Tâm thần phân liệt – Tất cả những điều nên biết

Bệnh tâm thần phân liệt gây tâm lý bất ổn

Bệnh tâm thần phân liệt gây tâm lý bất ổn

Bệnh tâm thần phân liệt đang có mức độ gia tăng trong xã hội hiện đại. Bệnh làm cho người bệnh bị hoang tưởng, tâm lý bất ổn, luôn có cảm giác bị theo dõi.

I. Tâm thần phân liệt là gì?

Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng. Bệnh nhân thường có các dấu hiệu như rối loạn hành vi, ít nói chuyện với mọi người xung quanh, có những ý nghĩ sai lệch. Bệnh tiến triển thành tình trạng mạn tính, khiến người bệnh sa sút và mất dần khả năng lao động, sinh hoạt.

II. Triệu chứng của tâm thần phân liệt

1. Hoang tưởng

Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt. Hoang tưởng là tình trạng bệnh nhân có suy nghĩ không đúng với thực tế, mất khả năng đánh giá đúng sai, mất hoàn toàn khả năng phê phán. Các chứng hoang tưởng thường gặp nhất:

– Hoang tưởng tự cao: Bệnh nhân thường nghĩ rằng bản thân những điều to lớn nhưng thực tế bệnh nhân không thể. Chẳng hạn như, làm bác sĩ chữa tất cả các bệnh mà không học trường y, làm tướng chỉ huy quân đội mặc dù bệnh nhân chưa từng đi bộ đội,…

– Hoang tưởng bị hại: Đây là một loại rất hay gặp. Chứng bệnh này khiến cho bệnh nhân luôn trong trạng thái lo sợ rằng có người đang tìm cách đầu độc, hãm hại và sẽ bị giết bởi một người hay một thế lực nào đó.

– Nghi ngờ có người đang theo dõi, kiểm soát hành động của mình.

2. Ảo giác

– Ảo thanh: Xuất hiện ở khoảng 60-70% số người mắc bệnh. Người bệnh luôn nghe thấy các âm thanh, tiếng nói của người quen hay tưởng tượng ra có người đang xúi giục làm việc gì đó, mặc dù không có thật.

– Ảo thị giác: Là những hình ảnh không có thật do bệnh nhân tưởng tượng ra. Ảo thị giác thường gặp ở 10% số bệnh nhân tâm thần phân liệt. Những hình ảnh này khiến bệnh nhân lo lắng và sợ hãi.

– Ảo xúc giác: Triệu chứng này thường hiếm gặp và ít có giá trị chẩn đoán cho bệnh tâm thần phân liệt. Người bệnh luôn có cảm giác có côn trùng bò dưới da, rắn bò trên người,…

Ảo giác - triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.

Ảo giác – Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt

3. Tư duy bất thường

Đây là triệu chứng hay gặp nhất. Bệnh nhân có những phát ngôn vô nghĩa, vu vơ, không có logic và vô cùng khó hiểu. Trong các cuộc trò chuyện thường bị ngưng lại một thời gian, không biết nói thế nào sau đó mới có thể tiếp tục.

Bệnh nhân tâm thần phân liệt rối loạn ngôn ngữ.

Bệnh nhân tâm thần phân liệt rối loạn ngôn ngữ.

Ngoài những triệu chứng thường gặp trên, bệnh nhân tâm thần phân liệt còn có các dấu hiệu khác như:

– Không quan tâm đến công việc, mất khả năng tập trung. Một số trường hợp nặng, bệnh nhân còn không thể làm được các công việc đơn giản hằng ngày như quét nhà, giặt giũ, nấu cơm,… Thậm chí, có bệnh nhân còn không thể tự mình làm vệ sinh cá nhân, ăn uống kém,…

– Khó khăn trong việc biểu hiện tình cảm: Thường khi bị tâm thần phân liệt bệnh nhân không phản ứng trước những chuyện vui buồn, không có biểu lộ tình cảm nhiều. Có khi là thể hiện cảm xúc ngược lại với bình thường.

– Ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, ngay cả với những người thân trong gia đình.

– Không nhận thức được đang bị bệnh: Đa số người bệnh luôn cho mình khỏe mạnh, bình thường, còn nghĩ những người xung quanh bị bệnh. Vì vậy, thường không hợp tác việc đi đến bác sĩ, trung tâm y tế để chữa bệnh, có khi còn nổi giận.

III. Hậu quả nguy hiểm của tâm thần phân liệt

Bệnh tâm thần phân liệt nếu không được điều trị, có biện pháp kiểm soát tốt có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như:

– Những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có ý nghĩ tự sát. Do vậy, người nhà cần phải bên cạnh để giám sát, tránh trường hợp xấu xảy ra.

– Tự gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh.

– Lạm dụng rượu, bia, các chất kích thích như ma túy.

– Mất khả năng lao động.

– Bỏ nhà, đi lang thang.

– Gây xung đột, bất hòa với các thành viên cho gia đình.

– Trầm cảm, cách ly với xã hội bên ngoài.

– Trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

IV. Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt

Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần phân liệt. Dưới đây là một số tác nhân điển hình:

– Yếu tố di truyền: Nếu tiền sử gia đình có người thân, hoặc bố mẹ bị bệnh thì nguy cơ con bị bệnh có thể lên đến 12%. Trong khi đó nguy cơ mắc ở những người sinh ra trong gia đình bình thường là 1%.

– Yếu tố sinh hoá: Dopamine – chất dẫn truyền thần kinh được cho rằng có thể làm tham gia vào nguyên nhân gây bệnh.

– Các mối quan hệ gia đình: Dù chưa có bằng chứng nào chỉ ra mối quan hệ liên kết giữa tâm thần phân liệt với tình cảm gia đình. Tuy nhiên, khi các mối quan hệ gia đình căng thẳng sẽ khiến họ đau đầu, suy nghĩ làm tăng nguy cơ tái phát của bệnh.

– Yếu tố môi trường: Khi môi trường xung quanh có nhiều áp lực, khiến con người stress nặng cũng dẫn tới mắc bệnh, đặc biệt là người yếu đuối, sức chịu đựng kém. Bệnh nhân tâm thần phân liệt trở nên lo âu, khó tập trung chú ý.

V. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tâm thần phân liệt

– Số bệnh nhân nam và nữ là ngang nhau. Tuy nhiên, nam thường phát bệnh sớm hơn (tuổi dậy thì cho đến 25 tuổi), còn bệnh nhân nữ bắt đầu phát bệnh từ trên 25 tuổi.

– Có người thân bị tâm thần phân liệt (nguy cơ cao hơn gấp 10 lần người bình thường).

– Bị rối loạn tự miễn dịch.

– Nhiễm virus, nhiễm độc.

– Suy dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ, nhất là 6 tháng đầu thai kỳ.

– Sử dụng các thuốc ức chế hoặc kích thích thần kinh khi còn thanh thiếu niên.

VI. Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

1. Thuốc chống loạn thần

– Đa phần các thuốc này giúp điều chỉnh các chất hóa học trong não, có tác dụng kiểm soát các triệu chứng làm ảnh hưởng đến Dopamine và Serotonin.

– Thuốc chống loạn thần cổ điển: Fluphenazine, Aminazin, Haloperidol,…

– Thuốc chống loạn thần thế hệ mới bao gồm: Clozapine (Clozaril), Paliperidone (Invega), Olanzapine (Zyprexa), Risperidone (Risperdal),…

– Các thuốc mới hiệu quả cao hơn và ít gây ra tác dụng phụ hơn các thuốc loại cổ điển, phù hợp để điều trị lâu dài. Do đó, bệnh nhân tâm thần phân liệt không phải nằm điều trị lâu dài ở bệnh viện, chỉ cần điều trị ngoại trú.

– Kết hợp giữa việc uống thuốc và sống trong gia đình và xã hội thì tâm lý bệnh nhân ổn định hơn, bớt căng thẳng, kì thị từ người khác.

– Tuy nhiên, vẫn nên điều trị trong thời gian rất dài để phòng ngừa việc tái phát. Chỉ ngưng thuốc khi được sự đồng ý của bác sĩ.

2. Chế độ sinh hoạt hợp lý

Cùng với việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để điều trị tâm thần phân liệt ngươi f bệnh cần được điều chỉnh lại sinh hoạt hàng ngày:

– Người nhà bệnh nhân nên hỗ trợ để đảm bảo việc duy trì sử dụng thuốc đúng theo phác đồ điều trị.

– Hạn chế các loại đồ uống có cồn, làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị.

– Nên giữ cho bệnh nhân tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.

– Tham gia các nhóm hội nhập cộng đồng hay các hoạt động mà bác sĩ khuyên.

– Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bị mất ngủ, ngủ kém.

3. Điều trị tâm lý

Đây là một biện pháp vô cùng hữu hiệu để điều trị bệnh. Các biện pháp tâm lý có vai trò:

– Phục hồi lại khả năng giao tiếp của người bệnh với xã hội, giúp cải thiện khả năng làm việc và học tập.

– Giúp mọi người xung quanh thông cảm với bệnh nhân hơn, không kì thị, đối xử phân biệt. Đồng thời, sự chăm sóc của những người xung quanh giúp bệnh nhân cảm giác được che chở, an toàn hơn. Ngoài ra, còn giúp duy trì việc dùng thuốc cho bệnh nhân.

Khám bác sĩ khi có triệu chứng tâm thần phân liệt.

Khám bác sĩ khi có triệu chứng tâm thần phân liệt.

Bệnh tâm thần phân liệt ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người bị bệnh và có thể gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Vì thế, ngay khi phát hiện những người xung quanh có các triệu chứng kể trên hãy đưa đi khám ngay để có phương pháp điều trị cũng như các biện pháp tâm lý cần thiết. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh tâm thần phân liệt và có các nhìn khác, tích cực để giúp những bệnh nhân tâm thần phân liệt sớm hòa nhập với cộng đồng.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *