Mắt đổ ghèn không phải là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên. nếu lượng ghèn đổ nhiều mỗi sáng và kèm theo nhiều dấu hiệu khác như đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực… thì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó về mắt. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay mắt đổ ghèn là bệnh gì? Cách phòng và điều trị mắt đổ ghèn.
1. Mắt đổ ghèn là gì?
Gỉ mắt (ghèn mắt) được hình thành khi ngủ. Tuy nhiên, mỗi khi ngủ dậy, ghèn là thứ làm chúng ta cảm thấy khá vướng víu, khó chịu mỗi sáng nhưng lại có tác dụng không ngờ. Lớp ghèn này ngăn chảy nước mắt, giữ ẩm cho mắt, ngăn ngừa khô mắt.
Thế nhưng, mắt ra nhiều ghèn lại là sự cảnh báo viêm nhiễm ở mắt, kèm theo các biểu hiện như đỏ mắt, chảy nước mắt, đau mắt, giảm thị lực… Nếu có các triệu chứng này, người bệnh cần đến các phòng khám chuyên khoa mắt hoặc bệnh viện uy tín để được khám và điều trị thích hợp.
Mắt đổ ghèn là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề về mắt
2. Mắt đổ ghèn biểu hiện bệnh gì? Nguyên nhân mắt đổ ghèn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắt đổ ghèn, có thể kể đến như:
– Khô mắt: Chất dịch làm ẩm mắt không được tiết đủ thì mắt thường có nhiều ghèn hơn bình thường mỗi khi ngủ dậy buổi sáng. Điều này xảy ra là do mắt tiết thêm dịch để giảm khô mắt. Mắt bị khô dễ gây ra tình trạng kích ứng, gây viêm thậm chí mắt còn bị cộm, châm chích, đỏ ngầu và nóng rát, nhìn mờ.
– Có dị vật trong mắt:
Khi có dị vật lọt vào trong mắt thì phản ứng tiết dịch đổ nhiều ghèn là cơ chế phòng vệ bản năng của mắt. Nếu trong mắt có máu hoặc tiết mủ sau chấn thương ở mắt, người bệnh cần tới ngay tới các cơ sở y tế để được xử lý.
– Tắc tuyến lệ:
Trong mắt có một bộ phận là ống dẫn nước mắt giúp tiết dịch ở mắt, ngăn ngừa khô mắt. Khi bị tắc tuyến lệ sẽ dẫn đến ứ đọng nước mắt trong túi lệ gây viêm, chảy nước, đau nhức, đổ ghèn, đỏ mắt và nhìn mờ.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tắc tuyến lệ. Thông thường, tình trạng này có thể tự khỏi sau 1 năm đầu đời, khi các bé lớn lên. Ở người trưởng thành, tắc tuyến lệ thường do chấn thương, nhiễm trùng, tác dụng phụ của một số thuốc hoặc có khối u ở mắt.
– Viêm bờ mi:
Xảy ra khi mắt tiết dầu nhờn bất thường hoặc viêm nhiễm các nang lông mi. Bệnh khiến mỗi sáng thức dậy, mắt có nhiều ghèn, hai mí mắt bị dính vào với nhau gây đau và khó khăn khi mở mắt. Để làm giảm và hạn chế tình trạng này, người bệnh cần thường xuyên vệ sinh mí mắt đúng cách hoặc sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Mắt đổ ghèn có thể do viêm nhiễm ở mắt hoặc có dị vật trong mắt
– Viêm kết mạc:
Mắt đổ ghèn rất có thể là do viêm kết mạc hay đau mắt đỏ. Đây là hiện tượng mắt bị nhiễm khuẩn hay viêm lớp màng bao phủ lòng trắng của mắt.
Khi bị viêm kết mạc, thường có cảm giác cộm, kích ứng, ngứa và đỏ mắt còn khi bị đau mắt đỏ, ghèn thường tích tụ nhiều, có màu trắng, xanh lá cây hoặc vàng, đồng thời, ghèn mắt còn nằm dọc bờ mi khi bạn ngủ.
– Lẹo mắt:
Lẹo mắt là do bị nhiễm trùng nang lông, xuất hiện một cục u nhỏ, màu đỏ mọc dưới mí mắt hoặc ở gốc lông mi. Lẹo khiến mí mắt sưng đau, đổ nhiều ghèn, chảy mủ và rất khó chịu mỗi khi chớp mắt.
Lẹo mắt có thể tự khỏi, không nên nặn mủ lẹo mắt do nguy cơ nhiễm khuẩn và lây sang khu vực khác ở mắt. Nếu lẹo mắt quá to và có thể vỡ ra, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.
– Loét giác mạc:
Mắt đổ ghèn có thể do loét giác mạc. Giác mạc là một lớp màng che phủ lòng đen. Khi bị loét giác mạc, người bệnh thường có triệu chứng sưng mí, đau nhức, đỏ, tiết nhiều ghèn, nhìn mờ. Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới mù lòa.
3. Điều trị
Khi mắt đổ ghèn, có thể sử dụng bông gòn sạch và nước muối sinh lý để vệ sinh mắt 2-3 lần/ngày. Không nên tùy ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp mắt đổ ghèn nhiều, có màu vàng, xanh, kéo dài 3-5 ngày không giảm sau khi dùng thuốc điều trị, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được xác định nguyên nhân mắt đổ ghèn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
– Mắt đổ ghèn do nhiễm khuẩn, virus, nấm: Trường hợp mắt đổ ghèn do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, các thuốc kháng sinh tra mắt là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ. Các thuốc này được bào chế dưới dạng thuốc mỡ tra/nhỏ mắt, giúp cải thiện nhanh các triệu chứng viêm nhiễm tại mắt.
– Dị ứng mắt:
Khi bị dị ứng, thường được sử dụng nhất là các thuốc kháng histamin như Ketotifen, Emadine, Azelastine. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thuốc chống viêm không Steroid giúp cải thiện các triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng.
Các thuốc ổn định tế bào Mast cũng được sử dụng rộng rãi trong quá trình điều trị dị ứng mắt do độ an toàn cao, giúp kìm hãm hoạt động của tế bào Mast – cơ quan giải phóng Leukotrienes, Histamin, từ đó giảm tiết Histamin, cải thiện nhanh chóng tình trạng dị ứng.
– Ghèn mắt do lẹo hoặc tắc tuyến lệ:
Khi tình trạng mắt đổ ghèn không tự khỏi hoặc các phương pháp điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, tuyến lệ bị tắc, chắp/lẹo mắt, có thể điều trị bằng biện pháp phẫu thuật.
4. Phòng ngừa mắt đổ ghèn
Để ngăn ngừa mắt đổ ghèn, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho đôi mắt, bảo vệ mắt bằng những biện pháp sau:
– Không chạm tay vào mắt, dụi mắt bằng tay để tránh nhiễm trùng.
– Rửa tay cẩn thận trước khi lau hay vệ sinh vùng mắt.
– Dùng bông gòn thấm nước hoặc khăn sạch vệ sinh mắt khi thức dậy.
– Nếu có trang điểm mắt, cần tẩy trang kỹ trước khi ngủ bằng nước tẩy trang chuyên dụng.
– Nếu thường sử dụng kính áp tròng, chỉ nên đeo trong thời gian cho phép, trước khi đi ngủ phải nhớ tháo kính. Trong thời gian mắt đổ ghèn, tốt nhất là hạn chế đeo kính áp tròng.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đồ trang điểm với người khác.
– Vệ sinh khăn mặt, khăn tắm, chăn gối thường xuyên.
– Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng mắt.
– Nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt và dùng thuốc nhỏ mắt không chứa thành phần chất bảo quản.
Rửa mắt bằng nước muối sinh lý
Mắt đổ ghèn không phải là tình trạng hiếm gặp và khó điều trị. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân mắt đổ ghèn và biết cách điều trị, phòng ngừa mắt đổ ghèn.