Ruột thừa: Vị trí và chức năng cơ bản!

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Vị trí và chức năng của ruột thừa như thế nào?

Ruột thừa – Thừa nhưng không thừa

Đau ruột thừa là biến cố y khoa nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Nhiều người thường nhầm lẫn triệu chứng đau ruột thừa với các bệnh lý khác do không biết rõ vị trí và các biểu hiện đặc hiệu của nó. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về vị trí, chức năng của ruột thừa cũng như các triệu chứng gặp phải khi viêm ruột thừa.

1. Vị trí giải phẫu của ruột thừa?

Ruột thừa là một phần thuộc hệ thống tiêu hóa của cơ thể người. Hình dạng gần giống con giun dài khoảng 3-13cm với đường kính khoảng 6mm. Nó mở vào manh tràng qua lỗ ruột thừa được đóng bởi 1 van. Ruột thừa do phần đầu của manh tràng bị thoái hóa. Do vậy, nó bắt nguồn từ manh tràng của ruột già, cách góc hồi – manh tràng về phía dưới từ 2-3cm.

Bình thường, ruột thừa nằm ở bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nó có thể nằm ở giữa ổ bụng, vị trí dưới gan phải hoặc ở giữa các quai ruột non do nó có mạc treo và rất di động. Đặc biệt, hiếm gặp hơn nữa, nó còn được tìm thấy ở bên trái bụng dưới (hiện tượng đảo ngược vị trí).

Vị trí của ruột thừa

Ruột thừa nằm ở bụng dưới bên phải

2. Chức năng cơ bản của ruột thừa

Trước đây, người ta thường quan niệm rằng ruột thừa là một cơ quan không quan trọng, không có bất kể chức năng gì trong cơ thể, là bộ phận “thừa” đúng như tên gọi của nó. Vì vậy, nhiều người đã phẫu thuật cắt ruột thừa để phòng trước khi xảy ra các tai biến y khoa ở cơ quan này.

Tuy vậy, các nghiên cứu của 2 nhà khoa học người Mỹ William Parker và Randal Bollinger đã chỉ ra rằng, ruột thừa đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của con người. Nó là nguồn dự trữ vi khuẩn có lợi, giúp cho việc lên men thức ăn, tổng hợp các vitamin cần thiết,… trở nên dễ dàng. Đặc biệt, khi cơ thể bị tiêu chảy cấp, lượng vi khuẩn có lợi bị hao hụt lớn, lúc này ruột thừa mới thực sự phát huy tác dụng dự trữ của mình và lấy lại cân bằng cho hệ vi sinh đường ruột.

3. Nguyên nhân viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là trường hợp ruột thừa bị viêm nhiễm do các vi khuẩn hoạt động mạnh hoặc do giun đũa, giun kim,… chui vào ruột thừa, các vật thể lạ như hạt trái cây, sạn, vật nhọn,… làm tổn thương ruột thừa và gây đau.

Hoặc có thể là lỗ thông giữa manh tràng và ruột thừa bị tắc, đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Sự tắc nghẽn này là do dịch nhầy bị tích tụ nhiều trong lòng ruột hoặc do phân từ manh tràng tràn vào ruột thừa, do u xơ hoặc mô bạch huyết phì đại. Các chất này bị tích lũy, lâu dần trở nên cứng như đá và làm tắc lỗ thông.

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính. Bệnh này có thể gây ảnh hưởng xấu, thậm chí là nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện kịp thời.

Ruột thừa bị viêm

Ruột thừa bị viêm

4. Triệu chứng điển hình để nhận biết viêm ruột thừa

Dấu hiệu thường gặp của viêm ruột thừa là gì? Đối tượng bị viêm ruột thừa thường có một số biểu hiện như sau:

– Điển hình nhất phải kể đến triệu chứng đau bụng. Cơn đau thường bắt nguồn từ vùng rốn sau đó lan ra và khu trú ở vùng bụng dưới bên phải (vùng hố chậu). Cơn đau thường âm ỉ, kéo dài liên tục và cường độ đau tăng dần mỗi lúc một mạnh.

– Ngoài ra, đau ruột thừa còn kèm theo các biểu hiện khác như:

+ Sốt nhẹ, khoảng 38 – 38.5℃.

+ Run.

+ Thành bụng co cứng.

+ Cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

+ Đi tiểu thường xuyên.

+ Không muốn ăn, chán ăn, ăn không ngon.

– Tiêu chảy hoặc táo bón.

Đau hố chậu phải là triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa

Đau hố chậu phải là triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa

5. Cách xử trí khi viêm ruột thừa

Khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, bạn phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc giảm đau khi đau bụng với cường độ mạnh. Dùng thuốc giảm đau làm che giấu các triệu chứng của bệnh Vì ruột thừa có thể bị vỡ mà không được phát hiện. Khi đó, sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm toàn bộ phúc mạc, áp-xe ruột thừa,…

Không được tự ý dùng thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Không được tự ý dùng thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Sau khi được chẩn đoán xác định bị viêm ruột thừa, phương pháp thông thường và gần như duy nhất đó là cắt bỏ ruột thừa. Ngoài phương pháp mổ cơ học, hiện nay, còn có thể phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi. Phương pháp này đảm bảo tính thẩm mỹ và khả năng hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn, do đó, thường được sử dụng nhiều.

Phần lớn, viêm ruột thừa là viêm ruột thừa cấp. Do đó, cần mổ càng sớm càng tốt để phòng ngừa trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn. Tuy nhiên, dù thực hiện cắt viêm ruột thừa theo giải pháp nội soi hay ngoại soi, người bệnh cũng nên xin thêm lời khuyên từ các bác sĩ, chuyên gia và lựa chọn bệnh viện, phòng khám uy tín để thực hiện phẫu thuật giúp chữa bệnh hiệu quả.

Trên đây là toàn bộ các kiến thức cơ bản nhất về ruột thừa mà mỗi chúng ta cần phải biết để có cách xử trí đúng đắn. Chúc bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *