Men tiêu hóa là gì?
Khi cơ thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, bác sĩ thường chỉ định sử dụng kết hợp men tiêu hóa trong phác đồ điều trị. Vậy men tiêu hóa là gì? Dùng như thế nào để mang lại hiệu quả? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam giải đáp những thắc mắc qua bài viết dưới đây:
I. Men tiêu hóa là gì?
Men tiêu hóa hay còn gọi là enzym, có thành phần cơ bản là protein do cơ thể tiết ra (chủ yếu từ ống và tuyến tiêu hóa). Nó có vai trò xúc tác cho các phản ứng hóa học nhằm chuyển hóa các chất có trong thức ăn được đưa vào từ đường tiêu hóa như: tinh bột, đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid),… . Một số những men tiêu hóa quan trọng trong cơ thể:
– Men amylase được tuyến nước bọt tiết ra, có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín thành đường maltose.
– Dạ dày tiết ra các acid clohydric (HCl) và men pepsin, lipase: Đây là những enzym giúp làm mềm thức ăn, chia cắt các sợi Collagen, chất đạm thành các chuỗi Polypeptide ngắn hơn. Nhưng men pepsin chỉ có tác dụng tiêu hóa được khoảng 10-20% chất đạm có trong thức ăn. Còn men lipase thì có tác dụng rất yếu, chỉ có thể tiêu hóa được các chất béo đã được nhũ tương hóa (chất béo của sữa, trứng).
– Men amylase được dịch tụy tiết ra giúp tiêu hóa tinh bột mạnh hơn rất nhiều so với men amylase của nước bọt.
– Tuyến tụy tiết ra nhiều loại men tiêu hóa chất đạm bao gồm: trypsin, chymotrypsin, carboxypolypeptidase dưới tác dụng của các enzym này chất đạm sẽ được phân cắt thành nhiều đoạn a.a đơn giản hơn. Men lipase cũng tiết ra từ tuyến tụy nhưng có tác dụng tiêu hóa mỡ trong thức ăn được đưa vào.
– Gan bài tiết ra acid mật và muối mật là các chất có vai trò quan trọng trong việc hòa tan các chất mỡ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các men lipase tiêu hóa mỡ.
– Dịch ruột cũng tiết ra đầy đủ các nhóm men tiêu hóa protein, lipid và glucid phân giải chất dinh dưỡng (chất bột, chất đạm, chất béo). Đây là giai đoạn cuối cùng để thức ăn được chuyển hóa hoàn toàn thành những phân tử đơn giản và được hấp thu qua thành ruột vào máu.
Tóm lại, bản chất của men tiêu hóa là hỗ trợ chia, cắt, nghiền nát các mảng thực phẩm lớn thành những mảnh nhỏ cho đến khi cơ thể có thể tiêu hóa và hấp thu được.
Men tiêu hóa là những enzym cần thiết cho cơ thể
II. Men tiêu hóa và men vi sinh có gì khác nhau?
Không ít người nhầm lẫn men tiêu hóa và men vi sinh là một bởi vì chúng cùng mục đích hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, ổn định đường ruột. Tuy nhiên bản chất của 2 loại men này là hoàn toàn khác nhau.
– Men tiêu hóa là các enzym do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra, giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
– Men vi sinh (hay còn được gọi là probiotic) lại là các chế phẩm chứa các lợi khuẩn (vi sinh vật có lợi), giúp cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Phân biệt men tiêu hóa vá men vi sinh
III. Sử dụng men tiêu hóa như thế nào để hiệu quả?
Men tiêu hóa có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên chỉ nên sử dụng khi đã có chỉ định của bác sĩ. Bình thường bác sĩ thường kê đơn có men tiêu hóa cho trẻ nhỏ trong trường hợp đã xác định được trẻ bị thiếu men tiêu hóa hoặc nhằm tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn ở những trẻ kém hấp thu.
Trẻ mới ốm dậy, có thể lực yếu, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện do đó tiết men chưa được đầy đủ thì nên được sử dụng sản phẩm nhằm giúp cơ thể tăng khả năng phục hồi.
Tuyệt đối không lạm dụng, không sử dụng lâu ngày do có thể dẫn đến tình trạng giảm sự bài tiết enzym tự nhiên của cơ thể, khiến cơ thể chỉ phụ thuộc vào những enzym được cung cấp từ bên ngoài.
1. Khi nào thì sử dụng men tiêu hóa cho trẻ?
Các bậc cha mẹ hãy nắm vững các thông tin về những trường hợp cụ thể thường được bác sĩ kê đơn sử dụng men tiêu hóa:
– Trẻ lười ăn, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng.
– Trường hợp giảm tiết dịch men tiêu.
– Trẻ mới ốm dậy, sức khỏe, thể lực yếu.
– Trẻ bị rối loạn của hoạt động tiết enzym.
– Nghi ngờ hoặc đã qua thăm khám xác định được là trẻ bị thiếu một hoặc một số các loại men tiêu hóa nào đó.
– Để tăng cường khả năng tiêu hóa của trẻ trong thời gian ngắn.
– Hệ tiêu hóa bị tổn thương, giảm bài tiết trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, viêm teo ruột, suy dinh dưỡng, u xơ tuyến tụy,…
– Bị ngộ độc thức ăn hoặc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài dẫn đến việc tiết men tiêu hóa bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên trong một số trường hợp sau đây không nên sử dụng men tiêu hóa cho trẻ:
– Đi ngoài ra phân sống.
– Tiêu chảy có kèm theo đau bụng.
– Đại tiện ra phân có máu.
– Bị rối loạn tiêu hóa.
Sử dụng hiệu quả men tiêu hóa
2. Khi nào thì sử dụng men tiêu hóa ở người lớn?
Khi gặp một trong những triệu chứng sau thì nên sử dụng men tiêu hóa ở người lớn:
– Đầy bụng, chướng hơi, chậm tiêu, ăn uống không tiêu do ăn quá nhiều, đặc biệt khi ăn những thực phẩm như xơ già, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường,…
– Táo bón, tiêu chảy, phân sống,…
– Người mới ốm dậy, người bị suy dinh dưỡng, người gầy gò khó tăng cân.
– Người bị rối loạn hệ tiêu hóa, kém hấp thu.
– Bị tiêu chảy do sự thiếu hụt của men lactase, nguyên nhân do uống quá nhiều sữa.
– Ở người lớn tuổi, cơ thể bị lão hóa do đó dẫn đến hệ miễn dịch và chức năng tiêu hóa của cơ thể sẽ bị suy giảm.
– Người rối loạn hoạt động tiết dịch men tiêu hóa. Người bệnh bị viêm dạ dày thể teo.
– Thiếu toan, giảm toan trong dạ dày.
Những đối tượng không nên sử dụng men tiêu hóa:
– Tuyệt đối không được sử dụng: là người bệnh nhân bị viêm tụy, viêm loét dạ dày tá tràng, tăng tiết acid dạ dày.
– Người đi ngoài ra phân sống, tiêu chảy cấp kèm theo các triệu chứng: đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi đại tiện ra phân có máu,…
– Người bị rối loạn hệ tiêu hóa mà có nguyên nhân là do chất hóa học và bị bỏng acid.
Tác dụng của men tiêu hóa
3. Cách sử dụng men tiêu hóa
Men tiêu hóa là sản phẩm hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa nhưng chỉ phát huy tác dụng khi sử dụng đúng cách. Cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo an toàn khi sử dụng là:
– Sử dụng với số lượng, liều dùng cho phép theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Không lạm dụng men tiêu hóa để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa.
– Không sử dụng khi đói vì có thể gây ra trào ngược dạ dày, viêm loét.
– Thời điểm dùng tốt nhất là từ 30 phút đến 1 tiếng sau ăn. Tuy nhiên không dùng sau ăn quá 2 tiếng đồng hồ.
– Một đợt sử dụng men tiêu hóa chỉ từ 10 – 15 ngày, không sử dụng quá lâu vì có thể sẽ gây ra ức chế tuyến tiêu hóa, giảm tiết enzym, làm cho cơ thể phụ thuộc vào enzym bên ngoài cung cấp vào.
Nếu sau một đợt điều trị, tình trạng bệnh không được cải thiện, cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện thăm khám và có những hướng dẫn phù hợp hơn.
4. Tác dụng phụ
Bên cạnh những công dụng mà men tiêu hóa mang lại thì việc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn. Mặc dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, cụ thể như sau:
– Dị ứng, nổi mề đay, phát ban, nhất là với người có cơ địa yếu, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
– Làm nghiêm trọng hơn tình trạng đau dạ dày, khiến dạ dày tiết ra nhiều acid dẫn đến viêm loét.
– Gây cảm giác chán ăn đối với trẻ em sử dụng nhiều men tiêu hóa.
– Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dẫn đến mất nước.
– Làm giảm hoạt động chức năng của các cơ quan tiêu hóa.
Khi dùng men tiêu hóa, đặc biệt cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý giám sát trẻ để tránh trẻ dùng sai cũng như phát hiện sớm các tác dụng phụ để có cách xử trí phù hợp.
Tóm lại, men tiêu hóa có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa thức ăn và được bổ sung từ bên ngoài. Do đây là một dạng thuốc nên không được tùy tiện sử dụng khi không có ý kiến bác sĩ. Cần biết rõ những đối tượng nên và không nên dùng, cách sử dụng men tiêu hóa thế nào cho đúng cách để sản phẩm này có thể đem lại tác dụng tốt nhất, giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng được cung cấp từ những bữa ăn hàng ngày.