Bệnh Alzheimer thường gặp ở người từ 65 tuổi trở lên
Các biểu hiện của bệnh Alzheimer khả điển hình nhưng thường bị bỏ qua ở giai đoạn đầu. Đa số người bệnh khi phát hiện ra đã vào giai đoạn cuối. Khi đó, nhiều neuron đã gần như bị tổn thương và thoái hóa, khiến khả năng hồi phục gần như là con số không. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thể nhận biết được bệnh Alzheimer qua những biểu hiện cảnh báo từ cơ thể.
I. Bệnh Alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer gây suy giảm trí nhớ, suy nghĩ và hành vi
Alzheimer là một bệnh lý không còn lạ lẫm trong đời sống hiện nay . Đặc điểm của bệnh là gây suy giảm trí nhớ thường gặp ở người cao tuổi, trong đó các tế bào thần kinh, synap trong cũng như một số vùng dưới vỏ não mất dần. Bệnh có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến trí tuệ, ngôn ngữ,…
Vè dịch tễ học của bệnh: Thông thường, tình trạng này hay gặp ở người từ 65 tuổi trở lên và tỉ lệ mắc tăng theo tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp từ 50 – 65 tuổi mắc bệnh đã được ghi nhận và ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở giới trẻ. Bệnh Alzheimer tạo thành gánh nặng không chỉ với bệnh nhân hay người thân trong gia đình mà còn với cả đời sống xã hội.
II. Các biểu hiện báo hiệu bệnh Alzheimer
Nhận biết bệnh Alzheimer
Theo hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ có 10 dấu hiệu sau cảnh báo bệnh Alzheimer bao gồm:
1. Mất trí nhớ gần
Biểu hiện hay quên là một dấu hiệu khởi đầu của bệnh mất trí nhớ. Theo thời gian bệnh nhân ngày càng quên nhiều hơn và đến thời điểm sẽ hoàn toàn không nhớ được gì sau đó.
2. Khó khăn khi thực hiện các hoạt động quen thuộc
Người bệnh Alzheimer có thể gây nguy hiểm khi lái xe
Người bệnh thường có xu hướng không còn thuần thục trong việc hoạch định hay hoàn thành các công việc thường ngày vẫn làm. Đặc trưng của dấu hiệu này như là bỏ sót một số công đoạn, ví dụ nấu ăn không thêm gia vị, gọi điện nhưng không ấn số,…
3. Gặp trở ngại về ngôn ngữ
Bệnh nhân Alzheimer có thể quên cách sử dụng các từ ngữ đơn giản mà thay thế bằng các từ ngữ không phổ thông, do đó, văn nói, cách diễn đạt của họ thường khó hiểu. Chẳng hạn khi muốn tìm cái thìa, họ sẽ hỏi “cái đồ dùng để đưa thức ăn vào miệng”.
4. Mất định hướng về không gian và thời gian
Họ có thể đi lạc kể cả khi đang ở trong khu vực quen thuộc với mình, không biết đang ở địa điểm nào, tại sao lại đến được đó và làm cách nào để trở về nhà.
5. Khả năng đánh giá và nhận xét suy giảm
Người mắc bệnh sa sút trí tuệ thường ăn mặc không phù hợp, có thể mặc ít áo mùa đông hay nhiều áo mùa hè. Khả năng phán đoán về tiền bạc cũng hạn chế như họ có thể đưa tiền cho người khác mà không quen biết hay khi mua bán không biết nên trả tiền mệnh giá như thế nào.
6. Có vấn đề về tư duy
Người bị bệnh thường gặp khó khăn trong thực hiện các công việc trí óc phức tạp, như quên cách tính toán các con số hay sử dụng các loại thiết bị chuyên dụng,…
7. Quên chỗ để đồ vật
Họ thường để đồ vật ở những nơi không đúng với các bố trí thường ngày: Để chìa khóa trong ngăn đá tủ lạnh, để đồng hồ đeo tay trong lọ đựng muối,…
8. Thay đổi cá tính
Người bệnh thường thay đổi tính tình đột ngột. Đột nhiên họ trở nên đa nghi, sợ hãi, khóc hay lệ thuộc vào một người nào đó.
9. Tính khí thất thường
Tánh tình bệnh nhân Alzheimer thường biến đổi nhanh chóng, có thể từ cười đùa, vui vẻ đến giận dữ mà không biết lý do vì sao.
10. Mất tính chủ động
Họ trở nên thụ động, thậm chí ngồi nhiều giờ trước gương, ngủ nhiều hơn hay không có cảm hứng để thực hiện các công việc khác.
Bệnh Alzheimer trở thành bức tường ngăn cách người bệnh với xã hội
III. Các giai đoạn của bệnh Alzheimer
Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau:
1. Giai đoạn chưa xuất hiện triệu chứng mất trí nhớ
Trước khi bị mất trí nhớ hoàn toàn thì ở giai đoạn đầu người bệnh Alzheimer thường có biểu hiện là suy giảm trí não, hay quên…
– Hay quên các sự việc đã diễn ra trong thời gian gần và gần như không nhớ những thông tin mới vừa tiếp nhận.
– Mất tập trung, thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
– Khả năng sắp xếp công việc và trí tuệ giảm.
– Giảm nhận thức nhẹ.
Hay quên là một dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer
2. Giai đoạn nhẹ
Bước vào giai đoạn này, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như:
– Ngày càng hay quên mọi thứ và tư duy học hỏi giảm.
– Trên một số người bệnh, hoạt động ngôn ngữ bắt đầu giảm như khả năng dùng từ, nói năng lưu loát chậm hơn,…
– Quên một số sự kiện xảy ra ở quá khứ như không biết cách sử dụng vật dụng trong nhà,…
– Có dấu hiệu gặp khó khăn trong việc phối hợp các hoạt động với nhau.
3. Giai đoạn khá nặng
– Khả năng thực hiện vận động, sinh hoạt hằng ngày mất dần.
– Biểu hiện rõ hơn thông qua ngôn ngữ như không nhớ được từ vựng, khó khăn trong diễn tả thứ mình muốn, kỹ năng đọc viết kém,…
– Khả năng phối hợp các hoạt động giảm rõ, đặc biệt các thao tác phức tạp.
– Giảm trí nhớ nghiêm trọng, thậm chí không còn nhớ người thân trong gia đình.
– Thay đổi hành vi, nhận thức: Tính tình thay đổi, không chịu tiếp nhận sự chăm sóc của người khác, không nhớ đường về nhà,…
– Tâm trạng nặng nề lúc hoàng hôn buông xuống có thể xuất hiện.
– Ảo giác cũng được ghi nhận ở một số người bệnh.
Bệnh nhân Alzheimer không nhớ tên người thân
4. Giai đoạn nặng
– Mất hoàn toàn khả năng tự chăm sóc bản thân, phải phụ thuộc vào người khác. Và lúc này có thể người bệnh sẽ trở thành ”gánh nặng”, thường xuyên cần người chăm sóc ở bên.
– Kỹ năng nói viết giảm, chỉ có khả năng diễn tả bằng cụm từ đơn giản hay từ đơn, cuối cùng là mất hoàn toàn.
– Cảm thấy mệt mỏi và vô cảm.
– Các khối cơ thoái hóa làm cho người bệnh không vận động được.
– Bệnh Alzheimer gây tử vong do nhiễm trùng vết thương, suy dinh dưỡng, viêm phổi,…
IV. Cách phát hiện sớm bệnh Alzheimer
Trên thực tế, giai đoạn sớm của bệnh thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Vậy để chẩn đoán, kiểm tra xem một người nào đó có bị mắc bệnh Alzheimer không thì dùng cách nào?
Trên lâm sàng để khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer thường sử dụng bộ câu hỏi sau đây:
1. Đây đang là năm bao nhiêu?
– Trả lời đúng: 0 điểm.
– Trả lời sai: 4 điểm.
2. Hiện đang là tháng mấy?
– Trả lời đúng: 0 điểm.
– Trả lời sai: 3 điểm.
3. Không xem đồng hồ, hãy nói ra giờ gần nhất với giờ trước đó là mấy giờ?
– Trả lời đúng: 0 điểm.
– Trả lời sai: 3 điểm.
4. Đếm ngược từ số 20 đến 1.
– Trả lời đúng: 0 điểm.
– Trả lời sai 1 số: 2 điểm.
– Trả lời sai từ 2 số trở lên: 4 điểm.
5. Đọc các tháng, năm theo thứ tự ngược lại
– Trả lời đúng: 0 điểm.
– Trả lời sai 1 lỗi: 2 điểm.
– Trả lời sai từ 2 lỗi trở lên: 4 điểm.
6. Nói tên và địa chỉ nào đó, sau đó yêu cầu họ nói lại?
(Ví dụ: Nguyễn Văn Hà, 56 tuổi, địa chỉ số nhà 76, đường Nguyễn Trãi, Hà Đông)
– Trả lời chính xác: 0 điểm.
– Trả lời chưa đúng 1 lỗi: 2 điểm.
– Trả lời chưa đúng 2 lỗi: 4 điểm.
– Trả lời chưa đúng 3 lỗi: 6 điểm.
– Trả lời chưa đúng 4 lỗi: 8 điểm.
– Trả lời chưa đúng tất cả: 10 điểm.
Cách tính điểm và kết quả:
– Từ 0 đến 7 điểm: Não bộ hoạt động bình thường.
– Từ 8 đến 9 điểm: Có biểu hiện của bệnh Alzheimer, cần tới gặp bác sĩ để thăm khám và tư vấn phù hợp.
– Từ 10 đến 28 điểm: Khả năng cao đã mắc bệnh, cần được điều trị kịp thời.
V. Người bệnh Alzheimer sống được bao lâu?
Tình trạng của bệnh tiến triển nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào từng người. Trung bình, người bệnh có thể sống được khoảng 8 đến 10 năm kể từ thời điểm mắc bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp tuổi thọ có thể kéo dài hơn nếu được điều trị sớm và đúng cách.
VI. Bệnh Alzheimer chữa được không?
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này, do đó, việc khỏi bệnh hoàn toàn không thể xảy ra. Trên thực tế, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc chủ yếu kìm hãm sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã được tiến hành cho thấy không cần phải sử dụng đến thuốc cũng có thể giúp cải thiện nhận thức của người bệnh.
Hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị triệt để bệnh Alzheimer
Có tầm 25% con người trên thế giới sinh ra mang bản sao của loại gen gọi là APOE4. Đó là những người có khả năng phát triển bệnh Alzheimer cao hơn. Khoảng 2 – 3% người dân có 2 bản sao loại gen này nhận từ cả mẹ và bố. Điều đó làm cho nguy cơ bị bệnh của họ cực kỳ cao.
Thói quen tập thể dục, ăn uống và tiếp xúc ngoài xã hội đã được chứng minh có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Nhưng đối với các trường hợp mang các yếu tố di truyền thì không mang lại kết quả như mong muốn.
Nói tóm lại, nền y học hiện nay chưa tìm ra phương pháp điều trị tận gốc căn bệnh sa sút trí tuệ này, do đó, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách rất quan trọng. Từ đó có thể kiểm soát bệnh tốt nhất, ngăn ngừa sa sút trí tuệ nặng xảy ra.