Phân biệt sốt Virus và sốt xuất huyết như thế nào?

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Phân biệt giữa sốt Virus và sốt xuất huyết 

Sốt Virus (sốt siêu vi) và sốt xuất huyết là hai bệnh thường gặp nhất vào những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi. Về bản chất cả hai đều do Virus gây bệnh. Tuy nhiên, mỗi bệnh đều có những đặc tính riêng, không phải ai cũng phân biệt được. Hai bệnh này khác biệt ra sao? Bị sốt bao lâu thì khỏi? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm nhiều thông tin bổ ích.

1. Tổng quan sốt Virus

Sốt Virus là bệnh thường gặp khi trời chuyển giao mùa, nắng mưa thay đổi. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại Virus gây bệnh. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ nhỏ bởi sức đề kháng còn yếu, khi gặp các tác nhân lạ sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Tỷ lệ trẻ nhập viện vì sốt Virus trong thời điểm này phát triển mạnh, kèm theo các bệnh chứng khác như viêm đường hô hấp, viêm tai mũi họng.

1.1 Nguyên nhân sốt Virus

Sốt Virus do nhiều chủng Virus khác nhau gây bệnh, ví dụ như Enterovirus, Coronavirus,… Đường lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp thông qua giao tiếp, thực phẩm hoặc nước uống. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Virus khu trú tại một cơ quan, sau đó nhiễm vào máu hoặc các hạch bạch huyết để lan sang cơ quan khác. Tại thời điểm Virus sinh sản, tăng mạnh về số lượng sẽ biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, điển hình là sốt.

Nhiều chủng Virus khác nhau là nguyên nhân gây bệnh sốt Virus

Nhiều chủng Virus khác nhau là nguyên nhân gây bệnh sốt Virus

1.2 Triệu chứng sốt Virus

Sau thời gian ủ bệnh, chưa biểu hiện rõ triệu chứng bệnh. Khi chuyển sang giai đoạn tiên phát, dấu hiệu bệnh mới cụ thể, điển hình:

– Người bệnh mệt mỏi, khó chịu, cơ bắp đau nhức.

– Khởi phát các cơn sốt từ nhẹ đến cao (38 – 39 độ C hoặc 40 – 41 độ C). Đặc điểm sốt là từng đợt hoặc liên tục. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê, co giật.

– Viêm hầu họng, ho khan, ho đờm, chảy nước mũi, nghẹt mũi.

– Đau đầu, mắt đỏ.

– Tuyến hạch bạch huyết có thể bị sưng, đỏ.

Lưu ý, khi các triệu chứng trở nên nặng hơn, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để có sự can thiệp kịp thời của bác sĩ.

– Sốt cao kéo dài, không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt vật lý như chườm nóng.

– Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy do tự ý sử dụng kháng sinh.

– Viêm phổi, sưng khớp, vàng da.

– Phân đen lẫn máu.

– Chân tay run rẩy, thỉnh thoảng giật mình, có biểu hiện lên cơn co giật.

1.3 Sốt Virus có nguy hiểm không?

Sốt Virus gây nguy hiểm nếu không biết cách xử trí đúng và không điều trị kịp thời khi bệnh chuyển biến nặng hơn.

Khi gặp các dấu hiệu của viêm, sốt, nhiều người đã sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bản chất bệnh do Virus gây ra, mà kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn nên dùng kháng sinh không có hiệu quả. Khi tự ý dùng kháng sinh dễ gây trở ngại cho chẩn đoán và điều trị. Nhiều trẻ em bị tiêu chảy kéo dài do tác dụng phụ của thuốc, nhập viên trong tình trạng mất nước, cơ thể suy nhược. Hoặc khi thấy trẻ lên cơn sốt cao, nhiều phụ huynh đã dùng thuốc hạ sốt quá liều, đặc biệt Paracetamol làm ảnh hưởng tới chức năng gan, ngộ độc gan, thậm chí là tử vong khi dùng liều cao.

Tự ý dùng kháng sinh để điều trị sốt Virus cho trẻ nhỏ dễ gặp tác dụng phụ

Tự ý dùng kháng sinh để điều trị sốt Virus cho trẻ nhỏ dễ gặp tác dụng phụ

Một yếu tố nguy hiểm nữa đó là việc tự ý truyền dịch tại nhà mà không có sự giám sát của nhân viên y tế. Điều này là mối nguy cơ gây tai biến cao, trường hợp xấu có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi bị sốt virus, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện, phòng khám uy tín để được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ lây lan, bùng phát thành dịch. Hoặc bệnh nhân sẽ dễ gặp biến chứng viêm phế quản, co giật, suy hô hấp, thiếu máu lên não, gây di chứng nặng nề.

1.4 Cách xử trí sốt Virus

Sốt Virus chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, tập trung điều trị triệu chứng như hạ sốt, thông mũi họng, chống viêm, bù nước và nghỉ ngơi.

Nếu trẻ sốt cao, có dấu hiệu lên cơn co giật thì chuyển ngay đến cơ sở y tế để được áp dụng các biện pháp chống co giật và tránh rủi ro.

Thường xuyên vệ sinh hầu, họng, mũi để phòng chống nguy cơ bội nhiễm do viêm họng có thể di chứng sang viêm màng não, khi đó bệnh sẽ khó chữa và hậu quả sẽ nguy hiểm hơn.

Lưu ý, hạn chế tiếp xúc với nhiều người để phòng ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng.

Hạn chế tiếp xúc với người đang bị sốt Virus

Hạn chế tiếp xúc với người đang bị sốt Virus

2. Tổng quan sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt Dengue – do muỗi truyền Virus gây bệnh, gặp phổ biến ở người. Những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có tới 50 – 100 triệu người bị bệnh và có xu hướng nhiễm nhiều loại Virus khác nhau.

2.1 Nguyên nhân sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết do Virus Dengue gây ra. Virus này được muỗi Aedes aegypti truyền từ người này sang người khác trong khu vực đang lưu hành bệnh.

Loài Aedes aegypti thường được gọi là muỗi vằn do có những đốm trắng trên thân và chân. Nơi sống của muỗi vằn là các góc tối trong nhà, gầm giường, tủ quần áo, bụi cây, các dụng cụ chứa nước. Loài này hoạt động chủ yếu vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới có khả năng đốt người và truyền bệnh. Muỗi Aedes đẻ trứng ở các vùng nước động, sinh trưởng mạnh nhất vào mùa mưa và nhiệt độ cao.

Muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Đường lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết:

– Do muỗi vằn đốt: Sau khi muỗi hút máu người bị bệnh, sẽ mang Virus truyền sang cho người khỏe mạnh.

– Lây qua đường máu: Truyền máu của người mang bệnh sang cho người lành hoặc dùng chung bơm kim tiêm.

2.2 Triệu chứng sốt xuất huyết

Dấu hiệu sớm của bệnh thường đột ngột, gồm:

– Sốt cao 30 – 40 độ C.

– Người mệt mỏi.

– Nhức đầu.

– Đau sau hốc mắt.

– Đau nhức cơ bắp, đau thắt lưng.

– Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

Giai đoạn toàn phát:

– Chảy máu dưới da tự phát hoặc sau khi tiêm.

– Giảm tiểu cầu, tính thấm mao mạch tăng, thoát huyết tương, gây đông đặc máu.

– Trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, ấn gan đau, tràn dịch màng phổi, giảm Protein máu.

Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết ở trẻ em:

– Triệu chứng nổi bật là đau họng, đau bụng.

– Có thể hạ sốt từ ngày thứ 3 – ngày thứ 8.

– Xuất huyết dưới da thể nhẹ dạng nổi sẩn hình thái đa dạng. Ban đầu xuất hiện ở thân mình, sau đó lan ra theo hướng ly tâm đến các bộ phận khác.

– Có chảy máu cam, chảy máu chân răng.

2.3 Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và Vacxin phòng bệnh. Đồng thời, diễn biến bệnh còn phức tạp. Đặc biệt, khi bệnh nhân lên cơn sốt cao, hôn mê, … nguy cơ cao dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

– Khi xuất huyết ồ ạt, dẫn đến thiếu máu nuôi cơ tim. Đồng thời, số lượng tiểu cầu giảm mạnh, làm máu đông đặc, dịch ứ đọng, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống tuần hoàn.

– Thận đảm nhiệm công việc đào thải huyết tương qua nước tiểu. Khi thận làm hết công suất sẽ dẫn đến suy thận cấp tính.

– Xuất huyết số lượng lớn còn có thể gây sốc do mất máu.

– Bộ não là chỉ huy mọi hoạt động sống của cơ thể. Trường hợp xuất huyết não là mối nguy hiểm nhất trong các  biến chứng của sốt xuất huyết, bởi dễ dẫn đến tử vong.

– Ngoài ra, còn có thể xảy ra tràn dịch màng phổi, hôn mê sâu, sinh non, sảy thai ở phụ nữ có thai.

Sốt xuất huyết dẫn đến những biến chứng khó lường. Do vậy, cần có những biện pháp xử trí kịp thời và phương pháp điều trị hợp lý.

Sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

2.4 Cách xử trí sốt xuất huyết

Nguyên tắc chung khi xử lý sốt xuất huyết là điều trị triệu chứng và hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Trong đó, cần chú ý:

– Để bệnh nhân nghỉ ngơi tại chỗ.

– Giảm sốt bằng cách chườm nước ấm lên trán, nách, bẹn. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt. Loại thông dụng là Paracetamol, không sử dụng Ibuprofen và Aspirin. Tuy nhiên, không được lạm dụng thuốc hạ sốt.

– Bù dịch bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch đối với trường hợp nặng. Uống Oresol dạng bột hoặc dạng pha sẵn để bù nước và điện giải.

– Ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu.

– Bổ sung Vitamin C để tăng bền vững thành mạch, giảm thoát huyết tương, đồng thời tăng sức đề kháng.

– Theo dõi tình hình bệnh nhân. Nếu vẫn sốt cao, bắt đầu chảy máu chân răng hoặc đi ngoài phân đen, … thì chuyển người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ cụ thể hơn.
Xử trí khi bị sốt xuất huyết

Xử trí khi bị sốt xuất huyết

3. Phân biệt sốt Virus và sốt xuất huyết như thế nào?

Nhìn vào bảng dưới đây ta có thể phân biệt được điểm giống và khác nhau giữa sốt xuất huyết và sốt Virus thông thường: 

Điểm khác biệt giữa sốt virus và sốt xuất huyết

Điểm khác biệt giữa sốt virus và sốt xuất huyết

Như vậy, sốt Virus và sốt xuất huyết đều có một số đặc điểm chung về triệu chứng ban đầu và cách xử trí. Có thể thực hiện các biện pháp xử trí như hạ sốt, bù nước và điện giải. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác là sốt Virus hay sốt xuất huyết thì hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để gặp bác sĩ chuyên khoa và được hướng dẫn chăm sóc chi tiết, điều trị kịp thời, giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.

Chúng tôi mong rằng, qua bài viết trên, bạn đọc sẽ có được những thông tin cơ bản nhất về sốt virus và sốt xuất huyết, tránh nguy cơ nhầm lẫn để điều trị đúng cách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *