Tăng huyết áp đột ngột là gì?
Tăng huyết áp thường trở thành bệnh lý mãn tính ở người cao tuổi. Một thực tại đáng chú ý là có nhiều rất nhiều trường hợp tăng huyết áp đột ngột (tăng huyết áp kịch phát) đã dẫn đến những hậu quả khó lường, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy cách xử lý như thế nào là đúng khi tăng huyết áp đột ngột khi đang ở nhà hoặc nơi làm việc? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua chủ đề này nhé.
1. Triệu chứng tăng huyết áp đột ngột
Huyết áp bình thường ở những người khỏe mạnh ở ngưỡng 120/80 mmHg. Cơn tăng huyết áp đột ngột xuất hiện khi huyết áp tăng rất cao, có thể lên đến 200mmHg hoặc hơn.
Một số dấu hiệu cảnh báo cơn tăng huyết áp sắp tới, bao gồm:
– Chóng mặt.
– Suy giảm thị lực.
– Đau đầu bất ngờ.
– Khó cân bằng cơ thể.
– Một số người có thể cảm thấy tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn, khó chịu.
Hầu hết các trường hợp khi được đưa đến bệnh viện đã để lại những biến chứng như tổn thương cơ quan đích dẫn đến méo miệng, liệt nửa người, tai biến mạch máu não (đột quỵ), đau thắt ngực, suy tim,… Khi những tổn thương này đã xảy ra thì việc hồi phục trở lại như bình thường sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, việc để ý đến những triệu chứng kể trên là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những người đang mắc bệnh tăng huyết áp mạn tính.
Đau đầu là một trong những dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp đột ngột
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột
Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp kịch phát cần phải chú ý như:
2.1. Không tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp đột ngột chính là việc không sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Một nghiên cứu cho thấy trong 5 người tăng huyết áp chỉ có 1 người điều trị và 5% kiểm soát tốt được huyết áp của mình.
Khi bị huyết áp cao mạn tính, việc sử dụng thuốc suốt quãng thời gian còn lại là điều bắt buộc, điều này góp phần kiểm soát huyết áp luôn trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên có rất nhiều bệnh nhân lại chủ quan với căn bệnh quái ác này, dùng thuốc không đúng liều lượng, quên liều, quá liều hoặc thậm chí là tự động ngừng thuốc điều trị, điều này đã vô tình đẩy người bệnh đến tình trạng tăng huyết áp kịch phát không kiểm soát được.
Xem thêm: Các thuốc điều trị tăng huyết áp
2.2 Không thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt
Chế độ ăn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị và kiểm soát huyết áp. Người bị huyết áp cao nên hạn chế ăn nhiều muối, thức ăn mặn (dưa muối, thịt đông lạnh), đường (mứt, bánh, kẹo), thịt đỏ, rượu, thực phẩm chứa nhiều Cholesterol và Acid béo no. Những thực phẩm này có thể khiến động mạch trở nên dày hơn, làm thu hẹp lòng động mạch, dẫn đến tăng huyết áp, cản trở dòng máu cung cấp oxy.
Do đó, nếu bỏ qua chế độ ăn lành mạnh, sau khi ăn thực phẩm này có thể khiến huyết áp tăng cao đột ngột, không kiểm soát được.
Xem thêm: Huyết áp cao nên ăn gì? Kiêng gì?
Chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến huyết áp
2.3. Tương tác thuốc xảy ra
Trên nền bệnh tăng huyết áp mạn tính, cơ thể lại gặp phải bệnh thông thường như cảm lạnh, ho, sốt,… cần phải sử dụng thêm một số loại thuốc khác. Tuy nhiên, những thuốc này gây biến đổi về hiệu quả của các thuốc điều trị tăng huyết áp. Ví dụ như thuốc tránh thai, một số thuốc giảm đau chống viêm không Steroid, thuốc điều trị cảm lạnh chứa nhóm hoạt chất kích thích thần kinh giao cảm (Phenylephrin, Salbutamol,…) có thể gây tăng huyết áp.
Nếu cơ thể có huyết áp bình thường hoặc thấp thì sự phối hợp này không gây hậu quả nhưng nếu bị cao huyết áp có thể dẫn đến việc tăng huyết áp đột ngột. Do đó, khi đang điều trị thuốc tăng huyết áp nên thông báo cho dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, tránh các tương tác bất lợi có thể xảy ra.
Sử dụng nhiều thuốc cùng một lúc sai cách là nguyên nhân gây tăng huyết áp kịch phát
2.4. Ảnh hưởng của một số bệnh
Huyết áp tăng cao có thể bắt nguồn từ nhiều bệnh lý tiềm ẩn được gọi là bệnh tăng huyết áp thứ phát. Một số bệnh gây tăng huyết áp đột ngột có thể kể đến như bệnh thận khi không sử dụng thuốc điều trị, u tủy thượng thận, hẹp động mạch thận,… Cơ chế ảnh hưởng đến huyết áp của những bệnh này do nội tiết, cơ thể sản xuất quá mức hormon Adrenaline và Noradrenaline, làm tăng huyết áp
Một số nguyên nhân khác có thể góp phần gây tăng huyết áp như:
– Hút thuốc lá: Nicotine trong khói thuốc lá làm giảm tính đàn hồi của thành mạch máu, việc chịu một áp lực lên thành mạch trở nên khó khăn hơn, dẫn đến thay đổi huyết áp đột ngột.
– Thường xuyên căng thẳng, lo lắng.
– Sử dụng nhiều chất kích thích như cà phê, bia rượu,… trong thời gian dài.
– Thay đổi thời tiết đột ngột, như quá lạnh.
– Tập thể dục cường độ cao.
3. Xử lý tăng huyết áp đột ngột đúng cách
Khi nhận thấy một trong những biểu hiện bất thường của tăng huyết áp đột ngột cùng với những yếu tố nguy cơ cao gây lên tình trạng này, cần xử trí đúng đắn. Nếu không thực hiện đúng các coi chừng để lại những biến chứng nguy hiểm.
Hướng dẫn cụ thể từ chuyên gia để sơ cứu người bệnh kịp thời như sau:
– Đầu tiên, cần đặt bệnh nhân nằm nghỉ hoặc ngồi. Nếu đang đi trên đường, ở nơi đông người hay làm việc ngoài trời cần nhanh chóng di chuyển bệnh nhân đến chỗ mát mẻ, có bóng râm, thoáng khí, tránh tiếng ồn lớn.
Nới lỏng quần áo, cởi bỏ nón mũ để bệnh nhân được thoải mái, dễ thở. Bệnh nhân cần hít thở sâu và thả lỏng cơ thể.
– Nếu lúc có máy đo huyết áp cá nhân, cần tiến hành đo ngay cho người bệnh.
+ Nếu huyết áp từ 140 – 160 mmHg: Có thể theo dõi tại nhà, nghỉ ngơi và hạn chế đi lại. Kết hợp với chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, khoa học.
+ Nếu huyết áp trên 160 mmHg có thể sử dụng thuốc huyết áp được bác sĩ chỉ định từ trước. Dùng những loại thuốc có tác dụng trong thời gian ngắn, thường bào chế dưới dạng nhỏ giọt dưới lưỡi hoặc viên ngậm.
Đồng thời kết hợp nghỉ ngơi, thường xuyên đo lại huyết áp. Nếu không có thuốc tây có thể sử dụng nước cần tây, nước râu ngô với tác dụng lợi tiểu làm hạ huyết áp.
+ Tuy nhiên khi người bệnh đã có triệu chứng nguy hiểm như yếu cơ, khó thở, nhìn mờ,… huyết áp tăng không kiểm soát được cần đưa bệnh nhân đến có sở y tế ngay lập tức.
Rau cần tây giúp giảm huyết áp hiệu quả
4. Ngăn ngừa tình trạng cao huyết áp đột ngột
Để phòng tránh những cơn huyết áp đột ngột cần thực hiện những biện pháp sau, đặc biệt đã bị bệnh tăng huyết áp mãn tính từ trước:
– Tuân thủ đúng liều lượng, thời gian sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
– Khi đi mua thuốc điều trị, cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tình trạng bệnh và những thuốc đang sử dụng để tránh tương tác bất lợi.
– Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh giúp kiểm soát tốt huyết áp của mình. Nên ăn những thực phẩm tốt cho tim mạch, điều hòa huyết áp. Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, chất béo bão hòa… là những tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
– Không nên quá nhiều uống rượu bia, các chất kích thích khác.
– Chuẩn bị sẵn một chiếc máy đo huyết áp các nhân.
– Tránh căng thẳng, áp lực.
– Tập thể dục đều đặn, đúng cách hàng ngày.
Giữ tâm trạng luôn luôn thoải mái cũng góp phần duy trì huyết áp
Nhiều người không kiểm soát được huyết áp khiến nó tăng đột ngột dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ. Do đó, việc xử lý đúng cách khi bị tăng huyết áp đột ngột là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra cần thực hiện những chế độ ăn và lối sống lành mạnh để kiểm soát tốt huyết áp cũng vô cùng quan trọng. Mong rằng bài viết này có thể trả lời thắc mắc cho bạn có cách xử trí tốt nhất trong trường hợp xuất hiện cơn tăng huyết áp đột ngột.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.