Thai nhi 36 tuần tuổi – Những điều mẹ nên biết?
Thai nhi tuần 36 (hay tuần thứ 34 sau thụ tinh) là giai đoạn sắp đến thời điểm chuyển dạ, do đó, rất nhiều bà bầu quan tâm cân nặng của thai nhi xem con có phát triển bình thường không? Đồng thời các hiện tượng xảy ra trong thời kỳ này như ra nhiều dịch nhầy âm đạo, tiểu nhiều, đau vùng xương chậu,… Để giải đáp thắc mắc này, các chuyên gia của chúng tôi sẽ trực tiếp tham vấn y khoa cho các bà mẹ qua bài viết dưới đây.
I. Tổng quan về sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi
Ở thời điểm tuần thai thứ 36, sẽ chỉ còn khoảng 4 tuần nữa cho đến khi mẹ sẽ đón bé chào đời. Qua hình ảnh siêu âm có thể quan sát thấy hình hài con đã giống như trẻ sơ sinh hơn, nhìn thấy khuôn mặt con khá rõ với đôi chân nhỏ nhắn và làn da mịn màng. Kích thước của thai nhi ngày càng lớn, làm cho khoảng trống trong túi ối dần được lấp đầy. Với khoảng không gian chật hẹp này đã làm hạn chế bé chuyển động hơn so với trước đây, tuy vậy mẹ vẫn có thể cảm nhận được những ngọ nguậy, cuộn mình của con.
Hình ảnh siêu âm của thai nhi tuần 36
Trong giai đoạn này, người mẹ thường cảm thấy dễ thở hơn đôi chút do em bé bắt đầu tụt dần xuống xương chậu. Các mẹ cần có kiến thức để nhận biết những cơn co thắt tử cung báo hiệu chuyển dạ thực sự hay chỉ là cơn gò sinh lý bình thường. Từ thời điểm này đến lúc sinh, mẹ nên đến khám thai ít nhất một lần mỗi tuần và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đón con chào đời.
II. Sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi diễn ra như thế nào?
Ở thời điểm này thai nhi đã phát triển gần như toàn diện với những đặc điểm như:
1. Cân nặng, chiều cao của thai nhi tuần thứ 36
Thai nhi nặng khoảng 2622g và chiều dài khoảng 47,2cm tính từ đầu tới gót chân, kích cỡ tương đương một cây cải thảo. Mỗi ngày, trung bình bé sẽ tăng thêm khoảng 28g.
2. Tăng trưởng của thai nhi
Đối với phần lớn phụ nữ mang thai, tuần thai nhi thứ 36 được xem là giai đoạn cuối chu kỳ phôi thai. Đây cũng chính là thời gian em bé tăng trưởng chậm lại, dường như thai nhi đã sẵn sàng cho việc chào đời. Bé nằm yên để tích trữ năng lượng, hạn chế vận động chuẩn bị cho quá trình vượt cạn sắp tới.
3. Phát triển thính giác
Khi thai nhi được 30 tuần tuổi, các thụ quan thính giác đã phát triển. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thai nhi trong 10 tuần cuối thai kỳ đã có thể lắng nghe được tiếng nói của mẹ.
Như Patricia Kuhl – Một thành viên thuộc hội đồng Nobel kiêm đồng tác giả nghiên cứu, giám đốc Viện Khoa học Não bộ và Tiếng nói, Đại học Washington cho biết: Người mẹ là người có ảnh hưởng đầu tiên đến não bộ của một đứa trẻ. Giọng nói của người mẹ là những âm thanh to nhất mà các thai nhi cảm nhận được.
Thai giáo bằng âm thanh cho thai nhi
Thai giáo âm thanh đúng cách tạo điều kiện cho trẻ phát triển thính giác, tăng chỉ số IQ và gắn kết sự yêu thương giữa bố mẹ với thai nhi. Do vậy, hoạt động này nên được tiến hành từ tuần thứ 24 của thai kỳ, đây chính là giai đoạn mà hệ thống truyền âm thanh của trẻ đã phát triển đầy đủ.
4. Phát triển hộp sọ và xương toàn thân
Tại thời điểm này, các xương đỉnh đầu của em bé chưa khép hết. Điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ não bộ của trẻ trước áp suất bên ngoài khi chui đầu ra khỏi cơ thể mẹ qua kênh sinh nở trong trường hợp mẹ sinh thường. Nếu các khoảng hở đàn hồi không được tạo ra thì bé sẽ bị đau khi chui ra, đồng thời có nguy cơ xuất hiện chảy máu vùng mắt, màng xương và não.
Thóp ở trẻ sơ sinh
Bên cạnh đó, hầu hết sụn và xương của bé còn khá mềm để giúp cho quá trình lâm bồn diễn ra dễ dàng hơn. Xương toàn thân và sọ thần kinh của thai nhi sẽ dần cứng lại trong một vài năm sau sinh.
5. Phát triển hệ tiêu hóa
Nhiều cơ quan của cơ thể con đã khá trưởng thành ở giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng cho việc chào đời như hệ thống miễn dịch, hệ tuần hoàn máu,… Tuy nhiên, đối với hệ tiêu hóa vẫn cần thêm một khoảng thời gian nữa mới được hoàn thiện. Do trong tử cung, thai nhi chỉ nhận dinh dưỡng từ người mẹ dựa vào dây rốn, điều này có nghĩa hệ tiêu hóa chưa thể hoạt động mặc dù đã được hình thành trước đó. Cần mất 1 – 2 năm đầu đời để chức năng hệ tiêu hóa được hoàn thiện để hoạt động như bình thường.
III. Những triệu chứng thường xuất hiện ở người mang thai tuần 36?
Cơ thể bà bầu sẽ có những thay đổi như thế nào trong giai đoạn này?
1. Cảm nhận thai nhi cử động ít hơn
Em bé tuần 36 đã bắt đầu di chuyển xuống vùng chậu của mẹ. Đây là khoảng không gian chật chội, do đó, chuyển động của bé cũng ít hơn. Tuy bé không đạp bụng mẹ nhiều như những tuần trước đó nhưng thai phụ vẫn có thể cảm nhận thấy sự vận động của thai nhi qua động đậy dù rất nhẹ nhàng.
2. Rối loạn tiêu hóa (ợ nóng, đầy hơi, khó tiêu)
Ợ nóng là triệu chứng có thể gặp ở bất cứ thời điểm nào của quá trình mang thai, nhưng phần lớn có xu hướng xuất hiện nhiều vào khoảng nửa sau của thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra ở mẹ bầu là do:
– Hormone Progesterone làm giãn van dạ dày.
– Thai nhi to tác động lên dạ dày.
Cả 2 nguyên nhân này kết hợp khiến acid trào ngược lên thực quản tạo chứng ợ nóng gây khó chịu.
3. Táo bón
Ở hầu hết các bà bầu, tình trạng táo bón khi mang thai rất thường hay gặp, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Vào gần tháng cuối thai kỳ, kích thước tử cung tăng lên gây chèn ép các cơ quan nội tạng khác, trong đó có ruột già, ruột non bị đẩy lên khiến tình trạng này càng trở lên trầm trọng hơn.
Chứng táo bón gây khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của bà bầu
4. Âm đạo tiết dịch nhầy
Các bà mẹ đều có chung một thắc mắc nếu ra nhiều huyết trắng có phải là dấu hiệu chuyển dạ không? Tuy nhiên, đây lại là một hiện tượng bình thường do nguyên nhân sau:
– Lượng hormone trong cơ thể chị em có nhiều thay đổi trong giai đoạn này.
– Phần đầu của em bé chèn ép lên khung xương chậu.
– Khung xương chậu và thành âm đạo mềm hơn nên tăng tiết khí hư nhiều hơn. Do đó, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ vì đây có thể là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh về phụ khoa.
Tuy nhiên nếu quan sát thấy khí hư gồm cả dịch nhầy lẫn máu thì đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo sắp chuyển dạ.
6. Vùng xương chậu đau nhức
Vào tuần thai này, các mảnh xương chậu mẹ bầu dịch chuyển hướng ra ngoài chút ít do em bé di chuyển xuống vùng chậu nên sẽ cảm nhận thấy đau nhức ở vùng này. Để giảm bớt sự khó chịu, lời khuyên dành cho các mẹ là thư giãn cơ thể bằng các bài tập nhẹ nhàng, tắm nước ấm hay mát xa,…
7. Mắc tiểu thường xuyên
Việc thai nhi nằm ở vùng chậu đã gây đè ép lên bàng quang, dẫn đến thai phụ thường muốn đi tiểu liên tục. Đây là một hiện tượng mà bà bầu nào cũng đều phải gặp. Vậy nên chị em không cần quá lo lắng mà hạn chế uống nước để làm giảm tiểu tiện. Điều này gây ảnh hưởng đến lượng nước ối cần thiết cho con.
Tình trạng tiểu nhiều lần khi mang thai
8. Ngứa vùng bụng
Bụng to khiến da bụng bị kéo căng, da thiếu đi độ ẩm, trở lên khô có thể gây ngứa. Mẹ có thể sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da có chứa Vitamin E, bơ ca cao để làm dịu cảm giác ngứa.
9. Phù chân
Xuống máu chân là hiện tượng sinh lý bình thường, diễn ra phổ biến hơn khi mang thai những tuần cuối. Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này ở mẹ bầu, như:
– Thông thường người mẹ sẽ tăng thêm từ 8 – 12kg (thai đơn) và 15 – 20kg (thai đôi) đã tạo ra sức nặng lên đôi chân.
– Thai nhi ngày càng lớn tạo áp lực lên tĩnh mạch dưới, gây ứ trệ tuần hoàn.
– Ngoài ra còn một số yếu tố khác như rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, táo bón, ngồi lâu,…
10. Khó ngủ
Trong giai đoạn này hầu hết tình trạng mất ngủ ở thai phụ là do tâm trạng căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ nhiều cho chuyện vượt cạn sắp tới. Hơn nữa cơ thể nặng nề khiến mẹ khó tìm được tư thế nằm thoải mái.
IV. Mẹ bầu tuần 36 của thai kỳ cần lưu ý những gì?
Ngoài nắm bắt các thông tin thai nhi tuần 36 phát triển như thế nào, mẹ cũng cần phải ghi nhớ những điều sau để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình vượt cạn “thập tử nhất sinh” thành công. Một vài lời khuyên gửi đến các mẹ bầu là:
– Theo dõi huyết áp, nhiệt độ hay nhịp tim của cơ thể đều đặn.
– Sự chuyển động của thai nhi cần phải được chú ý và nếu phát hiện bất thường, mẹ hãy thông báo ngay với bác sĩ.
– Bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất đạm, Protein, Acid béo (Omega – 3) hay Vitamin B6.
– Thư giãn tinh thần và thể chất.
– Tìm hiểu hiện tượng bong nút nhầy tử cung.
– Chuẩn bị những vật dụng cần thiết khi đi sinh và thông báo với người thân về việc sắp đến chuyển dạ.
Thai nhi 36 tuần tuổi đã sinh được chưa?
Thai nhi ở tuần thứ 36 là một thời điểm khá là nhạy cảm với người mẹ. Vì nhiều lý do như tiền sản giật, vỡ ối…mà mẹ bắt buộc phải sinh con tại thời điểm này. Tuy cơ thể đã phát triển gần như hoàn thiện nhưng nếu tại tuổi thai 36 tuần thì trẻ vẫn được coi là sinh non.
Khi đó trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về thể chất cũng như phát triển về trí não:
– Hội chứng suy hô hấp (RDS).
– Nhiễm trùng huyết, còn ống động mạch, vàng da…
– Thiếu cân nặng, cần phải chăm sóc đặc biệt.
– Chậm phát triển trí não.
– Nguy hiểm nhất là tử vong.
Do vậy trong những tháng cuối thai kỳ người mẹ cần thật thận trọng. Mẹ bầu hãy chủ động đi khám siêu âm thường xuyên để kịp thời phát hiện bất thường và có biện pháp can thiệp nếu cần thiết để dự đoán được trường hợp nếu bé sinh sớm cũng như đề phòng một số vấn đề có thể xảy ra như thiếu ối, bong rau thai, dây rốn quấn quanh cổ bé…
Tóm lại, sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi gần như hoàn chỉnh để sẵn sàng cho sự sống trong một môi trường hoàn toàn khác so với tử cung mẹ. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là bé nằm yên hơn nên mẹ cũng không cần quá lo lắng nếu thấy con không còn tung những cú đạp năng động như trước. Mẹ nên ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và sự phát triển của em bé được toàn diện.