Ung thư vú – Tất tần tật những điều cần biết

Ung thư vú

Ung thư vú

Ung thư vú có thể nói là một trong những kẻ thù đáng sợ của chị em phụ nữ. Theo các số liệu thống kê, khoảng 2 triệu ca bệnh được phát hiện mỗi năm trên thế giới, trong đó có tới 600.000 trường hợp không qua khỏi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quát về căn bệnh ung thư vú.

I. Tổng quan về ung thư vú

1. Ung thư vú là bệnh gì?

Ung thư vú - tế bào tuyến vú tăng sinh mất kiểm soát

Ung thư vú – tế bào tuyến vú tăng sinh mất kiểm soát

Ung thư vú xảy ra khi tế bào tuyến vú tăng sinh mất kiểm soát, hình thành nhiều khối u ác tính, có khả năng lan sang vùng lân cận và di căn xa.

– Khi cơ thể khỏe mạnh, các tế bào tuyến vú sản sinh và mất đi tuần tự thông qua sự điều khiển của một chu trình đã được thiết lập từ trước. Cơ chế này giúp cân bằng số lượng tế bào đủ để các hoạt động diễn ra bình thường.

– Khi một tác nhân đột biến nào xảy ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Khi đó, các tế bào tuyến vú sản sinh liên tục, mất kiểm soát và tạo nên các khối u, trong đó có nhiều tế bào bất bình thường. Những tế bào này có thể chèn ép vào mạch máu, mạch bạch huyết ở gần đó và di chuyển đến các vị trí xa hơn, được gọi là di căn.

2. Nam giới có bị ung thư vú hay không?

Ung thư vú xuất hiện cả ở nam giới

Ung thư vú xuất hiện cả ở nam giới

Nhiều người vẫn nghĩ rằng ung thư vú chỉ xuất hiện ở nữ giới và không có bất kỳ mối liên quan đến phái mạnh. Tuy nhiên, thực tế thì nam giới cũng có thể mắc bệnh nhưng với tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,5 – 1%. Lý do được giải thích cho hiện tượng này là bởi lượng mô vú tương đối thấp và các hormon nội tiết ở nam giới cũng có sự khác biệt.

II. Ung thư vú phát triển như thế nào?

4 giai đoạn phát triển ung thư vú

4 giai đoạn phát triển ung thư vú

Các giai đoạn phát triển của bệnh gồm:

1. Giai đoạn 0 (tiền ung thư vú)

Ở thời điểm này, các tế bào ung thư được tìm thấy ở nhiều ống dẫn sữa. Tức là chưa xảy ra sự xâm lấn, nói các khác là ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ. Do đó, người bệnh cần được điều trị kịp thời để phòng ngừa di căn. Thông thường, cắt bỏ khối u hay sử dụng thêm xạ trị sẽ được bác sĩ chỉ định để điều trị ung thư vú thời điểm này.

2. Giai đoạn 1 (xâm lấn)

Khi bước vào giai đoạn này ung thư vú chia làm 2 mức độ:

– Giai đoạn IA: Độ lớn khối u nhỏ hơn 2cm và chưa phát hiện xâm lấn ở hạch lympho.

– Giai đoạn IB: Không chỉ phát hiện u ở vú mà còn quan sát thấy trong hạch lympho ở nách.

Đây vẫn là giai đoạn phát hiện sớm của bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ khối u, kết hợp với các phương pháp hỗ trợ khác sẽ được chỉ định để điều trị bệnh.

3. Giai đoạn 2 (phát triển)

Khi phát hiện, khối u to từ 2 đến 5cm, có thể chưa lấn sang hạch lympho hay hạch ở nách. Có 2 giai đoạn nhỏ:

– Giai đoạn IIA gồm các phát hiện sau:

+ Khối u nhỏ hơn 2cm (hoặc không quan sát thấy), kèm theo ung thư (> 2cm) ở 1 – 3 hạch lympho dưới nách hay gần xương lồng ngực.

+ Khối u có kích thước khoảng 2 – 5cm và chưa lan đến các hạch lympho.

– Giai đoạn IIB có 2 trường hợp sau:

+ Khối u to từ 2 – 4cm và phát hiện các đám tế bào ung thư ở 1 – 3 hạch lympho dưới nách hay gần xương lồng ngực.

+ Kích thước khối u > 5cm và chưa lan sang các hạch lympho. 

Người bệnh được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kích tố ở giai đoạn này.

4. Giai đoạn 3 (lan rộng)

Các tế bào ung thư xâm lấn rộng từ 4 – 9 hạch lympho ở nách hoặc phù hạch lympho trong vú. Nếu phát hiện ung thư vú ở thời điểm này, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị như giai đoạn 2. Trong trường hợp, khối u nguyên phát lớn thì cần thiết phải tiến hành hóa trị trước khi có can thiệp ngoại khoa.

5. Giai đoạn 4 (di căn)

Đây là giai đoạn cuối của bệnh. Các tế bào ung thư vú xuất hiện ở nhiều cơ quan khác trên cơ thể người bệnh. Điều trị toàn thân tích cực được thực hiện ở giai đoạn này.

III. Nguyên nhân ung thư vú do đâu?

Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú?

Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú?

Có nhiều nguyên nhân làm cho cơ thể mắc bệnh, trong đó chiếm 5 – 7% là do di truyền, hơn 90% chịu tác động từ môi trường và thói quen sinh hoạt:

–  Di truyền: Các biến đổi gen BRCA1/2 di truyền được phát hiện cả ở nam và nữ giới, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trong đó có ung thư vú. Những đột biến này là bẩm sinh, chúng ta không thể điều chỉnh được nó. Ngoài ra, các biến đổi gen khác như PTEN, p35,… cũng góp phần hình thành các khối u tuyến vú.

–  Môi trường: Các yếu tố như hóa chất, khí bụi, tia bức xạ, vi sinh vật,… đã được chứng minh có quan hệ với việc gia tăng tỷ lệ mắc ung thư, kể cả ung thư vú. Bên cạnh đó, chúng còn tác động gây đứt gãy các gen trong quá trình sao chép, tạo thuận lợi cho các đột biến xuất hiện.

–  Lối sinh hoạt: Trình trạng béo phì, quá số cân quy định, dùng nhiều đồ uống có cồn, hút thuốc lá, lười vận động,… làm gia tăng sản xuất Estrogen, từ đó kích thích tế bào tuyến vú sinh trưởng, gây tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thừa cân, béo phì còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tái phát căn bệnh này ở người có tiền sử.

– Sức đề kháng của cơ thể: Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và giết chết các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể. Một khối u ác tính sẽ được tạo thành khi nó vượt khỏi được các chặng kiểm tra của hệ thống miễn dịch. của cơ thể Như vậy, theo lý thuyết, khi cơ thể khỏe mạnh thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh ung thư trong đó có ung thư vú.

Từ những phân tích trên, phổ biến các ca phát hiện ung thư vú đều khó có thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Những tác nhân như phóng xạ, sinh hoạt, ô nhiễm, hóa chất,… chỉ được gọi là “yếu tố nguy cơ”. Điều đó giải thích cho việc khi tiếp xúc với các yếu tố trên sẽ không trực tiếp gây ung thư nhưng sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư cao hơn những người không phơi nhiễm.

IV. Các đối tượng dễ mắc bệnh ung thư vú

1. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao

Theo thống kê, ung thư vú thường được phát hiện trên những bệnh nhân có các yếu tố sau:

– Gia đình có tiền sử mắc bệnh.

– Có vấn đề về sinh sản (vô sinh, hiếm muộn hay trên 35 tuổi mới sinh mang thai lần đầu).

– Từng mắc bệnh u nang hay u xơ tuyến vú, ung thư buồng trứng, u tử cung,…

– Tiếp xúc hằng ngày với tia tử ngoại, hóa chất độc hại,…

2. Phụ nữ đang cho con bú có bị ung thư vú không?

Nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ ung thư vú

Nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ ung thư vú

Theo The lancet (2002), một nghiên cứu được tiến hành trên 150.000 phụ nữ chỉ ra rằng, cứ sau 12 tháng nuôi con bằng sữa mẹ thì tỷ lệ mắc bệnh giảm 4,3% so với những người khác.

Năm 2009, Trên Archives of Internal Medicine đã công bố một khảo sát được thực hiện với hơn 60.000 phụ nữ cho kết quả: Giảm 60% nguy cơ trước độ tuổi mãn kinh ở người có tiền sử gia đình bị bệnh nếu họ cho con bú.

Tạp chí của Viện Ung thư Quốc Gia (2014) có đăng báo: Phụ nữ các nước Châu Phi có tỷ lệ cao mắc các dạng ung thư vú và rất khó điều trị. Nguy cơ này càng tăng cao khi họ không cho con bú.

Một cuộc nghiên cứu được tiến hành với khoảng 37.000 số ca mắc bệnh ung thư vú của hợp tác quốc tế được đăng tải trên Annals of Oncology (10/2015) cho thấy nguy cơ phát triển bệnh giảm 20% nếu nuôi con bằng sữa mẹ.

Từ những dữ liệu trên có thể thấy ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa việc cho con bú và giảm nguy cơ mắc ung thư vú.

V. Biểu hiện của bệnh ung thư vú

Diễn biến của bệnh thường âm thầm trong một thời gian dài kể cả khi khối u đã được hình thành. Do đó, lời khuyên cho chị em phụ nữ nên tự kiểm tra ngực thường xuyên để phát hiện kịp thời những bất thường trên vú. Các triệu chứng khác lạ trên ngực không thể bỏ qua như:

– Đau: Tình trạng này có thể gây nhầm lẫn với đau ngực khi đến chu kỳ kinh. Có thể xuất hiện đau ở một bên hoặc kéo dài.

– Da ở vú và núm vú thay đổi như dày hơn, sần sùi hay căng mọng, đỏ và đau, đầu ti có thể thụt vào trong.

– Chảy dịch – máu ở đầu vú, có thể kèm theo đau. Bất thường này chỉ thấy ở một bên vú.

– Nổi hạch ở vú hay nách: Đây là dấu hiệu hay gặp nhất ở người ung thư vú. Các khối u có thể bất động hay di chuyển, kích cỡ khác nhau, khó xác định ranh giới, đau hoặc không đau.

Từ những dấu hiệu nhận biết đã trình bày, các chị em nên chủ động tự khám vú thường xuyên, nhất là phụ nữ sau 40 tuổi để phát hiện bệnh kịp thời ở giai đoạn tiền ung thư. Khi đó, cơ hội chữa khỏi có thể tới 90%.

Các biểu hiện ung thư vú không thể chủ quan

Các biểu hiện ung thư vú không thể chủ quan

VI. Chẩn đoán ung thư vú

Khi cảm thấy cơ thể có những bất thườn xảy ra thì cách tốt nhất là chị em nên tới bệnh viện để kiểm tra liệu mình có mắc ung thư vú hay không. Có thể phát hiện bệnh dựa vào các kết quả xét nghiệm mô phôi. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định bệnh. Các phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán ung thư vú gồm:

– Chọc hút kim nhỏ tuyến vú: Có giá trị trong đánh giá sự bất thường tế bào tuyến vú.

– Sinh thiết kim tuyến vú: Giúp xác định cấu trúc của tổn thương tuyến vú.

Hình ảnh về sinh thiết vú

Hình ảnh về sinh thiết vú

Bên cạnh đó, một số phương pháp khác cũng được chỉ định như:

– Thực hiện hóa mô miễn dịch và phân tích gen: Được thực hiện khi đã kết luận mắc ung thư, cũng có thể là sau phẫu thuật. Kết quả xét nghiệm cho biết đặc điểm bệnh, mức độ ác tính và tiến triển của khối u.

– Chẩn đoán giai đoạn bệnh căn cứ vào 3 yếu tố chính:

+ Tình trạng khối u (kích thước, mức độ lan rộng).

+ Tình trạng lan hạch vùng (N-regional Node).

+ Tình trạng di căn xa (M-distant Metastases).

– Chẩn đoán di căn bằng hình ảnh:

+ Chụp X – quang lồng ngực có thể quan sát thấy khối u ở phổi.

+ Chụp cắt lớp điện toán gan, não khi có nghi ngờ có di căn đến các cơ quan này.

+ Chụp cắt lớp xương với Technetium – 99m gắn Phospho hay phosphat có giá trị hơn chụp X – quang xương để tìm khối u.

– Siêu âm vú: Có độ chính xác cao, giúp nhận biết những tế bào bất thường có đường kính < 5cm, hỗ trợ phát hiện ung thư sớm.

Hình ảnh siêu âm tuyến vú

Hình ảnh siêu âm tuyến vú

VII. Ung thư vú có chữa khỏi không? Cách điều trị bệnh tốt nhất

Có nhiều cách để điều trị bệnh ung thư vú. Tùy vào mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ cân nhắc cẩn thận việc lựa chọn phương pháp hay phối hợp chúng với nhau trong điều trị. Một số liệu pháp được chỉ định như:

– Phẫu thuật:

+ Khối u được lấy ra khỏi cơ thể và thường thực hiện vét hạch hố nách. Bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định phẫu thuật loại bỏ phần vú có khối u hay toàn bộ vú.

+ Vét hạch được chỉ định để loại bỏ phần hạch dưới hố nách. Trước khi tiến hành, có thể thực hiện sinh thiết hạch cửa để phòng ngừa trường hợp vét hạch không cần thiết. Nếu không phát hiện các tế bào ung thư trong hạch cửa thì chưa cần phải thực hiện phương pháp này. Mặc dù rất quan trọng nhưng kỹ thuật sinh thiết hạch cửa vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam. Chính vì vậy, vét hạch nách thường được thực hiện trong điều trị ngoại khoa ở Việt Nam.

Phẫu thuật ung thư vú

Phẫu thuật ung thư vú

– Xạ trị:

+ Sử dụng tia phóng xạ có năng lượng cao để giết chết các tế bào ung thư. Căn cứ vào giai đoạn bệnh và các tác nhân khác để cân nhắc xem bệnh nhân nào phải tiến hành xạ trị.

+ Xạ trị được thực hiện ở giai đoạn sớm của bệnh, giúp hạ thấp tỷ lệ tái phát, là một phần của phẫu thuật triệt căn và giảm các triệu chứng như đau do chèn ép, di căn xương trong giai đoạn muộn.

+ Hóa trị liệu: Đây là phương pháp cơ bản được thực hiện cả ở các giai đoạn sớm và muộn. Mục đích của việc điều trị là hạn chế sự tái phát bệnh và bổ trợ cho phẫu thuật triệt căn. Bên cạnh đó còn làm cho kích thước khối u bé lại tạo thuận lợi cho phẫu thuật. Khi ung thư di căn, hóa trị còn làm cho khối u chậm phát triển và cải thiện tình trạng bệnh.

+ Thuốc nội tiết: Ngăn cản Estrogen gắn vào thụ thể của nó trên tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của chúng.

+ Thuốc miễn dịch: Các nghiên cứu được thực hiện với loại thuốc này thường tiến hành ở nhóm có nguy cơ cao như khi xét nghiệm âm tính đối với 3 thụ thể Estrogen, Progesterone và HER2.

Theo dõi sau điều trị ung thư vú

Theo dõi sau điều trị ung thư vú

Theo dõi sau điều trị: 

Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi thêm trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đó, bệnh nhân cần tái khám đúng lịch hẹn. Trong những lần tái khám, bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi về các tình trạng có thể gặp phải, thăm khám ngực và chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp X – quang,… để tìm các dấu vết của ung thư và tác dụng phụ do điều trị.

VIII. Phòng ngừa ung thư vú

Thời kỳ tiền lâm sàng của bệnh thường kéo dài tới 8 – 10 năm, do đó, thăm khám sàng lọc có ý nghĩa lớn trong phát hiện bệnh và điều trị kịp thời:

– Giai đoạn 1: Khả năng khỏi bệnh tới 80%.

– Giai đoạn 2: Tỷ lệ chữa khỏi là 60%, đồng thời giữ nguyên được vú.

– Giai đoạn 3: Tỷ lệ này rất thấp.

– Giai đoạn 4: Điều trị chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm cơn đau.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cần thiết lập một chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, tự kiểm tra vú thường xuyên và chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín.

Một số biện pháp phòng bệnh ung thư vú như:

– Ăn nhiều rau xanh, bổ sung thực phẩm chứa nhiều Phytoestrogens.

– Điều trị bằng hormone ở giai đoạn tiền mãn kinh cần được xem xét cẩn thận: Việc đưa thêm Estrogen vào cơ thể có thể làm cho các tế bào tuyến vú tăng phân chia, gây kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường.

– Cẩn trọng khi sử dụng các thuốc trầm cảm, thuốc lợi tiểu,… do có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hướng dẫn kiểm soát ung thư vú của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ:

– Phụ nữ sau 40 tuổi cần chụp vú mỗi năm một lần và đảm bảo liên tục khi sức khỏe còn tốt.

– Nữ giới từ 20 – 30 tuổi nên khám ngực ba năm một lần và mỗi năm một lần khi ngoài 40 tuổi.

– Nên có kiến thức về cách sờ nắn, nhận biết những bất thường ở vú và liên hệ ngay với bác sĩ về bất cứ thay đổi nào đang xảy ra. Phụ nữ ngoài 20 tuổi cần có những hiểu biết nhất định về vấn đề này.

– Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ung thư vú thì ngoài chụp nhũ ảnh cần thực hiện thêm MRI. Thông báo với bác sĩ về tiền sử của gia đình để có thêm chỉ định xét nghiệm bổ sung khi cần thiết.

Phòng ngừa ung thư vú

Phòng ngừa ung thư vú

Trên đây là những thông tin cần thiết về ung thư vú, hi vọng mọi người có cách nhìn đầy đủ và có những biện pháp phòng ngừa căn bệnh quái ác này.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *