Bệnh tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ do đường tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện nên dễ bị kích thích bởi thức ăn lạ hay bị tấn công bởi vi khuẩn ngoài môi trường. Bài viết dưới đây mang đến cho ba mẹ cái nhìn tổng quát về bệnh tiêu chảy ở trẻ để phòng bệnh cũng như cách điều trị nhanh và hiệu quả nhất.

I. Tổng quan về bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), tiêu chảy ở trẻ nhỏ là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình là do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, do thức ăn không sạch hoặc dị ứng với đồ ăn và có thể do sử dụng kháng sinh.

Có thể thấy số lần đi ngoài tăng so với bình thường, ở trẻ nhỏ dưới 1 tháng tuổi thường 4-10 lần/ngày, còn những trẻ từ 1-3 tháng tuổi có số lần đi ngoài khoảng trên 2 lần/ngày.

1. Một số biểu hiện tiêu chảy ở trẻ

– Trẻ bị đau bụng, đau quặn từng cơn, đau nhói rất khó chịu.

– Vã mồ hôi.

– Đi ngoài ra phân lỏng hoặc thậm chí toàn nước.

– Đi ngoài không kiểm soát, nhiều lần trong ngày.

– Kèm theo với tiêu chảy, trẻ có thể sốt, chướng bụng, phân có nhầy, có máu.

– Ngoài ra còn có một số dấu hiệu như: trẻ mệt mỏi, kém ăn, sốt cao đột ngột 39-40 độ gây co giật,…

2. Sự nguy hiểm của bệnh

– Nếu không điều trị kịp thời và hợp lý ở trẻ thì việc mất nước liên tục sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, làm rối loạn cơ quan, dẫn đến các hoạt động yếu dần và sẽ dẫn đến tử vong.

– Nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ dễ đưa đến suy dinh dưỡng, đây là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của tiêu chảy, có thể dẫn đến tử vong. Suy dinh dưỡng sẽ làm bệnh tiêu chảy khó điều trị và mất kiểm soát.

– Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gặp khó khăn trong điều trị và có thể dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em bị tiêu chảy, trong đó 1,5-2,5 triệu trường hợp tử vong.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Một số nguyên nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ được kể đến như:

– Rota virus. 

– Các vi khuẩn như E.Coli, tụ cầu, thương hàn, tả, lỵ, Salmonella.

– Nhiễm ký sinh trùng như Giardia, nhưng hiếm gặp.

– Do dụng cụ, thức ăn, nước uống của người chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc do ngộ độc thực phẩm.

– Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh có thể gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em cũng như người lớn.

II. Cách điều trị tiêu chảy cấp

Khi bị mắc bệnh tiêu chảy cấp cần điều trị sớm ngay tại nhà. Điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị bệnh là bù nước, điện giải và đảm bảo chế độ ăn cho trẻ.

1. Bù nước, điện giải

– Trường hợp mất nước nhẹ: cho trẻ uống nhiều nước bằng dung dịch ORS, nước ấm, dung dịch từ thực phẩm như nước muối, nước gạo rang, nước dừa, nước hoa quả tươi,…

– Trường hợp mất nước nặng: cần đưa trẻ đến cơ sở y tế đề điều trị. Việc bù nước: sử dụng chế phẩm ORS hoặc truyền tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cần thiết.

Những lưu ý cần biết khi sử dụng ORS: 

– ORS nhằm bù nước và điện giải và không phải là thuốc điều trị tiêu chảy.

– Cách pha: nên pha theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm. Chỉ sử dụng nước đun sôi để nguội để pha. Pha đúng tỷ lệ, tuyệt đối không pha ít nước hơn so với hướng dẫn.

Cách cho trẻ uống:

Cách cho trẻ uống ORS

Cách cho trẻ uống ORS

– Đối với trẻ dưới 2 tuổi: cho uống từng ngụm nhỏ.

– Nếu nôn, cho trẻ uống sau 10 phút nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa.

– Đánh giá lại tình trạng mất nước sau 4 giờ, nếu có dấu hiệu mất nước nặng hoặc không suy giảm cần đưa trẻ đến cỡ sở y tế để điều trị phục hồi nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch (truyền dịch).

– Uống thay nước bình thường.

2. Sử dụng thuốc trong điều trị tiêu chảy

– Thuốc kháng sinh: thông thường tiêu chảy ở trẻ là do virus nên việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có chẩn đoán và chỉ định từ bác sĩ.

– Thuốc kháng tiêu chảy: không cần thiết sử dụng vì có nguy cơ gây nguy hiểm nhất là đối với trẻ nhỏ.

– Men vi sinh: làm suy giảm trình trạng của bệnh tiêu chảy.

– Bổ sung kẽm: giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy, giúp giảm nguy cơ tiêu chảy tái phát trong thời gian gần.

3. Chế độ ăn

Cần phải cho trẻ tiếp tục ăn để cung cấp đủ dinh dưỡng. 

– Với bé còn trong thời kỳ bú sữa mẹ thì cho bú bình thường và tăng cần số lần, thời gian cho bú. Có thể sử dụng sữa bò hoặc sữa công thức mà trước đó trẻ vẫn sử dụng nhưng pha loãng gấp đôi (trong trường hợp trẻ không bú hoặc sữa mẹ không đủ).

– Với trẻ đã ăn được cần tăng khẩu phần ăn. Các thực phẩm nên sử dụng: thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa,… và sử dụng thêm 1 ít dầu ăn, mỡ để tăng dinh dưỡng cho khẩu phần ăn. Ngoài ra nên sử dụng thêm một số loại hoa quả như: cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo,… để cung cấp thêm những Vitamin cần thiết. Ăn thêm rau và những thực phẩm có nhiều chất xơ để tạo phân cứng, ngăn chặn tiêu chảy.

– Nếu trẻ bị nôn ói thì chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày.

4. Lưu ý trong điều trị tiêu chảy ở trẻ

Bình thường điều trị tại nhà bằng cách bù nước và bổ sung dinh dưỡng thì tình trạng bệnh sẽ suy giảm. Tuy nhiên cần phải theo dõi tình trạng của trẻ, và đưa ngay đến cơ sở y tế đối với những trường hợp nặng để tránh gây suy nhược cơ thể, thậm chí là có thể tử vong:

– Sốt cao không giảm.

– Trẻ khát nước nhiều hoặc có tình trạng mất nước như: khô môi, mắt trũng.

– Không đi tiểu trong 4 – 6 giờ.

– Khóc không ra nước mắt.

– Da nhăn nheo.

– Thóp lõm: với trẻ < 18 tháng tuổi và còn thóp.

– Trẻ ăn hoặc bú kém.

– Nôn nhiều.

– Đi ngoài ra phân có máu.

– Kiết lỵ.

– Sốt cao kèm co giật.

III. Một số biện pháp phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Rửa tay cho trẻ trước và sau khi ăn

Rửa tay cho trẻ trước và sau khi ăn

– Rửa tay sạch trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh.

– Đảm bảo vệ sinh ăn uống, thực phẩm an toàn sạch sẽ, nấu chín.

– Sử dụng nguồn nước sạch.

– Xử lý phân an toàn.

– Cho trẻ bú sữa mẹ đặc biệt là trong 6 tháng đầu.

– Cho trẻ tích cực bú sữa mẹ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi và ăn bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.

– Thực hiện tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là vacxin phòng tiêu chảy do Rota virus.

Trên đây là bài viết trình bày về các thông tin quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải biết về bệnh tiêu chảy. Một bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ cần phải có hiểu biết cụ thể và chính xác trong cách phòng và điều trị. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, bạn có thể liên hệ với số hotline để nhận được các tư vấn từ các chuyên gia của chúng tôi.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *