Điều trị sẹo lồi có thực sự hiệu quả?
Với những sẹo da như sẹo lõm, sẹo giãn, rạn da ở mẹ bầu cần dự phòng và sử dụng sản phẩm làm mờ sẹo là có thể cải thiện. Tuy nhiên sẹo da như sẹo lồi và sẹo phì đại đều khiến các nguyên bào sợi và sợi collagen tăng. Sẹo phì đại có thể không cần điều trị mà có thể tự lành sau 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, sẹo lồi cần phải điều trị đúng cách để mang đến tính thẩm mỹ cho làn da.
Nguyên tắc điều trị sẹo lồi
Có nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi với mức độ thành công khác nhau. Lưu ý trị sẹo chỉ giúp chúng trở nên bé hơn, phẳng và mềm hơn chứ không thể làm chúng biến mất đi hoàn toàn. Xem thêm về một số nguyên nhân cũng như đặc điểm của sẹo lồi để hiểu rõ hơn vấn đề này.
– Trước khi tiến hành thủ thuật điều trị sẹo cần nắm chắc và tuân thủ những nguyên tắc sau:
+ Không tiến hành những thủ thuật không cần thiết ở những người cơ địa gây sẹo lồi.
+ Hạn chế tối đa phẫu thuật ở giữa ngực. Tổn thương da hậu phẫu cần được điều trị bằng kháng sinh thích hợp để dự phòng nhiễm khuẩn.
+ Cắt da theo hình elipse nằm ngang, cùng một hướng với đường căng của da. Tất cả những vết thương sau phẫu thuật phải được đóng với độ căng bình thường của da nếu có thể.
– Những phương pháp được áp dụng:
+ Ngoại khoa: Cắt bỏ, phẫu thuật lạnh.
+ Điều trị nội khoa: Corticosteroids, Imiquimod, Interferon, 5 – Fluorouracil.
+ Xạ trị và biện pháp vật lý khác.
Các phương pháp điều trị sẹo lồi là gì?
I. Điều trị nội khoa cho sẹo lồi
Hiện nay có nhiều loại thuốc khác nhau được áp dụng để điều trị sẹo lồi. Mỗi loại lại có ưu điểm và nhược điểm khác nhau:
1. Tiêm Steroid
– Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến ở các spa hiện nay.
– Cơ chế tác dụng: Corticosteroid có khả năng ức chế Alpha 2 – Macroglobulin (chất ức chế Collagenase). Khi tiêm Corticosteroid làm tăng lượng Collagenase, từ đó Collagen được thoái hóa nhiều hơn.
– Với những sẹo lồi nhỏ, Corticosteroid thường sử dụng phổ biến nhất là Triamcinolone acetonide (10-40 mg/ml). Cần thực hiện đúng kỹ thuật, đầu kim phải vào tận lớp nhú bì, nơi sản xuất Collagenase. Nếu không thực hiện đúng cách có thể gây chứng teo, giãn mao mạch xung quanh hoặc mất sắc tố da (khoảng 6 – 12 tháng).
Không nên tiêm Corticoid vào mô dưới da do nguy cơ teo lớp mỡ ở dưới da.
– Tùy theo nhiều yếu tố khác nhau như mức độ tiến triển, hiệu quả của thuốc, tác dụng phụ (như giảm hoặc mất sắc tố da, teo da,…) mà cân nhắc có cần thiết tiêm sẹo lồi lặp lại cách nhau 1 – 2 tháng hay không.
– Sẹo lồi với kết cấu mô cứng có thể khó tiêm thuốc, do đó để tăng hiệu quả cần làm mềm tổn thương bằng một số phương pháp như dán Silicon gel, áp Nitrogen lỏng.
Phẫu thuật ngoại khoa điều trị sẹo lồi
2. Điều trị bằng Interferon
– Cơ chế tác dụng: Interferon – alpha & gamma khử rARN nội bào dẫn đến ức chế tổng hợp Collagenase. Sau khi sẹo lồi được phẫu thuật, tiến hành tiêm Interferon để ngăn ngừa các tế bào phát triển lại thành sẹo.
– Liều lượng: 1 triệu đơn vị/cm chiều dài da xung quanh vị trí sẹo. Sau đó 1 – 2 tuần, sử dụng nhắc lại.
– Với phẫu thuật cắt bỏ nhiều sẹo hoặc trên diện tích rộng cần phải được tiền mê để giảm các triệu chứng do Interferon gây ra. Cùng với đó, việc điều trị này cũng khá tốn kém, nên cần cân nhắc trước khi tiến hành.
3. Điều trị bằng 5 – Fluorouracil
– Cơ chế tác dụng: Ức chế sự tăng sinh nguyên bào sợi, hiệu quả với sẹo lồi nhỏ, cô lập.
– Những mũi đầu tiên cầm được tiêm thường xuyên hơn, khoảng 1 – 3 lần/tuần, sau đó, mỗi lần tiêm cách nhau xa hơn, khoảng 4-6 tuần. Thời gian giữa 2 lần tiêm phụ thuộc vào độ viêm, cứng của tổn thương.
– Tiêm 5 – Fluorouracil khá đau nên có thể kết hợp với gây tê hoặc thêm Triamcinolone acetonide. Trung bình để sẹo tương đối phẳng so với vùng da xung quanh cần tiêm 5 – 10 lần. Tác dụng phụ khác có thể gặp là da chuyển màu hơi đen, ban xuất huyết tại chỗ tiêm, loét nông hiếm khi xảy ra.
– Sau những lần tiêm đầu tiên, sẽ thấy bớt ngứa, đau, kéo căng, sự khó chịu. Sau đó, mới cảm nhận được vùng da mềm và phẳng hơn.
4. Điều trị bằng Imiquimod
Imiquimod là dạng kem của Interferon sử dụng tại chỗ. Ngay sau khi cắt bỏ sẹo cần bôi thuốc hàng ngày liên tục trong thời gian 8 tuần. Tác dụng phụ là tăng sắc tố da.
5. Một số phương pháp nội khoa khác
– Tiêm trực tiếp Bleomycin vào sẹo với những sẹo nhỏ. Có thể giúp thoái lui hầu như hoàn toàn một số tổn thương.
– Colchicine: Ức chế tổng hợp Collagen và kích thích enzyme Collagenase nên được dùng trong điều trị và dự phòng tái phát sẹo lồi.
– Tacrolimus: Nhiều nghiên cứu mới đã chứng minh khả năng ngăn chặn gen gli-1 (gen xuất hiện trong các sẹo lồi). Do đó có thể được sử dụng.
– Băng keo Flurandrenolide giúp hết ngứa, mềm hơn và phẳng hơn bằng các dán lên trên sẹo trong 12-20 giờ/ngày. Tuy nhiên, dùng lâu ngày có tác dụng phụ gây teo da.
– Một số thuốc dự phòng tái phát sau khi cắt bỏ sẹo được áp dụng là Pentoxifylline, Methotrexate.
– Verapamil, Relexin… được thử nghiệm nhưng chưa có tín hiệu tốt hoặc tỷ lệ lợi ích so với nguy cơ còn đáng ngờ.
Việc sau chăm sóc da để làm mờ sẹo sau khi điều trị nội khoa với sẹo cũng vô cùng quan trọng. Khi bắt đầu lên da non, có thể sử dụng thêm các thực phẩm giúp mờ sẹo như dưa chuột, nha đam, mật mờ…
II. Điều trị ngoại khoa cho sẹo lồi
– Chỉ được sử dụng khi các phương pháp khác không đem lại hiệu quả hoặc các tổn thương khổng lồ, quá lớn. Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ sẹo, khâu kín, ghép da với một phần da khác phù hợp với cơ thể để giảm lực căng ở phần da được khâu.
– Trước khi thực hiện ngoại khoa, bác sĩ cần cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cuộc phẫu thuật như:
+ Tiền sử gia đình về sẹo lồi.
+ Vị trí phẫu thuật có bị nhiễm trùng hay không?
+ Loại chấn thương tạo ra sẹo (hóa chất, bỏng do nhiệt,…).
+ Vị trí trên cơ thể (đặc biệt là giữa ngực và vai).
+ Da sậm màu nhóm 4-6 theo phân loại Fitzpatrick.
+ Khả năng căng da trong thời kỳ hậu phẫu.
Không phải cứ điều trị ngoại khoa là thành công, người ta đã thống kê được tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật dao động khoảng từ 50 – 80% ở những người cắt bỏ sẹo đơn giản không có biện pháp phụ trợ hậu phẫu.
1. Phẫu thuật
– Phẫu thuật thường áp dụng nhất trong điều trị sẹo lồi là cắt bỏ. Hầu hết, sau đó cần sử dụng thêm những biện pháp phụ trợ khác, bao gồm tiêm Corticoid, Interferon trong vết thương, băng ép, gel Silicon, kem Imiquimod. Còn có hỗn hợp Lidocaine/Steroid để gây tê, tuy nhiên nó lại làm chậm lành vết thương, vì vậy cần để yên vết khâu trong 10 – 14 ngày.
– Nếu vết sẹo cắt không thể khép được, bác sĩ sẽ chèn thêm chất bành trướng mô bên dưới sẹo giúp đóng sẹo lại từ từ mà không làm căng da.
– Với các trường hợp sẹo rộng, to, không thể áp dụng thủ thuật cắt bỏ thì có thể tiến hành bào mòn sao cho ngang bằng với vùng da bình thường xung quanh. Phụ trợ bằng Imiquimod dùng tại chỗ trong 8 tuần. Tuy nhiên kết hợp này thường làm tăng sắc tố da, dẫn đến khác biệt màu với vùng da xung quanh.
– Sẹo lồi ở khu vực dái tai có nguy cơ tái phát thấp hơn nếu có sử dụng thêm biện pháp phụ trợ. Vì vậy, sẹo ở vị trí này thường được tiến hành và đem lại hiệu quả.
Điều trị sẹo lồi bằng phẫu thuật với tỷ lệ thành công cao
2. Phẫu thuật lạnh
– Một phương pháp khác cũng được sử dụng trong điều trị sẹo lồi là phương pháp ép lạnh bằng Nitrogen lỏng. Chất này làm tiêu hủy tế bào và mao mạch, dẫn đến thiếu oxy ở mô, làm sẹo tróc ra và xẹp xuống. Phương pháp lạnh được tiến hành bằng cách áp hoặc phun Nitrogen lỏng trực tiếp vào sẹo trong 2 – 3 tuần/lần. Khoảng 50% bệnh nhiên sẽ có tác dụng sau 8 – 10 lần thực hiện.
– Hiệu quả của phẫu thuật lạnh khoảng 50 – 70%. Tuy nhiên con số này có thể tăng lên nếu kết hợp với tiêm Steroid. Một số tác dụng phụ đáng quan tâm như đau sau mổ, chậm lành vết thương, mất sắc tố.
III. Xạ trị
– Nhiều ý kiến trái chiều đã nảy ra khi sử dụng phương pháp xạ trị cho những tổn thương lành tính như sẹo lồi. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đã được chứng minh trên đáp ứng lâm sàng mà không gây hại cho cơ thể.
– Không có phác đồ chi tiết để điều trị sẹo lồi. Mỗi liệu pháp cần căn cứ vào kích thước, vị trí, độ cứng, độ dày của tổn thương và đáp ứng của từng bệnh nhân. Sử dụng theo kiểu đơn trị liệu hoặc đa trị liệu cũng phụ thuộc vào người bệnh, nhưng lựa chọn tốt nhất vẫn là đa trị liệu.
– Tỷ lệ thành công của biện pháp xạ trị từng đợt ngắn liều cao với thủ thuật cắt bỏ sẹo đạt tới 88%. Tác dụng phụ như tăng sắc tố.
IV. Các loại phương pháp vật lý khác nhau điều trị sẹo lồi
Ngoài điều trị nội khoa và ngoại khoa phổ biến ở trê, sử dụng các phương pháp vật lý cũng được áp dụng, bao gồm:
1. Laser cải thiện sẹo lồi
Việc sử dụng Laser trong điều trị sẹo lồi có kết quả khác nhau tùy từng trường hợp:
– Phương pháp Laser Argon được sử dụng đầu tiên, có vẻ thành công với những sẹo mới hình thành, đang sinh mạch. Trong những nghiên cứu mới đây thì không chứng minh được bất kỳ sự cải thiện nào của sẹo lồi.
– Phương pháp Laser CO2: Giúp làm xẹp sẹo lồi lớn để chuẩn bị cho những liệu trình điều trị sẹo khác. Nếu sử dụng đơn trị liệu có tỷ lệ tái phát cao từ 40 – 90%. Tuy nhiên nếu được kết hợp với Corticosteroids sau mổ thì con số này cũng khá cao.
– Phương pháp Laser Nd: YAG được áp dụng nhờ khả năng tác động tới chuyển hóa Collagen.
– Phương pháp Laser nhuộm màu tia dạng xung PDL: Cơ chế tác dụng là hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, ngăn ngừa cung cấp dinh dưỡng cho vùng sẹo. Đồng thời làm mềm, giảm độ dày và kích thước của sẹo cũng là một thành công bước đầu của nó trong điều trị sẹo. Phối hợp Triamcinolone có thể tăng hiệu quả.
Sau quá trình thực hiện, những phương pháp điều trị bằng laser được đánh giá là gây ảnh hưởng khá nhiều đến kinh tế mà hiệu quả cũng không được cao.
Laser giúp điều trị sẹo lồi
2. Băng ép
– Băng ép Gradient (Jobst) được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ để ngăn ngừa tái diễn sau phẫu thuật.
– Một số băng ép được sử dụng, bao gồm: Băng dán tai, băng Ace, băng nén coban,…
3. Cột thắt
Với những sẹo lồi có cuống không thể tiến hành cắt chỉ có thể tiến hành cột thắt sẹo bằng cách sử dụng chỉ khâu không tan 4-0, mỗi tuần thay chỉ 1 tuần. Cơ chế phương pháp là làm cọng chỉ ăn sâu vào gốc sẹo, dần dần sẽ khiến gốc sẹo rơi ra.
4. Thuốc dán Silicon
– Là một loại thuốc dán giúp làm mềm sẹo. Phương pháp này đáp ứng tốt ở những vết sẹo mới, người trẻ hiệu quả càng cao.
– Phương pháp điều trị này không gây đau, do đó trẻ em rất thích. Tuy nhiên, thời gian điều trị khá dài, trong khoảng 6- 12 tháng, cần cắt, dán, đặt miếng gel lên vết sẹo. Do đó, nhiều người chỉ duy trì được trong khoảng thời gian đầu.
– Chỉ nên dán 22 – 34 tiếng/ngày để đảm bảo vùng da được thông khí tốt, tránh chảy nhão và nhiễm khuẩn thứ phát.
Miếng dán giúp điều trị sẹo lồi
V. Những liệu pháp tân tiến có tiềm năng
Ngày nay với sự phát triển của nghiên cứu khoa học, nhiều phương pháp điều trị sẹo mới được tìm hiệu với hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn như:
– Quercetin: Nhờ khả năng ức chế sự phát triển và làm co thắt các nguyên bào sợi dư thừa, có thể ngăn chặn sự phát triển của sẹo hiệu quả, đồng thời lại an toàn.
– Tia UVA bước sóng dài, chất ức chế tế bào bón: Có tác dụng giảm tế bào bón (tế bào tăng trưởng mạnh trong sẹo lồi).
– Liệu pháp gen.
Sẹo lồi là một bệnh ngoài da lành tính những ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố thẩm mỹ. Vì tỷ lệ tái phát cao nên đặt ra nhiều thách thức cho cả bác sĩ. Việc lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó không có biện pháp nào lấy làm tiêu chuẩn mà đạt hiệu quả 100%.
Điều trị sẹo lồi chi phí bao nhiêu tiền là câu hỏi của nhiều người. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào bệnh viện, mức độ thương tổn, vị trí sẹo, tình trạng đáp ứng mà có biện pháp thích hợp. Tùy từng phương pháp tiến hành chữa sẹo lồi lại có giá khác nhau.
Lưu ý: Sau khi điều trị cũng nên chú ý chăm sóc thật tốt để phòng ngừa sẹo phát triển và phục hồi vùng da điều trị:
– Xây dựng chế độ ăn uống thích hợp, hạn chế thực phẩm làm sẹo to hơn như trứng gà, rau muống…
– Vệ sinh sạch sẽ vùng điều trị theo lời khuyên của bác sĩ.
Xem thêm: Mách bạn 6 TIP CHĂM SÓC vết thương ĐÚNG không để lại SẸO.
Không có liệu pháp duy nhất nào luôn luôn thành công. Vì vậy, trước khi quyết định can thiệp vết sẹo cần nghe bác sĩ tư vấn và nói rõ những kết quả và nguy cơ có thể đạt được. Trên đây là những thông tin trung thực và khoa học mà chúng tôi tìm hiểu được, mong rằng bài viết có thể giúp bạn có những kiến thức đúng đắn nhất trong điều trị sẹo lồi.
Bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.