Mối quan hệ giữa niêm mạc tử cung và mang thai
Độ dày niêm mạc tử cung ở mỗi người phụ nữ là khác nhau. Điều đó cũng ảnh hưởng một phần đến khả năng mang thai của người mẹ. Vậy mối quan hệ giữa niêm mạc tử cung và mang thai như thế nào? Điều kiện nào để tăng hiệu quả thụ thai. Hãy cùng các chuyên gia của chúng tôi giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây,
I. Tìm hiểu về niêm mạc tử cung
Niêm mạc tử cung còn được biết đến với tên gọi nội mạc tử cung, là lớp niêm mạc mềm bao phủ toàn bộ mặt trong của tử cung. Dưới tác dụng của các hormon sinh dục nữ, độ dày mỏng của niêm mạc tử cung thay đổi theo độ tuổi, chu kỳ kinh nguyệt và khi mang thai. Do vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai của phụ nữ.
1. Cấu tạo của niêm mạc tử cung
Bộ phận này gồm có 2 phần chính:
– Lớp nội mạc căn bản (lớp đáy) là lớp tế bào nằm phía sâu bên trong tử cung, bao gồm các tế bào mô đệm và mô trụ tuyến. Độ dày mỏng của lớp tế bào này không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt.
– Lớp nội mạc tuyến (lớp nông) thường chịu tác động mạnh khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt.
Cấu tạo tử cung của phụ nữ
2. Sự thay đổi của niêm mạc tử cung theo chu kỳ kinh nguyệt
Khi bé gái bước vào tuổi dậy thì, hormon nội tiết thay đổi dẫn đến niêm mạc tử cung cũng có sự biến đổi theo. Với từng giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt, độ dày của niêm mạc tử cung không giống nhau:
Giai đoạn 1: Giai đoạn đầu chu kỳ
Kéo dài từ sau khi rụng trứng đến khi bắt đầu hành kinh của chu kỳ tiếp theo. Ban đầu, do ảnh hưởng của sự thay đổi các Hormon trong cơ thể, làm cho lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra, chỉ còn một lớp mỏng các tế bào ở phần mô đệm mô ở đáy của các tuyến.
Sau đó, niêm mạc của tử cung sẽ lại dày lên, đồng thời các tuyến sẽ phát triển nhanh chóng. Kết thúc giai đoạn này, các tuyến ở tử cung sẽ tiết ra lớp nhầy (là kênh dẫn tinh trùng di chuyển vào tử cung). Lớp niêm mạc sẽ dày khoảng 3 – 4 mm.
Biểu đồ mô tả sự thay đổi của bề dày niêm mạc tử cung theo chu kỳ kinh nguyệt
Giai đoạn 2: Trước rụng trứng
– Giai đoạn này kéo dài khoảng 14 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh.
– Lúc này dưới tác dụng của các Hormon sinh dục, nội mạc tử cung dày lên nhanh chóng. Các tuyến và mạch máu phát triển nhanh và tiết ra các dịch nhầy nhiều hơn. Lúc này, niêm mạc tử cung sẽ dày khoảng 5 – 6 mm, và tiếp tục tăng lên đến khi hành kinh.
Giai đoạn 3: Những ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt
– Ở những ngày này, khi trứng chưa được thụ tinh, các hoàng thể bắt đầu thoái hóa. Lượng máu cung cấp cho lớp niêm mạc bị giảm, khiến chúng teo lại. Đây là thời điểm lớp niêm mạc tử cung dày nhất khoảng 12 – 15mm.
– Sau đó 1 – 2 ngày, nếu không có sự làm tổ của trứng thì toàn bộ lớp niêm mạc bong ra kéo theo dịch nhầy chứa máu. Hiện tượng này gọi là hiện tượng hành kinh, và thườn kéo dài trong 3 – 5 ngày tùy vào cơ thể mỗi người.
II. Mối liên quan giữa niêm mạc tử cung và mang thai
Độ dày của niêm mạc tử cung có mối liên hệ mật thiết đến khả năng mang thai thành công. Cụ thể là:
1. Niêm mạc tử cung mỏng
Niêm mạc tử cung bị mỏng ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh sản của phụ nữ.
Khi lớp niêm mạc này mỏng hơn 8mm, trứng khi đã được thụ tinh rất khó bám vào thành và làm tổ tại đó. Kể cả khi quá trình làm tổ được diễn ra thì phôi thai vẫn dễ dàng bị bong ra. Từ đó, gây sảy thai, thai bị chết lưu. Quá trình này thường xảy ra ở những tháng đầu tiên của thai kỳ.
Một số nguyên nhân dẫn đến niêm mạc tử cung mỏng như suy giảm hormon sinh dục, thiếu máu, phá thai nhiều lần, dính lòng tử cung,…
2.2 Niêm mạc tử cung dày
Khi lượng Hormon sinh dục quá dư thừa, làm lớp niêm mạc tử cung tăng sinh quá mức, từ đó dẫn đến việc lớp niêm mạc này quá dày, có thể lên đến 20mm.
Niêm mạc tử cung quá dày ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, có thể dẫn đến rong kinh, vô kinh,…Thậm chí, có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn phóng noãn, u đa nang buồng trứng,… ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mang thai.
III. Các cách cải thiện niêm mạc tử cung
Vậy khi niêm mạc tử cung không được ở điều kiện bình thường thuận lợi cho việc mang thai thì có cách nào để khắc phục không?
Tùy thuộc vào từng cá nhân khác nhau, độ dày mỏng của tử cung được xác định thông qua quá trình thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh. Khi phát hiện các vấn đề bất thường xảy ra nên có những biện pháp xử trí kịp thời. Bằng một số biện pháp thông thường, có thể cải thiện đồ dày mỏng của niêm mạc tử cung:
– Để tử cung nghỉ ngơi: Hạn chế sử dụng các thuốc kích trứng, để lớp niêm mạc được phục hồi nhanh chóng.
– Tập thể dục mỗi ngày: Các bài tập thể dục nhẹ như đi bộ, yoga,… hàng ngày sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, đặc biệt là tăng cường lượng máu đổ về tử cung, làm dày lớp niêm mạc tử cung. Đồng thời, tập thể dục cũng có tác dụng điều chỉnh và cân bằng lại lượng Hormon sinh dục trong cơ thể, từ đó hỗ trợ làm dày lại lớp niêm mạc.
Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày giúp cải thiện niêm mạc tử cung
– Bổ sung những loại thực phẩm có tác dụng tăng đọ dày niêm mạc tử cung:
+ Dùng những thực phẩm giàu Sắt: Đối với phụ nữ có niêm mạc tử cung mỏng, nên sử dụng thêm vào các bữa ăn những thực phẩm nhiều Sắt như củ cải đường, hạt bí đỏ, dâu tây, súp lơ xanh, cà chua, hạt tiêu,..
+ Thực phẩm giàu Vitamin E: Hỗ trợ làm dày thành tử cung, cải thiện niêm mạc tử cung.
+ Đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành cung cấp một lượng lớn Phytoestrogen, sử dụng cho những phụ nữ có niêm mạc tử cung mỏng.
+ Sữa ong chúa: Đây là một những thực phẩm quý và rất tốt cho những người có niêm mạc tử cung mỏng. Bởi trong sữa ong chúa giúp tăng cường estrogen ở phụ nữ. Theo khuyến cáo, nên sử dụng 1 – 2 thìa cà phê sữa ong chúa/ ngày.
– Vật lý trị liệu: Ngoài những biện pháp kể trên có thể sử dụng thêm các phương pháp vật lý trị liệu như bấm huyệt, châm cứu,… cũng giúp làm dày niêm mạc tử cung.
– Đối với những người có niêm mạc tử cung dày thì cần được các chuyên gia tư vấn và có các biện pháp điều trị phù hợp để cân bằng lại lượng hormon trong cơ thể.
Như vậy, khả năng mang thai của phụ nữ bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính chất dày mỏng của lớp niêm mạc tử cung. Do vậy, đối với phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản, cần có biện pháp thăm khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kết hợp với những biện pháp khác để tăng cường sức khỏe sinh sản.