Vaccine 6 trong 1 – Tiêm trễ có sao không?

Vaccine 6 trong 1

Hiện nay, vacxin 6 trong 1 đã được sử dụng rộng rãi và là lựa chọn của nhiều cha mẹ khi số lần tiêm ít hơn, hạn chế đau đớn khi trẻ phải tiêm nhiều lần. Đừng bỏ lỡ những thông tin sau đây để đảm bảo tiêm phòng hiệu quả, ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm cho trẻ.

1. Vaccine 6 trong 1 là gì?

Vaccine 6 trong 1 là một loại vắc xin mới, có khả năng phòng ngừa 6 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bao gồm:

Bệnh bạch hầu

Còn có tên gọi là Diphtheria, là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra.

Bệnh gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở da và niêm mạc với triệu chứng điển hình là giả mạc màu trắng ngà hoặc xám ở hầu họng, mũi, thanh quản, tuyến hạnh nhân.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật có chứa vi khuẩn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, suy tim, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí là tử vong.

Ho gà (Pertussis)

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, hàng năm có đến 30-50 triệu người mắc bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong khoảng 300.000 người.

Ho gà do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra khi chúng xâm nhập vào đường hô hấp. Căn bệnh này có thể lây nhiễm qua đường hô hấp qua các giọt nước bọt khi người bệnh ho, hắt hơi.

Ho gà gây ra những cơn ho dữ dội, thành cơn, không kiểm soát được, có thể khiến hơi thở yếu dần, mặt tím tái, thậm chí gây tử vong, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

Ho gà gây ho dữ dội, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong

Ho gà gây ho dữ dội, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong

Uốn ván (Tetanus)

Bệnh cấp tính do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra, chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở bị nhiễm đất, bụi bẩn.

Uốn ván có thể gây ra tình trạng co cứng cơ ở mặt, các cơ nhai, lưng, gáy, cơ thân kèm theo đau nhức khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, uốn ván có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, động kinh, suy thận, suy hô hấp, gãy xương…

Bại liệt

Bệnh do virus đường tiêu hóa Polio gây ra, lây truyền qua đường phân – miệng.

Bệnh có thể gây ra liệt mềm cấp với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, khó ngủ, buồn nôn… Nặng hơn có thể gây viêm màng não, suy hô hấp, kiệt tủy sống, liệt không hồi phục có thể để lại di chứng tàn tật hay tử vong.

Viêm gan B

Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gan do virus HBV gây ra. Đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm căn bệnh mạn tính này. Bệnh tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ khi virus hoạt động mạnh mẽ (đợt cấp của viêm gan B) thì mới xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng như vàng da, chướng bụng, chán ăn…

Xem thêm: Tiêm phòng viêm gan B có còn nguy cơ bị nhiễm viêm gan B không?

Viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib

HIB là nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi, viêm màng não mủ ở trẻ dưới 5 tuổi. Viêm phổi, viêm màng não do HIB dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác do có các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C, chảy nước mũi, ho…

Vi khuẩn HIB có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như tổn thương thần kinh không phục hồi, sa sút trí tuệ, điếc, rối loạn tâm thần, suy giảm khả năng học tập, vận động khó khăn…

2. Tiêm vắc-xin trễ có sao không?

Lịch tiêm vacxin 6 trong 1 nên được thực hiện đúng theo phác đồ như sau:

Mũi tiêm

Thời gian tiêm

1

2 tháng tuổi

2

3 tháng tuổi

3

4 tháng tuổi

4

16 – 18 tháng tuổi

Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng, nên tiêm đủ 4 mũi cho trẻ trước khi đủ 24 tháng tuổi.

Miễn dịch thụ động trẻ nhỏ nhận từ mẹ sẽ giảm dần theo thời gian, do đó, cần tiêm đủ số mũi trong vòng 6 tháng đầu sau sinh thì hiệu quả phòng bệnh cũng cao hơn.

Trường hợp trẻ không tiếp xúc với các nguồn bệnh trên và tiêm trễ 1 – 2 tháng có thể xem xét và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nên tiêm phòng cho trẻ đúng lịch để đáp ứng miễn dịch hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm: Lịch tiêm chủng vacxin đầy đủ cho trẻ

3. Điểm khác biệt của vacxin 6 trong 1 với vacxin 5 trong 1

Vacxin 6 in 1 giúp phòng ngừa 6 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng não do vi khuẩn HIB. Vacxin 5 in 1 không bao gồm vacxin chống bại liệt hoặc viêm gan B.

Hiện nay, vắc xin 6 trong 1 gồm có 2 loại: Vắc-xin Infanrix Hexa được sản xuất bởi GlaxoSmithKline (GSK) và Vắc-xin Hexaxim được sản xuất bởi Sanofi Pasteur (Pháp).

Điểm chung của 2 loại vắc xin này là đều sử dụng vi khuẩn ho gà dạng vô bào thay cho dạng nguyên bào, do đó mức độ an toàn cao hơn, ít gây tình trạng sốt hơn so với vaccin 5 trong 1. Hai loại vắc xin này rất tiện dụng, vừa tiết kiệm thời gian, đều phòng tránh 6 bệnh truyền nhiễm trên lại đảm bảo an toàn và có thể sử dụng thay thế được cho nhau trong trường hợp một loại bị hết.

 Vacxin 5 in 1 không có thành phần chống bại liệt hoặc viêm gan B

 Vacxin 5 in 1 không có thành phần chống bại liệt hoặc viêm gan B

Infanrix Hexa được sản xuất dưới dạng bột Hib đông khô và huyền dịch. Trước khi tiêm cần phải pha hoàn nguyên vắc xin và chỉ tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi.

Hexaxim được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn, có thể sử dụng ngay. Điều này giúp rút ngắn thời gian tiêm phòng, tránh nhiễm khuẩn trong quá trình pha chế, đảm bảo liều lượng chính xác cho mỗi lần tiêm.

Sự tích hợp này giúp giảm số mũi tiêm, giảm đau đớn cho trẻ khi phải tiêm nhiều mũi. 

4. Lưu ý khi tiêm vắc- xin 6 trong 1

Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, cha mẹ cần chú ý lịch tiêm phòng của trẻ, tuân thủ đúng phác đồ tiêm chủng. Trong 1 liệu trình tiêm, nên sử dụng đồng nhất 1 loại vắc xin. Tuy nhiên, vẫn có thể phối hợp các loại vắc xin khác nếu cần thiết.

Có thể tiêm vắc xin 6 trong 1 cho trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi khi sức khỏe bé bình thường. Vacxin được tiêm vào bắp đùi của trẻ, giúp trẻ có miễn dịch với 6 căn bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể tiêm vaccine. Một số trường hợp không nên sử dụng như:

– Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính hoặc bị cảm cúm, sức đề kháng yếu.

– Sốt cao kèm co giật trong vòng 3 ngày trước khi tiêm.

– Trẻ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, mẫn cảm với một trong các thành phần của vaccine.

– Tiền sử sốc phản vệ khi tiêm các loại vắc xin có thành phần tương tự.

Như vậy, cha mẹ cần chú ý lịch tiêm phòng cho trẻ, đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm ngừa đúng lịch, tạo miễn dịch hiệu quả, giúp trẻ khỏe mạnh mỗi ngày.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *