Viêm âm đạo – Nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ

viêm âm đạo là bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ

Viêm âm đạo là một căn bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ. Căn bệnh này không khó chữa, tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu về căn bệnh này để có cái nhìn đầy đủ nhất.

I. Viêm âm đạo là gì?

Viêm âm đạo là bệnh thường gặp nhất ở nữ giới, gây ra tình trạng ngứa, khí hư nhiều và đau. Tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại âm đạo của nữ giới, khi có sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra.

Theo thống kê của Bộ y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh phụ khoa. Trong đó, có đến 70% bệnh nhân có các vấn đề liên quan đến viêm âm đạo. Lứa tuổi thường xuất hiện tình trạng này là chị em từ độ tuổi dậy thì trở đi.

Một vấn đề gây khó khăn trong điều trị hiện nay đó là tâm lý e ngại ở nhiều chị em phụ nữ. Họ thường tự điều trị tại nhà, chỉ khi bệnh có xu hướng xấu mới đi thăm khám tại bệnh viện.

Viêm âm đạo có nhiều biểu hiện khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh cũng như giai đoạn của bệnh. Nếu có các biểu hiện bất thường như ra nhiều khí hư, ẩm ướt, khó chịu,… các chị em cần thăm khám bác sĩ và điều trị kịp thời.

II. Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo

Làm thế nào để nhận biết viêm âm đạo? Các bác sĩ khuyên rằng, nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần để sớm phát hiện các bệnh phụ khoa và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng viêm âm đạo mà chị em cần biết để nhanh chóng chữa bệnh, tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Khí hư ra nhiều, trắng đục và có mùi hôi: Dịch âm đạo (còn gọi là khí hư) có tác dụng cân bằng pH âm đạo, giúp ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Bình thường, dịch màu trắng trong, hơi đặc, không chảy ra bên ngoài, có pH khoảng 3,8 – 4,6, giúp bảo vệ âm đạo, chống lại sự nhiễm khuẩn. Khi bị viêm âm đạo, khí hư ra nhiều và thường có mùi hôi, màu trắng đục, xanh,… tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh.

viêm âm đạo có các triêu chứng như ngứa, có mùi hôi tanh, khí hư bất thường

Khi bị viêm âm đạo, khí hư ra nhiều và thường có mùi hôi

– Ngứa âm đạo: Đây là dấu hiệu khá phổ biến khi bị viêm âm đạo. Nếu cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu vùng kín, rất có thể chị em đã bị viêm âm đạo do nấm men, trùng roi… Phụ nữ có quan hệ tình dục thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

– Đau tức vùng bụng dưới, tiểu buốt, tiểu dắt, đặc biệt là những ngày “đèn đỏ”: Đường sinh dục và đường tiết niệu ở gần nhau, do đó viêm nhiễm âm đạo thường dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu, gây đau rát khi tiểu tiện.

– Đau, rát khi quan hệ tình dục: Các tác nhân viêm nhiễm gây tổn thương niêm mạc âm đạo, phái đẹp sẽ cảm thấy đau và ngại quan hệ tình dục khi mắc bệnh. Đây cũng là một triệu chứng điển hình của viêm âm đạo. Tuy nhiên, đau khi quan hệ cùng các biểu hiện bất thường khác cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn.

– Ra máu bất thường, đặc biệt là khi quan hệ tình dục: Nếu thấy có tình trạng chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt cũng không đáng lo, tuy nhiên, nếu xuất hiện máu đen cùng những cơn đau vùng bụng dưới thì đó là dấu hiệu cảnh báo tổn thương viêm nhiễm phụ khoa, thậm chí là ung thư cổ tử cung.

III. Nguyên nhân gây viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như vi khuẩn, nấm, trùng roi… Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh được kể đến như:

– Phụ nữ mang thai: Tình trạng viêm âm đạo khi mang thai đang ngày càng trở nên phổ biến và gây nhiều vấn đề cho mẹ bầu, thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến em bé.

– Có bạn tình mới hoặc có nhiều bạn tình.

– Quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng các biện pháp bảo vệ.

– Sức đề kháng yếu.

– Vệ sinh vùng kín không đúng cách.

Viêm âm đạo do nhiều tác nhân gây hại xâm nhập vùng kín khi có điều kiện thuận lợi. Có thể kể đến một số loại viêm âm đạo thường gặp dưới đây.

1. Viêm âm đạo do vi khuẩn

– Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Các vi khuẩn gây bệnh điển hình như Gardnerella vaginalis, Mycoplasma hominis, vi khuẩn kỵ khí…

– Trong âm đạo thường có sự xuất hiện của Lactobacilli nhiều hơn các vi khuẩn khác. Nếu các vi khuẩn kỵ khí khác xâm nhập nhiều, chúng sẽ gây ra mất cân bằng hệ vi khuẩn, gây ra viêm âm đạo.

– Một số nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan giữa quan hệ tình dục và viêm âm đạo. Người có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới, phụ nữ mới quan hệ tình dục có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ không quan hệ tình dục.

– Viêm âm đạo do vi khuẩn thường có các triệu chứng điển hình như khí hư ra nhiều, mùi hôi tanh như cá, màu vàng đặc hoặc vàng xanh. Bệnh nhân đau bụng dưới, đau khi giao hợp…

viêm âm đạo do vi khuẩn

Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm âm đạo

2. Viêm âm đạo do Trichomonas

– Trichomonas là ký sinh trùng lây truyền qua đường tình dục và gây bệnh viêm âm đạo. Phụ nữ bị nhiễm Trichomonas có nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác.

– Nữ giới có thể bị mắc bệnh này khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm Trichomonas. Nam giới bị nhiễm ký sinh trùng này thường không có triệu chứng, tuy nhiên, nếu điều trị viêm âm đạo do Trichomonas, cần điều trị cả bạn tình.

–  Khi mắc bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như ngứa, nóng rát vùng kín, dịch tiết âm đạo có màu vàng xám, xanh lá cây, đôi khi đau khi đi tiểu.

3. Viêm âm đạo do nấm

– Nhiều yếu tố thuận lợi dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans trong âm đạo như lạm dụng kháng sinh, tiểu đường, mang thai… Nấm Candida albicans cũng có thể gây nhiễm trùng ở các bộ phận khác trên cơ thể như miệng (tưa miệng), móng tay (nấm móng).

– Viêm âm đạo do nấm thường ít khi lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên, nếu bệnh tái phát nhiều lần, nên điều trị nhiễm nấm ở cả bạn tình.

– Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như ngứa âm hộ, có vết lan đỏ ở sinh dục ngoài, dịch âm đạo có màu trắng, thường vón cục và không có mùi.

Ngoài ra, các yếu tố có thể gây kích ứng như thụt rửa mạnh, các chất tẩy rửa có mùi thơm, thuốc diệt tinh trùng, giấy lụa, tampon… cũng là nguyên nhân dẫn tới viêm âm đạo.

IV. Biến chứng nguy hiểm khi viêm âm đạo

Viêm âm đạo cũng như các bệnh lý phụ khoa khác, nếu không điều trị sớm và đúng cách có thể khiến bệnh dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Viêm nhiễm ở âm đạo nếu không điều trị kịp thời có thể lây lan sang các cơ quan sinh dục khác, dẫn đến viêm cổ tử cung, viêm buồng trứng, viêm vòi trứng…

– Viêm âm đạo gây ngứa ngáy, khí hư ra nhiều, có mùi hôi, tanh khiến chị em thấy ngại ngùng khi yêu, lâu dần làm mất ham muốn, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống tình dục và hạnh phúc gia đình.

biến chứng viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

– Môi trường pH âm đạo thay đổi, nội tiết tố trong cơ thể cũng thay đổi có thể ngăn cản sự thụ tinh, dẫn đến khó thụ thai, vô sinh – hiếm muộn.

– Ở phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai, sinh non, sinh thiếu tháng, còi xương, suy dinh dưỡng… Trẻ sinh thường còn có nguy cơ bị viêm da, viêm phổi, viêm kết mạc, mù lòa…

– Một biến chứng nguy hiểm không thể không nhắc tới đó là ung thư cổ tử cung. Theo thống kê của WHO, người có tiền sử viêm âm đạo hay các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao gấp 11 lần người bình thường.

V. Chẩn đoán viêm âm đạo

Viêm âm đạo được chẩn đoán dựa trên việc thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm tại phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện. Sau khi tiến hành các đánh giá lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch tiết âm đạo và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định chính xác.

Nếu các tiêu chuẩn lâm sàng hay kết quả soi kính hiển vi không đưa ra được kết luận, có thể tiến hành nuôi cấy dịch âm đạo để tìm nấm hoặc trichomonas.

VI. Điều trị

Trước khi điều trị bằng thuốc hay sử dụng các phương pháp ngoại khoa, chị em nên thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám uy tín, tin cậy để có biện pháp điều trị phù hợp. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

1. Phương pháp dân gian

Có thể sử dụng các vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm như lá trầu không, lá chè, lá ổi… để pha nước vệ sinh vùng kín. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng khi mới bị viêm âm đạo, các triệu chứng còn nhẹ, chưa có biến chứng. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết sau: TOP 8 cách chữa viêm âm đạo tại nhà nhanh chóng, hiệu quả

2. Thuốc kháng sinh

Khi bị viêm âm đạo, chị em cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị hợp lý, hiệu quả. Trường hợp bệnh nhẹ, hoàn toàn có thể dùng thuốc điều trị.

Tùy từng nguyên nhân gây bệnh, có thể sử dụng các thuốc sau:

– Thuốc uống hoặc kem, gel, thuốc đặt Metronidazol trong điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn, Trichomonas.

– Thuốc kháng nấm Fluconazol hay kem, gel Miconazole, Clotrimazole, Tioconazole… trong điều trị viêm do nấm men.

Không nên tự ý mua thuốc điều trị vì có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng tới cơ thể. Ngoài ra, chị em nên chú ý, tránh sử dụng rượu bia và không quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.

Tham khảo thêm: Top 10+ thuốc trị viêm âm đạo tốt nhất UPDATE 2021

3. Phương pháp ngoại khoa

Khi các triệu chứng viêm âm đạo trở nên nghiêm trọng, việc dùng thuốc điều trị không có tác dụng, có thể sử dụng các phương pháp ngoại khoa, tiêu diệt mầm bệnh triệt để như:

– Liệu pháp Ozone: Đưa Ozone vào khu vực bị viêm nhiễm và tiêu diệt triệt để các tác nhân gây bệnh.

– Kỹ thuật xâm lấn tối thiểu: Hạn chế tổn thương, không gây mất cân bằng pH âm đạo cũng như tác dụng phụ đối với người bệnh.

Các phương pháp điều trị này an toàn, hiệu quả với nữ giới, thời gian điều trị nhanh chóng, không lo tái phát.

VI. Phòng ngừa bệnh viêm âm đạo

Có đến 70% phụ nữ Việt mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, do đó, việc chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cơ thể, phòng bệnh tái phát là vô cùng quan trọng. Chị em có thể tham khảo các biện pháp sau đây:

– Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở vùng kín như nóng rát, ngứa, khí hư ra nhiều, có mùi… cần thăm khám bác sĩ ngay.

– Giữ vệ sinh vùng kín, đặc biệt là trong những ngày “đèn đỏ”. Nên thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần, sử dụng băng vệ sinh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.

phòng ngừa viêm âm đạo

Chăm sóc vùng kín đúng cách để ngăn ngừa viêm âm đạo

– Vệ sinh nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu tránh làm mất cân bằng nội môi và kích ứng niêm mạc. Lưu ý, rửa vùng kín từ trước ra sau để tránh sự tấn công của các vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo.

– Hạn chế ngâm mình lâu trong bồn tắm

– Không mặc quần lót ẩm, bí bách. Thay, giặt đồ lót hàng ngày.

– Sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có tác dụng duy trì, cân bằng môi trường âm đạo, không dùng các sản phẩm có hóa chất tẩy rửa mạnh.

– Khám phụ khoa định kỳ.

– Xây dựng chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, rèn luyện thể dục, thể thao để tăng sức đề kháng.

Viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em phụ nữ và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, cần chú ý chăm sóc, giữ gìn vệ sinh để luôn khỏe mạnh, đẹp từ bên trong, tự tin mỗi ngày.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *