Parkinson: Cẩm nang những điều cần biết cho cuộc sống khỏe mạnh

nhung_dieu_can_biet_ve_benh_parkinson

Những điều cần biết về bệnh Parkinson

Parkinson là bệnh lý thần kinh ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Nguyên nhân gây bệnh là gì? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Bệnh Parkinson là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Parkinson là một trong các rối loạn ngoại tháp thường hay xảy ra trên đối tượng người già có liên quan đến sự thiếu hụt Dopamin – một chất dẫn truyền thần kinh.

benh_parkinson_la_gi

Bệnh Parkinson là gì?

Hệ ngoại tháp có vai trò quan trọng đối với chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với trọng lực cơ và tư thế của các chi.

Nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân Parkinson, nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ, có thể đến từ thoái hóa thần kinh, nhiễm khuẩn (gặp trên bệnh nhân viêm não), nhiễm độc (do sử dụng một số thuốc độc với thần kinh), do chấn thương não hoặc tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim,…).

Nhiều người thắc mắc: Bệnh parkinson có di truyền không? Cho đến nay vẫn chưa thể có kết luận chính xác về tính di truyền của bệnh, tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra có 5-10% các trường hợp bệnh nhân có liên quan đến yếu tố di truyền.

II. Triệu chứng bệnh Parkinson

Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sau: mệt mỏi, đau nhức cơ, tay chân vụng về khó thực hiện một số việc đơn giản như đi tất, đi giày, tra chìa vào ổ khóa,… Đôi khi cũng có thể xuất hiện triệu chứng sớm như run nhưng tương đối kín đáo và khó nhận biết.

Khi tiến triển, các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn với các dấu hiệu điển hình như sau:

1. Hội chứng run

trieu_chung_benh_parkinson

Triệu chứng của bệnh Parkinson là gì?

Run là những động tác bất thường, không chủ ý và cũng không kiểm soát được. Run thường thấy ở đầu các ngón tay, bàn tay, bàn chân và cũng có thể ở mặt, đặc biệt là môi, lưỡi có khi ở cả hàm dưới và cằm. Hiện tượng run thường khởi phát lặng lẽ, âm thầm đôi khi chỉ xuất hiện ở ngón tay cái. Run thường có biên độ nhỏ với tần số khoảng 4-8 lần/giây.

Run có thể tạm mất khi làm động tác hữu ý, khi nghỉ ngơi thoải mái. Tuy nhiên chỉ nhất thời mất đi, một thời gian sau sẽ lại tái diễn, cũng như bệnh nhân sẽ không thấy run khi ngủ nhưng khi có xúc cảm, run lại tăng lên rõ rệt.

2. Hội chứng tăng trương lực

Mức độ co duỗi của cơ bắp giảm đi rất nhiều, nhất là khi làm các động tác bị động. Biểu hiện rõ nhất với các khớp lớn như khớp khuỷu tay. Cũng do tăng phản xạ tư thế và giảm độ co duỗi nên có thể co cứng tay chân ở tất cả các cơ, sờ nắn thấy cơ rất chắc và cứng.

3. Hội chứng giảm động tác

parkinson_gay_giam_dong_tac

Parkinson gây giảm động tác

Các động tác tự động nguyên phát mất đi hoặc bị rối loạn gây ra những cản trở cho hoạt động. Cơ mặt không còn những cử động hồn nhiên, vẻ mặt như người đeo mặt nạ, ít chớp mắt, ngáp, cười, khóc cũng trở nên khó khăn có phần gượng gạo. Nhìn chung vẻ mặt không có biểu lộ cảm xúc gì, nhai nuốt cũng chậm chạp.

Đi thì khởi động rất chậm (rất khó để các bước đầu tiên, có khi do dự rất lâu), nhưng lúc đã bước đi thì đi rất nhanh như chạy theo trọng tâm của mình đang hướng về trước rất khó để dừng lại.

Lời nói chậm chạp và mất âm điệu, chữ viết cũng ngày càng khó kiểm soát nhỏ dần.

4. Triệu chứng khác

– Rối loạn cảm giác: Cảm giác căng cứng cơ, không chịu được nóng, đứng ngồi không yên.

– Các phản xạ gân xương tăng

– Ra nhiều mồ hôi, tăng tiết nước bọt, tăng tiết bã nhờn, táo bón.

– Có thể rối loạn tình cảm, nhất là biểu hiện trầm cảm.

– Có thể gặp co mi mắt hoặc cơn quay mắt.

III. Chẩn đoán Parkinson

Cho đến nay chưa có một xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh Parkinson. Các chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng vận động, khám thần kinh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm như MRI, chụp CT hay PET giúp loại trừ các bệnh lý khác gây nên các triệu chứng tương tự Parkinson.

IV. Điều trị bệnh Parkinson

1. Thuốc điều trị

– Levodopa

+ Liều khởi đầu nên thấp sau đó tăng dần để đạt được liều duy trì, chế độ liều có sự khác nhau trên đối tượng bệnh nhân cụ thể.

+ Tác dụng phụ hay gặp như buồn nôn, nôn, loạn vận ngôn, hội chứng lú lẫn, loạn nhịp tim. Tăng trương lực cơ và mất vận động.

– Levodopa phối hợp với Carbidopa giúp làm tăng tác dụng của Levodopa nhờ đó cho phép giảm liều của Levodopa.

– Thuốc chống tiết Choline tổng hợp: Khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với Levodopa thì có thể sử dụng Trihexyphenidyl.

– Thuốc ức chế hủy Dopamin.

– Thuốc hỗ trợ dinh dưỡng cho thần kinh như Vitamin B6,..

2. Phẫu thuật

Trong trường hợp các phương pháp nội khoa không có hiệu quả có thể phải sử dụng đến can thiệp ngoại khoa: Phẫu thuật định vị não đồi thị.

Một số phương pháp khác như điều trị bằng phục hồi chức năng hay y học cổ truyền tác dụng còn hạn chế và chưa được chứng minh tác dụng cụ thể.

V. Phòng ngừa Parkinson

Một số lời khuyên hữu ích được đưa ra góp phần ngăn ngừa bệnh parkinson:

– Bổ sung đầy đủ vitamin D cho cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra, những bệnh nhân bị mắc Parkinson hầu hết đều có nồng độ vitamin D trong cơ thể thấp.

– Tránh xa môi trường các hóa chất độc hại như thuốc cỏ, thuốc trừ sâu…

– Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các hoa quả giàu flavonoid.

– Tập luyện thể dục thể thao điều đô, khoa học.

VI. Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến bệnh Parkinson

parkinson_song_duoc_bao_lau

Parkinson sống được bao lâu?

1. Bệnh Parkinson sống được bao lâu?

Bệnh Parkinson là bệnh lý thần kinh trung ương và thường xảy ra ở độ tuổi người già, các yếu tố tâm lý và điều kiện môi trường sống có thể làm tiến triển của bệnh trở nên nặng hơn. Các nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân Parkinson cho thấy nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng với cải thiện môi trường sống thì có thể kéo dài và duy trì cuộc sống chất lượng khoảng 10-20 năm.

2. Bệnh Parkinson có chữa được không?

Hiện nay, y học vẫn chưa có biện pháp chữa dứt điểm được bệnh Parkinson, nhưng việc sử dụng thuốc có thể giúp kiểm soát đáng kể các triệu chứng của bệnh gây ra. Những người mắc bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, kết hợp với thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện rất đáng kể tình trạng bệnh, giúp bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với bệnh.

3. Bệnh Parkinson nên ăn gì?

Người bị Parkinson nên ăn các thực phẩm chống oxy hóa và tốt cho thần kinh để giúp ngăn ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.

Một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cần được bổ sung như: Kiwi, cam, bưởi, cà chua, cà rốt, hạt óc chó, hạnh nhân, trà xanh,…

Như vậy, bệnh Parkinson không phải là một căn bệnh đơn thuần do tuổi già mà là vấn đề chúng ta cần đặc biệt lưu ý để có thể sớm phát hiện và điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *