Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho người bị nhồi máu cơ tim

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

chế độ dinh dưỡng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim nên ăn gì? Kiêng gì?

Sau khi trải qua biến cố với một cơn nhồi máu cơ tim, thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là việc vô cùng cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị, giúp giảm nguy cơ tái phát cơn đau tim trong tương lai và ngăn ngừa các biến chứng. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu chế độ sinh hoạt khoa học và hợp lý của người bị nhồi máu cơ tim qua bài viết dưới đây.

Thực phẩm từ nguồn gốc thực vật luôn được các chuyên gia khuyên dùng, đặc biệt với những người đang có vấn đề với tim mạch. Theo Viện y tế Đại học Maryland, ngoài việc bổ sung Vitamin và khoáng chất, các loại rau và trái cây còn chứa ít Calo và chất xơ giúp làm giảm Cholesterol. Có 2 loại chất xơ là chất xơ hòa tan và không hòa tan.

– Chất xơ hòa tan làm giảm hấp thu chất béo và giảm nồng độ Cholesterol trong máu. Chúng thường có mặt trong trong các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, hoa quả họ cam quýt, dâu tây, táo,… Bên cạnh đó, loại chất xơ này giúp ổn định đường huyết, giúp người đái tháo đường giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

– Chất xơ không hòa tan giúp bạn cảm thấy nhanh no, từ đó giúp giảm tình trạng thừa cân, béo phì. Loại chất xơ này hầu hết được tìm thấy trong ngũ cốc, trái cây, các loại rau củ như bắp cải, củ cải, cà rốt, súp lơ,…

Nhồi máu cơ tim nên ăn trái cây, rau xanh

Nên bổ sung các loại trái cây, rau xanh đặc biệt ở người mắc bệnh tim mạch

Lượng chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày của người mắc bệnh tim mạch chỉ nên chiếm 20 – 30% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo, đặc biệt chất béo có nguồn gốc từ động vật sẽ làm tăng nồng độ Cholesterol máu. Từ đó dẫn đến tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khiến lòng mạch vốn hẹp do xơ vữa dễ dàng bít tắc dẫn đến nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chất béo đều có hại cho sức khỏe, hãy sử dụng chất béo một cách chọn lọc. Khi chế biến các món ăn, hãy ưu tiên chọn các loại dầu có hàm lượng cao chất béo không bão hòa (dầu oliu, dầu lạc, dầu đậu tương, dầu hướng dương,…).

Đây là lời khuyên hữu ích nhất cho câu hỏi “nhồi máu cơ tim nên ăn gì?” Hãy cân bằng chế độ ăn của bạn bằng việc sử dụng đa dạng các loại thực phẩm giàu Protein với thịt nạc, cá, nguồn thực vật giàu Protein.

Nhồi máu cơ tim nên bổ sung thực phẩm giàu protein

Người bị nhồi máu cơ tim nên bổ sung đa dạng thực phẩm giàu Protein

Người bị bệnh tim mạch nên uống nước tùy theo nhu cầu cơ thể, chỉ uống nước khi thấy khát. Bệnh ở mức độ nhẹ thì việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Với những trường hợp suy tim nặng, nên duy trì uống khoảng 1L nước mỗi ngày. Nếu uống quá ít nước cũng gây nguy hiểm bởi có thể diễn ra tình trạng tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt.

Sữa là một trong các nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cân bằng và lành mạnh, phù hợp với những người mắc bệnh tim mạch. Protein trong sữa có giá trị sinh học cao, chứa nhiều Acid amin cần thiết cho cơ thể. Một số sản phẩm từ sữa bổ sung các Acid béo, Omega 3, Omega 6 giúp làm giảm lượng Cholesterol xấu trong cơ thể, phòng ngừa xơ vữa động mạch, tốt cho tim mạch và huyết áp.

Nhồi máu cơ tim nên uống sữa không đường

Sữa tươi không đường là sự lựa chọn hoàn hảo cho người mắc bệnh tim mạch

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cần hạn chế chất béo trans và chất béo bão hòa đến mức tối đa. Bởi chính loại “chất béo xấu” này là nguyên nhân gây nên những mảng xơ vữa. Vì vậy nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này sẽ làm giảm nguy cơ tái phát bệnh rất nhiều. Một số loại thực phẩm chứa chất béo trans và chất béo bão hòa như bắp rang bơ, bơ thực vật, thịt đóng hộp, da gà, đồ chiên rán nhiều lần, thịt đỏ,…

Người bệnh sau cơn đau tim không được dùng quá 300mg Cholesterol/ngày. Hàm lượng Cholesterol đặc biệt cao ở các loại thực phẩm như trứng, sữa, bơ, pho mát, thịt, nội tạng như gan.

Nhồi máu cơ tim kiêng thực phẩm giàu cholesterol

Người bị nhồi máu cơ tim nên hạn chế sử dụng thực phẩm giàu Cholesterol

Ăn nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp dẫn đến tổn thương mạch máu. Từ đó làm tăng nguy cơ đau tim, bệnh mạch vành, thậm chí có thể đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người mỗi ngày nên ăn ít hơn 2300mg Natri (muối) và khi có yếu tố nguy cơ khác kèm theo thì nên hạn chế thấp hơn mức 1500mg Natri.

Các thực phẩm cần hạn chế bao gồm khoai tây chiên, bánh quy, các loại hạt thêm muối và thực phẩm chế biến có mức Natri cao. Sau khi bị cơn đau tim, người bệnh nên giảm sử dụng đường để tránh tăng cân và rối loạn đường huyết. Nên hạn chế các món tráng miệng, bánh kẹo nhiều đường, nước ngọt.

Hút thuốc lá là việc cần tránh đầu tiên khi bị mắc bệnh tim mạch. Theo các nghiên cứu hiện đại, khói thuốc ảnh hưởng rất xấu tới huyết áp, làm tăng nguy cơ hình thành vữa xơ động mạch, thúc đẩy hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim,… Với nhóm đối tượng nguy cơ cũng nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên người bệnh nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê. Tuy nhiên, không có nghĩa là cắt giảm hoàn toàn đồ uống có cồn. Mỗi ngày phụ nữ uống 1 ly rượu vang, nam giới là 2 ly thì rất tốt cho tim mạch.

Nhồi máu cơ tim kiêng thuốc lá

Người mắc bệnh tim mạch cần tuyệt đối kiêng kỵ thuốc lá

 

Hoạt động thể lực giúp mạch máu trở nên dẻo dai, đàn hồi, giúp cho việc đưa máu về tim diễn ra nhanh chóng và đều đặn, hiệu quả đẩy máu tới các cơ quan quan trọng như não, phổi, tim, gan,…

Tuy nhiên, khi luyện tập thể thao cần lưu ý những điểm sau:

– Tập vừa sức bản thân, vừa sức với hệ tim mạch. Nghĩa là khi thấy mệt, khó thở hoặc đau ngực thì dừng lại.

– Không nên tập quá ít, cường độ tập quá nhẹ. Người bệnh có thể sử dụng đồng hồ đếm mạch để kiểm soát cường độ tập luyện. Với người 40 tuổi, tập đến khi đồng hồ tim mạch lên tới 120 lần/phút là vừa sức, người 50 tuổi tập đến 110 lần/phút, người 60 tuổi tập đến 100 lần/phút. Đối với người trên 60 tuổi có thể đếm mạch trước khi tập, không sợ bị quá sức. Tập dưới mức đó thì không mang lại nhiều lợi ích.

– Tập thể dục đều đặn: Tốt nhất là nên tập hằng ngày, hoặc 3 – 4 lần/tuần, mỗi lần 30 – 40 phút.

Bên cạnh đó, một số môn thể thao khuyến khích người mắc bệnh tim mạch luyện tập thường xuyên như đi bộ, bơi nhẹ nhàng, bóng bàn, cầu lông,…

– Ngủ đủ giấc và sâu sẽ giúp quá trình phòng và điều trị bệnh mang lại hiệu quả tốt. Một giấc ngủ sâu giúp các tế bào được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Duy trì giấc ngủ hợp lý với giờ giấc cụ thể hàng ngày rất quan trọng với người bệnh hoặc người thuộc nhóm nguy cơ cao.

– Nên cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Khi làm việc quá nhiều, suy nghĩ căng thẳng thường xuyên, không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sẽ khiến bệnh tim mạch có nguy cơ tiến triển mạnh mẽ hơn.

Nhồi máu cơ tim nên ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc và sâu sẽ giúp phòng và điều trị bệnh hiệu quả

Bên cạnh việc can thiệp y tế thì chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hồi phục và phòng ngừa tái phát bệnh. Sau khi đọc bài viết này, chắc hẳn bạn đã tự trả lời được câu hỏi “nhồi máu cơ tim nên làm gì và không nên làm gì?”. Bạn hãy tự xây dựng bữa ăn hợp lý và chế độ sinh hoạt điều độ để giúp nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình một cách hiệu quả nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *