Lịch tiêm chủng vacxin đầy đủ cho trẻ

Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa mắc bệnh 

Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa mắc bệnh 

Vắc-xin được coi là một thành tựu vượt bậc trong nền y học hiện đại. Khi được nghiên cứu thành công vắc-xin đã giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây nên. Với trẻ nhỏ, vắc-xin có thể coi là ‘’tấm lá chắn bảo vệ’’ đầu tiên trong khi đợi hệ thống miễn dịch dần hoàn thiện. 

I. Ý nghĩa của việc tiêm chủng vắc-xin đầy đủ ở trẻ

Khi trẻ mới được sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Trong môi trường ô nhiễm, khí hậu nhiều biến động cùng với sự đột biến của nhiều chủng gây bệnh rất dễ tạo nên các dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của mọi người, nhất là trẻ nhỏ.

Mặc dù nền y học đang ngày càng tiến bộ nhưng vẫn có những bệnh mà con người vẫn chưa tìm ra giải pháp điều trị đặc hiệu nhất. Chính vì vậy tiêm chủng vắc-xin được coi là phương pháp tốt nhất để bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh, hạn chế các di chứng nặng nề và thậm chí tử vong.

Lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp cơ thể chủ động tạo ra các kháng thể để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh khi chúng xâm nhập. Theo thống kê khoảng 85% – 95% người được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.

Nhờ có vắc-xin mà hàng năm đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em trên toàn thế giới không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm chủng mở rộng không chỉ giúp bảo vệ trẻ em khỏe mạnh, tránh gặp các di chứng khi mắc bệnh mà còn góp phần to lớn cho việc phát triển nguồn lực của mỗi quốc gia.

Lợi ích của việc tiêm vắc xin 

Lợi ích của việc tiêm vắc xin 

II. Lịch tiêm chủng vắc-xin đầy đủ dành cho trẻ em

Với từng mốc thời gian phát triển của trẻ sẽ được sắp xếp để tiêm vắc-xin phù hợp. Ba mẹ cần theo dõi và đưa con đi tiêm đầy đủ, đúng mũi, đúng phác đồ để việc phòng bệnh cho trẻ đạt hiệu quả tốt nhất.

Dưới đây là lịch tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho trẻ:

1. Trẻ sơ sinh

Khi vừa mới được sinh ra trẻ cần được chích ngừa 2 mũi vắc-xin quan trọng càng sớm càng tốt, đó là vắc-xin phòng viêm gan B và phòng lao.

– Trong vòng 24h sau khi sinh trẻ sẽ được tiêm Vắc xin Engerix B/ Euvax B/ Hepavax phòng bệnh viêm gan B. Trong trường hợp mẹ dương tính với HBsAg, trẻ cần được tiêm thêm 1 mũi huyết thanh phòng bệnh viêm gan B. Nếu mẹ không mắc bệnh thì mũi thứ 2 phòng viêm gan B sẽ được tiêm vào thời điểm trẻ 2 tháng tuổi. 

– Vắc-xin phòng lao HCG sẽ được tiêm trong vòng 30 ngày sau khi trẻ sinh ra.

2. Trẻ 2 tháng tuổi

Ở giai đoạn này các mũi tiêm vắc-xin của trẻ là:

– Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ): 

+ Có thể lựa chọn giữa dạng:  Tiêm chủng dịch vụ  Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix hexa, Hexaxim hoặc tiêm chủng mở rộng dạng 5 trong 1 Pentaxim + bổ sung thêm mũi vắc-xin viêm gan B.

+ Tiêm mũi 1.

– Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus: Vắc xin Rotateq hoặc Rotarix (mũi 1). 

– Vắc xin phòng viêm não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn (S.Pneumoniae) không định tuýp: Vắc xin Synflorix/Prevenar 13 (mũi 1).

3. Trẻ 3 tháng tuổi

Trẻ sẽ được thực hiện các mũi tiêm như sau:

– Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim hoặc Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim  (mũi 2). Lưu ý nếu tiêm vắc xin 5 trong 1 thì cần bổ sung mũi viêm gan B.

– Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus: Vắc xin Rotateq hoặc Rotarix (mũi 2). 

– Vắc xin Synflorix/Prevenar 13: Mũi 2.

4. Trẻ 4 tháng tuổi

– Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim hoặc Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (mũi 3). Lưu ý nếu tiêm vắc xin 5 trong 1 thì cần bổ sung mũi viêm gan B.

– Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus: Vắc xin Rotateq hoặc Rotarix (mũi 3). 

– Vắc xin Synflorix/Prevenar 13: Mũi 3.

5. Trẻ 6 tháng tuổi

– Vắc xin phòng bệnh cúm: 

+ Vắc xin Vaxigrip/Influvac (mũi 1).

+ Tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Mỗi năm cần tiêm nhắc lại 1 lần.

– Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C: 

+ Vắc xin VA-MENGOC-BC (mũi 1).

+ Tiêm mũi 2 cách ít nhất 6-8 tuần.

6. Trẻ 8 tháng tuổi

Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C: Vắc xin VA-MENGOC-BC (mũi 2).

Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi

Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi

7. Trẻ 9 tháng tuổi

– Vắc xin phòng bệnh sởi:

+ Vắc xin MVVac (mũi 1).

+ Nếu trước đó trẻ chưa từng được tiêm vắc xin phòng sởi thì cần tiêm ngay mũi MMR (phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella) đầu tiên, tiếp đó tiêm tăng cường thêm mũi MVVac hoặc vắc xin MMR sởi – rubella. Mũi 2 của vắc xin MMR tiêm vào 6 tháng sau và tiêm nhắc lại vào 4 năm sau.

– Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản: Vắc xin Imojev (mũi 1).

8. Trẻ 12 tháng tuổi

– Vắc xin phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella: Vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR (mũi 1).

– Vắc xin phòng bệnh thủy đậu: Vắc xin Varivax/Varicella (mũi 1), mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng.

– Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản: 

+ Vắc xin Jevax (mũi 1). 

+ Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. 

+ Mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần ít nhất đến 15 tuổi.

– Vắc xin phòng bệnh viêm gan A: Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml hoặc  Vắc xin Twinrix phòng bệnh viêm gan A – B mũi 1. Tối thiểu 6 tháng sau tiêm nhắc lại mũi 2.

– Vắc xin Synflorix (mũi 4). Vắc xin này cần được tiêm đủ cho trẻ khi trước 2 tuổi.

9. Trẻ 15 tháng tuổi

– Vắc xin phòng bệnh cúm: Vắc xin Vaxigrip hoặc Influvac/GC Flu (Tiêm mũi nhắc hàng năm).

– Vắc xin phòng bệnh thủy đậu: Vắc xin Varivax/Varicella (mũi 2).

10. Trẻ 18 tháng tuổi

– Vắc xin phòng bệnh sởi: Vắc xin MVVac (mũi 2)

– Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A hoặc Vắc xin Twinrix phòng bệnh viêm gan A – B (mũi 2).

11. Trẻ 24 tháng tuổi

– Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản: Vắc xin Imojev (mũi 2).

– Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản: Vắc xin Jevax (mũi 3).

– Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A+C: Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C. 

12. Trẻ từ 25 tháng tuổi trở lên

– Vắc xin phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella: Vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR (mũi 2).

– Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản: Vắc xin Jevax (mũi 4 lúc 5 tuổi). Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần ít nhất đến 15 tuổi.

– Vắc xin phòng bệnh thương hàn: Vắc xin Typhim VI/Typhoid Vi (mũi 1).  Mũi nhắc lại sau mỗi 3 năm.

– Vắc xin uống phòng bệnh tả: Vắc xin mORCVAX (liều 1). Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 2 tuần; uống nhắc lại 2 năm sau liều 2.

– Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh cúm (Tiêm nhắc lại hàng năm).

– Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A+C: Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C (nhắc lại). 

– Vắc xin Tetraxim phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt hoặc vắc xin Adacel phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván: Tiêm khi trẻ từ 4 tuổi trở lên, và nhắc lại mỗi 10 năm.

– Vắc xin phòng ngừa HPV, ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà ở bộ phận sinh dục dành cho bé gái 9 tuổi trở lên:

+ Vắc xin Gardasil hoặc vắc xin Cervarix

+ Gồm 3 mũi: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên, mũi 2 sau 2 tháng và mũi 3 cách mũi 2 sau 6 tháng. 

Xem thêm: Vaccin 6 trong 1

III. Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Để việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ đạt hiệu quả tốt nhất, ba mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng đúng theo lịch tiêm chủng của trẻ. Cùng với đó ba mẹ cần có những lưu ý trước khi trẻ tiêm cũng như là cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm:

– Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm. Ba mẹ cần thông báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe hiện giờ của trẻ cũng như các loại thuốc, thực phẩm chức năng trẻ đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc phác đồ tiêm cho trẻ, loại trừ nhiều trường hợp trẻ sẽ không được tiêm phòng vắc xin. 

– Cần tuân thủ các quy tắc theo dõi trước, trong và sau khi tiêm vắc xin cho trẻ. Ba mẹ cần quan sát cẩn thận, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái…cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn và giải quyết kịp thời phòng biến chứng.

– Thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đầy đủ, chính xác.

IV. Nếu bị nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ có sao không?

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc trẻ bị nhỡ lịch tiêm phòng vắc xin: 

– Do ba mẹ bận bịu không có thời gian đưa trẻ đi tiêm.

– Do quên lịch, không nắm rõ thông tin các loại vắc xin mà trẻ cần tiêm đầy đủ.

– Khi đến lịch nhưng trẻ gặp vấn đề sức khỏe không thể thực hiện được mũi tiêm. 

– Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị thiếu/hết.

Ba mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đúng lịch để đạt hiệu quả tốt nhất

Ba mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đúng lịch để đạt hiệu quả tốt nhất

Theo nguyên tắc khi tiêm đủ và đúng thời gian thì hiệu lực của vắc xin được phát huy tốt nhất. Nếu trẻ bị nhỡ lịch tiêm thì sẽ làm giảm khả năng phòng bệnh của trẻ, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát. 

Để không làm lỡ lịch tiêm phòng của trẻ ba mẹ cần lưu ý:

– Theo dõi cẩn thận lịch tiêm chủng vắc xin của trẻ.

– Nếu trẻ bị nhỡ mũi vắc xin cần liên hệ với cán bộ y tế để được xếp lịch tiêm bù phù hợp với từng loại vắc xin.

– Nếu như các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang bị hết, ba mẹ có thể lựa chọn tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở uy tín để không nhỡ lịch của trẻ. 

– Nếu như loại vắc xin dịch vụ quá khan hiếm có thể chuyển sang sử dụng các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng miễn phí  có cùng hiệu quả. Việc tiêm xen kẽ 2 loại vắc xin như vậy không ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh của trẻ.

Như vậy việc tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian rất quan trọng với trẻ giúp con được phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Chính vì vậy ba mẹ cần đưa con đi tiêm theo đúng lịch. Đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân với sức khỏe cộng đồng.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *