Tiêu chảy cấp ở trẻ – Bố mẹ phải làm gì để chăm sóc con

Nhiễm khuẩn tiêu hóa gây tiêu chảy cấp ở trẻ

Nhiễm khuẩn tiêu hóa gây tiêu chảy cấp ở trẻ

Tiêu chảy cấp là bệnh lý phổ biến ở trẻ em và gây ra rất nhiều lo lắng, bất an cho các bậc cha mẹ. Vì dù bệnh nặng hay nhẹ, các con cũng chỉ biết quấy khóc. Vậy để hiểu các con muốn nói gì và biết khi nào có thể tự điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ tại nhà, khi nào phải nhập viện, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

I. Nguyên nhân và dấu hiệu tiêu chảy cấp ở trẻ em

1. Nguyên nhân

Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể xuất phát từ một trong các nguyên nhân sau:

– Nhiễm trùng đường ruột do các tác nhân gây bệnh:

+ Virus: Rotavirus, Astroviruses, Adenoviruses, Parvoviruses, Noroviruses, Caliciviruses.

+ Vi trùng: Escherichia Coli, Clostridium botulinum, Trực khuẩn lỵ (Shigella spp), Listeria monocytogenes Campylobacter jejuni, Salmonella enterocolitica, Vi khuẩn tả Vibrrio cholerae, Tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.

+ Ký sinh trùng: Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia Lamblia, Toxoplasma gondii,…

+ Nhiễm trùng ngoài ruột: Nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết,…

– Các nguyên nhân khác: 

+ Rối loạn quá trình tiêu hoá – hấp thụ, dị ứng thức ăn, nước uống.

+ Tiêu chảy do thuốc (đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh).

+ Viêm ruột do hoá trị, xạ trị, các bệnh lý ngoại khoa (viêm ruột thừa, lồng ruột,…).

+ Trẻ không được bú sữa mẹ tự nhiên mà dùng sữa công thức.

+ Nguyên nhân còn có thể đến từ đồ ăn, nước uống hoặc thuốc mà mẹ dùng được hấp thu vào sữa rồi truyền sang con.

Rotavirus - một nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ

Rotavirus – một nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ

2. Triệu chứng bệnh

– Trẻ đi tiêu 3 lần trong vòng 24 giờ.

– Phân chủ yếu là dịch lỏng, mức độ nặng hơn là chỉ có nước màu trắng đục như nước vo gạo.

– Phân có mùi tanh, có thể có hoặc không có máu.

– Trẻ quấy khóc, không chịu chơi, buồn nôn và nôn, đau bụng, muốn được uống nước.

– Có thể có sốt nhẹ hoặc vừa.

trẻ quấy khóc khi bị tiêu chảy cấp

Dấu hiệu trẻ quấy khóc khị bị tiêu chảy cấp

II. Bố, mẹ phải làm gì khi con bị tiêu chảy cấp?

1. Khi nào phải ngay lập tức đưa con đến bệnh viện?

Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nếu như quan sát thấy các biểu hiện sau:

– Trẻ mất nước > 5% (từ nhóm có mất nước đến mất nước nặng, nhận biết ở mô tả trong phần lưu ý phía dưới).

– Trẻ không mất nước nhưng có nguy cơ thất bại điều trị đường uống và nguy cơ mắc các biến chứng nặng khác của tiêu chảy.

– Bệnh tiến triển nặng thêm và/hoặc vẫn mất nước dù đã điều trị bằng đường uống.

– Có một số dấu hiệu của sốc như: Nhịp tim nhanh, thở nhanh nhưng hơi thở yếu, mạch nhanh, yếu.

– Các chỉ định khác:

+ Bệnh đi kèm chưa rõ.

+ Nghi ngờ bệnh ngoại khoa.

+ Trẻ có nguy cơ cao diễn biến nặng do mắc các bệnh lý đi kèm khác: Suy dinh dưỡng, viêm phổi, tim bẩm sinh, hậu môn tạm hồi tràng, bệnh mạn tính, béo phì khó đánh giá tình trạng mất nước,…

trẻ khám tiêu chảy cấp tại bệnh viện

Trẻ khám tiêu chảy cấp tại bệnh viện

2. Điều trị tại nhà như thế nào là đúng cách?

Chú ý: Chỉ thực hiện khi đánh giá bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ là thuộc nhóm không mất nước, không có nguy cơ thất bại đường uống (ví dụ như trẻ không có nôn) và không có các biến chứng khác của tiêu chảy.

Khi đó ba mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau để giảm nhanh chóng các triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ:

– Bổ sung dịch cho trẻ (càng nhiều càng tốt nếu trẻ muốn):

+ Bú mẹ tăng cường.

+ Uống Oresol: 50-100ml sau mỗi lần đi tiêu (Trẻ < 2 tuổi), 100-200ml sau mỗi lần đi tiêu (trẻ >2 tuổi).

+ Các dung dịch khác: Nước sạch, cháo, súp, nước dừa, nước hoa quả không đường,…

– Tránh cho trẻ uống nước ngọt có đường gây tiêu chảy thẩm thấu, các chất gây kích thích lợi tiểu,…

– Tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng. Một số thực phẩm bố mẹ nên cho trẻ ăn:

+ Đối với trẻ còn bú mẹ: Tăng cường cho trẻ bú mẹ, có thể bổ sung thêm nước đun sôi để nguội. Nếu trẻ bú bình cần vệ sinh kỹ bình bú và núm vú.

+ Đối với trẻ không còn bú mẹ: Ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo loãng, tránh ăn các thức ăn có mùi vị khó chịu gây tăng cảm giác buồn nôn.

– Bổ sung kẽm: 10mg/ngày x 14 ngày (trẻ < 6 tháng), 20mg/ngày x 14 ngày (trẻ 6 tháng).

– Xử lý riêng phân của trẻ bằng vôi bột hoặc chất sát khuẩn, tránh lây lan ra cộng đồng.

– Có thể dùng miếng dán hạ sốt khi trẻ sốt trên 38.5℃.

– Không tùy ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

III. Hướng dẫn một số kỹ năng quan trọng cho bố mẹ

1. Kỹ năng pha gói Oresol và các dung dịch thay thế

– Oresol dạng gói 27,9 mg (Dạng gói dùng để pha 1 lít dung dịch): 

+ Chuẩn bị dụng cụ đong 1 lít nước, làm sạch, để khô (chú ý dùng nước sạch để tráng rửa bình).

+ Đổ 1 lít nước sạch vào trong bình (dùng nước đun sôi để nguội).

+ Cho cả gói Oresol vào nước.

+ Hòa tan hoàn toàn, sau nếm thử mùi vị của dung dịch vừa pha có vị lợ lợ như nước mắt.

+ Nên dùng Oresol có hương vị dễ uống cho trẻ em như vị cam để tránh tình trạng buồn nôn khi uống quá nhiều.

– Các loại dung dịch khác điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em tại nhà:

+ Nước cháo muối: Cho 1 nắm gạo (50gam) + 1 nhúm muối (3.5gam) + 6 bát nước đun sôi đến khi hạt gạo nở tung ra (15 phút), chắt ra được một lít nước cháo cho uống. Nước cháo đã pha này chỉ dùng trong một ngày (tốt nhất là dùng trong 6 giờ).

+ Có thể cho uống nước sôi để nguội.

+ Nước hoa quả cho thêm ít muối.

2. Kỹ năng cho uống Oresol và các dung dịch thay thế

– Uống từng ngụm và uống bằng thìa nhỏ đối với trường hợp trẻ không tự uống được. Không nên cho trẻ uống quá nhiều một lúc sẽ gây buồn nôn và nôn.

uống oresol đúng cách

Cho trẻ uống Oresol đúng cách

– Cho trẻ tự uống hoặc đổ vào hai bên má, không đổ vào lưỡi vì sẽ gây sặc cho trẻ.

– Nếu trẻ nôn, dừng lại 5-10 phút sau đó cho trẻ uống chậm hơn.

IV. Lưu ý cách đánh giá tình trạng mất nước của trẻ

1. Toàn trạng – Đánh giá dấu hiệu vật vã kích thích, li bì, khó đánh thức trên trẻ

– Phân biệt biểu hiện vật vã kích thích do tiêu chảy ở trẻ với các nguyên nhân khác:

+ Do sợ: Trẻ quấy khóc nhưng sẽ nín khi được mẹ bồng, ôm ấp, vỗ nhẹ người và đưa đến nơi có không gian yên tĩnh hơn.

+ Do khát (mất nước): Vẫn không nín khóc khi được mẹ bồng, nhưng đút nước cho trẻ sẽ nín, ngừng đút trẻ lại quấy khóc, ở trẻ lớn thì sẽ kèm đưa tay để với ly nước, với trẻ nhỏ sẽ đưa mắt theo ly nước.

– Li bì khó đánh thức: Trẻ không chơi, nằm nhắm mắt, khi bố mẹ cù nhột để kích thích trẻ nhưng trẻ vẫn không tỉnh.

trẻ li bì khó đánh thức khi bị tiêu chảy cấp

Trẻ li bì khó đánh thức

2. Đánh giá vết véo da mất nhanh, chậm, rất chậm

Dùng ngón trỏ và ngón cái (tránh dùng đầu ngón tay vì sẽ gây đau cho trẻ) véo cả da và lớp mỡ dưới da ở vùng bụng theo chiều dọc lên cao và thả ra nhanh.

– Mất nhanh: Khi nếp da trở về bình thường ngay.

– Mất chậm: Khi nếp da đó trở về dưới 2 giây.

– Mất rất chậm: Sau trên 2 giây mới trở về bình thường.

3. Quan sát dấu hiệu mắt trũng của trẻ

Nhìn ngang mặt trẻ để đánh giá mối tương quan giữa phần nhô ra nhất của nhãn cầu với hốc mắt. Mắt trũng là khi nhãn cầu thụt vào so với hốc mắt.

4. Đánh giá khả năng uống nước của trẻ

– Uống háo hức: Trẻ quấy khóc do khát, khi mẹ đút nước, trẻ uống rất nhanh, nín khóc, ngưng đút trẻ lại quấy khóc. Đối với trẻ lớn sẽ đòi uống, với chụp lấy ly nước, trẻ nhỏ sẽ khóc đòi nhìn theo hướng ly nước khi mang đi.

– Không uống được: Đặt trẻ ở tư thế thoải mái, an toàn, để đầu bé nghiêng sang một bên. Khi đút nước, nước chảy ra luôn ở khóe miệng do trẻ không tự nuốt được. Nguyên nhân là do trẻ bị mất phản xạ nuốt, chỉ gặp ở trẻ có rối loạn tri giác.

5. Đánh giá mức độ mất nước

Tình trạng mất nước ở trẻ chia 3 mức độ: Mất nước nặng, có mất nước  và không mất nước với các tiêu chí đánh giá: 

– Mất nước nặng khi trẻ có 2 trong các dấu hiệu sau:

+ Không uống được nước.

+ Dấu véo da mất rất chậm.

+ Li bì hoặc khó đánh thức.

+ Mắt trũng.

– Có mất nước nếu trẻ có 2 trong các dấu hiệu sau:

+ Vật vã kích thích.

+ Mắt trũng.

+ Dấu véo da mất chậm.

+ Uống háo nước.

– Không mất nước nếu không có đủ dấu hiệu đánh giá để xếp mức độ mất nước của trẻ thuộc mất nước nặng hay có mất nước.

Trên đây là một số thông tin mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để có những biện pháp xử lý thích hợp khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Đừng để xảy ra hậu quả từ sai sót của bố mẹ khi thiếu kiến thức trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *