Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi đang ngày càng trở lên phổ biến trong xã hội hiện nay và có xu hướng gia tăng ở nhóm học sinh – sinh viên. Vậy nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở nhóm học sinh, sinh viên do đâu? Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh này qua bài viết sau đây!
1. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Tình trạng suy giảm trí còn được gọi là chứng hay quên, là sự suy giảm chức năng ghi nhớ của não bộ hoặc quá trình vận chuyển thông tin về vỏ não bị ngưng trệ. Người bị suy giảm trí nhớ thường gặp khó khăn để ghi nhớ thông tin hay nhớ lại một sự kiện, vấn đề gì đó. Lâu ngày, nếu không được điều trị có thể khiến khả năng tư duy, trí nhớ giảm dần theo thời gian, thậm chí là bị sa sút trí tuệ, Alzheimer.
Không phải chỉ có người già mới bị suy giảm trí nhớ như nhiều người lầm tưởng. Căn bệnh này cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi. Có một nghiên cứu trên khoảng 18,5 nghìn người ở độ tuổi trên 18 đã chỉ ra rằng, có khoảng 20% số người gặp vấn đề về trí nhớ, trong đó 14% là thanh niên, 22% ở độ tuổi trung niên và 26% là người cao tuổi.
Suy giảm trí nhớ hiện nay đang gia tăng ở độ tuổi sinh viên do nhiều nguyên nhân. Một số biểu hiện của suy giảm trí nhớ có thể kể đến như:
– Kém tập trung khi học tập, làm việc,
– Khó nhớ vị trí để chìa khóa xe và các vật dụng thông thường khác.
– Quên tắt bếp đun, quên khóa cửa khi rời khỏi nhà.
– Quên một cuộc hẹn, thanh toán hóa đơn.
– Tâm lý, cảm xúc thay đổi thất thường, có thể gặp một số vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lú lẫn, thay đổi nhân cách…
Suy giảm trí nhớ không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, Alzheimer
2. Nguyên nhân
Trí nhớ được chia thành 2 loại, trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là sự ghi nhớ tạm thời, được thực hiện trong những thao tác cấp bách, nhất thời. Đây là giai đoạn trí nhớ tức thời, trí nhớ sau khi vừa mới lưu giữ. Khi được củng cố nhiều lần bằng việc tái hiện và lặp lại, trí nhớ ngắn hạn được ghi nhớ dài lâu, trở thành trí nhớ dài hạn.
Trí nhớ suy giảm có thể do một số nguyên nhân như sau:
– Áp lực công việc thi cử:
Phần lớn người trẻ bị suy giảm trí nhớ thường do mắc hội chứng rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài, trầm cảm, stress vì áp lực công việc, rối loạn giấc ngủ làm giảm chú ý, ảnh hưởng đến trí nhớ. Người bệnh thường khó khăn khi phải nhớ lại một sự kiện, vấn đề nào đó đã gặp. Khi được điều trị và thư giãn thần kinh tốt thì khả năng ghi nhớ cũng được phục hồi dần.
– Do các bệnh lý về não:
Người bệnh bị chấn thương não hoặc các bệnh lý về não như viêm não, viêm màng não gây mất trí nhớ tạm thời hoặc dài hạn tùy mức độ tổn thương. Những bệnh lý về phổi, gan, thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến não, khiến não làm việc kém hơn, dẫn đến chứng hay quên.
Bệnh nhân chấn thương sọ não do bị ngã đập đầu vào tường, ngã do say xỉn… thường bị mất trí nhớ ngắn hạn, trường hợp tổn thương nặng và rộng hơn có thể mất trí nhớ dài hạn.
Các bệnh lý về não khác như não úng thủy, khối u, tụ máu dưới màng cứng, thoái hoá thuỳ trán…
Một số bệnh lý về não là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
– Rối loạn giấc ngủ:
Các nghiên cứu cho thấy, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe con người. Khi bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc hay những vấn đề khác về giấc ngủ sẽ khiến cho nguy cơ suy giảm trí nhớ tăng lên. Khi ngủ say, cơ thể có thời gian để tái tạo năng lượng và đào thải độc tố. Mỗi ngày cần ngủ khoảng 7 – 8 tiếng để ngủ, cùng với đó, cần dành đủ thời gian để ngủ sâu, chọn nơi yên tĩnh, tránh những ảnh hưởng của các tác động bên ngoài. Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ khiến luồng thông tin về vỏ não bị ngưng trên, dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và nhanh quên.
Do đó, cần loại bỏ các áp lực, căng thẳng trong cuộc sống để có một giấc ngủ ngon, giúp não bộ được phục hồi và giảm nguy cơ tổn thương, suy giảm trí nhớ.
Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ
– Do thuốc, chất gây nghiện:
Thiếu vitamin B1 có thể dẫn đến mất trí nhớ (hội chứng Wernicke – Korsakoff). Hội chứng này thường gặp ở người bị thiếu vitamin B1 dài ngày do nghiện rượu hoặc thiếu hụt vitamin B trong chế độ ăn. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, gây sa sút trí tuệ. Người dùng các chất kích thích, bia rượu lâu ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hay quên.
Một số thuốc điều trị như nhóm thuốc Statin có công dụng giảm mỡ máu bao gồm Atorvastatin, Lovastatin, Simvastatin… có thể dẫn đến giảm lượng Cholesterol trong máu và cung cấp cho não. Hậu quả là không đủ năng lượng cho não bộ làm việc, khiến quá trình ghi nhớ, làm việc không hiệu quả như trước.
– Một số vấn đề khác:
Suy giảm trí nhớ cũng thường gặp ở người bị suy giảm tuần hoàn, giảm lưu lượng máu lên não. Tình trạng này dẫn đến lượng oxy và các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của não bộ không được cung cấp đủ, các tế bào thân kinh hoạt động kém năng suất, khả năng ghi nhớ, nhận thức của người bệnh cũng giảm.
Ngoài ra, rối loạn tuyến giáp cũng dẫn đến tình trạng rối loạn Hormon, ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm tăng nguy cơ trầm cảm và gây suy giảm trí nhớ.
– Phụ nữ mang thai và sau sinh:
Khi mang thai, cơ thể tiết hormon Estrogen nhiều hơn bình thường trong suốt 6 tháng đầu thai kỳ vài giảm dần trong 3 tháng cuối, kéo dài đến 3 tháng sau sinh. Hormone này tác động mạnh mẽ lên não bộ nên khi nồng độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Ngoài ra, sự thay đổi Oxytocin sau sinh, trầm cảm, stress sau sinh, thiếu ngủ sau sinh cũng dẫn đến nguy cơ suy giảm trí nhớ ở các đối tượng này. Tuy nhiên, tình trạng trí nhớ kém sẽ được cải thiện dần sau sinh.
Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh thường có trí nhớ kém
3. Tác hại của suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ ở người trẻ có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới công việc, học tập. Cụ thể như sau:
– Mất ngủ, ngủ không ngon, cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải và ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thường ngày.
– Dễ bị kích động, bồn chồn, cáu gắt, thay đổi tâm tính, dẫn đến rối loạn chức năng não bộ, suy yếu hệ tuần hoàn, tim mạch.
– Khả năng tư duy, sáng tạo bị suy giảm khi học tập, làm việc.
– Dễ trở nên thụ động với môi trường xung quanh, giảm sự tự tin, chủ động trong công việc.
– Giảm khả năng tập trung, ghi nhớ các dữ liệu quan trọng, thời gian giải quyết công việc cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn.
– Có thể bỏ sót các thông tin, dữ liệu quan trọng trong công việc, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Trí nhớ kém khiến cho việc ghi nhớ, giải quyết công việc lâu hơn
Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi nếu không được điều trị sớm có thể phát triển thành bệnh teo não, sa sút trí tuệ, Alzheimer, mất trí nhớ… Do vậy, việc ngăn ngừa và điều trị suy giảm trí nhớ ngay từ sớm là vô cùng quan trọng để giảm các tác hại của chúng gây ra.
4. Phòng ngừa và điều trị suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Để ngăn ngừa và điều trị suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi, có thể áp dụng những biện pháp như sau:
– Ghi chép ra giấy từng công việc cụ thể, thời gian, địa điểm thực hiện, và xếp thứ tự ưu tiên để giải quyết chúng.
– Ngăn nắp, gọn gàng, sắp xếp mọi thứ đúng vị trí.
– Không làm nhiều việc cùng lúc, hãy cố gắng làm đến nơi đến chốn từng việc và khi hoàn thành rồi thì dù hay hay dở cũng tạm quên chúng đi để bắt tay vào việc mới.
– Chứng sa sút trí nhớ có quan hệ mật thiết với tình trạng thiếu ngủ và stress, vì vậy bạn cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi, giữ cho tinh thần thoải mái dẹp bỏ áp lực, quên đi phiền muộn, tạo điều kiện nghỉ ngơi và thư giãn. Bên cạnh đó cần tăng cường rèn luyện trí nhớ bằng các hoạt động như đọc sách, tăng cường giao tiếp, chơi trò giải ô chữ, giải câu đố…
– Nên chăm chỉ, tập thể dục thể thao, tăng cường vận động giúp rèn luyện thể lực, thúc đẩy khí huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và gia tăng tuần hoàn não, cân bằng tâm trạng, từ đó giúp cải thiện trí nhớ hiệu quả. Những môn thể thao ngoài trời như bơi, đi bộ, đạp xe cũng tốt cho trí nhớ hơn những môn thể thao trong nhà. Thiền, yoga, khí công dưỡng sinh cũng là những hoạt động hữu hiệu ngăn chặn tình trạng lão hóa của não bộ và cải thiện trí nhớ.
– Hạn chế uống nhiều rượu bia, thuốc lá, tránh các thực phẩm có hại cho cơ thể.
– Bổ sung các thực phẩm giàu đạm và nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, magie để cung cấp chất dinh dưỡng cho não, giảm nguy cơ thoái hóa của tế bào não.
Hạn chế hút thuốc lá
Nhiều người chủ quan khi bị suy giảm trí nhớ, họ cho rằng có thể tự khỏi mà không cần thăm khám bác sĩ. Tuy nhiên do không được điều trị cẩn thận, tình trạng suy giảm trí nhớ ngày càng nặng và để lại nhiều di chứng. Ngoài việc thực hiện thay đổi lối sống, sinh hoạt như trên, có thể sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị:
– Acetylcholine làm gia tăng dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò quan trọng của quá trình học hỏi và ghi nhớ, khi bị suy giảm trí nhớ, người bệnh có thể được chỉ định các thuốc điều trị suy thoái thần kinh như Tacrine, Donepezil, Rivastigmine, Galantamin giúp làm tăng nồng độ Acetylcholine, hỗ trợ điều trị bệnh.
– Thuốc giãn mạch ngoại biên, tăng cường hoạt hóa não: Flunarizine, co-dergocrine, isoxsuprine, naftidrofuryl, nicergoline. Có thể sử dụng các sản phẩm chứa Ginkgo biloba chiết xuất từ lá cây bạch quả giúp hỗ trợ điều trị suy giảm trí nhớ hiệu quả.
– Sử dụng các thuốc bổ thần kinh như Piracetam, Idebenone, Pyritinol, giúp tăng cường oxy lên não, tăng cường tiêu thụ Glucose ở não.
– Bổ sung Vitamin A, D, E, giúp chống oxy hóa, cải thiện suy giảm trí nhớ làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer.
Có thể sử dụng thuốc để làm giảm chứng suy giảm trí nhớ
Chứng quên nếu điều trị kịp thời ở giai đoạn nhẹ thì khá đơn giản và không tốn kém, nhưng khi đã chuyển sang bệnh lý tâm thần thì việc điều trị vừa phức tạp lại cho kết quả rất khiêm tốn. 90% những người phát hiện ra mình hay quên thường không đủ can đảm đến gặp bác sĩ tư vấn hoặc đi khám mong tìm ra nguyên nhân của bệnh. Con số này dường như đang tỷ lệ thuận với số người buộc phải nhập viện để điều trị những bệnh như trầm cảm, hoang tưởng.
Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó không được chủ quan. Khi thấy những dấu hiệu của suy giảm trí nhớ như hay quên, kém tập trung thì việc đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị là vô cùng quan trọng, giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.