Răng khôn
Ở con người, nếu có đủ 32 chiếc răng thì sẽ có 4 cái răng khôn, và trên thực tế thì có nhiều người chỉ có 2 chiếc răng khôn hoặc không hề có răng khôn nào. Răng khôn rất dễ bị nhiễm trùng, viêm… nếu mọc lệch. Có nên nhổ không? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam giải mã những bí mật về răng khôn.
I. Răng khôn là gì?
Răng khôn là răng được mọc cuối cùng trong hàm, là răng hàm, là răng to nhất và cứng nhất, có vai trò quan trọng giúp nghiền thức ăn và có tác dụng trong sự gắn kết của nướu răng. Tuy nhiên, răng khôn rất hay mọc lệch dẫn đến làm tổn thương các răng ở bên cạnh cũng như cả hàm răng, ảnh hưởng đến dây thần kinh. Có rất nhiều tranh cãi về răng khôn,nên giữ hay nhổ?
Trong quá trình tiến hóa, xương hàm của con người đã trở nên bé dần. Hiện tại phần lớn hàm của người chỉ đủ chỗ cho 28 chiếc răng, 14 răng ở hàm trên và 14 răng ở hàm dưới.
Răng khôn là răng được mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu từ chế độ ăn uống của con người – với mục tiêu là nhai được các loại thức ăn cứng và thô như: thực phẩm tươi sống, các loại hạt và rễ, những loại thực phẩm cần phải nhai nhiều và cần có lực hơn. Tuy nhiên chế độ ăn uống hiện nay với thức ăn mềm hơn cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại đã giúp cho vai trò răng khôn gần như không còn đáng kể như trước.
II. Các vấn đề của răng khôn
1. Tại sao khi mọc răng khôn thường sẽ bị đau?
Do kích thước của mặt và hàm răng của con người bị giảm dần, làm cho hàm chỉ còn ít chỗ. thậm chí là không còn chỗ cho răng khôn mọc lên. Ngoài ra, có thể do răng hàm quá lớn hoặc không vừa khớp cắn cũng sẽ làm cho răng khôn không còn chỗ để mọc lên như bình thường, từ đó làm đau đớn và sưng.
Chườm nước đá; súc miệng bằng nước muối; bên cạnh đó sử dụng thêm các loại thảo dược như: đinh hương, bạc hà, dầu ô liu và dầu quế nhằm làm giảm đau trong giai đoạn mọc răng khôn.
2. Những biến chứng mà răng khôn có thể gây ra
Một số triệu chứng có thể gặp trong quá trình mọc răng khôn:
– Sâu răng:
Răng khôn mọc ở vị trí trong cùng nên rất khó để làm sạch những vi khuẩn gây ra do thức ăn bị mắc kẹt trong đó. Vấn đề này sẽ khó hơn nếu răng khôn không mọc hoàn toàn mà chỉ nhô được một phần hoặc mọc lệch đâm sang răng bên cạnh. Sâu răng sẽ được hình thành do sự tích tụ lâu ngày của vi khuẩn làm cho người bệnh bị nhiễm trùng và cảm thấy đau đớn.
– Viêm lợi:
Sự tích tụ thức ăn và vi khuẩn không chỉ dẫn đến sâu răng mà nó có thể gây ra viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, các triệu chứng của viêm lợi như: đau, sưng, sốt, miệng hôi hoặc cứng hàm làm người bệnh không thể mở to miệng được. Đối với viêm lợi cần phải được điều trị và vệ sinh cẩn thận để không bị tái phát nữa. Nếu để bị tái phát nhiều lần thì sẽ làm cho các triệu chứng ngày càng nặng hơn ở những lần tái phát sau.
Những biến chứng của răng khôn
– Huỷ hoại xương và hàm răng:
Trường hợp răng khôn mọc lệch làm đâm sang răng ở bên cạnh, nó sẽ làm cho chiếc răng đó có thể bị tiêu huỷ, lung lay hoặc tiêu xương, dẫn đến có thể phải nhổ răng. Nhận biết triệu chứng này là bệnh nhân có xuất hiện các cơn đau âm ỉ kéo dài ở khu vực răng mọc lệch.
3. Có cần thiết phải nhổ răng khôn?
Có rất nhiều người phân vân giữa việc giữ lại hay nhổ bỏ chúng, một số nha sĩ thường khuyến khích người bệnh nhổ răng khôn trong những trường hợp sau nhằm ngăn ngừa được các vấn đề mà chúng gây ra:
– Răng khôn mọc lệch gây ra biến chứng như đau, nhiễm trùng lặp lại và làm ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.
– Răng khôn chưa có triệu chứng gì nhưng có khe giắt với răng bên cạnh, nó có thể sẽ sớm ảnh hưởng chiếc răng đó thì việc nhổ răng khôn để phòng ngừa biến chứng là cần thiết.
– Răng khôn mọc thẳng, có đủ chỗ, không gặp phải sự cản trở của nướu hay xương tuy nhiên lại không có răng ở phía đối diện ăn khớp, dẫn đến việc răng khôn sẽ mọc trồi dài tới hàm đối diện, làm cho thức ăn bị nhồi nhét khiến cho hàm đối diện sẽ bị lở loét nướu.
– Răng khôn mọc thẳng, có đủ chỗ, không có cản trở nhưng lại to bất thường hoặc nhỏ, dị dạng, cũng gây ra hiện tượng nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, dẫn đến sâu răng và viêm chân răng.
– Trong phẫu thuật chỉnh hình ở mặt thì khổ răng khôn sẽ làm cho khuôn mặt nhỏ hơn làm thuận lợi cho quá trình chỉnh hình. Bên cạnh đó khi làm răng giả hoặc răng khôn là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý khác.
Tuy nhiên những trường hợp sau đây thì không cần thiết phải nhổ răng khôn:
– Răng khôn mọc bình thường, không gây ra bất kỳ biến chứng nào và nó không bị kẹt bởi mô xương và nướu.
– Người bệnh có bệnh lý toàn thân khó kiểm soát được như đái tháo đường, tim mạch,…
– Răng khôn có liên quan đến cấu trúc giải phẫu như dây thần kinh, xoang hàm mà không có những phương pháp chuyên biệt để có thể thực hiện phẫu thuật.
Có cần thiết phải nhổ răng khôn?
4. Thời điểm thích hợp để nhổ răng khôn?
Một số người sẽ lựa chọn phương pháp nhổ răng khôn nhằm loại bỏ những biến chứng mà nó gây ra. Vì vậy câu hỏi thời điểm, độ tuổi nào thích hợp nhất để nhổ cũng được nhiều người đặt ra.
Theo các chuyên gia nha khoa, thời điểm tối ưu nhất để nhổ răng khôn là ở độ tuổi từ 18-25, khi chân răng hình thành được 2/3. Nếu để tới 35 tuổi, thì khi phẫu thuật nhổ răng khôn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn thậm chí gây ra nhiều biến chứng kèm theo, mà nguyên nhân do xương đã cứng và đặc hơn.
Tóm lại, răng khôn và câu hỏi có nên nhổ răng khôn hay không? rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Bài viết trên đây đã giúp các bạn hiểu phần nào về răng khôn và trả lời được câu hỏi đó, nếu còn thắc mắc nào về răng khôn hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline để nhận được những lời tư vấn chất lượng nhất từ những chuyên gia hàng đầu.