở Hà Nội khi 24/24 quận huyện, vật nuôi đều xuất hiện các triệu chứng của dịch tả Châu Phi.
Đứng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng và lan nhanh, các câu hỏi được đặt ra là bệnh có lây lan sang người hay không? Nếu ăn phải thịt lợn mắc tả Châu Phi thì có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Cùng tìm hiểu các thông tin chi tiết qua bài viết sau đây!
I. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh dịch tả Châu Phi
1. Bệnh dịch tả Châu Phi là gì?
Bệnh dịch tả Châu Phi (African swine fever – ASF), đúng như tên gọi của nó, loại bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở các nước châu Phi năm 1921. Nó có thể được bắt gặp ở bất kỳ loại lợn nào ( lợn nhà, lợn rừng,…), bất kỳ độ tuổi nào của lợn (lợn con, lợn chồn, lợn nái,…) và có khả năng lây lan vô cùng mạnh mẽ.
Dịch tả Châu Phi là một loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Loại virus này được tìm thấy ở máu, dịch tiết và các cơ quan khác ở con lợn bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, chúng có sức đề kháng cao. Bởi, ở nhiệt độ thường, chúng có thể tồn tại khoảng 3-6 tháng và ngay cả ở nhiệt độ thấp, chúng cũng không thể bị tiêu diệt. Vì vậy, những con lợn mặc dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn có thể là vật chủ mang trùng trong suốt vòng đời. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, loại vi rút này bị tiêu diệt ở 56℃ trong 70 phút, hoặc bị vô hiệu hóa ở nhiệt độ trên 60℃ chỉ trong 30 phút.
Thống kê cho thấy, hầu hết 100% những con lợn mắc loại dịch tả này đều không thể sống sót. Và dường như đây là nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho ngành chăn nuôi.
Virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi
2. Con đường lây nhiễm ở lợn
Sự lây truyền của dịch tả Châu Phi rất phức tạp, chủ yếu theo con đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Do nhiều yếu tố gây nên, các đường lây truyền có thể kể đến như:
– Nguồn nước, không khí hoặc phân nhiễm bẩn.
– Thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc xe, dụng cụ, thiết bị vận chuyển thức ăn nhiễm bẩn.
– Con người đi lại từ những nơi có bệnh, mang theo virus từ quần áo, giày dép,…đến nơi không có bệnh.
– Các loại gia súc, gia cầm khác mắc bệnh không được quản lý chặt chẽ được nhập vào khu vực chăn nuôi.
– Các loài vật hoang dã, côn trùng, chim, chuột, ruồi bọ mang virus.
3. Triệu chứng của lợn nhiễm dịch tả Châu Phi
Thông thường, lợn có thời gian ủ bệnh khoảng 3-15 ngày. Tuy nhiên đối với thể cấp tính, các triệu chứng xuất hiện chỉ sau 3-4 ngày ủ bệnh. Các triệu chứng khá đa dạng, tùy từng thể bệnh mà có các đặc điểm khác nhau. Cụ thể:
Thể á cấp
Các triệu chứng để chẩn đoán lợn bị mắc dịch tả thể á cấp:
– Trong trường hợp này, lợn thường sốt nhẹ, thậm chí là không sốt. Có biểu hiện bỏ ăn, giảm cân, ho và thở khó khăn hơn bình thường.
– Lợn ít đi lại hoặc đi lại khó khăn do viêm khớp. Đặc biệt, nếu đang mang thai, có thể bị sảy thai.
– Trường hợp này, lợn thường chết sau khoảng 15-45 ngày với tỷ lệ 30% – 70%.
Thể cấp tính
– Lợn thường sốt cao, lên đến 40,2℃ – 45℃.
– Trong khoảng 2-3 ngày đầu, lợn xuất hiện tình trạng bỏ ăn, lười vận động, đi lại, nằm cả ngày, chồng đống lên nhau và đặc biệt thích nằm vùng ướt hoặc có nước.
– Đổi màu da từ trắng sang đỏ, ở một số vùng như tai, đuôi, chân, da vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu xanh tím.
– Trước khi chết khoảng 1-2 ngày, những con lợn ở thể này bắt đầu có biểu hiện bất thường khi di chuyển, đi lại không vững, bắt đầu thở gấp, thở khó, xuất hiện bọt lẫn máu ở mũi, mắt có biểu hiện viêm, tiêu chảy, nôn mửa đôi khi có máu hoặc táo bón,…
– Lợn mắc thể cấp tính thường chết trong vòng 1 -2 tuần, có thể kéo dài tới 20 ngày. Tỷ lệ chết cao, gần như 100% các con lợn mắc bệnh đều không sống sót. Nếu qua khỏi, chúng cũng mang virus cả đời và là nguồn gây bệnh.
Da lợn bệnh chuyển sang màu đỏ ở một số vùng
Thể quá cấp tính
Nếu ở thể này, lợn thường chết nhanh, đột ngột mà không biểu hiện bất cứ triệu chứng gì. Đôi khi, có thể xuất hiện trường hợp lợn nằm li bì và sốt cao trước khi chết.
4. Cách phòng ngừa dịch tả Châu Phi
Dịch tả lợn có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân, do đó, cần có những biện pháp tích cực để chống lại dịch bệnh. Tổ chức Thú y thế giới cho biết, bệnh dịch tả Châu Phi cho đến hiện tại vẫn chưa có vaccine hay thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, các cách phòng tránh chủ yếu là các biện pháp mang tính khách quan như:
– Thực hiện vệ sinh, tẩy trùng khu vực chăn nuôi, dụng cụ, thiết bị, phương tiện vận chuyển, các khu vực bày bán, bán buôn, bán lẻ, khu vực giết mổ lợn,… bằng vôi sống hoặc hóa chất thích hợp.
– Nông dân, người tham gia vào công việc chăn nuôi, người tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ ngay sau khi ra vào khu chăn nuôi.
– Có biện pháp phát hiện sớm và cách ly những con lợn nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh để tránh lây lan sang các con khác.
– Lợn đã mắc bệnh phải được đem đi tiêu hủy đúng quy định của quốc gia, bộ y tế. Tuyệt đối không được bán tháo, bán chui.
Tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng cách
– Diệt các loại côn trùng, chim, chuột, ruồi,… là một trong những đường truyền bệnh chủ yếu.
– Ăn chín uống sôi, không mua, bán thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không sử dụng các đồ ăn sẵn như thịt nướng, xúc xích, thịt hun khói,… không đảm bảo chất lượng.
– Dịch tả lợn là nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhà nước cũng cần có các biện pháp hỗ trợ người nông dân để có các biện pháp khắc phục, phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn.
II. Ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi đối với sức khỏe
Hiện nay, ở nước ta, thịt lợn đóng vai trò là nguồn thực phẩm chính trong chế độ ăn uống hàng ngày của con người. Việc lợn mắc dịch tả Châu Phi là một mối lo ngại và trăn trở khá lớn khi còn lượng đông đảo người tiêu dùng chưa biết rõ thực hư về tác động của chúng đến sức khỏe khi ăn phải những loại thịt này.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh dịch tả Châu Phi không lây lan được sang người và cũng không có mối đe dọa trực tiếp nào đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, loại dịch tả này lại là nhân tố khiến nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như thương hàn, tai xanh, cúm,… ở lợn tăng cao. Và chính các bệnh đi kèm như thương hàn, tai xanh,… đó mới gây nguy hại đến sức khỏe con người. Chúng có thể gây ra rối loạn đường tiêu hóa, sốt cao, xuất huyết tạng, nhiễm trùng huyết,… khi ăn tiết canh lợn hoặc thịt chưa được chế biến chín.
Ăn chín uống sôi, không ăn thịt lợn chưa được nấu chín
Đặc biệt, đối với bệnh tai xanh, nếu tiếp xúc với lợn, dịch tiết hoặc máu lợn khi trên người đang có vết thương hở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Khi đó, ở người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt cao, buồn nôn, nôn, đầu đau nhức, xuất huyết một số cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp nặng hơn có thể gây nhiễm độc đường tiêu hóa hoặc viêm màng não.
Bệnh dịch tả Châu Phi hiện nay đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, hãy nắm vững những kiến thức trên để là một nhà tiêu dùng thông thái giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh phát tán cho bản thân và gia đình trước bệnh dịch. Đừng quên ăn chín uống sôi và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn bạn nhé!