Thoái hóa cột sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt
Theo thống kê hiện nay, thoái hóa cột sống cổ là bệnh xương khớp đang có xu hướng gia tăng mạnh. Bệnh gây nhiều khó khăn và suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu các thông tin chi tiết về bệnh cũng như phương pháp điều trị bệnh an toàn hiệu quả qua bài viết dưới đây.
1. Thoái hóa cột sống cổ là gì?
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý liên quan đến sự thoái hóa chức năng của các đốt sống vùng cổ (thường là C5, C6, C7). Đây là một bệnh lý mãn tính, bắt đầu từ hiện tượng đau, hư khớp ở diện đốt sống, đĩa đệm đến các bao hoạt dịch và dây chằng. Từ đó lan truyền làm đốt sống cổ đau, đặc biệt là vùng vai gáy. Bệnh tiến triển chậm nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không? là thắc mắc của rất nhiều người. Trước đây, bệnh chỉ phổ biến ở nam giới, nhưng gần đây, số lượng người trẻ mắc thoái hóa cột sống cổ ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây bất cập vô cùng lớn đến chất lượng cuộc sống con người.
Thoái hóa cột sống cổ gây suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng
2. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thoái hóa cột sống cổ. Phần lớn là do những nguyên nhân sau:
– Người thường xuyên có chế độ ăn uống kém khoa học, không đầy đủ các chất dinh dưỡng, thường xuyên dùng các chất kích thích (rượu, bia,…)
– Người làm văn phòng hay các công việc ngồi lâu, ít vận động,…
– Thói quen sinh hoạt hàng ngày như ngồi gù lưng, thói quen kê gối cao khi ngủ.
– Viêm khớp kéo dài cũng có thể gây tình trạng thoái hóa cột sống cổ.
3. Ai dễ bị thoái hóa cột sống cổ?
Một số đối tượng có khả năng bị thoái hóa cột sống cổ cao liên quan đến các yếu tố sau:
– Độ tuổi: Tuổi tác càng cao, khả năng mắc bệnh càng tăng. Ở độ tuổi trung niên từ 40 – 50 tuổi, quá trình lão hóa xương khớp bắt đầu diễn ra, nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ, thắt lưng.
– Nghề nghiệp: Như đã nói ở trên, tính chất công việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mắc bệnh. Đối với những người làm việc trong tư thế cúi, cử động nhiều vùng đầu cổ cường độ cao dễ bị đau đốt sống cổ. Những đối tượng dễ bị nhất như thợ cấy, nha sĩ, nhân viên văn phòng,…
– Các chấn thương: Chấn thương cổ hoặc từng bị chấn thương vùng cổ sẽ có nguy cơ bị thoái hóa cao hơn.
– Yếu tố di truyền: Những người từng có người thân trong gia đình mắc thoái hóa cột sống cổ sẽ có nguy cơ mắc cao hơn.
4. Triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thông thường, hầu hết mọi người không nhận thấy đặc điểm rõ ràng của bệnh. Khi các triệu chứng rõ hơn xuất hiện mới bắt đầu phát hiện như mỏi cổ, mỏi vùng vai gáy,…
Sau đây là các triệu chứng có thể xuất hiện khi bị thoái hóa cột sống cổ:
– Xuất hiện các cơn đau mỏi cột sống cổ, cổ – vai, vận động vùng đầu cổ khó khăn, vướng víu khi xoay cổ.
– Các cơn đau lan rộng đến các vùng khác như vùng gáy, bả vai, đỉnh đầu, 2 bên cánh tay,… khiến cho người bệnh bị mất cảm giác thậm chí là tê liệt cánh tay.
– Hội chứng chèn ép rễ thần kinh, hay bị cứng cổ sau khi ngủ dậy, đau tăng lên khi nghiêng cổ, ho, hắt hơi,…
– Một số rối loạn như giảm phản xạ, thay đổi cảm giác (kiến bò, tê đầu ngón tay,…), rối loạn vận động (yếu tay, teo cơ),…
– Hội chứng động mạch đốt sống: Gây nhức đầu vùng thái dương, chẩm, hai hốc mắt, đôi khi kèm theo ù tai, hoa mắt, chóng mặt,…
– Hội chứng chèn ép tủy cổ: Đến khi bệnh tiến triển nặng, có các biểu hiện như thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiểu tiện, tăng phản xạ gân xương,…
– Dấu hiệu Lhermitte: Xuất hiện cảm giác đau đớn, khó chịu diễn ra đột ngột, có cảm giác có luồng điện chạy dọc từ cổ xuống sống lưng và các chi.
5. Phương pháp chẩn đoán
Hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ khác nhau dựa vào các biện pháp thăm khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng.
5.1 Khám lâm sàng
– Thực hiện các biện pháp kiểm tra khả năng vận động của cột sống cổ.
– Theo dõi các phản xạ và sức cơ ở tay để phát hiện ảnh hưởng của thoái hóa lên các dây thần kinh và tủy sống.
Khám lâm sàng để chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ
5.2 Các xét nghiệm
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ gồm:
– Chụp X – quang cột sống cổ: Đây là biện pháp có thể cho thấy những bất thường của xương như cầu xương, gai xương,… Đồng thời, cũng là cách để loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp khác như u, gãy xương, hay nhiễm trùng.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): có thể xác định được những tổn thương ở mức độ rất nhỏ.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): xác định được chính xác vị trí dây thần kinh bị chèn ép.
– Các xét nghiệm chức năng thần kinh:
+ Phương pháp điện cơ (Electromyography): giúp đo hoạt động của dòng điện trong dây thần kinh khi cơ bắp tay trong trạng thái hoạt động và lúc nghỉ ngơi.
+ Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Gắn các điện cực vào da phía trên dây thần kinh, sau đó cho một dòng điện nhỏ truyền qua. Đo cường độ, tốc độ của tín hiệu thần kinh.
6. Cách điều trị thoái hóa cột sống
Tùy theo mức độ của bệnh mà sử dụng các biện pháp chữa bệnh khác nhau. Bệnh nhân khi cần phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng hơn gặp phải về sau.
6.1 Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc thường là phương pháp chỉ định đầu tiên. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các nhóm thuốc thường sử dụng để điều trị thoái hóa đốt sống cổ, bao gồm:
– Các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID).
– Corticosteroid: Nếu có các triệu chứng đau nghiêm trọng, có thể tiêm Corticoid. Đồng thời, các thuốc chống viêm sử dụng liệu trình ngắn ngày luôn được ưu tiên.
– Thuốc giãn cơ: sử dụng một số loại thuốc giãn cơ làm giảm trạng thái căng cứng, nhức vùng cổ, thường sử dụng Cyclobenzaprine.
– Các thuốc chống trầm cảm.
– Thuốc chống động kinh như Pregabalin, Gabapentin,…
Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng phương pháp nội khoa luôn được ưu tiên hàng đầu
6.2 Vật lý trị liệu
Hiện nay, có rất nhiều bài tập giúp cải thiện thoái hóa cột sống cổ, giúp kéo dài và tăng cường sức cơ ở cổ và vai. Một số bài tập điều trị thoái thóa đốt sống cổ như kéo dãn, xoa bóp vùng vai gáy, điện phân dẫn thuốc,…
Các bài tập yoga giúp cải thiện tình trạng thoái hóa cột sống cổ, giảm đau nhức
6.3 Phẫu thuật ngoại khoa
Đây là biện pháp chỉ sử dụng khi các biện pháp chữa trị trên không có tác dụng. Các bác sĩ ngoại khoa có thể chỉ định các phương pháp như:
– Loại bỏ 1 phần đĩa đệm hoặc xương.
– Hợp nhất một phần cổ bằng cách gắp xương.
– Loại bỏ một phần đốt sống.
7. Phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng để phòng bệnh hiệt quả, tránh gặp phải tình trạng này:
– Dành thời gian cuối ngày, xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy cổ. Phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
– Những người làm việc văn phòng, làm việc với máy tính lâu nên có thời gian nghỉ hợp lý, để giảm những căng thẳng lên vùng cổ gáy.
– Thường xuyên có bài tập thể dục, vận động các khớp cổ nhẹ nhàng.
– Người thoái hóa đốt sống cổ nên ăn những thực phẩm bổ sung Canxi như tôm, cua, các Vitamin nhóm B,…
Như vậy, thoái hóa cột sống cổ không còn là bệnh quá xa lạ với bất kỳ ai. Mọi người hãy chủ động tìm hiểu để phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời.