Sai lầm trong điều trị bệnh tiểu đường
Điều trị tiểu đường không đúng cách có thể khiến bệnh ngày càng trở nên trầm trọng. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu sai lầm cần tránh trong bài viết sau nhé.
1. Sai lầm trong chế độ dinh dưỡng
Như chúng ta đã biết, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày là 2 yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định rất lớn đến sự thành công của việc điều trị căn bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh nhân vẫn gặp phải rất nhiều sai lầm trong chế độ ăn uống, có thể kể đến như:
– Kiêng tuyệt đối đồ ngọt: Hiện nay, nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm bệnh tiểu đường là do ăn quá nhiều đồ ngọt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bệnh tiểu đường có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, có nghĩa rằng trong quá trình điều trị tiểu đường bệnh nhân không cần cắt toàn bộ lượng thức ăn có đường, mà thay vào đó là ăn ở mức độ theo hướng dẫn của bác sĩ và hạn chế tối đa.
– Không ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrates: Theo các chuyên gia, các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrates như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây,… chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Do đó, bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể ăn với một lượng nhỏ, điều chỉnh hợp lý.
– Ăn quá nhiều thức ăn chứa protein: Nhiều bệnh nhân sử dụng thức ăn nhiều protein thay cho thực phẩm giàu carbohydrates trong bữa ăn. Điều này không sai nhưng việc lựa chọn thực phẩm quá giàu protein và nhiều chất béo bão hòa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
– Bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng: Nếu bỏ qua một bữa ăn, gan của sẽ dùng dạng “đường dự trữ” là glycogen. Glycogen sẽ được chuyển hóa thành glucose và di chuyển vào máu. Đồng thời, việc bỏ bữa cũng làm tăng quá trình tiết ra hormone cortisol. Sự kết hợp của 2 quá trình này sẽ khiến cho lượng đường trong máu cao hơn.
– Ăn không đúng giờ: Việc ăn không đúng giờ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhịp sinh học của cơ thể, đặc biệt là quá trình bài tiết Insulin. Thông thường, Insulin sẽ được tiết ra ngay sau khi thức ăn được chuyển hóa thành đường vào máu. Vì vậy, nếu ăn không đúng giờ, sẽ khiến cho quá trình tiết insulin bị rối loạn và lâu dần có thể dẫn đến tình trạng kháng Insulin nặng hơn. Ngoài ra, ăn không đúng giờ cũng làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết, nhất là ở những người tiêm Insulin.
– Ăn bữa phụ tương đương hoặc nhiều hơn bữa chính: Đây là sai lầm rất hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Điều này không những không giúp cải thiện đường huyết mà ngược lại, còn khiến bệnh tình của họ trầm trọng hơn.
Vì vậy, một chế độ ăn hợp lý theo như khuyến cáo từ chuyên gia sẽ góp phần giúp ổn định được lượng đường huyết, không tăng không giảm, ngăn ngừa được nhiều biến chứng.
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với người tiểu đường
2. Dùng thuốc điều trị bệnh sai cách
Việc dùng thuốc đúng cách sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng đối với người bệnh tiểu đường. Tuy vậy, hiện nay một bệnh nhân vẫn mắc phải những sai lầm trong cách sử dụng thuốc điều trị, dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bỏ thuốc Tây, chuyển sang dùng thuốc Nam, thực phẩm chức năng
Do xu hướng chung hiện nay của đa số người bệnh là thay thế các thuốc Tây y bằng các thuốc Đông y, thực phẩm chức năng. Vì vậy, nhiều bệnh nhân tin theo những lời quảng cáo trên mạng xã hội, hay truyền miệng mà sử dụng các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường.
Việc sử dụng các loại thuốc được quảng cáo là “thần dược”, không có xuất xứ, kiểm định chất lượng sẽ khiến bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng.
Tự ý điều chỉnh liều dùng hoặc ngừng thuốc đột ngột
Vì tâm lý nôn nóng muốn hạ đường huyết, nhanh khỏi bệnh nên một số bệnh nhân khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ mà tự ý tăng liều dùng hoặc phối hợp các loại thuốc. Việc này có thể gây ra hạ đường huyết quá mức, ngất xỉu, hôn mê, tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc, gây tương tác thuốc, thậm chí là tử vong.
Ngoài ra, nhiều trường hợp ngay khi thấy đường huyết ổn định một thời gian thường sẽ xuất hiện tâm lý lơ là, quên sử dụng thuốc hoặc tự ý giảm liều, hay ngừng uống thuốc. Điều này có thể khiến đường huyết trong cơ thể tăng cao so với ban đầu. Khi đường huyết tăng cao trở lại, liều lượng thuốc dùng cũ không đủ, cần tăng liều, cần phối hợp nhiều loại thuốc hơn, không những ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn khiến chi phí điều trị tốn kém hơn nhiều.
Chỉ sử dụng một đơn thuốc, không tái khám và điều chỉnh
Tiểu đường là một bệnh lý mạn tính, tiến triển theo thời gian. Do đó, theo mỗi giai đoạn của bệnh sẽ cần được điều trị bằng các loại thuốc tương ứng để tối ưu hiệu quả điều trị.
Nếu bệnh nhân chỉ sử dụng mãi một đơn thuốc mà không tái khám, điều chỉnh các loại thuốc cần thiết, sẽ dẫn đến hiệu quả điều trị và phòng ngừa bị giảm sút.
Chỉ dùng thuốc điều trị tiểu đường, không kết hợp các thuốc khác
Theo các nghiên cứu đã chỉ ra, bệnh nhân tiểu đường thường mắc kèm theo các bệnh lý khác như rối loạn mỡ máu, các bệnh lý về tim mạch,… Vì vậy, nếu chỉ sử dụng mình thuốc tiểu đường để ổn định đường huyết sẽ không ngăn ngừa được tỉ lệ biến chứng của bệnh lý tiểu đường gây ra.
Do đó, sau khi thăm khám, xác định được tình trạng cụ thể của bệnh nhân, các chuyên gia khuyến cáo nên cùng kết hợp với các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu để quá trình điều trị mang lại hiệu quả cao nhất.
Sai lầm trong việc sử dụng thuốc điều trị tiểu đường
3. Theo dõi đường huyết chưa đúng cách
Theo các bác sĩ đầu ngành, bệnh nhân tự kiểm tra đường huyết bằng các thiết bị đo chuyên dụng là việc thiết yếu, phải thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chỉ tiến hành đo đường huyết khi đói mà không đo sau khi ăn, hoặc ngược lại, đây là việc làm hoàn toàn sai lầm.
Trên thực tế, giá trị của cả hai chỉ số đường huyết lúc đói và sau khi ăn đều có ý nghĩa quan trọng và cần được theo dõi, kiểm soát chúng. Đối với bệnh nhân tiểu đường và điều trị bằng thuốc, mức giá trị an toàn của các chỉ số đường huyết được xác định như sau:
– Đường huyết ngẫu nhiên: Dưới 180 mg/dL (10 mmol/L).
– Đường huyết lúc đói: Trong khoảng 80 – 130 mg/dL (tức nhỏ hơn 7 mmol/dL).
– Đường huyết sau ăn: Dưới 180 mg/dL (10 mmol/dL).
– Giá trị HbA1C < 7%.
Sai lầm khi theo dõi đường huyết
4. Không học cách cấp cứu hạ đường huyết
– Ngoài việc phải đối diện với nỗi lo tăng đường huyết, bệnh nhân cũng nên chú ý đến các biện pháp sơ cứu bản thân trong quá trình điều trị. Trong nhiều trường hợp, hạ đường huyết quá mức có thể khiến bệnh nhân ngất xỉu, hôn mê, tử vong.
– Nếu không nắm được cách cấp cứu trong những trường hợp này có thể đe dọa đến sự an toàn tính mạng. Do đó, người bệnh và người nhà cần học và nắm được những kiến thức để nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết và cách cấp cứu kịp thời trong trường hợp hạ đường huyết này.
– Hạ đường huyết là tình trạng bệnh nhân khi đường huyết dưới ngưỡng 70 mg/dL (3,9 mmol/L). Triệu chứng hạ đường huyết thường gặp như hồi hộp, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh, vã mồ hôi, tay chân lạnh,… Tùy theo từng trường hợp và mức độ hạ đường huyết của người bệnh cần can thiệp các biện pháp sau:
– Nếu người bệnh vẫn còn tỉnh táo, hãy cho uống ngay nước đường hoặc các loại thức uống chứa đường. Sau một lúc cho dùng thêm sữa, cháo, bánh kẹo, hoa quả,…
– Với trường hợp nặng, nếu người bệnh đã rơi vào trạng thái hôn mê, không nên cho ăn uống để tránh bị sặc đường hô hấp và gọi ngay cho cấp cứu để có biện pháp can thiệp kịp thời.
5. Không tập luyện thể dụng thể thao
Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng thuốc thì tập luyện cũng góp phần lớn trong quá trình điều trị bệnh lý tiểu đường. Tuy nhiên nhiều người lo sự tập thể dục gây tăng đường huyết.
Các chuyên gia khuyên rằng, bệnh nhân tiểu đường nên thường xuyên tập luyện thể dục để nâng cao sức khỏe, tinh thần thoải mái, góp phần kiểm soát đường huyết và tăng hiệu quả sử dụng Insulin của cơ thể. Bệnh nhân có thể lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng của bản thân như yoga, đạp xe, đi bộ,…
Tập luyện thể thao rất cần thiết với bệnh nhân tiểu đường
6. Tiêm insulin làm bệnh nặng lên
Nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm đó là việc tiêm Insulin trong điều trị tiểu đường sẽ khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Theo các bác sĩ, Insulin là chất duy nhất trong cơ thể có tác dụng hỗ trợ làm giảm đường máu.
Do vậy, khi tụy không thể sản xuất và đáp ứng đủ lượng Insulin cần thiết để khống chế đường máu thì liệu pháp tiêm Insulin vào cơ thể là cách điều trị bệnh tiểu đường tốt nhất, giúp cân bằng lượng máu trong cơ thể. Còn về việc bệnh tình trở nên nặng hoặc nhẹ là do biến chứng của bệnh, không liên quan đến việc có tiêm Insulin hay không tiêm.
7. Không kiểm tra và chăm sóc đôi bàn chân trong quá trình điều trị
Như chúng ta biết, biến chứng bàn chân là một trong những biến chứng phổ biến, nguy hiểm và rất khó điều trị ở bệnh nhân tiểu đường. Vì vậy, người bệnh luôn phải chú ý đến những thay đổi ở đôi chân. Ngay khi cảm thấy bàn chân có cảm giác nóng rát, tê, có cảm giác như kiến đốt, xuất hiện vết loét,… cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Một số biện pháp bảo vệ và chăm sóc đôi chân cho những bệnh nhân tiểu đường như massage, ngâm nước ấm, đi lại nhẹ nhàng, rửa chân hằng ngày, lựa chọn giày dép phù hợp,…
Cần chăm sóc đôi chân cho những bệnh nhân tiểu đường
Trên đây là 7 sai lầm phổ biến của các bệnh nhân đái tháo đường, điều này làm ảnh hưởng tới việc kiểm soát đường huyết và hiệu quả điều trị. Mong rằng những chia sẻ của Dược Điển Việt Nam sẽ giúp bạn đọc tránh được những sai lầm không đáng có trong quá trình điều trị. Nếu còn điều gì băn khoăn hãy liên hệ ngay chúng tôi theo số hotline để được các chuyên gia tư vấn cụ thể hơn. Chúc bạn đọc sức khỏe!