Nám da – Giải mã những điều cần biết

Nám da là sự xuất hiện của những mảng màu nâu trên da do sự gia tăng của sắc tố Melanin, thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu những thông tin đầy đủ về nám da qua bài viết sau đây.

I. Nám da là gì?

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, Melanin là yếu tố quyết định màu da của mỗi người. Melanin có khả năng hấp thụ ánh sáng, chúng có thể tiêu tan hơn 99,9% tia UV hấp thụ, do đó có công dụng chống nắng và bảo vệ da khỏi tia UV.

Tuy nhiên, nếu Melanin được sản xuất quá nhiều sẽ tích tụ lại, tập trung trên da, tạo thành nám da. Ước tính khoảng 3% dân số thế giới bị nám da, tỉ lệ xảy ra ở phụ nữ cũng nhiều hơn so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên.

Nám da thường gặp ở nữ giới nhiều hơn

Nám da thường xuất hiện ở hai bên gò má, trán, cằm hoặc mũi, gây mất thẩm mỹ, khiến người bị nám da mất tự tin, e ngại khi giao tiếp.

II. Nguyên nhân gây nám da

Có rất nhiều nguyên nhân gây nám da, có thể kể đến như sau:

1. Ánh sáng mặt trời

Đây nguyên nhân hàng đầu gây nên các tác động tiêu cực đến cơ thể, đặc biệt là da. Khi ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể sẽ sản sinh bất thường một lượng Melanin.

Đây là nguyên nhân khiến nám hình thành và lan rộng. Mặt khác, tia UV còn phá hủy tế bào, làm vỡ cấu trúc dưới da khiến da bị khô, lão hóa thậm chí là ung thư da.

2. Di truyền

Theo các nghiên cứu khoa học, khoảng 30% đối tượng bị nám da là do yếu tố di truyền quyết định. Do đó, những người mà gia đình có tiền sử bị nám da thì tỉ lệ bị nám da cũng cao hơn bình thường.

3. Nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân gây nám da. Do đó, khoảng 50-70% phụ nữ mang thai bị nám da do ảnh hưởng của sự rối loạn hormon nội tiết trong thai kỳ.

Ngoài ra, giai đoạn tuổi dậy thì, tiền mãn kinh hay đối tượng sử dụng thuốc tránh thai cũng dễ bị nám da. Khi không còn rối loạn nội tiết tố thì vết nám có thể được cải thiện dễ dàng hơn.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có một số yếu tố khác cũng gây nám da như mỹ phẩm dưỡng da không phù hợp với da, không đúng cách, chất lượng kém, chế độ sinh hoạt không khoa học…

Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng hay dùng sai cách có thể gây nám da

III. Nám da gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới, nguyên nhân do đâu?

Phụ nữ bị nám da chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới có thể do:

1. Nội tiết tố

Nội tiết tố có sự khác nhau giữa nam và nữ. Ở nữ giới, việc rối loạn hay thay đổi nội tiết tố diễn ra nhiều hơn so với nam giới. Điều này khiến tình trạng nám da ở nữ thường cao hơn.

2. Mỹ phẩm

Những tác động từ mỹ phẩm cũng là nguyên nhân dẫn đến nám da. Việc làm đẹp nhờ mỹ phẩm là nhu cầu thiết yếu của phái đẹp, trong khi đó tỉ lệ sử dụng mỹ phẩm ở nữ giới cao hơn nam giới. Điều này giải thích vì sao tỉ lệ nám da ở phụ nữ cao hơn.

3. Độ dày của da

Da của nam giới có độ dày gấp 7 lần nữ giới. do đó, làn da nam giới ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ môi trường như UV, ánh sáng mặt trời, không khí,.. khiến Melanin ít được sản sinh và hình thành các đốm nám.

Ngoài ra, thời gian cũng khiến bào mòn và làm lão hóa da, vì vậy nám da thường có nguy cơ cao hơn đối với phụ nữ ở lứa tuổi trung niên.

4. Lượng collagen

Collagen có vai trò quan trọng đối với tế bào da, giúp các mô liên kết với nhau và tạo tính đàn hồi cho da. Mật độ collagen ở nam giới cao hơn nữ giới, cho nên ở cùng một độ tuổi nhưng làn da của nam giới thường khỏe, săn chắc, mịn hơn phụ nữ. Thông thường, từ độ tuổi 25 trở đi, làn da của các chị em dễ gặp phải các vấn đề về lão hóa, nám da cao hơn.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng đến diện mạo của phụ nữ. Sự căng thẳng, thay đổi tâm lý bất thường, suy nghĩ tiêu cực, chế độ làm việc, nghỉ ngơi không khoa học cũng dẫn đến các tổn thương ở da.

Yếu tố tâm lý có thể làm tăng nguy cơ bị nám da

IV. Triệu chứng nám da

Rối loạn tăng sắc tố da xảy ra ở từng mảng da, khiến da có màu sẫm hơn bình thường. Các vị trí hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dễ bị nám da hơn. Nám da trên mặt thường đối xứng hai bên, màu sắc đậm nhạt tùy từng người, kích thước thường lớn hơn tàn nhang.

Nám da được chia thành 2 dạng chính theo nguyên nhân: Nám da thông thường và nám chân do nội tiết. Một số triệu chứng của chúng có thể kể đến như sau:

1. Nám da thông thường

Để nhận biết nám da thông thường, có thể dựa vào các yếu tố như:

– Nám xuất hiện dưới dạng mảng, xuất hiện rải rác ở nhiều nơi do Melanin phân tán rộng rãi trên da.

– Vị trí nám: Thường ở mặt, cụ thể như trán, hai bên gò má, thái dương. Một số trường hợp, nám còn có thể xuất hiện ở cả cánh tay.

– Nám da thông thường ít khi đi kèm với rối loạn nội tiết tố. 

2. Nám da do nội tiết 

Nám da nội tiết đặc trưng bởi một số biểu hiện như sau:

– Hình thái nám: Màu sắc khá đậm, thường có màu nâu. Khi soi dưới ánh đèn có thể dễ dàng xác định vùng trung tâm bị nám do các sắc tố Melanin đậm màu hơn, tập trung nhiều ở đó, kích thước của các mảng nám hoàn toàn không đồng đều mà có sự xen kẽ to nhỏ với nhau.

– Nám nội tiết phần lớn xuất hiện ở hai bên gò má. Tuy nhiên, vẫn có thể mọc ở trán, vùng thái dương hoặc cánh tay. Nếu tình trạng này được điều trị sớm, nám da có thể phát triển và lan tỏa sang nhiều vùng da lân cận khác.

– Nám da nội tiết thường đi kèm với một số dấu hiệu rối loạn nội tiết tố bên trong cơ thể như rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, mọc mụn…

Nám da thường xuất hiện ở vùng da trên mặt

3. Đối tượng thường gặp

Những trường hợp có nguy cơ bị nám da cao hơn:

– Phụ nữ có nguy cơ bị nám da cao hơn nam giới rất nhiều lần. Ở Hoa Kỳ, có đến 90% người bị nám da là phụ nữ.

– Người da màu cũng dễ bị nám da hơn người da trắng (người châu Á, Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc Phi, người Mỹ gốc Phi…).

– Tiền sử gia đình có người bị nám da.

– Người sử dụng hormon Estrogen và Progesterone ngoại sinh (thuốc tránh thai, thuốc bổ sung nội tiết tố…)

– Những đối tượng mắc các bệnh lý về tuyến giáp.

– Stress.

V. Chẩn đoán nám da

Để xác định chính xác bản thân có bị nám da hay không, người bệnh nên đến khám chuyên khoa. Cần lựa chọn những bệnh viện, phòng khám đa khoa uy tín để việc chẩn đoán và điều trị được hiệu quả.

Bác sĩ sẽ khám vùng da bị tổn thương để chẩn đoán bệnh. Có thể sử dụng đèn Wood để xác định chính xác hơn tình trạng tổn thương trên da.

Ở một số trường hợp nhất định, sinh thiết cũng có thể được chỉ định để kiểm tra tình trạng da.

Có thể sinh thiết để xác định mức độ nghiêm trọng của nám da

VI. Điều trị nám da

Việc điều trị nám da thường không nhanh chóng và dễ dàng. Bệnh nhân thường mất 6 tháng – 1 năm cho một liệu trình điều trị. Có thể phối hợp nhiều biện pháp để mang lại hiệu quả tốt hơn tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Một số thuốc được ưu tiên lựa chọn trong điều trị nám bao gồm:

– Hydroquinone: Đây là biện pháp điều trị đầu tiên cho nám. Sử dụng kem hoặc gel Hydroquinone bôi trực tiếp lên các mảng da nám giúp chúng sáng màu hơn.

– Corticosteroid và tretinoin: Corticosteroid và tretinoin được bào chế dưới dạng kem, dung dịch hoặc gel. Chúng có khả năng làm sáng màu các mảng nám. Bôi thường xuyên lên vùng bị nám để cải thiện dần dần các tổn thương trên da.

– Kem kết hợp: Trong một số trường hợp, các loại kem kết hợp chứa Hydroquinone, Corticosteroid và Tretinoin cũng thường được sử dụng.

– Thuốc bôi ngoài da: Được sử dụng cùng hoặc thay thế các loại kem khác, bác sĩ da liễu cũng có thể kê toa Axit azelaic hoặc Axit kojic giúp làm sáng vùng da tối.

– Nếu thuốc bôi không có tác dụng, có thể sử dụng các kỹ thuật như: Dùng tia Laser, liệu pháp ánh sáng, thay da sinh học, điều trị siêu mài mòn da, mài da.

100%

Điều trị nám da thường mất thời gian lâu dài

Không những vậy, muốn chữa nám da cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:

– Cà chua chứa nhiều Glutathione có thể ngăn ngừa sự hình thành nám da.

– Măng, nấm, trứng, hải sản,… chứa nhiều Selen giúp phòng ngừa nám da tái phát.

– Các thực phẩm giàu vitamin C, E cũng rất cần thiết để có được một làn da khỏe mạnh, hạn chế sự hình thành nám da. Các thức ăn gây kích thích như ớt, tiêu, bia rượu,… cũng cần hạn chế.

– Bôi kem chống nắng cùng các biện pháp tránh nắng vật lý như dùng quần áo, mũ đội… cũng là điều rất cần thiết để bảo vệ làn da tránh khỏi các tia bức xạ mặt trời nguy hiểm.

VII. Phòng ngừa nám da

Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng nám da, cần chú ý một số vấn đề sau:

– Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nước đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, hoa quả giúp da mịn màng, căng tràn sức sống.

– Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, stress, lo âu giảm nguy cơ rối loạn nội tiết tố gây nám da.

– Hạn chế tác động từ ánh nắng mặt trời:

+ Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10h đến 15h: vì lúc này các tia bức xạ hoạt động mạnh nhất và có thể làm tổn thương làn da.

+ Bôi kem chống nắng vào buổi sáng, kể cả khi bạn có ra ngoài trời hay không. Cần thoa lại sau mỗi 2h hoặc nhiều lần hơn nếu da đổ nhiều mồ hôi hoặc đi bơi.

Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để ngăn ngừa nám da

Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để ngăn ngừa nám da

– Lựa chọn mỹ phẩm được kiểm định an toàn: Các mỹ phẩm dưỡng da có thể chứa những chất gây hại cho da, trong đó có chất bào mòn da và khiến cho da dễ bị nám. Không nên sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, các loại mỹ phẩm không an toàn cho da, lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với từng loại da của mỗi người.

Nám da tuy không nguy hiểm nhưng để lại các tổn thương rất khó khắc phục. Do đó khi xuất hiện các vấn đề trên da, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm để có hiệu quả cao hơn. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin về nám da, mong rằng qua bài viết này sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện về căn bệnh da liễu này, từ đó có giải pháp chăm da phù hợp và sớm điều trị khi mắc phải.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *