Chữa viêm phế quản tại nhà bằng thuốc Nam cực đơn giản!
Viêm phế quản là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, viêm họng,…ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, một số mẹo dân gian cũng được nhiều người áp dụng và mang đến hiệu quả tốt. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu về các bài thuốc đó qua bài viết dưới đây.
I. 8 mẹo dân gian chữa viêm phế quản tại nhà
1. Chữa viêm phế quản bằng rau diếp cá
Theo Y học cổ truyền, diếp cá có vị chua, mùi tanh, tính hàn. Các hoạt chất trong rau diếp cá như Alkaloid, Flavonoid,… có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây ra bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, ho,… Đặc trưng nhất là các bệnh gây bởi liên cầu, phế cầu, tụ cầu, vi khuẩn bạch hầu.
Bên cạnh tác dụng chữa trị viêm phế quản, rau diếp cá còn giúp bổ sung các dưỡng chất và Vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, người bệnh có thể thực hiện theo một trong các cách sau:
– Uống nước rau diếp cá: Giã nhuyễn một nắm rau diếp cá, thêm một vài hạt muối ăn. Thêm 1 cốc nước ấm, khuấy đều rồi lọc lấy nước cốt uống. Uống nước rau diếp cá từ 1 đến 2 lần mỗi ngày để thấy tình trạng bệnh lý được cải thiện rõ rệt.
– Hỗn hợp mật ong với rau diếp cá: Làm tương tự như trên, sau khi lọc lấy nước cốt thì thêm vài thìa mật ong, khuấy đều rồi sử dụng.
– Hỗn hợp nước gạo và rau diếp cá: Lấy nước cốt từ rau diếp cá, thêm một bát nước gạo. Đun nhỏ lửa hỗn hợp này trong khoảng 15 phút rồi tắt bếp. Nên duy trì uống đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày.
– Rau diếp cá kết hợp với cam thảo: Chuẩn bị 30g cam thảo và 50g rau diếp cá, cho vào nồi sắc lên. Thực hiện bài thuốc 1 – 2 lần mỗi ngày để thấy hiệu quả rõ rệt.
4 cách chữa viêm phế quản bằng rau diếp cá
2. Lá trầu không chữa viêm phế quản
Theo Đông y, lá trầu không có mùi thơm hắc, vị cay nồng, tính ấm. Theo y học hiện đại, hợp chất Phenolic chứa trong lá trầu không có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, sát trùng rất tốt. Bạn có thể tham khảo các cách sử dụng trầu không dưới đây:
– Uống nước lá trầu không: Rửa sạch 4 – 8 lá trầu không, xay nhuyễn, chắt lấy nước uống, bỏ phần bã. Duy trì uống nước lá trầu không 2 lần/ngày sau mỗi bữa ăn.
– Kết hợp lá trầu không với mật ong: Giã nhuyễn 10 lá trầu không, thêm khoảng 250ml nước sôi vào ngâm trong 20 phút. Chắt lấy nước cốt, cho vài thìa mật ong, khuấy đều và uống hỗn hợp 2 lần/ngày sau mỗi bữa ăn.
3. Chữa viêm phế quản bằng mật ong
Từ lâu, mật ong đã được coi như một kháng sinh tự nhiên bởi nó chứa nhiều hoạt chất Antioxidant có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Bên cạnh đó, các thành phần như Pantothenic, Albumin,… làm dịu nhanh các tổn thương niêm mạc ở phế quản. Ngoài các cách sử dụng mật ong kể trên để chữa viêm phế quản, bạn có thể áp dụng các cách sau:
– Mật ong kết hợp với trứng gà: Chuẩn bị 1 quả trứng gà và khoảng 35g mật ong. Đun sôi mật ong, thêm một chút nước rồi thêm trứng gà vào nấu chín. Duy trì thực hiện mỗi ngày 1 lần để thấy rõ triệu chứng được cải thiện.
Chữa viêm phế quản từ trứng gà và mật ong
– Giấm ăn, cam thảo và mật ong: Chuẩn bị nguyên liệu gồm 6g cam thảo, 30g mật ong và 10g giấm ăn. Dùng cam thảo để hãm như trà, thêm mật ong và giấm ăn vào uống thay trà mỗi ngày.
– Sử dụng vừng đen, gừng tươi và mật ong: Chuẩn bị khoảng 250g vừng đen, 120g gừng tươi và 120g mật ong. Đem vừng đen đi sao vàng, sấy khô và tán thành bột.Tán bột vừng cùng với đường phèn, mật ong và nước cốt gừng, mang đi hấp chín. Bảo quản hỗn hợp trong lọ kín để dùng dần.
4. Bài thuốc chữa viêm phế quản bằng tỏi
Từ lâu tỏi đã được coi như một kháng sinh tự nhiên bởi công dụng kháng khuẩn, sát trùng, tiêu đờm, làm giảm các triệu chứng sưng viêm hiệu quả. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Đại học Copenhagen – Đan Mạch cho thấy tỏi chứa một hợp chất lưu huỳnh có tác dụng:
– Làm giảm khả năng hoạt động của vi khuẩn.
– Gián đoạn hoạt động của 1 gen mà thông qua đó vi khuẩn liên kết với tế bào của cơ thể và gây bệnh.
Một số bài thuốc chữa viêm phế quản bằng tỏi:
– Mật ong và tỏi: Chuẩn bị mật ong và 200g tỏi. Tỏi bóc vỏ, cho vào lọ thủy tinh, đổ mật ong ngập tỏi. Ngâm khoảng 2 tuần, dùng 1 thìa nước kèm với 1 tép tỏi.
– Tỏi kết hợp với gừng tươi: Tỏi bóc vỏ, nghiền lấy nước. Gừng tươi giã nát. Đem trộn các thành phần với đường trắng. Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 2 thìa.
Tỏi kết hợp với gừng và mật ong giúp cải thiện triệu chứng viêm phế quản
5. Chữa viêm phế quản bằng lá hẹ
Theo Đông y, lá hẹ có vị cay, hơi chua, mùi hăng, tính ấm. Lá hẹ có một số công dụng như tiêu đờm, giải độc, hành khí,… Theo y học hiện đại, hoạt chất Odorin chứa trong lá hẹ có đặc tính như một chất kháng sinh có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn và chống tụ cầu. Chính vì vậy nên lá hẹ thường được dùng trong chữa viêm phế quản, trị ho, ho có đờm.
Các cách sử dụng lá hẹ:
– Lá hẹ hấp cách thủy với đường phèn: Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ, rửa sạch, cắt thành từng khúc 3 – 5cm, hấp cách thủy với đường phèn đến khi chín nhừ. Ăn cả nước và cái 2 – 3 lần/ngày.
– Kết hợp lá hẹ, chanh, nghệ tươi: Rửa sạch các nguyên liệu, cắt nhỏ thành miếng vừa phải, chanh thái lát. Hấp cách thủy các nguyên liệu với đường phèn trong 30 phút. Bài thuốc này rất thích hợp với trẻ nhỏ, cho trẻ uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Lá hẹ hấp đường phèn chữa viêm phế quản hiệu quả
6. Chữa viêm phế quản bằng gừng hiệu quả
Gừng từ lâu đã được biết đến như một vị thuốc quan trọng trong các bài thuốc chữa bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn. Gừng có tác dụng kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch, nên rất tốt đối với ống phế quản đang bị viêm nhiễm. Bạn có thể tham khảo các bài thuốc sử dụng gừng dưới đây:
– Gừng tươi kết hợp với mật ong: Chuẩn bị 500g gừng tươi rửa sạch, nghiền nhỏ, cho vào 1 túi sạch ép lấy nước. Đổ nước gừng vào nồi, thêm 200g mật ong, đun nhỏ lửa để cô đặc hỗn hợp thành cao. Bảo quản cao trong lọ để dùng dần.
– Hỗn hợp gừng tươi, rễ cây chè, mật ong: Cho 50g gừng tươi và 100g rễ cây chè vào nồi, thêm nước sắc một lúc. Lọc lấy nước sắc, thêm mật ong vào khuấy đều. Bảo quản trong lọ để dùng dần. Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 250 – 300ml.
7. Bài thuốc chữa viêm phế quản từ Hành tây
Theo các nghiên cứu, hành tây có tác dụng long đờm, loãng dịch nhầy trong phế quản, đồng thời có tác dụng chống viêm tốt.
Bạn có thể sử dụng nước ép hành tây hoặc chế biến thành các món ăn như xào, nộm… để khắc phục, giảm nhẹ các triệu chứng của viêm phế quản.
Có thể kết hợp hành tây với mật ong như sau:
– Chuẩn bị 6 củ hành tây, cắt làm đôi, cho thêm 1/2 bát mật ong vào để chưng cách thủy trong 2 giờ để lấy nước.
– Lọc bỏ bã, lấy nước để uống.
– Mỗi giờ uống 1-2 muỗng để cải thiện tình trạng bệnh.
8. Lá tía tô – Hỗ trợ viêm phế quản nhanh chóng
Tía tô không chỉ là gia vị ăn kèm trong các món rau sống, bún phở… mà nó còn hỗ trợ điều trị viêm phế quản cực tốt mà ít ai để ý đến.
Tía tô có tác dụng ức chế sự phát triển một số vi sinh vật gây bệnh như phế cầu, tụ cầu vàng…, đồng thời có tác dụng chống dị ứng.
Cách áp dụng chữa viêm phế quản: Sắc uống hàng ngày hoặc kết hợp lá tía tô, một chút gừng và cải xoong để sắc nước.
II. Những lưu ý khi áp dụng các mẹo dân gian
Thảo dược sử dụng trong các bài thuốc chữa viêm phế quản khá lành tính. Tuy nhiên, người dùng vẫn cần lưu ý tới những vấn đề sau:
– Chỉ nên áp dụng ở giai đoạn đầu của bệnh hoặc hỗ trợ cải thiện các triệu chứng trong các trường hợp mãn tính.
– Các biện pháp này không trị dứt điểm được nguyên nhân gây bệnh.
– Tùy thuộc vào cơ địa của từng người, hiệu quả của các bài thuốc sẽ khác nhau, do cần kiên trì sử dụng đều đặn và thường xuyên.
– Sau một thời gian dài sử dụng mà không thấy triệu chứng thuyên giảm, tốt nhất người bệnh nên đi khám để tìm ra phương pháp đặc trị hơn.
– Chọn nguyên liệu tươi, sạch, vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.
– Chú ý việc áp dụng các mẹo dân gian không thể tách rời việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hợp lý:
+ Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
+ Hạn chế ăn các gia vị cay nóng, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
+ Thường xuyên tập thể dụng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
+ Chăm sóc và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
– Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, người cao tuổi nên cân nhắc và nhận sự tư vấn cẩn thận trước khi áp dụng các bài thuốc dân gian.
Xem thêm: Chế độ ăn dành cho người bệnh viêm phế quản.
Khi áp dụng các mẹo dân gian, hiệu quả mang lại sẽ chậm hơn các thuốc tây y, nhưng đảm bảo về độ an toàn và hầu như không gây tác dụng phụ. Các nguyên liệu thường có sẵn, dễ kiếm và chi phí rẻ. Bởi vậy nên chữa viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian vẫn là giải pháp được nhiều người lựa chọn khi bị viêm phế quản.