Viêm phổi: Cẩm nang những điều cần biết từ A-Z

Dấu hiệu viêm phổi

Dấu hiệu viêm phổi

I. Bệnh viêm phổi là gì?

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng bên trong phổi gây viêm ở các phế nang hay còn gọi là túi khí. Khi mắc viêm phổi, các túi khí có thể xuất hiện dịch viêm, dịch mủ gây ra các triệu chứng như ho, sốt, ớn lạnh và khó thở.

Viêm phổi có thể gặp phải ở mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn và người cao tuổi, không phân biệt nam hay nữ, tỷ lệ mắc bệnh là như nhau.

Dấu hiệu viêm phổi có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, ho có đờm. Viêm phổi có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể đe dọa tính mạng. Nghiêm trọng nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người trên 65 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch.

Bệnh viêm phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh viêm phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh

II. Nguyên nhân viêm phổi

Tác nhân gây viêm phổi chủ yếu là do vi khuẩn, virus gây ra. Thông thường, khi vi khuẩn, virus xâm nhập, cơ thể sẽ có cơ chế miễn dịch để ngăn chặn. Tuy nhiên, nếu cơ thể gặp vấn đề ở khâu bảo vệ này thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao.

Viêm phổi được phân loại theo loại vi trùng gây ra nó và nơi bị nhiễm bệnh. Viêm phổi được chia ra làm 2 loại:

– Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.

– Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.

1. Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Viêm phổi mắc phải cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến nhất. Nó xảy ra ở ngoài cộng đồng chứ không phải ở bệnh viện hay cơ sở y tế. Nó có thể được gây ra bởi:

– Vi khuẩn: Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Loại viêm phổi này có thể tự phát sau nhiễm khuẩn hoặc sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Viêm phổi do vi khuẩn này còn được gọi là viêm phổi thùy.

Mycoplasma pneumoniae: Đây là một loài tương tự vi khuẩn, cũng có thể gây viêm phổi. Các triệu chứng gây ra bởi loài này thường nhẹ hơn những loại viêm phổi khác.

– Nấm: Loại viêm phổi này phổ biến nhất ở những người mắc bệnh mãn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Các loại nấm gây ra nó có thể được tìm thấy trong đất hoặc phân chim và thay đổi tùy theo vị trí địa lý.

– Virus, bao gồm COVID – 19: Một số loại vi rút gây cảm lạnh và cúm có thể gây viêm phổi. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi. Viêm phổi do virus thường nhẹ, nhưng cũng có một vài trường hợp trở nên nghiêm trọng. Coronavirus 2019 (COVID-19) có thể gây viêm phổi, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và nó đang ngày càng biến chủng mạnh mẽ.

– Hóa chất: Khi làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, cơ thể sẽ tiếp xúc với những hóa chất nguy hiểm. Nó ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có phổi. Tuy tình trạng nấm phổi do hóa chất hiếm gặp nhưng không phải là không xảy ra. Chính vì vậy, cần trang bị đồ bảo hộ cẩn thận khi làm việc trong môi trường hóa chất.

2. Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện

Trong thời gian nằm viện để điều trị bệnh khác lại vô tình tiếp xúc với mầm bệnh dẫn đến mắc viêm phổi. Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện có thể nghiêm trọng vì vi khuẩn gây bệnh có thể kháng kháng sinh nhiều hơn và phức tạp hơn. Hơn nữa những người mắc viêm phổi ở bệnh viện hiện đã bị một bệnh khác, tình trạng sức khỏe giảm sút, hệ miễn dịch suy yếu. Những người đang sử dụng máy thở ở cơ sở y tế có nguy cơ mắc loại viêm phổi này cao hơn.

Viêm phổi mắc phải do chăm sóc sức khỏe là một bệnh xảy ra ở những người sống trong các cơ sở y tế dài hạn hoặc những người được chăm sóc tại các phòng khám ngoại trú, bao gồm cả các trung tâm lọc thận. 

III. Triệu chứng viêm phổi

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như: nguyên nhân gây bệnh, tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Triệu chứng viêm phổi nhẹ thường giống như cảm lạnh nhưng dai dẳng hơn.

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi gồm:

– Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh: Sốt là phản ứng của cơ thể khi xuất hiện hiện tượng viêm. Vì vậy, sốt là triệu chứng mà hầu như tất cả các bệnh nhân mắc viêm phổi đều có.

– Đau ngực khi thở hoặc ho: Hiện tượng viêm các túi khí khiến tắc nghẽn, thiếu oxy và dẫn đến khó thở.

– Lú lẫn hoặc thay đổi nhận thức tâm thần (ở người lớn từ 65 tuổi trở lên).

– Ho, có thể tạo ra đờm: Những cơn ho kéo dài liên tục kèm theo đờm là triệu chứng thường gặp của bệnh nhân viêm phổi. 

– Mệt mỏi: Do tình trạng sốt kèm ho nhiều dẫn đến mệt mỏi cơ thể.

Ngoài ra còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như:

– Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (ở người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch kém).

– Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

– Hụt hơi.

– Trẻ sơ sinh có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng. Hoặc họ có thể nôn mửa, sốt và ho, bồn chồn hoặc mệt mỏi và không có năng lượng, hoặc khó thở và khó ăn.

IV. Viêm phổi có lây không?

Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân gây nên tình trạng viêm phổi chú yếu là do vi khuẩn, virus. Đây là một bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người qua nhiều con đường khác nhau:

– Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc: Mầm bệnh xuất hiện trong nước bọt, hơi thở hay đờm của bệnh nhân. Nếu tiếp xúc trực tiếp mà không có biện pháp phòng tránh, nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.

– Lây gián tiếp thông qua các vật dụng cá nhân: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vi khuẩn, virus có thể tồn tại đến vài giờ trên các vật sinh hoạt của người bệnh. Nếu dùng chung vậy dụng cá nhân với người bệnh, nguy cơ cao sẽ bị lây bệnh.

V. Viêm phổi có nguy hiểm không? Biến chứng viêm phổi

Viêm phổi nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng như:

– Suy hô hấp: Bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng hạ huyết áp, nhịp tim giảm hoặc đôi khi có thể dẫn đến mất dần ý thức. Đặc biệt nếu tình trạng viêm xảy ra ở cả hai thùy thì dễ dẫn đến tình trạng cấp tính của suy hô hấp.

– Áp xe phổi: Tình trạng viêm tích mủ ở phổi gây áp xe phổi.

– Tràn dịch màng phổi: Tình trạng viêm gây dịch ở phổi, lượng dịch tăng dần gây hiện tượng tràn dịch màng phổi, biểu hiện là khó thở.

VI. Chẩn đoán viêm phổi

Chẩn đoán viêm phổi

Chẩn đoán viêm phổi

Bệnh viêm phổi đôi khi khó chẩn đoán vì các triệu chứng rất khác nhau và thường rất giống với những triệu chứng của bệnh cảm cúm. Để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây bệnh, có thể cần thông tin tiền sử bệnh, khám sức khỏe lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm.

Một số thông tin về khả năng phơi nhiễm như: nghề nghiệp, tiếp xúc với động vật, tiếp xúc với bệnh nhân khác, nơi đã đi qua,… có thể giúp xác định nguyên nhân.

Khám sức khỏe: Nghe phổi có tiếng ran nổ, ran rít là một triệu chứng của viêm phổi được bác sĩ kiểm tra.

Xét nghiệm: Nếu bác sĩ nghi ngờ, một số xét nghiệm sẽ được chỉ định thực hiện để xác định gồm:

– Xét nghiệm máu để xác định tình trạng viêm và nguyên nhân gây viêm phổi.

– Chụp X-quang ngực để tìm vị trí và mức độ viêm trong phổi.

– Xét nghiệm đờm để tìm nguồn lây nhiễm.

– Nếu cần thiết, cấy dịch màng phổi để phân tích và xác định vi khuẩn gây viêm phổi.

Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao do tuổi tác và sức khỏe yếu, hoặc nếu đang nằm viện, các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm bổ sung khác.

VII. Điều trị viêm phổi

Điều trị viêm phổi hiệu quả

Điều trị viêm phổi hiệu quả

Tùy thuộc vào loại viêm phổi, mức độ bệnh, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau.

Mục tiêu điều trị là chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng. Để chữa khỏi viêm phổi, điều quan trọng là phải tuân theo phác đồ điều trị cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Nếu viêm phổi là do vi khuẩn, dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Nếu bị viêm phổi do virus, sử dụng các thuốc kháng virus. Các thuốc này cũng cần được kê đơn và hướng dẫn bởi bác sĩ.

Có thể kiểm soát các triệu chứng như sốt và ho tại nhà theo các bước sau:

– Hạ sốt bằng thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen), hoặc acetaminophen. Không cho trẻ em uống aspirin.

– Uống nhiều nước để giúp làm lỏng chất tiết và long đờm.

– Không dùng thuốc ho mà không có sự cho phép của bác sĩ. Ho là một cách cơ thể hoạt động để loại bỏ nhiễm trùng. Nếu cơn ho ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

– Uống đồ uống ấm, tắm hơi và sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp dễ thở hơn. Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu cảm thấy ngày càng khó thở.

– Tránh xa khói thuốc gồm hút thuốc, khói thuốc thụ động và khói gỗ. 

– Không làm việc quá sức cho đến khi hoàn toàn bình phục.

– Nếu tình trạng viêm phổi nặng đến mức phải điều trị tại bệnh viện, có thể được truyền dịch và thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Áp dụng liệu pháp oxy và các biện pháp hỗ trợ thở khác nếu cần thiết.

VIII. Phòng ngừa viêm phổi

Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi

Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi

Bệnh viêm phổi nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, nên lưu ý những biện pháp phòng ngừa viêm phổi đơn giản sau:

– Tiêm phòng: Có một số loại vacxin tiêm phòng viêm phổi đối với một số chủng gây bệnh. Việc tiêm phòng cần được hướng dẫn và chỉ định bởi bác sĩ. Các bác sĩ khuyến nghị nên chủng ngừa viêm phổi cho trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có nguy cơ đặc biệt mắc bệnh phế cầu khuẩn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo nên tiêm phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng.

– Vệ sinh sạch sẽ: Hãy tập thói quen rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc chỗ đông người, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Không hút thuốc lá:  Hút thuốc làm hỏng khả năng phòng vệ tự nhiên của phổi chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.

– Tăng cường miễn dịch của cơ thể: Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh để có hệ miễn dịch tốt, chống lại tác nhân gây bệnh.

Trên đây là cái nhìn tổng quan nhất về bệnh viêm phổi. Mọi người hãy chủ động tìm hiểu thông tin để bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh nguy hiểm này.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *