Ai nên ăn rau Chùm ngây?
Rau Chùm ngây đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là với các bà nội trợ. Nhưng nhiều người lầm tưởng rằng rau có giá trị dinh dưỡng cao nên ăn càng nhiều càng tốt và ai cũng có thể ăn để bổ sung dưỡng chất. Đây là một quan niệm sai lầm. Hãy đọc bài viết để biết thêm những kiến thức cơ bản về loại rau này nhé!
1. Chùm ngây là loại rau gì?
Chùm ngây hay còn gọi là cây Ba đậu dại, Dùi trống, Bồn bồn, cây Cải ngựa. Tên khoa học là Moringa oleifera Lamk được tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ. Loại cây này được sử dụng và khai thác ở nhiều nơi trên thế giới do có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao.
Chùm ngây là loại cây thân mộc, trơn nhẵn, không có gai và phát triển rất nhanh. Thân cây có đường kính khoảng 10cm và cao từ 5-6m sau 1 năm, có thể lên đến 10m sau 3-4 năm tuổi. Lá Chùm ngây là dạng lá kép, màu xanh thẫm, hình trứng và mọc đối xứng từ 6-9 đôi.
Hình dạng lá chùm ngây
2. Giá trị dinh dưỡng và tác dụng sinh học của Chùm ngây là gì?
Chùm ngây được biết đến là một trong số ít các loài có thể sử dụng tất cả các bộ phận của cây, bao gồm thân, lá, rễ, hoa, quả, hạt. Các bộ phận này đều chứa nhiều chất khoáng quý hiếm và lượng lớn đạm, vitamin, các acid amin, beta-caroten và các phenol.
Cây cũng cung cấp nhiều hợp chất quan trọng với cơ thể như Quercetin, Zeatin, Kaempferol, Caffeoylquinic và alpha-sitosterol. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng Chùm ngây chứa khoảng 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm:
– Vitamin: 7 loại khác nhau.
– Khoáng chất: 6 loại.
– Acid amin: 18 loại.
– Chất chống oxy hóa: 46 chất.
– Ngoài ra, còn lượng lớn các chất chống viêm, các loại kháng sinh, kháng độc tố, các chất có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến hay các chất giúp huyết áp ổn định, hạ Cholesterol và bảo vệ tế bào gan.
Với các thành phần dinh dưỡng phong phú, các nghiên cứu gần đây cho thấy, 1kg Chùm ngây có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cả 1 ngày đối với gia đình gồm 4 thành viên (2 người lớn và 2 trẻ em).
Canh rau Chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng
Tuy nhiên, mỗi bộ phận khác nhau sẽ cho giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng sinh học khác nhau. Cụ thể:
Rễ
Thường được sử dụng để:
– Chống co giật, ngừa sưng và có tác dụng lợi tiểu.
– Rễ tươi của cây Chùm ngây non thường được dùng để hạ sốt, sưng gan, phong thấp,…
– Nước sắc vỏ rễ rất hiệu quả trong chữa bệnh đau tai, đau răng,…
– Chiết xuất rễ làm giảm cặn lắng đọng trong nước tiểu nhờ khả năng tổng hợp oxalat. Do đó như là 1 phương pháp ngăn ngừa sỏi thận.
– Một vài nơi, nước sắc rễ Chùm ngây được sử dụng như một loại thuốc tránh thai hiệu quả bằng cách: Rửa sạch rễ tươi, băm nhỏ đun với 2 lít nước cho đến khi còn lại 500ml. Chia đôi và uống 2 lần/ngày.
Vỏ thân
Được sử dụng để hạ sốt, điều trị đau dạ dày, sâu răng,… Ngoài ra, nó còn có tác dụng giãn, mở tử cung, do đó, được ứng dụng trong các trường hợp phá thai.
Lá chùm ngây
Lá thảo dược này được biết đến là bộ phận giàu chất dinh dưỡng nhất, cao hơn hẳn quả và hoa đem lại tác dụng thần kì. So với thực phẩm khác hàm lượng các chất trong lá chùm ngây đem lại bất ngờ như:
– Lượng Vitamin C trong lá nhiều hơn Cam khoảng 7 lần.
– Vitamin A cao hơn Cà rốt 4 lần.
– Hàm lượng Canxi cao gấp 4 lần lượng Canxi có trong sữa.
– Hàm lượng sắt gấp Cải bó xôi khoảng 3 lần.
– Lượng đạm trong sữa chua chỉ bằng 1 nửa so với lá Chùm ngây.
– Hàm lượng Kali gấp 3 lần Chuối.
Bên cạnh giá trị dinh dưỡng cao, lá Chùm ngây có những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe mà nhiều người không ngờ tới như:
– Theo Đông y, lá có tính mát, lợi tiểu được dân gian thu hái và sử dụng để chữa bệnh tiểu đường, chống lão hóa sớm, hạ huyết áp.
– Điều trị sưng đỏ mắt bằng cách giã nát, trộn với mật ong rồi đắp lên mắt. Hoặc lá giã nát đắp lên vết thương có tác dụng trị sưng đỏ và nhọt.’
– Tăng cường hệ miễn dịch nhờ hoạt chất chống oxy hóa, kẽm, vitamin C.
– Cải thiện quá trình trao đổi chất.
– Hàm lượng chất oxy hóa cao giúp hạ cholesterol, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
– Trong nghiên cứu hiện đại, nhiều hợp chất có khả năng chống lai các gốc tự do ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Chiết xuất từ lá chùm ngây có chứa niazimicin – giúp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
– Phòng ngừa và hạn chế tăng huyết áp nhờ hợp chất niazimicin, isothiocyanate.
– Hàm lượng sắt cao, chùm ngây giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Thông thường lá chùm ngây được ăn sống, nấu canh hoặc say thành sinh tố rất dễ uống. Tuy nhiển để bảo quản được lâu có thể đem phơi khô, khi chế biến cũng không mất dinh dưỡng.
Giá trị dinh dưỡng của lá Chùm ngây
Hạt
Dầu được ép từ hạt Chùm ngây được dùng trong điều trị phong thấp. Hạt Chùm ngây cũng có tác dụng điều trị giun sán, táo bón hay mụn cóc. Không những vậy, nó còn được sử dụng để lọc nước sinh hoạt do có thể làm kết tủa và lắng đọng các loại tạp bẩn có trong nước.
Hạt của thảo dược này có là trợ thủ đắc lực giúp chị em phụ nữ làm đẹp. Dầu chiết có chứa hormon xitokinin – giúp duy trì làn da săn chắc.
Ngoài ra nó có tác dụng kháng khuẩn như là một chất kháng sinh tự nhiên giúp chống viêm và điều trị các loại nấm gây bệnh như Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Microsporum canis.
3. Những đối tượng không nên ăn rau Chùm ngây
Bất cứ loại thực phẩm nào trong cuộc sống hằng ngày đều phải được cung cấp với số lượng và chất lượng hợp lý. Chế độ ăn nên được bổ sung dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Việc ăn quá nhiều một loại thực phẩm trong một thời gian dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng cũng như đem lại cảm giác chán chường cho những bữa ăn gia đình. Rau Chùm ngây cũng không ngoại lệ.
Phụ nữ mang thai
Tuyệt đối không được sử dụng rau Chùm ngây trong chế độ ăn của phụ nữ đang mang thai. Nguyên nhân là do nó chứa alpha- sitosterol, một chất gây tác dụng phụ là tăng co bóp tử cung, có thể gây sảy thai.
Bà mẹ cho con bú
Một số báo cáo cho rằng, Chùm ngây giúp tăng lượng sữa ở phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của nó trên trẻ nhỏ bú mẹ. Do đó, nếu có ý định sử dụng trong thời kỳ cho con bú, hãy tham khảo ý kiếm bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn phù hợp.
Phụ nữ có thai không nên ăn rau Chùm ngây
4. Tương tác khi dùng đồng thời rau Chùm ngây với các thuốc khác
Việc ăn rau tưởng chừng vô hại, nhưng nếu bạn đang sử dụng thuốc để điều trị một bệnh gì đó thì việc xảy ra tương tác giữa thực phẩm và thuốc là hoàn toàn có thể xảy ra. Một số thuốc tương tác với rau Chùm ngây bao gồm:
– Levothyroxin: Được dùng trong các bệnh lý ở tuyến giáp. Tuy nhiên, lá Chùm ngây cũng có tác dụng hỗ trợ chức năng tuyến giáp. Do đó, khi dùng kết hợp sẽ làm tăng tác dụng của thuốc và tăng nguy cơ quá liều.
– Các thuốc điều trị đái tháo đường: Khi dùng kết hợp, có thể làm hạ quá mức đường huyết trong cơ thể.
– Các thuốc điều trị cao huyết áp: Việc sử dụng cùng lúc có thể gây hạ huyết áp quá mức, nguy hiểm đến sức khỏe.
Do vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này để có chế độ ăn phù hợp và không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
5. Hướng dẫn sử dụng chùm ngây đúng cách
Với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết sử dụng loại thảo dược này đúng cách. Vì vậy, thông tin dưới đây giúp bạn chăm sóc sức khỏe tốt nhất từ loại thảo dược này.
Liều lượng chùm ngây an toàn là khoảng 6g/ngày trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên tùy từng trường hợp cụ thể mà mức độ liều lượng có thể khác nhau. Do đó nếu đang tuân theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để tìm ra liều dùng phù hợp.
Lưu ý cách dùng: Vì chùm ngây gây mất ngủ nên tránh sử dụng vào buổi tối.
6. Rau Chùm ngây khác với rau ngót như thế nào?
Do có hình dạng và cách mọc của lá cũng như hương vị gần giống nhau nên nhiều người thường nhầm lẫn Chùm ngây với rau ngót. Tuy nhiên, có một cách đơn giản để phân biệt đó là dựa vào chiều cao của cây. Cây rau ngót thường mọc thấp hơn với chiều cao chỉ khoảng 40-50cm. Trong khi rau Chùm ngây có thể cao đến vài mét.
Rau ngót khác rau Chùm ngây
Ngày nay chùm ngây được sử dụng phổ biến trong đời sống nhờ những gì mà nó đem lại. Trên đây là tìm hiểu chung nhất về giá trị dinh dưỡng cũng như các lưu ý khi sử dụng rau Chùm ngây. Mong rằng với chủ đề này giúp ích được cho bạn có cái nhìn đúng đắn và sử dụng loại thực phẩm này một cách hợp lý.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay cho việc chẩn đoán và điều trị.